1 năm chiến sự Ukraine: Cánh cửa nào cho hòa bình?

Không chỉ 'người trong cuộc', châu Âu láng giềng và cả thế giới một năm qua cũng điêu đứng, choáng váng vì cuộc xung đột tại Ukraine.

 

Xung đột tại Ukraine chấm dứt sớm sẽ cứu được mạng sống của hàng chục ngàn người, hàng triệu người sẽ thoát khỏi cảnh li tán nơi đất khách quê người, thế giới sẽ vơi bớt phần nào những khủng hoảng kinh tế, lương thực tồi tệ… Ai cũng biết rõ điều đó nhưng làm thế nào mở ra cánh cửa hoà bình lại là những câu hỏi mà dường như chính những người trong cuộc vẫn chưa thực sự muốn đưa ra đáp án.

Những tổn thất không thể đong đếm

Cách đây một năm mấy ngày, ngày 21/2/2022, tại Moscow, Nga, Tổng thống Nga V.Putin ký sắc lệnh công nhận nền độc lập của 2 vùng ly khai Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine và chỉ hai ngày sau đó, Tổng thống Nga thông báo Điện Kremlin quyết định thực hiện “một chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

Các quân nhân Ukraine tham gia cuộc tập trận ở vùng Zaporizhzhia của nước này, ngày 23/1. (Ảnh: Reuters)

Từ thời khắc ấy, trải hơn 365 ngày, chiến dịch quân sự đặc biệt ấy đã gây nên những tổn thất lớn mà có lẽ chính những quốc gia trong cuộc khi quyết định bước chân vào cũng không thể ngờ tới. Trước hết là những tổn thất về kinh tế. Cuộc xung đột kéo dài suốt gần năm qua đã tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế Ukraine. Tổng sản phẩm quốc dân (GDP) của Ukraine ước tính giảm tới 1/3 trong năm 2022. Chi phí tái thiết Ukraine, với mức độ tàn phá tính tới hiện nay đã dự kiến vượt hơn 1.000 tỷ USD. Phía Nga, dù không có một con số thống kê chính thức nhưng việc phải liên tục chống chọi với con số khổng lồ hơn 1.000 đòn trừng phạt kinh tế, cấm vận khắc nghiệt chưa từng thấy của Mỹ và quốc gia đồng minh chắc chắn cũng đã khiến kinh tế Nga khốn khó.

Nhưng những tổn thất lớn về người mới là những gì khó có thể đong đếm. Hiện chưa có công bố chính thức từ hai phía Ukraine và Nga về tổn thất sinh mạng, song một báo cáo công bố hồi tháng 1/2023 cho biết, con số thương vong ở phía Ukraine là khoảng 100.000 người. Phía Nga chưa có một báo cáo nào liên quan, nhưng tổn chất về sinh mạng cũng chắc chắn rất lớn. Chưa hết, theo LHQ, một năm qua cuộc chiến đã khiến khoảng 1/3 người Ukraine buộc phải rời bỏ nhà cửa, tạo nên làn sóng tị nạn mà LHQ đánh giá là “cuộc khủng hoảng di cư gia tăng nhanh nhất kể từ Thế chiến II”.

Lễ tình nhân nơi chiến hào Ukraine với hình ảnh quân nhân Ukraine Maksym hôn vợ - Anna tại nhà ga xe lửa ở Kramatorsk sau khi cô từ Kiev đến đây thăm chồng vào đúng ngày Lễ tình nhân 14/2 trong bối cảnh xung đột giữa nước này với Nga vẫn tiếp diễn căng thẳng. (Ảnh: Getty) Không chỉ “người trong cuộc”, châu Âu láng giềng và cả thế giới một năm qua cũng điêu đứng, choáng váng vì cuộc xung đột tại Ukraine. Cuộc xung đột đã là tác nhân trực tiếp gây nên hai cuộc khủng hoảng năng lượng và khủng hoảng lương thực, hệ lụy domino là tỷ lệ lạm phát cao chưa từng có khiến đời sống người dân nhiều nơi trên thế giới, từ các nước đang phát triển ở châu Phi đến châu Âu giàu có vốn chưa phục hồi sau đại dịch Covid-19, rơi vào bĩ cực. “Một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu đã xuất hiện”, Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết trong Báo cáo Rủi ro Toàn cầu thường niên năm 2023.

Thói thường khi đời sống vật chất bất ổn thì những phản ứng tiêu cực xuất hiện như một lẽ đương nhiên. “Năm 2022 đã chứng kiến một làn sóng phản đối chưa từng có về khả năng chi trả và khả năng tiếp cận những điều cơ bản cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Ở một số quốc gia, những cuộc biểu tình liên quan đến giá cả và chi phí sinh hoạt tiếp tục leo thang thành các cuộc khủng hoảng chính trị lớn, gây ra bạo lực nghiêm trọng, thương vong và yêu cầu thay đổi chính trị” - các nhà nghiên cứu Naomi Hossain và Jeffrey Hallock viết trong một nghiên cứu cho Friedrich Ebert có trụ sở tại Đức, đã chỉ rõ.

Người dân cưa khung cửa sổ bằng gỗ để làm nhiên liệu nấu ăn và sưởi ấm ở Seversk, Ukraine trong bối cảnh cuộc xung đột với Nga vẫn đang tiếp diễn. (Ảnh: Getty)

Nhưng tất cả hệ lụy không dừng lại ở đó, đáng quan ngại nhất là việc cuộc xung đột ở Ukraine còn làm đảo lộn trật tự thế giới, làm gia tăng căng thẳng và đối đầu. Như nhìn nhận của đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell: “Chúng ta đã chuyển sang một thế giới đa cực hỗn loạn, nơi mọi thứ đều là vũ khí: năng lượng, dữ liệu, cơ sở hạ tầng, di cư”. Còn một chuyên gia thì khẳng định: “Xu hướng thế giới bị chia rẽ đã có từ trước, nhưng gần đây cú sốc kép, đầu tiên là đại dịch Covid-19, sau đó là xung đột Nga - Ukraine, đã đẩy nhanh quá trình này".

Liệu có cơ hội nào cho hòa bình

Những hệ lụy tồi tệ và rõ ràng từ cuộc chiến đã khiến vấn đề mà người dân Ukraine cũng như châu Âu quantâm nhất lúc này hẳn chắc chắn sẽ là không phải ai sẽ thắng, bên nào sẽ thắng mà là khi nào cuộc chiến mới chấm dứt. Đó không chỉ dừng lại ở mong muốn, mà giờ đây đã trở thành khát khao cháy bỏng đeo đuổi họ. Phải chứng kiến những hình ảnh như hình ảnh đôi tình nhân, quân nhân Ukraine Maksym và vợ Anna quyến luyến không rời, vội vã trao nhau nụ hôn cháy bỏng nơi chiến hào Ukraine sau khi cô từ Kiev đến đây thăm chồng vào đúng ngày Lễ tình nhân 14/2 vừa qua; phải chứng kiến nỗi day dứt của những người dân Ukraine di cư nơi đất khách quê người, như chia sẻ đầy day dứt của người phụ nữ tên Titkova: "Chúng tôi không biết làm cách nào để giúp ngoại trừ việc gửi tiền"… mới thấy hai chữ hòa bình đã là khát khao bỏng cháy đến nhường nào.

Day dứt là vậy, bỏng cháy là vậy nhưng đó mới chỉ là xúc cảm của những người dân thường nơi cuộc chiến đi qua và tác động, còn câu hỏi trọng yếu: Cơ hội nào cho đàm phán hoà bình kết thúc xung đột Nga - Ukraine? Xung đột Nga - Ukraine khi nào kết thúc? thì dường như tới giờ này vẫn chưa có câu trả lời. Và chỉ chứng kiến hàng loạt những động thái “sốt sắng” viện trợ vũ khí của Mỹ và các nước phương Tây tại Hội nghị tại Munich vừa qua, hay chuyến thăm ngày 21/2 tới Ukraine của Tổng thống Mỹ mới đây với tuyên bố "ủng hộ đến cùng" của ông Biden, hay việc lãnh đạo hai nước lớn trong khối EU, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz, đều cam kết sẽ tiếp tục giúp Ukraine giành chiến thắng, đặc biệt là việc Nga vẫn tràn đầy tiềm lực và đang đẩy mạnh tấn công ở chiến tuyến,  càng cho thấy cái gọi là “hòa bình” vẫn còn là mơ ước xa vời cho cuộc xung đột này. Và tuyên bố của ông Zelensky hôm 21/2 vừa qua, rằng ông hy vọng xung đột sẽ chấm dứt vào cuối năm 2023 dường như cũng chỉ là những lời “chót lưỡi đầu môi” mà thôi. Các điều kiện tiên quyết của Ukraine hiện nay bao gồm việc trả lại lãnh thổ và rút quân, đều là cái người Nga đã khẳng định không đáp ứng.

"Yêu quê hương" là khẩu hiệu trên tấm áp phích trong căn hộ ấm cúng của cô Iryna Titkova ở Vienna, Áo. Tấm áp phích là lời nhắc nhở đối với gia đình cô Titkova, những người Ukraine đã rời bỏ nhà cửa ở ngoại ô Kiev gần một năm trước. "Chúng tôi có thức ăn, có căn hộ ấm áp, có cả gia đình ở đây… Chúng tôi cũng kiếm được và tiết kiệm được một số tiền nhưng thứ mà tôi thiếu nhất là quê nhà. Đôi khi chúng tôi cảm thấy xấu hổ khi tận hưởng mọi thứ vì chúng tôi biết mọi người ở Ukraine đang phải chịu đựng ra sao" - cô Titkova trải lòng.

Tổng thống Nga Validmi Putin và Tổng thống Ukraine Volodymy Zelensk. (Ảnh: AFP)

Nhưng với những gì đang có, có lẽ những người Ukraine xa quê như Titkova sẽ còn phải day dứt trong nỗi nhớ quê hương, còn nặng lòng trong những tâm tư với đồng bào mình… Phải thấu được những nỗi đau rất nhỏ bé ấy để thấy việc trao cho hòa bình một cơ hội, mở ra cánh cửa hòa bình cho cuộc xung đột Nga - Ukraine bức thiết đến thế nào. Hãy nhớ, một thỏa thuận đình chiến như thế này sẽ chấm dứt giao tranh và cho phép hơn 7,5 triệu người tị nạn Ukraine quay trở về nhà và bắt đầu quá trình tái thiết và phục hồi kinh tế. Nếu chiến tranh kết thúc thì sao? Ukraine sẽ thành đống đổ nát. Và chúng ta sẽ phải bắt đầu từ con số không” - anh Valerii trải lòng. Nhưng với những người như anh Valerii, đó không là nỗi lo, đó là nỗi khát khao, là niềm vui không gì diễn tả nổi./.

Những hệ lụy tồi tệ từ cuộc chiến đã khiến vấn đề mà người dân Ukraine cũng như châu Âu quan tâm nhất lúc này hẳn chắc chắn sẽ là không phải ai sẽ thắng, bên nào sẽ thắng, mà là khi nào cuộc chiến mới chấm dứt. Đó không chỉ dừng lại ở mong muốn, mà giờ đây đã trở thành khát khao cháy bỏng đeo đuổi họ.

Hà Anh

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận