Tháng 4 này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tròn 75 năm thành lập. Ở tuổi “thượng thọ”, thiết chế y tế lớn nhất thế giới này đã có một hành trình với không ít thành tựu trong việc đảm bảo một thế giới khoẻ mạnh hơn, tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, chính người đứng đầu WHO cũng vừa lên tiếng thừa nhận, "câu chuyện của WHO đã bắt đầu từ 75 năm trước và vẫn đang được viết tiếp. Những thách thức mà chúng ta phải đối mặt ngày nay rất khác so với những năm 1948".
Thành tựu nhiều
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được thành lập ngày 7/4/1948 với tư cách là cơ quan chỉ đạo và điều phối y tế toàn cầu trong hệ thống Liên Hiệp Quốc. WHO có trụ sở tại Geneva (Thụy Sỹ) và hiện có 194 quốc gia, lãnh thổ là thành viên.
Tới thời điểm này nhìn lại hành trình 75 năm đã qua, WHO có thể tự hào đó là một hành trình nhiều thành tựu trong việc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Không ai có thể phủ nhận, 75 năm, WHO đã góp sức không nhỏ vào công cuộc bảo vệ sức khoẻ người dân toàn cầu, giảm bớt những căn bệnh hiểm nghèo, bảo vệ con người khỏi nhiều dịch bệnh nguy hiểm nhờ nỗ lực đẩy mạnh vaccine và tiêm chủng, giải quyết các thách thức về sức khỏe liên quan đến biến đổi khí hậu…
Cụ thể, WHO là tổ chức đi tiên phong trong phân phối vaccine ngăn ngừa bệnh tật. Năm 1974, WHO thành lập Chương trình Tiêm chủng Mở rộng nhằm cung ứng vaccine phòng nhiều bệnh cho trẻ em trên toàn thế giới và đến nay đã có vaccine bảo vệ người dân khỏi hơn 20 căn bệnh đe dọa tính mạng như: bệnh Ebola, bệnh thủy đậu, bệnh sốt vàng da và bệnh tả, uốn ván, ho gà, cúm, sởi… Cũng chính nhờ vaccine, những căn bệnh như bại liệt và bạch hầu gần như bị loại bỏ. Đặc biệt, tiêm chủng đã giúp ngăn chặn bệnh đậu mùa từ năm 1980 - một căn bệnh dịch do virus đã từng khiến hàng triệu người chết.
Trong những thập kỷ qua, WHO luôn ở tuyến đầu trong tất cả các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe: từ dịch tả và Ebola đến cúm gia cầm (H5N1), SARS và đại dịch Covid-19. WHO đã thiết lập Quy định Y tế Quốc tế (IHRs) vào năm 1969 và sửa đổi vào năm 2005, như một thỏa thuận giữa các Quốc gia Thành viên để cùng nhau hợp tác ngăn ngừa và ứng phó với các rủi ro sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng có thể xuyên biên giới và đe dọa mọi người trên toàn thế giới. Kể từ những năm 1980, WHO đã triển khai các dự án “Sức khỏe là cầu nối cho hòa bình” ở châu Phi, châu Á, châu Âu và châu Mỹ Latinh. Năm 2019, WHO đã khởi động chương trình Sức khỏe toàn cầu vì hòa bình để đẩy nhanh việc thúc đẩy chăm sóc sức khỏe ở các khu vực xung đột, giải quyết các rào cản cơ bản cho hòa bình. Năm 1981, các quốc gia thành viên của WHO đã thông qua Quy tắc quốc tế về tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ.
Đến năm 2020, quy tắc này đã được triển khai ở 136 quốc gia, thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ cho hàng triệu trẻ sơ sinh. Năm 2003, các quốc gia thành viên của WHO đã thông qua hiệp ước y tế công cộng đầu tiên trên thế giới - Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC). Hiệp ước, hiện là luật ở 181 quốc gia, bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai khỏi những tác động tàn phá của việc hút thuốc lá. Tính đến năm 2021, hút thuốc lá đã giảm ở 150 quốc gia nhờ thực hiện FCTC. Năm 2021, WHO đã thành lập Liên minh Hành động Chuyển đổi về Khí hậu và Sức khỏe (ATACH) để xây dựng các hệ thống y tế bền vững và có khả năng thích ứng với khí hậu, lồng ghép biến đổi khí hậu và mối quan hệ sức khỏe vào các kế hoạch quốc gia, khu vực và toàn cầu tương ứng…
WHO đưa ra cam kết sẽ thúc đẩy công bằng về y tế, coi quyền y tế là quyền cơ bản của con người, nhấn mạnh đây là “chìa khóa” để giải quyết các thách thức, đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển cho thế giới.
|
Thách thức, thị phi không ít
Cam kết của WHO về Sức khỏe cho Mọi người (Health for All) đã thể hiện rõ ràng trong Hiến pháp thành lập WHO năm 1948.Với những thành tựu đã làm được, có thể nói, WHO đã và đang thực hiện khá tốt sứ mệnh của mình:giúp ngăn ngừa dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe con người.
Dù vậy, những thách thức, thị phi mà tổ chức này phải đối mặt cũng không phải là ít. Thời kỳ đại dịch Covid-19, WHO bị cáo buộc thiếu hiệu quả trong hoạt động, liên tục bị chỉ trích là chưa đánh giá đúng về mức độ dịch bệnh và phản ứng chậm chạp, đặc biệt trong việc công bố đại dịch, khiến các nước không kịp thời phản ứng, dẫn tới đại dịch lây lan ra khắp thế giới với tốc độ nhanh chóng. Trước đó, trong tình thế có vẻ trái ngược, hồi năm 2009, WHO bị chỉ trích là "gây ra tình trạng hoảng loạn không cần thiết, khiến các cơ sở cấp cứu quá tải và khiến nhiều nước phải bội chi để mua thuốc kháng virus" khi tuyên bố đại dịch cúm A/H1N1. Cũng bởi những cáo buộc này, cách đây chưa lâu, WHO đã đứng trước nhiều yêu cầu xác định lại đường hướng hoạt động và cải tổ mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, câu chuyện “tiền đâu để hoạt động” cũng là một vấn đề gây khá nhiều tranh cãi của WHO. Giáo sư Luật Y tế công tại Đại học Georgetown (Mỹ) Lawrence Gostin từng đánh giá ngân sách của WHO chỉ “tương đương với một bệnh viện lớn tại Mỹ, tức là hết sức hạn hẹp so với trọng trách mà WHO đang phải gánh vác”. Ai đóng góp? - cho đến nay vẫn là câu chuyện đau đầu hơn cả của WHO. Nhất là khi Mỹ, từng thường xuyên là nhà tài trợ lớn nhất của WHO đã nhiều lúc dằn dỗi, tuyên bố ngừng tài trợ thậm chí cắt đứt mối quan hệ với WHO.
"Câu chuyện của WHO đã bắt đầu từ 75 năm trước và vẫn đang được viết tiếp. Những thách thức mà chúng ta phải đối mặt ngày nay rất khác so với những năm 1948" .
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus
|
WHO còn nhiều việc phải làm
Khó khăn là vậy, thách thức là vậy, nhưng như thừa nhận của người đứng đầu WHO trong dịp tổ chức này tròn 75 năm tuổi: “Dù tự hào vì những thành tựu đã đạt được, nhưng chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm để hiện thực hóa tầm nhìn của tổ chức khi thành lập, đó là mang lại tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất có thể đạt được cho tất cả mọi người”.
Còn nhiều việc phải làm, bởi theo thống kê của WHO, hiện 30% dân số toàn cầu vẫn không thể tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu, gần 2 tỷ người có chi tiêu y tế nghèo nàn. Đặc biệt, đại dịch Covid-19, các tình huống y tế khẩn cấp, các cuộc khủng hoảng khí hậu và nhân đạo đan xen, khó khăn kinh tế và chiến tranh càng khiến sự mất công bằng trong y tế trở nên trầm trọng.
Ngày Sức khỏe thế giới 2023 cũng đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập WHO. Bối cảnh thực tế đó, sứ mệnh đó đã là nguyên cớ để WHO nhân dịp này đưa ra khẩu hiệu cho Ngày Sức khoẻ thế giới năm nay là "Sức khỏe cho mọi người", hướng tới mục tiêu tất cả người dân, cộng đồng trên thế giới đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng, hiệu quả; đồng thời nâng cao ý thức về việc bảo vệ sức khỏe như khuyến khích người dân dự phòng bệnh tật... Cũng trong dịp này, WHO đưa ra cam kết sẽ thúc đẩy công bằng về y tế, coi quyền y tế là quyền cơ bản của con người, nhấn mạnh đây là “chìa khóa” để giải quyết các thách thức, đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển cho thế giới.
Tất nhiên, một mình WHO không thể “làm nên mọi chuyện”. Để có thể giải quyết bằng ấy những thách thức, WHO kêu gọi các quốc gia hành động khẩn cấp để bảo vệ, hỗ trợ và mở rộng lực lượng lao động y tế như một ưu tiên chiến lược. “Lịch sử của WHO cho thấy chúng ta có thể đạt được nhiều kết quả quan trọng khi các quốc gia đoàn kết với nhau vì một mục tiêu chung” - Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định.
"Câu chuyện của WHO đã bắt đầu từ 75 năm trước và vẫn đang được viết tiếp. Những thách thức mà chúng ta phải đối mặt ngày nay rất khác so với những năm 1948, nhưng tầm nhìn của chúng ta vẫn không thay đổi, đó là tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất có thể cho tất cả mọi người" - Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh điều đó như một lời cam kết của thiết chế y tế này tới mọi công dân toàn cầu, vì một thế giới khỏe mạnh hơn và tốt đẹp hơn./.
Hà Anh