Tỷ lệ sinh thấp kỷ lục: Vấn nạn nan giải của Nhật Bản

Tỷ lệ sinh tại Nhật vẫn không ngừng tụt dốc và đến năm 2022 vừa qua, tỷ lệ sinh tại nước này được cho là xuống ở mức thấp nhất mọi thời đại...

 

Bất chấp những nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản, tỷ lệ sinh tại đất nước Mặt trời mọc vẫn không ngừng tụt dốc trong những năm qua và đến năm 2022 vừa qua, tỷ lệ sinh tại nước này được cho là xuống ở mức thấp nhất mọi thời đại: dưới 800.000 trẻ/năm. Hệ luỵ của tình trạng này đang tồi tệ đến mức, Thủ tướng Kishida phải lên tiếng cảnh báo rằng Nhật Bản đang trên bờ vực "mất chức năng xã hội”.

Liên tiếp nhiều năm ở mức sinh thấp kỷ lục

“Chúng tôi đang sống bằng cách cắt giảm tiền tiết kiệm của mình… Đứa con thứ hai là điều không tưởng đối với chúng tôi”; “Nhiều cặp vợ chồng dừng lại sau khi có một đứa con vì họ không đủ khả năng nuôi thêm một đứa nữa. Thật đáng buồn, tất cả đều xuất phát từ tiền”… những lý do được những người phụ nữ Nhật như Katahira Kazumi, Emiko chia sẻ cũng là nguyên nhân căn bản khiến nhiều cặp vợ chồng ở đất nước Mặt trời mọc bao nhiêu năm nay trở nên quá e ngại chuyện sinh thêm con. Dù là yếu tố nào: tiền lương, công việc không ổn định hay chi phí sinh hoạt hàng ngày gia tăng như các chuyên gia vẫn đang nỗ lực xác định chính xác lý do vì sao số lượng trẻ sơ sinh ngày càng giảm mạnh - thì chung quy vẫn xuất phát từ yếu tố kinh tế, xuất phát từ câu chuyện “tiền đâu để nuôi con”.

Trẻ em tại một trường mẫu giáo ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)

Hồi năm 2017, chính phủ Nhật đã công bố gói ngân sách 2 nghìn tỷ yen để duy trì chương trình trường mầm non miễn phí cho trẻ em từ 3-5 tuổi - và chỉ miễn phí cho trẻ em dưới 3 tuổi đối với gia đình thu nhập thấp. Tuy nhiên, với nhiều người dân Nhật, chi phí nuôi con vẫn còn quá cao đối với nhiều người, vì thế, tỷ lệ sinh tiếp tục xu hướng giảm mạnh. Năm 2022 vừa qua là năm thứ 7Nhật Bản liên tục phải chứng kiến mức sinh thấp kỷ lục. Năm 2020, tỷ lệ sinh trên mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản của Nhật là 1,34 trẻ, và chỉ có khoảng 840.000 trẻ em ra đời tại nước này năm đó. Năm 2021, chỉ có 811.622 đứa trẻ được sinh ra. Theo số liệu chính thức của Chính phủ Nhật, số lượng người Nhật bước sang tuổi 20 ngày 1/1/2022 đã giảm 40.000 người so với năm trước, xuống còn gần 1,2 triệu người - mức thấp nhất kể từ khi khảo sát về con số này bắt đầu được thực hiện vào năm 1968.

Mới đây nhất, theo một cuộc khảo sát do Quỹ Nippon (Nhật Bản) công bố thực hiện, có tới 46% những người trẻ tuổi ở Nhật Bản được hỏi cho biết họ muốn có con trong tương lai, song hơn một nửa trong số này khẳng định gánh nặng kinh tế và khó khăn trong việc cân đối với công việc hiện tại là trở ngại lớn đối với kế hoạch sinh con. Cụ thể, 69% số người trẻ tuổi ở Nhật Bản được hỏi khẳng định đó là những áp lực tài chính và 54% cho biết khó cân bằng giữa công việc và chăm sóc con cái. Theo Giáo sư Masahiro Yamada, chuyên gia về lĩnh vực xã hội học gia đình thuộc Đại học Chuo, so với 30 năm trước.

Số người trên 65 tuổi ở Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục. (Ảnh: LightRocket)

Thế hệ trẻ Nhật Bản hiện nay đang ngày càng lo lắng về tương lai. Họ bước ra ngoài xã hội với nhiều suy nghĩ nặng trĩu như khó khăn khi tìm kiếm việc làm, thu nhập không chắc chắn, nhất là do tác động từ tình hình kinh tế nhiều biến động như hiện nay. Chính vì thế, họ cảm thấy bất an nhiều hơn nếu xác định kế hoạch sinh con.

Vấn nạn buồn và chưa có lời giải

Cách đây 2,3 năm, một bài báo từng mô tả không khí thật đặc biệt tại ngôi làng tên Nagoro phía tây Nhật Bản. Nói là đặc biệt bởi theo ghi nhận của tác giả bài báo, tại ngôi làng này, nhiều năm qua không có những tiếng cười đùa của lũ trẻ. Không còn đứa trẻ nào trong làng kể từ năm 2012. Người trẻ nhất trong ngôi làng hiện đã 55 tuổi. Cũng bởi không còn đứa trẻ nào mà từ nhiều năm qua, không có ngôi trường nào được mở cửa tại đây vì chẳng có học trò. Để thay thế hình ảnh bọn trẻ, nhiều người dân nơi đây đã làm ra những con… búp bê to bằng người thật và đặt chúng ở khắp nơi trong làng.

Dân số giảm và tốc độ già hóa nhanh là những mối nguy đè nặng lên xã hội Nhật Bản nhiều năm nay. (Ảnh: Shutterstock)

Điều đáng nói là thực trạng buồn bã ấy đã không là hiện tượng cá biệt tại Nhật Bản, nếu không muốn nói là đã trở nên quá phổ biến. Hiện trạng tỷ lệ sinh quá thấp, tuổi thọ cao và dân số dự đoán giảm tới 1/3 vào năm 2065, Nhật Bản được cho là sẽ phải đối mặt với rất nhiều hệ luỵ khác nữa. Dễ thấy nhất là tình trạng thiếu hụt lao động. Năm 2018, tỷ lệ việc làm so với người tìm việc tại Nhật Bản đã là 161/100. Mới đây, cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu Teikoku Databank thực hiện trong tháng 9/2022 với sự tham gia của hơn 11.000 doanh nghiệp Nhật Bản cho thấy, tình trạng thiếu hụt lao động tại các doanh nghiệp đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Cụ thể, có đến 50,1% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, họ đang rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động toàn thời gian, 30,4% doanh nghiệp thiếu hụt lao động thời vụ. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, tình trạng thiếu hụt lao động của các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ còn kéo dài. Ước tính đến năm 2030, Nhật Bản sẽ thiếu hụt hơn 10 triệu lao động. Để đối phó với thực trạng này, Nhật Bản đã xem xét nới lỏng quy định để tuyển dụng lao động nước ngoài cũng như tìm cách phát triển robot và khuyến khích tự động hoá trong nhiều ngành nghề nhưng tất cả vẫn chưa thể bù đắp cho sự thiếu hụt lớn lực lượng lao động.

Chi phí phúc lợi xã hội ngày càng tăng cao cũng là điều đáng quan tâm khác tại Nhật Bản do dù nước này làm rất tốt câu chuyện an sinh xã hội. Theo dữ liệu của Chính phủ nước này, từ năm 2020, cứ 1.500 người ở Nhật Bản thì có một người từ 100 tuổi trở lên. Tỷ lệ người Nhật Bản trên 65 tuổi hiện chiếm 28% dân số, cao thứ hai thế giới chỉ sau Công quốc Monaco. Số liệu do Viện nghiên cứu Dân số và an sinh xã hội quốc gia Nhật Bản năm 2003 cho thấy: Năm 1985, chi phí an sinh xã hội của Nhật Bản là gần 35.780 tỷ yên, chiếm 13,71% thu nhập quốc dân, trong đó, chi phí về lương hưu cho người cao tuổi chiếm 6,49%. Năm 1995, chi phí an sinh xã hội tăng lên đạt hơn 64.730 tỷ yên, chiếm 17,09% thu nhập quốc gia, chi phí lương hưu chiếm 8,84% trong chi phí an sinh xã hội, tăng 136% so với năm 1985. Năm 2001, Nhật Bản dành 81.400 tỷ yên cho chi phí an sinh xã hội, chiếm 22,0% trong thu nhập quốc dân thì chi phí về lương hưu chiếm 11,50% trong chi phí an sinh xã hội, tăng tới 130% so với năm 1995 - rõ ràng là gánh nặng không hề nhỏ.

Già hóa dân số làm gia tăng áp lực về bảo đảm an sinh xã hội tại Nhật Bản. (Ảnh Reuters)

Lo ngại về những hậu quả kinh tế và xã hội liên quan đến mức sinh thấp kéo dài và già hóa dân số nhanh chóng, Chính phủ Nhật Bản từ hàng chục năm trước đã đưa ra một loạt các chương trình giải quyết mức sinh thấp như tăng gấp đôi ngân sách cho các giải pháp khuyến khích sinh con trong tài khóa 2020 so với 10 năm trước đó, hỗ trợ tài chính tương đương khoảng 700 USD để giúp đỡ các phụ nữ khi mang thai, và thêm 600 USD khi sinh con. Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa có tiến triển tích cực.

Mới đây nhất, Thủ tướng Nhật ngày 23/1, sau khi cảnh báo rằng Nhật Bản đang trên bờ vực "mất chức năng xã hội” đã tuyên bố sẽ thực hiện các bước khẩn cấp để giải quyết tình trạng giảm tỷ lệ sinh của nước này và cho biết điều này phải được thực hiện “ngay hay không bao giờ nữa”. Ông cũng khẳng định chính phủ nước này muốn tăng gấp đôi chi tiêu cho các chương trình liên quan đến trẻ em và một cơ quan chuyên trách về vấn đề này sẽ được thành lập vào tháng 4 tới để ngăn chặn tình trạng tỷ lệ sinh giảm.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Yu Shibata tại Viện Nghiên cứu nhân chủng học và môi trường, thuộc Đại học Tokyo, để cải thiện tình trạng này là không hề dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu nói chung và tại Nhật Bản nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn, tác động trực tiếp đến kế hoạch sinh con của các gia đình. Rõ ràng, chuyện làm thế nào để có thêm… trẻ con ở đất nước Mặt trời mọc, vẫn là bài toán quá ư nan giải./.

Hà Anh

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận