Thổ Nhĩ Kỳ - Syria: Bài học quá đau xót từ thảm họa tang thương!

Dư chấn sau thảm họa động đất đó là nỗi ám ảnh kinh hoàng không chỉ với người dân hai nước Thổ Nhĩ Kỳ - Syria mà còn đối với nhiều quốc gia láng giềng.

 

Ám ảnh từ trận động đất tương đương 32 quả bom nguyên tử

Trận động đất có độ mạnh 7,8 xảy ra vào lúc 4h sáng ngày 6/2 theo giờ địa phương với tâm chấn ở độ sâu khoảng 18km gần thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, cách biên giới Syria khoảng 60km cùng khoảng 285 dư chấn sau đó, thực sự là nỗi ám ảnh kinh hoàng không chỉ với người dân hai nước Thổ Nhĩ Kỳ - Syria mà còn cả đối với nhiều quốc gia láng giềng. Theo Cơ quan quản lý thảm họa và khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ, trận động đất được xem là mạnh nhất trong gần một thế kỷ ở khu vực này, với năng lượng giải phóng ra tương đương 32 quả bom nguyên tử đã thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản cách đây gần 80 năm, đã khiến hơn 5.600 tòa nhà bị san phẳng. "Nỗi sợ hãi mà chúng tôi chứng kiến ngày hôm nay chỉ có thể được mô tả giống như ngày tận thế", một người dân Syria thốt lên trong nước mắt lưng tròng, vì mất người thân, mất nhà và hoảng loạn.

Chuyển thi thể nạn nhân sau trận động đất tại thành phố Aleppo, miền Bắc Syria ngày 7/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)Nhưng nỗi đau về người mới thực sự ám ảnh. Theo Tân Hoa xã, tính đến 11h ngày 8/2 (theo giờ Việt Nam), số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa động đất kinh hoàng xảy ra sáng sớm 6/2 tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria đã lên tới 8.364 người. Còn theo xác nhận của Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay, số người thiệt mạng do động đất tại nước này hiện là 5.894 người, trong khi số trường hợp bị thương là 34.810 người. Một quan chức Liên Hợp Quốc nhận định có thể hàng nghìn trẻ em đã thiệt mạng, trong khi đó nhiều nguồn tin cho rằng cho tới thời điểm này, UNICEF vẫn không thể nắm được số liệu cụ thể về những trẻ em thiệt mạng.

Và nhìn những ngổn ngang,khó khăn của công tác cứu trợ, ai cũng thừa hiểu, những con số đau thương này sẽ còn tăng lên nhanh chóng.

Giải cứu một em nhỏ ra khỏi đống đổ nát sau trận động đất ở thành phố Afrin, tỉnh Aleppo, miền Bắc Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chạy đua với thời gian để cứu người

"Chúng tôi sẽ cứu họ bằng cách nào đây? Không có ai ở đây từ sáng đến giờ"- tiếng kêu khóc xé lòng, nỗi đau của một người dân tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ trong thời khắc thảm hoạ mới xảy ra đêm 6/2 đến nay, hai ngày sau, vẫn chưa hoàn toàn được khắc phục.

Trận động đất xảy ra trên phạm vi quá rộng và điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt, nhiệt độ thường xuyên xuống dưới mức đóng băng, thiếu nhiên liệu để vận hành thiết bị cứu hộ và thiếu nguồn lực cơ bản cần thiếtđã là vài ba trong nhiều nguyên nhân khiến công tác cứu hộ tại những nơi thảm hoạ xảy ra vẫn còn vô cùng khó khăn. Kết nối internet kém, đường sá bị hư hại ở một số thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ cũng cản trở các đội cứu hộ. Các bệnh viện cũng rơi vào tình trạng quá tải do nhiều cơ sở y tế đã bị tàn phá bởi trận động đất mà số nạn nhân lại quá lớn.

Một người phụ nữ bên đống đổ nát sau trận động đất ở Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/2. (Ảnh: REUTERS)

Câu chuyện khắc phục hậu quả cũng là nỗi khó khăn lớn không kém đối với các quốc gia là nạn nhân của trận động đất khủng khiếp này. "Giữa mùa đông và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, điều quan trọng là người Syria không nên tự mình đối mặt với hậu quả", tuyên bố của Hội đồng Tị nạn Na Uy có lẽ đã nói thay nỗi lòng đang ngổn ngang của không chỉ người Syria mà của cả người dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều đáng mừng là bên cạnh các cam kết hỗ trợ tài chính, đến nay, LHQ, Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng gần 20 quốc gia đã cam kết hoặc triển khai lực lượng tới tham gia công tác cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. LHQ đã công bố khoản tài trợ trị giá 25 triệu USD cho công tác nhân đạo tại những khu vực bị ảnh hưởng tại hai nước trên, đồng thời cho biết đã cử các nhóm tới đánh giá tình hình thực tế và tham gia hỗ trợ khi cần thiết. Phần Lan cho biết sẽ viện trợ nhân đạo 1 triệu euro (1,07 triệu USD) cho cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria thông qua Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế, trong khi Thụy Điển cũng hỗ trợ 37 triệu kronor Thụy Điển (3,5 triệu USD) cho hai nước này. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã công bố khoản viện trợ trị giá 100 triệu USD, chia đều cho 2 quốc gia.

Những người còn sống sót ôm nhau bên cạnh những đống đổ nát sau động đất ở vùng Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/2. (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc cũng đã viện trợ khẩn cấp 5,9 triệu USD cho Thổ Nhĩ Kỳ và điều các đội cứu hộ tới nước này. Một điều không kém phần quan trọng còn là câu chuyện dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Syria để tạo điều kiện cho nỗ lực cứu trợ cấp thiết tại quốc gia này. "Trở ngại chính là các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Syria, do đó chúng tôi kêu gọi các lệnh trừng phạt này phải được dỡ bỏ ngay lập tức" - Chủ tịch Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Arab Syria (SARC) Khaled Hboubati lên tiếng.

Thêm vào đó, tranh chấp về quyền kiểm soát viện trợ cũng là khâu khó giải quyết và đang cản trở công tác viện trợ cho miền bắc Syria. Chính phủ Syria hiện chỉ cho phép hàng viện trợ đi vào qua một cửa khẩu ở biên giới. Nước này phản đối việc mở rộng viện trợ cho các khu vực phía bắc Syria vì cho rằng điều này làm suy yếu chủ quyền của Syria và giảm cơ hội cho họ giành lại quyền kiểm soát khu vực. Điều đáng nói là thảm họa quá tang thương đã rơi xuống những nơi vốn đã cần viện trợ, vốn đã, đang kiệt quệ sau nhiều năm chiến tranh.

Người dân ở lều trú ẩn sau trận động đất, ở Osmaniye, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 6/2/2023. (Ảnh: REUTERS)

Bài học quá đau xót

Sự khó khăn, ngổn ngang trong công tác cứu trợ, cứu hộ càng khiến bài học để lại sau thảm hoạ càng trở nên xót xa, đau đớn. Một câu hỏi đã ngay lập tức được đặt ra: Tại sao động đất xảy ra tại hai quốc gia này lại gây hậu quả khủng khiếp đến vậy? Công tác dự báo phòng ngừa đã được thực hiện như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, ngoài câu chuyện thời điểm xảy ra thảm hoạ, tâm chấn nông thì điều đáng quan ngại nhất, theo  ông Mustafa Erdik, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Động đất và Quan sát Kandilli của Đại học Bogazici ở Istanbul: “Một trong những lý do khiến số thương vong quá cao là do chất lượng kém của các tòa nhà”.Đồng quan điểm, Roger Musson, tác giả của cuốn sách "Triệu trận động đất" cũng cho rằng: "Nhà cửa ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng không được xây dựng phù hợp với một khu vực dễ bị động đất lớn". Martin Mai, giáo sư địa vật lý tại Trường ĐH King Abdullah (Ả Rập Saudi), cũng nhận định: "Các tòa nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ thường xây bằng gạch, không có cốt thép. Khung bê tông cũng thiếu tính linh hoạt và khó chống chọi với rung lắc mạnh".

Những thùng hàng viện trợ do máy bay của lực lượng không quân Iraq chuyển đến sân bay thủ đô Damascus, Syria ngày 7/2. (Ảnh: AFP)

 Các tòa nhà được xây dựng theo tiêu chuẩn thiết kế chống động đất vẫn chiếm số ít.Thực tế này đã diễn ra bất chấp việc sau trận động đất năm 1999, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận ra nhu cầu cấp thiết phải giảm thiểu rủi ro khi nước này dễ xảy ra động đất, thậm chí đã thông qua luật để thực thi kiểm tra thiết kế và kiểm tra xây dựng bắt buộc đối với tất cả tòa nhà.

Bà Joanna Faure Walker, người đứng đầu Viện Giảm thiểu rủi ro và thảm họa của Trường ĐH College London (Anh), đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiểm tra xem luật pháp có được tuân thủ hay không. Câu hỏi mà bà Joanna Faure Walker nêu ra có lẽ cũng đáng để những quốc gia nằm trên vùng địa chất dễ xảy ra thảm hoạ như Thổ Nhĩ Kỳ tự vấn./.

Hà Anh

Theo Tân Hoa xã, tính đến 11h ngày 8/2 (theo giờ Việt Nam), số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa động đất kinh hoàng xảy ra sáng sớm 6/2 tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria đã lên tới 8.364 người. Con số thiệt hại về người và tài sản được cho sẽ còn tăng lên nhanh chóng, trong bối cảnh lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực hết sức để xác định vị trí của những người sống sót bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của hàng nghìn tòa nhà bị sập.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận