Việc trở thành “miền đất hứa của người di cư” đã đưa châu Âu vào những áp lực lớn và dai dẳng chưa từng có. Đó không chỉ là áp lực an sinh kép trong bối cảnh kinh tế châu Âu đang chịu những tác động tiêu cực chưa từng có từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine mà còn đẩy lục địa già vào cảnh “đồng sàng dị mộng”, bất đồng âm ỉ.
Vấn nạn dai dẳng
Không biết tự bao giờ, châu Âu đã trở thành “miền đất hứa của những người di cư”, một cách bất đắc dĩ. Chỉ tính riêng trong khoảng gần 10 năm trở lại đây, con số người di cư bất hợp pháp vào châu Âu ngày càng gia tăng kỷ lục. Thời điểm năm 2014, 2015, châu Âu đã được coi là đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư chưa từng có và nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến II. Theo số liệu của Văn phòng thống kê châu Âu, số người tị nạn đến lục địa già trong năm 2015 là hơn 1,2 triệu người, gấp đôi số người tị nạn đến lục địa này trong năm 2014. Hình ảnh người tị nạn chen chúc nhau ở cảng Calais (miền Bắc nước Pháp) để tới đường hầm vượt qua biển Manche sang Anh, hay người tị nạn chui hàng rào từ Serbia để vào Hungary… thời kỳ đó đã là nỗi ám ảnh của người dân EU.
Nhưng gần 10 năm sau, nỗi ám ảnh ấy vẫn chưa kết thúc, cảnh tượng những dòng người tị nạn đông nghìn nghịt, bất chấp nỗ lực lớn của cơ quan nhập cư và Cơ quan Bảo vệ biên giới EU (Frontex). Năm 2021, chỉ riêng số lượng người di cư bất hợp pháp đã đến các nước EU là gần 200.000 người, tăng 57% so với năm 2020. Năm 2022 vừa qua, theo thống kê từ Frontex, số vụ vượt biên trái phép vào lãnh thổ các nước Liên minh châu Âu (EU) năm 2022 vượt mốc 330.000 vụ, con số cao nhất kể từ năm 2016. Số người đến EU thông qua tuyến đường Balkan năm vừa qua cao gấp ba lần so với mức cùng kỳ năm 2021 và gấp 10 lần so với mức năm 2018. Số người tìm cách vượt Ðịa Trung Hải đến EU cũng tăng đột biến với hơn 42.500 người, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021.
Chừng ấy con số vẫn chưa nói những đau thương từ vấn nạn này. Cái giá phải trả bằng sinh mạng của người di cư mới thực sự khủng khiếp. Khủng khiếp hơn nữa là con số hàng chục ngàn người thiệt mạng, mất tích trong các chuyến hành trình vượt biển để tới châu Âu mỗi năm vẫn không ngừng tăng lên. Theo dữ liệu từ LHQ, hơn 20.300 người đã thiệt mạng hoặc mất tích ở Địa Trung Hải kể từ năm 2014. Trong năm 2022 có trên 1.450 người di cư đã thiệt mạng khi đi qua tuyến đường này để đến châu Âu. Chỉ riêng từ năm 2013 đến nay, ước tính hơn 220 người đã thiệt mạng, mất tích trên hành trình di cư. Nhiều thảm kịch đã xảy đến, vô cùng thảm khốc. Gần đây nhất chỉ trong tháng 2/2023 là nhiều vụ chấn động: hơn 70 người thiệt mạng do đắm tàu ngoài khơi Libya, hàng trăm người thiệt mạng do đắm tàu ở bờ biển miền Nam Italia, hàng chục người tử vong trong xe tải tại Bulgaria…
Nhiều chuyên gia đang nói đến cái gọi là “khủng hoảng kép” mà châu Âu đang phải đối mặt: Khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng an sinh xã hội, bất ổn xã hội bởi vấn nạn di cư.
|
“Vượt quá giới hạn”
Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman lý giải về việc Chính phủ Anh ngày 7/3 công bố kế hoạch mới nhằm mạnh tay ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp từ Pháp vào Anh qua Eo biển Manche. Theo Bộ trưởng Nội vụ, dự luật được đưa ra trong bối cảnh nhập cư bất hợp phát tại Anh đã vượt quá giới hạn và trở thành một phần của cuộc khủng hoảng di cư trên toàn cầu. Dự luật quy định, người nhập cư trái phép vào Anh qua Eo biển Manche sẽ bị trục xuất, bị cấm nhập cảnh vào Anh và bị cấm xin cấp quy chế công dân của nước này. Trước đó, hồi tháng 6/2022, chính phủ Anh được cho cũng đã đưa ra giải pháp mạnh tay không kém khi cho rằng nên đưa người vượt biên trái phép sang Rwanda, một quốc gia ở Đông Phi. Thời điểm đó, các tổ chức từ thiện và nhóm vận động xã hội đã phản đối cho rằng thỏa thuận không an toàn cho người di cư và có thể gây ra những hậu quả không thể đảo ngược đối với cuộc sống của họ.
Nhưng Anh không phải là quốc gia duy nhất quyết liệt với nạn di cư bất hợp pháp. Italy - một trong những “điểm đến” hàng đầu của những người di cưtừng thông qua luật mới gây tranh cãi về áp đặt các quy định chặt chẽ hơn đối với các tổ chức phi chính phủ (NGO) giải cứu người di cư trên biển. Hội đồng châu Âu, Liên Hợp Quốc (LHQ) và một số tổ chức từ thiện chỉ trích quy định mới bởi nó sẽ cản trở giải cứu người di cư và có nguy cơ làm tăng số vụ chết đuối thương tâm ở trung Địa Trung Hải. “Luật không nhằm mục đích cản trở hoạt động giải cứu theo bất kỳ cách nào, mà giúp chúng diễn ra một cách có trật tự, phù hợp với luật pháp quốc tế”- Bộ trưởng Nội vụ Italy lý giải.
Gánh nặng trách nhiệm của EU
Cách đây chưa lâu, bàn về vấn đề “xử sự” với người di cư, Tổng Thư ký Guterres LHQ từng nêu quan điểm, người di cư phải được tôn trọng mà không bị phân biệt đối xử, bất kể họ bị ép buộc di cư, di cư tự nguyện hay được cấp phép chính thức. Ông Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế “làm mọi việc có thể” để bảo vệ tính mạng của người di cư, xem đây là “nghĩa vụ đạo đức, pháp lý và nghĩa vụ nhân đạo cấp bách”.
Điều người đứng đầu LHQ kêu gọi là hoàn toàn chính xác và nhân văn. Những tranh cãi từ những động thái quyết liệt của Anh, Italy… là hoàn toàn có cơ sở nhưng áp lực, thách thức quá lớn từ vấn nạn di cư bất hợp pháp mà hầu hết các quốc gia châu Âu đã, đang phải đối mặt nhiều năm qua là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Mọi áp lực sẽ còn tồi tệ khi xung đột, thất nghiệp, mất an ninh lương thực được xem là những yếu tố chính khiến dòng người di cư liên tục đổ về châu Âu và cảnh báo mới được Cơ quan Biên giới và Cảnh sát biển châu Âu đưa ra là năm 2023 này dòng người di cư vào châu Âu có thể trở nên tồi tệ hơn nếu không có sự điều chỉnh trong chính sách và các cuộc xung đột chưa hạ nhiệt. Nhiều chuyên gia đang nói đến cái gọi là “khủng hoảng kép” mà châu Âu đang phải đối mặt: Khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng an sinh xã hội, bất ổn xã hội bởi vấn nạn di cư. Khủng hoảng kép này còn đáng quan ngại hơn nữa bởi nhìn vào chương trình nghị sự các cuộc họp của EU, thấy rõ, dường như giải quyết những hệ lụy từ cuộc khủng hoảng di cư đã bị lấn át bởi hàng loạt thách thức khác, như lạm phát tăng cao, khan hiếm năng lượng trầm trọng, đời sống người dân bấp bênh…
Nhưng dường như, sự bế tắc trong việc tìm lối ra cho cuộc khủng hoảng di cư còn nằm ở cả sự bất đồng của các quốc gia thành viên. Đơn cử như Pháp đã phản đối gay gắt quyết định với người nhập cư của Italy và cho rằng, chính sách của Rome dường như đi ngược lại những lời kêu gọi đoàn kết trong vấn đề di cư.
Trong khi đó, EU dường như vẫn chưa chính thức lên tiếng. Còn Italy ngày 27/2 vừa qua đã gửi thư lên các nhà lãnh đạo EU kêu gọi khối này hành động ngay lập tức. “Cách duy nhất để giải quyết vấn đề này một cách nghiêm túc, với lòng nhân đạo, là ngăn chặn những cuộc ra đi” - Thủ tướng Italy nhấn mạnh. Nhưng ngăn chặn bằng cách nào thì chưa có câu trả lời. Và chừng nào còn tranh cãi, còn chia rẽ thì việc tôn trọng, bảo vệ toàn diện và hiệu quả các quyền cơ bản của người di cư như mong muốn của Đại hội đồng LHQ khi chọn ngày 18/12 là Ngày Quốc tế Người di cư còn chưa thể trở thành hiện thực./.
Hà Anh