'Điện Biên Phủ trên không' - Hành trình chinh phục 'Kỳ tích thế kỷ'

Hành trình chinh phục, hạ gục 'siêu pháo đài bay B52' thực sự là một kỳ tích với sự chuẩn bị vô cùng công phu, kỹ lưỡng.

 

Tròn 50 năm trước, trong cuộc đụng đầu với không quân chiến lược Mỹ trên bầu trời Thủ đô Hà Nội 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân Việt Nam khiến thế giới ngỡ ngàng, thán phục và liên tưởng đến một “Điện Biên Phủ thứ hai - Điện Biên Phủ trên không” khi đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris 1973, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Hành trình chinh phục, hạ gục “siêu pháo đài bay B52” thực sự là một kỳ tích với sự chuẩn bị vô cùng công phu, kỹ lưỡng.

Từ mối quan tâm đặc biệt và dự đoán thiên tài của Bác về “siêu pháo đài bay”

Sau này, nhìn lại chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng, sở dĩ Việt Nam với tiềm lực quân sự còn nhiều hạn chế so với Mỹ, chỉ sở hữu tên lửa SAM2 không mấy hiện đại, chiến thắng được “siêu pháo đài bay” B52 với cả dàn máy bay khác hỗ trợ, trước tiên là nhờ sự hiểu rất trúng, rất kỹ về B52.

Xác máy bay B52 bị bắn rơi ngày 21/12/1972. (Ảnh: TTXVN)Điều này không sai. Sự hiểu này không những thế còn được khởi nguồn từ rất sớm, từ dự đoán thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay từ năm 1962, câu hỏi đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho người cận vệ đầu tiên của mình trước buổi đồng chí Phùng Thế Tài nhận nhiệm vụ mới là Tư lệnh Bộ đội Phòng không, cũng là về B52. Bác hỏi đồng chí Phùng Thế Tài: “Bây giờ chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B52 chưa?”. Bác nói thêm: “Là Tư lệnh Phòng không, ngay từ bây giờ, chú phải theo dõi chặt chẽ và phải thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B52 này”.

6 tháng sau đó, tháng 8/1964, sau “sự kiện Vịnh Bắc bộ”, Bác đặt câu hỏi cho các cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Quân chủng Phòng không không quân: “Các chú đã chuẩn bị đánh B52 như thế nào rồi?", cho dù lúc đó, B52 chưa xuất hiện trên chiến trường Việt Nam.

Trong ngày sinh nhật Bác 19/5/1967, Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức đoàn cán bộ, chiến sĩ lên chúc mừng Bác. Bác dặn dò: “Bác mừng và hoan nghênh các chú đánh giỏi. Nhưng chớ có chủ quan mà khinh địch, nó thua keo này, nó bày keo khác. Nó còn đánh và nhất thiết ta phải chuẩn bị đánh B52”.

Bộ đội tên lửa phòng không là lực lượng nòng cốt trong những năm tháng chiến tranh, đã đánh bại hơn 1000 máy bay địch trong đó có 65 máy bay B-52. (Ảnh: TTXVN)Kỳ công hành trình nghiên cứu, hoàn thiện phương án đánh B52

Biết về B52 là một chuyện nhưng làm cách nào để nhận diện được B52 là chuyện khác, diệt được B52 còn nan giải hơn nhiều lần. Đơn cử như việc rà được tín hiệu B52, mỗi B52 còn có 2 máy gây nhiễu tiêu cực, mỗi máy chứa 450 bó nhiễu, mỗi bó có hàng vạn sợi kim loại. Khi được tung ra, nó sẽ phủ kín cả đội hình B52 trong một thời gian nhất định. Các màn hình ra đa của ta trắng xóa nhiễu, không thể nhận ra dấu tích của B52.

Tuy nhiên, thấm nhuần lời nhắc nhớ ấy của Bác Hồ, tướng Phùng Thế Tài cũng như Quân chủng phòng không - Không quân Việt Nam luôn luôn trăn trở suy nghĩ, chủ động tìm các biện pháp để có thể tiêu diệt được pháo đài bay B52.

Máy bay B-52 bị bắn rơi đêm 26/12/1972 trên bầu trời Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)Tháng 6/1966, Quân chủng Phòng không - Không quân đã đưa Trung đoàn Tên lửa 238 vào Vĩnh Linh nghiên cứu cách đánh B52. Chuyện đưa tên lửa vào chiến trường thực không hề đơn giản và thực tế, nhiều lần trung đoàn Tên lửa 238 đã bị bắn phá ác liệt, đã phải trở ra Bắc để trang bị lại từ đầu, sự hy sinh, mất mát cũng không thể đo đếm.

Vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, qua nhiều tháng kiên trì “tàng hình rình mồi” (ngụy trang thật kín đáo để phục kích đánh B52) giữa đất thép Vĩnh Linh, Trung đoàn tên lửa SAM2 mang tên H38 đã bắn rơi được chiếc B52 đầu tiên ngày 17/9/1967. Cũng từ đó, tài liệu Cách đánh B52 đã được bộ đội tên lửa khảo nghiệm tìm tòi và đúc kết. Tập tài liệu chỉ có 23 trang nhưng đã trở thành “cẩm nang đỏ” cho bộ đội tên lửa học tập.

Đại đội 4 pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, trừng trị máy bay Mỹ đến gây tội ác. (Ảnh: Văn Bảo - TTXVN.)Bản kế hoạch mang tên “Phương án đánh trả cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B52 của Mỹ, bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng” của Quân chủng Phòng không - Không quân được hình thành ngày 27/2/1968. Từ những kinh nghiệm nóng hổi của các chiến trường, bản kế hoạch đầu tiên ấy liên tục được sửa chữa, bổ sung, để đến năm 1972, sau rất nhiều phương án, đã có được bản kế hoạch đánh B52 hoàn chỉnh nhất. Nhiều đồng chí cán bộ chỉ huy cấp cao của ta khi đó đã khẳng định: “Đây là bảo bối của chúng ta đánh thắng B52”.

12 ngày đêm bão lửa và chiến thắng rúng động địa cầu

Ngày 15/12/1972, thất thế trên bàn đàm phán Paris, Tổng thống Mỹ Richard Nixon trong cơn điên cuồng phê chuẩn chiến dịch Linebacker II-Operation Linebacker II hay còn gọi là chiến dịch ném bom lễ Giáng Sinh - với tham vọng biến miền Bắc Việt Nam trở về “thời kỳ đồ đá”. Có tài liệu đã nói rằng: Mỹ đã tập trung một nửa lực lượng không quân chiến lược và hầu hết lực lượng không quân chiến thuật mà chúng có ở Đông Nam Á để tiến hành cuộc tập kích này.

Người dân Thủ đô chăm chú theo dõi tin chiến thắng qua báo chí hàng ngày và các bảng thông tin, trong những ngày Mỹ đánh phá ác liệt cuối tháng 12/1972. (Ảnh: Tư liệu TTXVN) Nhận diện rõ bản chất ngoan cố, lật lọng của đế quốc Mỹ ngoài việc chuẩn bị kỹ lưỡng cách đánh, từ những kinh nghiệm đánh B52 tại Vĩnh Linh trước đó cùng quá trình nghiên cứu cách đánh B52 một cách kỹ lưỡng, lực lượng phòng không của ta tổ chức hiệp đồng chặt chẽ, tạo dựng thế trận phòng không chắc chắn. Theo đó, lực lượng tên lửa bố trí đội hình vòng trong và ngoài, tập trung hỏa lực tiêu diệt B52. Các đơn vị pháo phòng không đánh máy bay cường kích. Không quân dùng lực lượng nhỏ bất ngờ đánh từ phía sau, bên sườn chặn đánh B52 ngoài vùng hỏa lực. Rada phát hiện mục tiêu sớm, dẫn đường cho không quân cất cánh. Bộ đội pháo cao xạ tích cực đánh trả máy bay cường kích ném bom, bảo vệ an toàn cho trận địa tên lửa. Bộ đội địa phương, dân quân tự vệ triển khai hỏa lực chiến đấu trên địa bàn rộng lớn tạo nên hệ thống lưới lửa đánh máy bay tầm thấp rất lợi hại...

19 giờ 10 phút ngày 18/12/1972, hệ thống ra-đa của ta bắt được tín hiệu máy bay B52 địch đầu tiên hướng về Hà Nội, mở đầu đòn tập kích chiến lược. 19 giờ 15 phút, Bộ Tổng tư lệnh phát lệnh báo động toàn miền Bắc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và động viên bộ đội Phòng không-Không quân trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng Chạp năm 1972. (Ảnh tư liệu)

19 giờ chiến dịch bắt đầu thì 20 giờ 13 phút, với tên lửa SAM2 không mấy hiện đại, bộ đội tên lửa của ta đã bắn hạ chiếc B52 đầu tiên của chiến dịch (rơi tại Phù Lỗ, Đông Anh, Hà Nội). Ngay trong đêm đầu tiên (18/12), bộ đội ta đã lập chiến công to lớn: bắn rơi 7 máy bay địch, trong đó có 3 máy bay B52 (2 chiếc rơi tại chỗ), đêm 20/12, ta bắn rơi 15 máy bay, trong đó có 7 chiếc B52 và 2 chiếc F111 (cánh cụp cánh xòe, đắt hơn B52); đêm 26/12 là đêm Mỹ thua đau nhất với 8 chiếc B52 bị bắn rơi… Tổng cộng, trong 12 ngày đêm, không lực Hoa Kỳ đã mất tới 81 chiếc máy bay hiện đại, trong đó có 34 chiếc B52, 5 chiếc F111, 21 chiếc F4C và F4E… nhiều phi công Mỹ bị bắt làm tù binh. Riêng ở Thủ đô Hà Nội, ta bắn rơi 30 máy bay (trong đó có 23 B52 và 2 F111).

Mảnh đất Thăng Long rồng bay rốt cuộc đã trở thành “chiến địa” chôn vùi tham vọng của đế quốc Mỹ. Bị tổn thất nặng nề, đến sáng ngày 30/12/1972, Richard Nixon buộc phải tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng, chấp nhận nối lại đàm phán với ta tại Hội nghị Paris. Dự báo thiên tài của Bác Hồ: “Đế quốc Mỹ chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội” đã trở thành hiện thực. Việt Nam đã làm nên Điện Biên Phủ trên không - kỳ tích thế kỷ./.

Tổng cộng, trong 12 ngày đêm, không lực Hoa Kỳ đã mất tới 81 chiếc máy bay hiện đại, trong đó có 34 chiếc B52, 5 chiếc F111, 21 chiếc F4C và F4E… thêm rất nhiều phi công Mỹ bị bắt làm tù binh. Riêng ở Thủ đô Hà Nội, ta bắn rơi 30 máy bay (trong đó có 23 B52 và 2 F111).

Hà Anh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận