Hệ luỵ mà cuộc chiến do Mỹ phát động tại Iraq để lại cho cả hai phía, đặc biệt là với những người dân thường Iraq vẫn còn vẹn nguyên. Thảm cảnh của nghèo đói và bất ổn mà 20 năm qua quốc gia Trung Đông này vẫn phải gánh chịu là minh chứng cho thấy lời tuyên bố “sứ mệnh đã hoàn thành” của ông Bush đã không thành sự thực.
Cuộc chiến chóng vánh
Cách đây 20 năm, ngày 20/3/2003, từ nước Mỹ, Tổng thống George W. Bush tuyên bố chính thức bắt đầu cuộc chiến ở Iraq với lý do giải giáp nước này khỏi vũ khí hủy diệt hàng loạt. "Mỹ và các đồng minh đang trong giai đoạn đầu của các hoạt động quân sự nhằm giải giáp Iraq, giải phóng người dân Iraq và bảo vệ thế giới khỏi mối nguy nghiêm trọng. Tôi đã ra lệnh cho các lực lượng liên minh bắt đầu tấn công các mục tiêu quân sự quan trọng của Iraq", Tổng thống Mỹ George W.Bush tuyên bố trước thế giới. Trước đó, để dọn đường cho cuộc chiến, Mỹ đã mở một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ ở trong, ngoài nước về “sự cần thiết phải lật đổ Saddam Hussein” bởi đó là “mối đe doạ hàng đầu” đối với lợi ích và an ninh nước Mỹ; do Iraq chế tạo, tàng trữ vũ khí giết người hàng loạt, tiếp tay, huấn luyện và cung cấp đất thánh cho tổ chức khủng bố al Qaeda...
Bên cạnh sự chuẩn bĩ kỹ lưỡng về mặt dư luận, truyền thông, như một lẽ đương nhiên, khối lượng khí tài, quân sự Mỹ dồn cho cuộc chiến này mới thực sự đáng kể. Đơn cử như quân đội Mỹ còn thuê nhiều tàu vận tải loại lớn để chuyên chở binh lực được nhanh và nhiều. Đặc biệt, lần đầu tiên Mỹ triển khai máy bay tàng hình B-2 ngoài lãnh thổ nước Mỹ - đến căn cứ trên đảo Diego Garcia để hỗ trợ cho việc tấn công Iraq.
Cuộc chiến bắt đầu bằng cuộc không kích nhắm vào Dinh Tổng thống ở Baghdad ngày 20/3/2003 sau đó, lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu tiến từ điểm tập kết ở biên giới Kuwait vào lãnh thổ Iraq, bắt đầu chiến dịch tấn công trên bộ. Song song với đó, là những cuộc không kích quy mô lớn. Với sự không cân xứng về lực lượng, tiềm lực vũ khí, không có gì quá ngạc nhiên khi rất nhanh, ngay sau những cuộc tấn công ban đầu của lực lượng liên quân, lực lượng vũ trang Iraq rơi vào hỗn loạn và gần như không thể kháng cự. Bởi thế, chỉ một tháng sau, ngày 9/4/2003, liên quân đã tiến vào thủ đô Baghdad, chế độ của tổng thống Saddam Hussein sụp đổ. Cũng rất nhanh sau đó, Tổng thống Bush ngày 1/5/2003 tuyên bố “nhiệm vụ tác chiến hoàn thành”, chuyển sang giai đoạn “xây dựng chế độ dân chủ” ở Iraq. Tháng 12/2003, Tổng thống Iraq Saddam Hussein bị bắt và bị tử hình ba năm sau đó. Chuyện dư luận đồn thổi rằng thực tế, Mỹ chỉ mất 6 tuần để “xóa sổ” quân đội Iraq rõ ràng là có cơ sở của nó.
Hệ luỵ quá thảm khốc
Tới thời điểm này, sau 20 năm ngày cuộc chiến tại vùng Vịnh diễn ra, độ chính xác của những con số thống kê thiệt hại về người và của cả hai phía, đặc biệt là về phía Iraq, vẫn chưa thực sự thống nhất.
Theo dự án Thiệt hại Chiến tranh của Đại học Brown (Mỹ), khoảng 200.000 dân thường Iraq đã chết dưới tay lực lượng Mỹ, chiến binh al-Qaeda, quân nổi dậy Iraq hoặc nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ít nhất 45.000 thành viên của quân đội và cảnh sát Iraq cùng ít nhất 35.000 quân nổi dậy Iraq cũng thiệt mạng, và hàng chục nghìn người khác bị thương. Còn theo kênh truyền hình i24NEWS có trụ sở tại Israel, kể từ thời điểm Mỹ phát động chiến tranh, 400.000 người Iraq đã thiệt mạng. Theo Iraq Body Count, một tổ chức phi chính phủ của Anh, hơn 7.000 thường dân Iraq đã thiệt mạng, còn có những thông tin lại cho biết hơn 1.000 dân thường thiệt mạng trong các cuộc không kích kéo dài 7 năm ở Iraq và Syria. Mỹ và các đồng minh đã thả 29.166 quả bom và tên lửa vào Iraq, theo dữ liệu từ Lầu Năm Góc. Chưa kể, 9 triệu người mất nhà cửa hoặc buộc phải rời khỏi đất nước. Phần lớn cơ sở hạ tầng của Iraq nằm trong đống đổ nát, trong đó, có không ít các di sản văn hóa bị phá hủy hoặc thất lạc. Những con số có thể khác nhau, nhưng dường như cảm nhận khủng khiếp của những nhân chứng về cuộc chiến thì chẳng khác nhau là bao. "Vào thời điểm đó, chúng tôi nằm trong vùng bị tấn công và chỉ có một người trong tổng số 137 người sống sót. Điều đó thật không thể tin được. Nhiều ngôi nhà, trong đó có gia đình anh chị tôi đã bị san bằng"- Walid Khaled, một người Iraq bàng hoàng nhớ lại.
Mất người, mất của, khủng hoảng tinh thần… chừng ấy chưa phải là những hệ luỵ khủng khiếp duy nhất mà cuộc chiến này để lại, dù 20 năm đã trôi qua. 20 năm trước, khi kết thúc cuộc chiến, người đứng đầu Nhà Trắng khi đó đã tuyên bố rằng “sứ mệnh đã hoàn thành”. Nhưng đến nay, có một thực tế không thể phủ nhận là nhiều người dân Iraq vẫn chờ đợi sự bồi thường về vật chất và tinh thần, nhiều người dân Iraq vẫn tiếp tục trải qua cuộc sống đầy bạo lực, nghèo đói và bất ổn mỗi ngày. Đến nay, cũng khác xa với lời hứa hẹn “sẽ trở thành thiên đường dân chủ”, Iraq vẫn là một trong những điểm nóng xung đột bạo lực nhất trên thế giới.
20 năm sau cuộc chiến, Iraq trở thành quốc gia giàu dầu mỏ duy nhất trong khu vực có trình độ phát triển thấp, thu nhập bình quân đầu người thấp nhất thế giới với hàng triệu người sống trong cảnh túng thiếu, cơ sở hạ tầng đổ nát, thiếu điện, thiếu nước sạch, hệ thống chăm sóc y tế và giáo dục nghèo nàn, chắp vá… "Hơn 40% người dân Iraq sống dưới mức nghèo khổ. Sau 20 năm, đất nước vẫn chưa thể hồi phục, người dân không có việc làm. Mọi thứ vẫn như trước đây. Thật là một vòng luẩn quẩn" - nhà báo Iraq chua chát khẳng định. Phát biểu trước lễ kỷ niệm 20 năm cuộc chiến Iraq, hầu hết người dân đều bày tỏ sự thất vọng và thậm chí tuyệt vọng với những gì đang diễn ra ở đất nước họ. Với họ, dù 20 năm đã trôi qua, nhưng những vết sẹo từ cuộc chiến vẫn chưa thể lành da, vẫn dày vò, nhức nhối họ mỗi ngày.
Chiến tranh đã không nên xảy ra
Với nước Mỹ, những gì mà cuộc chiến gây ra cách đây 20 năm cũng chẳng kém phần thảm cảnh, cho dù họ là bên chiến thắng. Nhiều thống kê cho thấy cuộc chiến tại Iraq đã gây thiệt hại cho nước Mỹ hàng nghìn tỷ USD, gần 5.000 lính Mỹ đã thiệt mạng. Nhưng điều đáng nói hơn là sau cuộc chiến, một cuộc thăm dò cho thấy có tới 61% người Mỹ thừa nhận, đất nước họ đã mắc sai lầm khi phát động cuộc chiến. Giám đốc CIA thậm chí từng thừa nhận: “Thất bại ở Iraq đã làm tổn hại hình ảnh và uy tín của Mỹ. Nếu đây là cách Mỹ thúc đẩy nền dân chủ, rất ít người Arab muốn tham gia vào nỗ lực đó”. Cựu Đại sứ Mỹ tại Kuwait và Libya, nhà ngoại giao Deborah Jones phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Nga 'Gazeta.ru’ cũng từng nhấn mạnh: "Tôi không nghĩ rằng bất cứ ai ở Trung Đông sẽ phủ nhận: Cuộc xâm lược Iraq là một sai lầm chiến lược của nước Mỹ và nó còn được xem xét là một sai lầm chiến lược của thế kỷ XXI".
Và mọi sự có lẽ sẽ còn chua chát hơn nếu biết rằng Mỹ cáo buộc Iraq là một phần của “trục liên minh ma quỷ”, là một trong số các quốc gia chịu trách nhiệm dung túng cho các tổ chức khủng bố trong sự kiện ngày 11/9 nhưng trên thực tế, “vũ khí hủy diệt hàng loạt” cũng như “kho dự trữ vũ khí hóa học” của Iraq chưa bao giờ được tìm thấy. “Nếu sự cảnh giác cao độ của một người là yếu tố chính giúp họ sống sót sau giai đoạn đặc biệt đau thương của cuộc đời thì điều đó có thể bị chuyển hóa trong DNA và truyền cho con cháu. Tuy nhiên, giải pháp trị liệu cho những trường hợp như vậy đòi hỏi thời gian, và cách tốt nhất ngoài việc làm lành vết thương là không để chiến tranh xảy ra-Alexandra Chen, một chuyên gia về chấn thương tâm lý ở Anh nhìn nhận. Nhưng thật đáng tiếc, chiến tranh đã không chỉ đã xảy ra mà còn gây nên những hệ lụy quá ư khủng khiếp và dai dẳng./.
Ngày 20/3/2023 đánh dấu tròn 2 thập kỷ cuộc chiến tranh do Mỹ phát động tại Iraq. 20 năm đã qua đi nhưng hệ lụy mà cuộc chiến này để lại cho cả hai phía, đặc biệt là với những người dân thường Iraq vẫn còn vẹn nguyên. Những vết sẹo từ cuộc chiến vẫn chưa thể lành da, vẫn dày vò, nhức nhối họ mỗi ngày.
|
Hà Anh