Ván bài mạo hiểm của ngài Thủ tướng và sự hỗn loạn dai dẳng của Israel

Những người biểu tình tại Israel, họ cho biết vẫn sẵn sàng cho tình huống chính phủ tiếp tục cải cách và họ có thể trở lại đường phố bất cứ lúc nào.

 

Cải cách tư pháp là cần thiết để hợp lý hóa quản trị và điều chỉnh sự mất cân bằng quyền lực giữa các cơ quan hành pháp và tư pháp, cân bằng 3 nhánh quyền lực cao nhất, củng cố nền dân chủ của Israel, giúp Israel phù hợp với hầu hết các nền dân chủ trên thế giới - thực tế hỗn loạn tại quốc gia Trung Đông này suốt 3 tháng qua cho thấy mục tiêu đầy tham vọng ấy của Thủ tướng Benjamin Netanyahu không những không thực hiện được mà ngược lại còn là ván bài quá mạo hiểm đối với sự nghiệp chính trị của ông Netanyahu.

Kế hoạch cải cách tư pháp - cú “tất tay” của ngài Thủ tướng

Cách đây hơn một tháng, Tổng thống Israel Isaac Herzog trong bài phát biểu đặc biệt được truyền hình trực tiếp tới toàn thể người dân, đã cảnh báo cuộc khủng hoảng cải cách tư pháp đang đẩy Israel đến “những ngày định mệnh", đẩy Israel đến bên “trên bờ vực sụp đổ về hiến pháp và xã hội”, “nền an ninh, kinh tế và xã hội của Israel đang bị đe dọa”.

Và thực tế, nền an ninh, kinh tế và xã hội của Israel đã bị đe dọa nghiêm trọng từ hơn 3 tháng qua khi tại quốc gia Trung Đông này đã hình thành nên làn sóng biểu tình kéo dài, nhằm phản đối kế hoạch cải cách tư pháp và “bảo vệ linh hồn của nền dân chủ Israel”. Mọi chuyện bắt nguồn từ ngày 4/1/2023, chỉ 6 ngày sau khi Chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên thệ nhậm chức, Bộ trưởng Tư pháp Israel Yariv Levin công bố giai đoạn đầu tiên của kế hoạch cải cách tư pháp thông qua việc sửa đổi một số nội dung luật.

Lực lượng Israel ngăn cản những người biểu tình ngày 27/3. (Ảnh: WSJ)

Tuy nhiên, kế hoạch cải cách này ngay sau khi được công bố đã vấp phải những phản ứng gay gắt, từ các Tổng chưởng lý, Chánh án Tòa án Tối cao, giới thẩm phán… cho đến các chính trị gia, các quan chức kinh tế, tài chính. Trong đó, điều khiến những người phản đối cảm thấy bức xúc nhất là việc kế hoạch cải cách tư pháp này lộ rõ mục đích hạn chế tầm ảnh hưởng của các chuyên gia pháp lý, tăng quyền hạn của Chính phủ trong việc lựa chọn thẩm phán. Điều đáng nói là Dự luật không cho phép Tòa án Tối cao ra phán quyết bác những luật cơ bản mà Quốc hội thông qua, kể cả khi những luật này là vi hiến đồng thời cho phép đa số hẹp trong Knesset - Quốc hội nước này - lật ngược các phán quyết của Tòa án Tối cao Israel. Tựu chung, căn cốt nhất, kế hoạch cải cách tư pháp, một khi được thông quasẽ trao cho chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu quyền kiểm soát nhiều hơn đối với việc bổ nhiệm các thẩm phán, qua đó làm suy yếu khả năng của Tòa án Tối cao Israel trong việc bãi bỏ luật hoặc phán quyết chống lại cơ quan hành pháp.

Nặng nề hơn, nhiều cáo buộc còn cho rằng việc Thủ tướng Benjamin Netanyahu ra sức thúc đẩy kế hoạch cải cách tư pháp này còn là ván bài mang tính cá nhân trong bối cảnh ông Netanyahu đang phải đối mặt với các cáo trạng lừa dối, vi phạm lòng tin và nhận hối lộ trong ba vụ bê bối liên quan đến các cộng sự giàu có và các ông trùm truyền thông quyền lực. “Các cáo buộc tham nhũng đang được đưa ra để chống lại ông ấy về cơ bản sẽ bị hủy bỏ nếu các quyết định của Tòa án Tối cao bị vô hiệu” - một vị giáo sư nhận định.

Hàng nghìn người biểu tình chặn một đường cao tốc ở Tel Aviv, Israel nhằm đối kế hoạch đại tu tư pháp của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. (Ảnh: WSJ)

Về phần mình, trước những cáo buộc phản ứng giận dữ, Thủ tướng Benjamin Netanyahu và những người ủng hộ lên tiếng cho rằng, việc cải cách tư pháp là cần thiết để khôi phục sự cân bằng trong hệ thống và hạn chế các thẩm phán vượt quá quyền hạn khi can thiệp vào lĩnh vực chính trị. Theo ông Netanyahu, kế hoạch cải tổ sẽ giúp cân bằng 3 nhánh quyền lực cao nhất và là điều cần thiết để củng cố nền dân chủ của Israel. “Nó giúp Israel phù hợp với hầu hết các nền dân chủ trên thế giới, bởi vì Israel hiện là một ngoại lệ”, ông Netanyahu phát biểu trong một cuộc phỏng vấn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy ván bài của ngài Thủ tướng có vẻ đang hết sức mạo hiểm. Kết quả hầu hết các cuộc thăm dò dư luận do Viện Dân chủ Israel và các tổ chức khác tiến hành cho thấy, đa số người Israel không ủng hộ các nội dung cải cách tư pháp được Chính phủ đề xuất. Theo những người phản đối, nếu dự luật được thông qua sẽ trở thành công cụ để Chính phủ vô hiệu hóa nhiều quyết định của tòa án, ảnh hưởng tới tính công bằng, sự độc lập cần có của tòa án hay nói một cách khác là mối đe dọa đối với nền dân chủ Israel. “Kế hoạch này tước bớt quyền lực của tòa án và trao cho chính phủ “quyền lực vô hạn”, thật chẳng khác gì một “cuộc tấn công không kiểm soát vào hệ thống tư pháp” - Tổng chưởng lý Israel Gali Baharav - Miara lên tiếng. Nhiều quan chức kinh tế và tài chính Israel còn cảnh báo, kế hoạch này có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế của Israel, thúc đẩy tham nhũng.

Người dân Israel tuần hành phản đối kế hoạch cải cách tư pháp của chính phủ tại Tel Aviv, ngày 27/3. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tạm dừng không có nghĩa là từ bỏ, hỗn loạn sẽ còn dai dẳng

Điều này có thể được ngầm hiểu trong phát biểu của ông Netanyahu đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ hy vọng ông Netanyahu sẽ từ bỏ kế hoạch cải cách tư pháp. Theo ông Netanyahu, Israel là một quốc gia có chủ quyền, đưa ra quyết định không phụ thuộc vào áp lực từ nước ngoài, và rằng, chính quyền của ông đang cố gắng thực hiện các cải cách “thông qua sự đồng thuận rộng rãi”. Trước đó, trước những phản ứng quá ư gay gắt và dai dẳng trong xã hội Israel, ngày 27/3, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết ông sẽ hoãn các cuộc bỏ phiếu về cải cách tư pháp theo kế hoạch trước đó. Tuy nhiên, ông này vẫn nhấn mạnh việc cải cách tư pháp là cần thiết.

Không biết sự đồng thuận rộng rãi cũng như sự cần thiết này là như thế nào chỉ biết là những ngày qua, những cuộc biểu tình quy mô lớn vẫn không ngừng diễn ra tại đất nước này. Có những cuộc biểu tình như cuộc biểu tình diễn ra tại thành phố ven biển Tel Aviv thu hút tới khoảng 100.000 người tham gia. Mới đây nhất, đêm 26 rạng sáng 27/3, các cuộc biểu tình với quy mô và tính chất nghiêm trọng chưa từng có đã nổ ra trên khắp Israel sau khi Thủ tướng Netanyahu cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant - quan chức cấp cao nhất trong chính phủ phản đối kế hoạch cải cách tư pháp. Ngày 27/3, Tổng Liên đoàn lao động Israel (Histadrut) đã kêu gọi tổng đình công lớn trên cả nước, khiến một số hoạt động kinh tế - xã hội bị đình trệ. Rất nhiều quân nhân của Israel, từ phi công đến sĩ quan tình báo, cho biết họ sẽ từ chối phục vụ nếu kế hoạch cải cách tư pháp được thông qua.

 

Sự cương quyết của người đứng đầu chính phủ Israel cho thấy nguồn cơn của những xung đột, biểu tình suốt 3 tháng qua chưa bị dập tắt và như thế xung đột, bất ổn, hỗn loạn vẫn còn xảy đến tại đất nước này. Nói như cựu lãnh đạo Tổng cục Tình báo Israel hiện là giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS), Thiếu tướng Tamir Hayman: “Các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục diễn ra trừ khi ông Netanyahu công khai thừa nhận sai lầm khi dẫn dắt cuộc cải cách đó… Đây là kịch bản duy nhất mà chúng ta sẽ chứng kiến ​các cuộc biểu tình chấm dứt hoàn toàn”. Còn với những người biểu tình tại Israel, họ cho biết vẫn sẵn sàng cho tình huống chính phủ tiếp tục cải cách và họ có thể trở lại đường phố bất cứ lúc nào./.

Nền an ninh, kinh tế và xã hội của Israel đã bị đe dọa nghiêm trọng từ hơn 3 tháng qua khi tại quốc gia Trung Đông này đã hình thành nên làn sóng biểu tình kéo dài, nhằm phản đối kế hoạch cải cách tư pháp và “bảo vệ linh hồn của nền dân chủ Israel”.

Nguyễn Hà

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận