Đúng như lời ông Hans Kluge, Giám đốc WHO tại khu vực châu Âu, sau trận động đất kinh hoàng, điều an ủi duy nhất lúc này là giữa những đau thương chất chồng, vẫn lấp lánh sáng những điều diệu kỳ và tình người ấm áp.
Chào đời trong đổ nát
Đó là câu chuyện khó tin nhưng đã xảy ra. Theo Hãng tin AP, ngày 7/2, người dân địa phương đã tìm thấy một đứa trẻ sơ sinh khi đang đào bới tòa nhà bị sập ở một thị trấn phía tây bắc Syria. Người thân của bé và một bác sĩ cho biết dây rốn của bé gái sơ sinh vẫn còn nối với mẹ của bé, Afraa Abu Hadiya. 10 giờ sau đó, lực lượng cứu hộ đã đưa được bé ra ngoài, một người phụ nữ hàng xóm đã cắt dây rốn cho bé, và cùng những người khác vội vã đưa bé đến bệnh viện nhi ở thị trấn Afrin gần đó. Em bé là thành viên duy nhất trong gia đình sống sót sau vụ động đất.
Câu chuyện nngười mẹ Necla Camuz và cậu con trai Yagiz cũng là một câu chuyện diệu kỳ nữa. Bé Yagiz chỉ mới 10 ngày tuổi khi trận động đất xảy ra. Cả hai mẹ con bị chôn vùi dưới đống đổ nát ở tỉnh Hatay. Khi tỉnh lại sau thảm hoạ, người phụ nữ 33 tuổi thấy mình đang nằm với đứa con mới sinh trên ngực. Chiếc tủ quần áo đổ bên cạnh đã cứu mạng hai mẹ con bằng cách ngăn không cho tấm bê tông lớn đè bẹp họ. Cả hai mẹ con giữ nguyên tư thế này trong gần… 4 ngày cho tới khi được đội cứu hộ tìm thấy. Necla không được uống hay ăn bất cứ thứ gì, dù vậy người mẹ trẻ vẫn cố gắng cho con bú sữa trong tình cảnh cả 2 mẹ con bị kẹt trong không gian chật hẹp.
Một câu chuyện nữa cũng khó tin và cảm động không kém đã xảy đến tại vùng đất tang thương Thổ Nhĩ Kỳ những ngày qua. Đó là câu chuyện một bé gái 7 tuổi đã lấy tay che chắn cho em trai suốt 36 giờ khi hai đứa trẻ bị kẹt dưới đống đổ nát của căn nhà ở Haram. “Bé gái 7 tuổi để tay trên đầu cậu em nhỏ để bảo vệ bé khi cả hai kẹt dưới đống đổ nát" - Mohamad Safa, đại diện của tổ chức phi chính phủ Patriotic Vision tại Liên Hợp Quốc, viết trên Twitter ngày 7/2. “Không thể không ngưỡng mộ cô bé dũng cảm này”, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã thốt lên như vậy khi nghe câu chuyện của Mariam - tên cô bé. Cũng cảm động không kém là câu chuyện cô bé Raghad Ismail (18 tháng tuổi) được đưa ra từ đống đổ nát, với điều kỳ diệu khi không hề bị xây xước gì bởi em đã được cha mình - ông Raghad ôm vào lòng, chống lưng lên phía trên với hy vọng con sẽ được che chở, bình an.
Bên cạnh những câu chuyện đầy cảm động về tình người là những dòng tin về “phép màu trong thảm hoạ”, sáng 14/2, Đài truyền hình CNN Turk đưa tin, Muhammed Cafer - một thanh niên 18 tuổi đã được giải cứu khỏi đống đổ nát của một tòa nhà ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ sau khoảng 198 giờ bị mắc kẹt sau trận động đất kinh hoàng ngày 6/2. Đây là cuộc giải cứu thành công thứ ba vào sáng 14/2. Trước đó, đội cứu hộ đã giải cứu thành công một cặp hai anh em ruột.
Điều đáng mừng là “phép màu” đã đến với khá nhiều người. Như trước đó, tờ AA (Thổ Nhĩ Kỳ) cho biết lực lượng cứu hộ đã giải cứu được ông Murat Vural, 66 tuổi, ra khỏi đống đổ nát ở huyện Islahiye, tỉnh Gaziantep sau khi bị mắc kẹt trong đống đổ nát suốt 103 giờ. Hay ở tỉnh Kahramanmaras, đội cứu hộ cũng đã cứu sống được nạn nhân Mustafa Sahin Sami sau 102 giờ hứng chịu thảm họa khỏi đống đổ nát của tòa nhà 7 tầng. Cũng tại Kahramanmaras, một thiếu nữ 15 tuổi có tên Ayse Mustafa đã được đội cứu hộ từ Azerbaijan cứu sống sau 103 giờ gặp nạn.
Tại tỉnh Hatay, cậu bé 3 tuổi rưỡi Zeynep Ela Parlak cũng được kéo ra khỏi đống đổ nát sau 103 giờ hay anh Naim Bayasli, 32 tuổi cũng được cứu sống sau suốt 102 giờ bị vùi dưới gạch thép… Hàng trăm giờ bị chôn vùi, không đồ ăn thức uống, thứ duy nhất để lý giải cho sự tồn tại của họ có lẽ chỉ là sự may mắn và ý chí khao khát sống của mỗi người. Có lẽ chỉ trong ranh giới giữa sự sống và cái chết, sức mạnh tiềm ẩn, lòng khao khát được sống mới trỗi dậy mãnh liệt trong mỗi con người lớn hơn bao giờ hết. Như câu chuyện được tờ The Independent của Anh ghi lại về một bé trai 2 tuổi đã sống sót kỳ diệu sau khi được kéo ra khỏi đống đổ nát của một tòa nhà chung cư 4 tầng ở quận Odabası, thành phố Antakya. Không ai có thể tin cậu bé 2 tuổi vẫn còn sống, thậm chí khóc nức nở sau 78 giờ nằm trong đó. Giây phút đưa được Mehmet bình an ra khỏi đống đổ nát, những người cứu hộ đã không kìm nén nổi những giọt nước mắt sung sướng, hạnh phúc.
Tất cả những câu chuyện cảm động, những phép màu ấy, nói như Mohamad Safa, đại diện của tổ chức phi chính phủ Patriotic Vision tại LHQ, đã thắp lên hy vọng cho nhiều người từ những đau thương gây nên bởi thảm kịch động đất ngày 6/2.
Ông Hans Kluge, Giám đốc WHO tại khu vực châu Âu, nói trận động đất kinh hoàng xảy ra sáng sớm 6/2 tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria là “thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất ở khu vực châu Âu trong một thế kỷ qua” và mọi sự tồi tệ sẽ còn chưa dừng lại ở con số 41.000 nạn nhân tử vong như đã thống kê (đầu ngày 15/2). Điều an ủi duy nhất lúc này là giữa những đau thương chất chồng, vẫn lấp lánh sáng những điều diệu kỳ và tình người ấm áp. |
“Đóng góp đầy đủ và không chần chừ”
Nhưng thực tế, phép màu đã không thể đến với tất cả, nếu không muốn nói là rất ít người. Theo phát ngôn của các quan chức LHQ ngày 14/2, giai đoạn tìm kiếm và cứu hộ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria sắp qua và việc cần thiết hiện tại là hỗ trợ những người sống sót. “Bây giờ là giai đoạn nhân đạo, cần khẩn cấp cung cấp nơi trú ẩn, chăm sóc tâm lý, thực phẩm, trường học và nhận thức về tương lai cho những người sống sót này. Đó là nghĩa vụ của chúng tôi bây giờ", ông Martin Griffiths, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách hỗ trợ nhân đạo, nhận định. Người đứng đầu WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo nỗi đau sẽ tiếp tục trải dài và gọi thảm họa này là một “thảm kịch ảnh hưởng đến hàng triệu người”. UNICEF cũng cảnh báo việc nhiều trường học, bệnh viện bị phá hủy hoặc phải đóng cửa sau động đất sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến trẻ em trong tương lai. Bên cạnh đó, trẻ em cũng đặc biệt dễ tổn thương trước các bệnh dịch lây truyền, theo một thông cáo được đăng tải trên website của tổ chức này.
Vì thực tế đó, trong những thảm kịch quá đỗi đau thương như trận động đất kinh hoàng xảy ra sáng sớm 6/2 tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria, rõ ràng niềm tin, niềm hy vọng không thôi, chưa thể đủ. Điều cần thiết và cấp bách không kém là sự hỗ trợ về nhiều mặt. Tính đến đầu ngày 15/2,41.000 nạn nhân đã tử vong và theo phát ngôn viên của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) James Elder, "con số sẽ tiếp tục tăng lên một cách bi thảm" và số người tử vong cuối cùng sẽ còn rất “khủng khiếp”. Trong tình thế đó, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO nhấn mạnh, nhu cầu hỗ trợ nhân đạo ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là rất lớn khi khoảng 26 triệu người ở cả hai nước này cần được hỗ trợ.
Theo Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, việc đưa viện trợ lương thực, y tế, nơi ở, đồ dùng mùa Đông, bảo vệ và các loại hàng hóa thiết yếu khác tới cho hàng triệu người bị ảnh hưởng là yêu cầu khẩn cấp nhất hiện nay. “Hãy đóng góp đầy đủ và không chần chừ để giúp hàng triệu trẻ em, phụ nữ và nam giới, những người mà cuộc sống đang bị đe dọa bởi thảm họa ảnh hưởng tới nhiều thế hệ này" - người đứng đầu LHQ kêu gọi. Theo ông, chỉ riêng tại Syria, có ít nhất 9 triệu người bị ảnh hưởng bởi trận động đất kinh hoàng và cần một quỹ hỗ trợ trị giá 397 triệu USD và khoản quỹ trên sẽ giúp cứu sống gần 5 triệu người Syria trong khoảng 3 tháng.
Điều cần thiết và ý nghĩa nhất lúc này có lẽ là nỗ lực để biến mọi lời kêu gọi thành hiện thực. Việc ngày 14/2, lần đầu sau hơn một thập niên nội chiến ở Syria, máy bay chở hàng viện trợ của Saudi Arabia đã đáp xuống thành phố Aleppo của Syria có lẽ là một trong những tin tức đáng nói nhất những ngày này bên cạnh câu chuyện về những phép màu. Càng thêm nhiều những tin tức ấm lòng như thế, nỗi đau có lẽ cũng sẽ có cơ hội được bù đắp. Dù tang thương tới mức nào, cuộc sống vẫn tiếp diễn…./.
Hà Anh