Một ngân hàng nằm trong Top 20 ngân hàng thương mại hàng đầu Mỹ lại có thể sụp đổ quá chóng vánh chỉ trong vòng 48 giờ. Chuyện gì xảy ra tiếp theo, hệ lụy sẽ thế nào khi chỉ trong chưa đầy một tuần, có đến 3 ngân hàng lớn của nước Mỹ nối đuôi nhau sụp đổ? - đó là những câu hỏi đang “nóng” nhất không chỉ tại nước Mỹ.
Đường đến… địa ngục của SVB
Trước năm 2021, có nằm mơ các start-up công nghệ, những người gửi tiền tại Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB)cũng không thể nghĩ rằng ngân hàng mà họ chọn gửi gắm những khoản lợi nhuận chi trả lương của công ty họ- lại có thể sụp đổ chóng vánh đến thế. Thời điểm đó, CEO của SVB, ông Greg Becker, liên tục nhấn mạnh trên các phương tiện truyền thông rằng: “Tôi thường nói với mọi người rằng tôi có một công việc tuyệt vời nhất thế giới. Ở SVB, chúng tôi làm việc với những công ty tuyệt vời nhất thế giới”.
Trong một thời gian dài, việc nhận được rất nhiều tiền gửi từ các doanh nghiệp khởi nghiệp, khiến tiền gửi tại SVB tăng vọt từ 102 tỷ USD lên 189 tỷ USD. Trong tình trạng “thừa thanh khoản”, nhằm kiếm lợi nhuận SVB ráo riết đầu tư vào trái phiếu kho bạc và các loại chứng khoán được chính phủ hậu thuẫn với tổng trị giá khoảng 120 tỷ USD. Trong số đó có khoảng 91 tỷ USD là trái phiếu có thế chấp với lãi suất cố định - bình quân chỉ 1,64%, kỳ hạn, có loại lên tới 10 năm. Mọi sự sẽ tiếp tục “như trong cơn mơ” của SVB bắt đầu chấm dứt khi cách đây hơn một năm, Cục Dự trữ Liên bang (FED - tức Ngân hàng Trung ương Mỹ) bắt đầu tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Việc Fed tăng lãi suất nhanh và mạnh khiến khoản đầu tư trái phiếu của SVB lỗ nặng. SVB phải bán lỗ một lượng lớn trái phiếu để đáp ứng nhu cầu rút tiền và tài trợ các khoản vay mới, trong khi vì lo sợ, các nhà đầu tư mạo hiểm liên tục đổ xô rút tiền từ SVB. Chỉ trong ngày 9/3 có tổng cộng 42 tỷ USD được rút khỏi SVB, tương đương 1/5 tài sản của ngân hàng này và như một hệ lụy dễ hiểu, SVB rơi vào tình trạng cạn tiền và phải tuyên bố phá sản. Đến sáng 10/3/2023, giao dịch cổ phiếu SVB bị tạm dừng, các cơ quan quản lý của tiểu bang California đã can thiệp, đóng cửa SVB và đặt nó dưới sự quản lý của Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC). Số phận của top 20 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã khép lại “bi thảm” như vậy.
Lehman Brothers- thảm kịch xưa hiện về
Điều khiến giới tiền tệ ngân hàng Mỹ choáng váng hơn nữa là “cái chết” của SVB xảy đến chỉ trong vòng chưa đầy một tuần khi có tới hai ngân hàng lớn của Mỹ nữa cũng phải tuyên bố phá sản: Signature Bank, một ngân hàng quen thuộc với giới tiền số có tài sản lên tới 114 tỷ USD và Silvergate.
Trong nỗi sợ hiệu ứng "lây lan", “bóng ma” Lehman Brothers từ 15 năm trước lại hiện về ám ảnh phố Wall và nước Mỹ. Báo chí vì thế, cũng đua nhau lục lại “hồ sơ Lehman Brothers”. 15 năm trước, vào ngày 15/9/2008, Lehman Brothers đệ đơn phá sản. Vào thời điểm sụp đổ, Lehman là ngân hàng đầu tư lớn thứ tư tại Mỹ với 25.000 nhân viên trên toàn thế giới, 639 tỷ USD tài sản và 613 tỷ USD nợ phải trả.
Cái chết của Lehman Brothers 15 năm trước dường như cũng mang dáng vẻ của SVB hôm nay. Những năm 2003 và 2004, khi bong bóng nhà đất ở Mỹ đang diễn ra tốt đẹp, Lehman đã mua lại 5 công ty cho vay thế chấp cùng với BNC Mortgage và Aurora Loan Services, chuyên cung cấp các khoản vay Alt-A, các khoản vay được thực hiện cho người đi vay mà không có giấy tờ đầy đủ. Lúc đầu, hoạt động kinh doanh bất động sản của Lehman vô cùng thuận lợi, giúp công ty gặt hái lợi nhuận kỷ lục hàng năm, giá cổ phiếu của Lehman có thời điểm đạt mức cao kỷ lục 86,18 USD/cổ phiếu, mang lại giá trị vốn hóa thị trường gần 60 tỷ USD.
Tuy nhiên, câu chuyện thiên đường của Lehman Brothers chỉ diễn ra đến năm 2008 khi thị trường nhà ở Mỹ trở nên bất ổn, cổ phiếu của Lehman giảm mạnh, có thời điểm giảm hơn 40%, đỉnh điểm là ngày 12/9/2008, cổ phiếu của Lehman đã giảm tới… 93%. Ngày 15/9/2008, Lehman tuyên bố phá sản.
Sự sụp đổ của Lehman Brothers đã trở thành biểu tượng của Cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008, quét qua các thị trường tài chính trên thế giới và gây thiệt hại ước tính khoảng 10 nghìn tỷ USD cho sản lượng kinh tế bị mất. Sau này, chính Ủy ban điều tra cuộc khủng hoảng kết luận: "Cuộc khủng hoảng tài chính đạt đến mức độ kinh hoàng với sự sụp đổ của Lehman Brothers". Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đó đã gọi cơn chấn động phố Wall là cuộc sụp đổ “lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái” (năm 1930).
Lịch sử có lặp lại?
Liệu SVB có “lặp lại lịch sử”, làm nên một thảm kịch Lehman Brothers thứ 2 tạo nên một cuộc khủng hoảng trong hệ thống tài chính Mỹ là điều đang làm “hack não” giới đầu tư tài chính hiện nay. Mọi sự càng trở nên hoảng loạn khi sự vụ SVB đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần 9-10/3 và làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu khi hàng tỷ USD tiền gửi của nhiều công ty và nhà đầu tư “mắc kẹt”.
Mọi sự lo lắng đều là có cơ sở. Bản thân Cục Dự trữ Liên bang Mỹ 2 ngày sau sự việc cũng đã đề phòng kịch bản thêm nhiều ngân hàng phá sản. Theo đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang nước này đang cân nhắc việc thành lập một quỹ cho phép các cơ quan quản lý hỗ trợ thêm tiền gửi tại các ngân hàng đang gặp khó khăn, sau sự sụp đổ của SVB với hy vọng biện pháp như trên sẽ trấn an người gửi tiền và giúp ngăn chặn bất kỳ sự hoảng loạn nào trên thị trường.
Tại Anh, hơn 250 lãnh đạo các công ty công nghệ Anh đã gửi thư tới Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt, để kêu gọi chính phủ nước này can thiệp.Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia đã lên tiếng trấn an nước Mỹ và thế giới rằng SVB không có quy mô lớn như Lehman Brothers nên khó có thể gây ra hiệu ứng domino như hiệu ứng từng siết chặt ngành ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008. “Hệ thống này được vốn hóa tốt và có tính thanh khoản tốt như trước đây. Các ngân hàng hiện đang gặp rắc rối quá nhỏ để có thể trở thành mối đe dọa có ý nghĩa đối với hệ thống rộng lớn hơn” - nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của tập đoàn Moody nhấn mạnh. Theo các chuyên gia kinh tế, sự sụp đổ của SVB xảy đến trong bối cảnh Mỹ đã cải tổ nhiều quy định về quản lý ngân hàng sau sự vụ Lehman Brothers, bao gồm các yêu cầu nghiêm ngặt về vốn, điều đó có nghĩa các ngân hàng phải có một lượng dự trữ nhất định cho những thời điểm khủng hoảng, cũng như các quy định về mức độ đa dạng hóa hoạt động kinh doanh.Bà Cecilia Rouse, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng, cho biết: “Chúng tôi đã học được nhiều điều từ năm 2008, và có các công cụ tốt hơn để có thể bảo vệ các khoản đầu tư quan trọng của người gửi tiền. Tổng thống Mỹ Biden cũng lên tiếng cho biết những biện pháp mà chính quyền Mỹ đưa ra mang thông điệp “người Mỹ có thể tin rằng hệ thống ngân hàng đang an toàn”, đồng thời cam kết sẽ có các quy định chặt chẽ hơn sau vụ phá sản của SVB.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng đây có thể được xem là hồi chuông cảnh báo cho châu Á, đặc biệt là những nền kinh tế chưa tăng lãi suất mạnh. “Nhiều tổ chức, từ các ngân hàng trung ương, ngân hàng thương mại đến quỹ hưu trí, đều đang ngồi trên khối tài sản có giá thấp hơn nhiều giá trị trong sổ sách. Quy mô vấn đề này bắt đầu khiến người ta lo ngại rồi” - ông Jens Hagendorff, Giáo sư tài chính tại trường King’s College London, cảnh báo. Rõ ràng trong một nền kinh tế toàn cầu như hiện nay, không có gì đảm bảo chắc chắn sẽ không có những thảm kịch SVB tiếp theo, vấn đề chỉ là bi kịch ở mức độ nào mà thôi./.
“SVB chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Tôi không lo lắng nhiều về những ông lớn, nhưng rất nhiều ngân hàng nhỏ sẽ chịu một cú giáng khủng khiếp. Nhiều ngân hàng sẽ phải huy động thêm vốn chủ sở hữu”.
Ông Christopher Whalen, Chủ tịch Công ty tư vấn tài chính Whalen Global Advisors.
|
Hà Anh