Trong cuộc vận động viết những kỷ niệm sâu sắc về Đài Tiếng nói Việt Nam, năm 1999, tôi nhận được bản viết tay khá dài của cựu chiến binh bộ đội hóa học Nguyễn Văn An. Anh không có số điện thoại nên tôi không thể liên lạc mà nhìn ảnh, chỉ hình dung là một sĩ quan tầm thước, hơi gầy, có nụ cười dễ mến, dễ lây, quê ở Nam Định.
Từ những tháng ngày đặc biệt
Qua thư, anh bảo câu chuyện anh kể xảy ra lâu rồi, nhưng mỗi khi nghe đài, nhắc nhớ đến đài không thể quên những “tháng ngày đặc biệt” sống làm việc với anh chị em cán bộ công nhân Đài Phát sóng phát thanh Mễ Trì.
Ấy là những ngày nóng lạnh thất thường của năm 1972. Hà Nội nóng rẫy không khí chiến trận. Đơn vị nào, cơ quan nào cũng chia làm hai lực lượng, một là phụ nữ có con nhỏ, trẻ em sơ tán đến địa điểm có thể an toàn. Hai là thanh niên, đàn ông ở lại cơ quan, thành phố làm việc và sẵn sàng chiến đấu.
Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) bước vào cuộc sống thời chiến bắt đầu từ sau 5/8/1964. Trong cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, do Chủ tịch Phạm Văn Đồng chủ trì, Tổng Biên tập Đài TNVN Trần Lâm đã trình bày tóm tắt kế hoạch sơ tán và chuẩn bị hệ thống các đài phát sóng hỗ trợ nhau khi cần thiết không chỉ cho Đài Phát thanh Quốc gia mà cả Đài Phát thanh Giải phóng, Đài phát thanh của nước bạn Lào và Campuchia. Xa hơn nữa Đài TNVN nhờ Chính phủ và Nhân dân Trung Quốc cho mượn Đài phát sóng trung 500kW ở Côn Minh sẵn sàng phát sóng khi Việt Nam cần.
Năm 1967, Tổng biên tập Trần Lâm đàm phán với chính phủ Cuba cho mở bộ phận thường trú tại Lahabana, phát chương trình phát thanh với danh xưng “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát đi từ Lahabana”. Bên cạnh đó, lãnh đạo Đài còn cử người sang Cuba học làm truyền hình cho miền Bắc và chuẩn bị tiếp quản Truyền hình Sài Gòn. Từ năm 1964 - 1972 Đài Phát thanh Quốc gia đã chuẩn bị chu đáo các phương án “bảo vệ làn sóng liên tục trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống” như Bác Hồ từng căn dặn. Nhưng có một điều mà nhiều người ở Đài chưa biết là Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chuẩn bị “phương án đặc biệt” bảo vệ làn sóng Đài Phát thanh Quốc gia.
Anh Nguyễn Văn An kể rằng, cấp trên giao nhiệm vụ rất ngắn gọn. Giặc Mỹ sẽ ném bom hủy diệt Hà Nội, đưa thành phố trở về thời đại đồ đá. Chúng muốn đánh ta, hòng bịt mắt dân ta, bịt miệng ta, không cho thế giới biết chuyện gì xảy ra ở Việt Nam. Mục tiêu cụ thể của bọn giặc trời Hoa Kỳ là hủy diệt nhà máy điện Yên Phụ, đẩy Hà Nội vào đêm đen. Hủy diệt Đài Phát sóng phát thanh Mễ Trì, dập tắt Tiếng nói Việt Nam. Chính vì vậy mà nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của bộ đội hóa học là thả khói, tạo mây, bịt mắt địch, bảo vệ mục tiêu Quốc gia.
Anh An nhớ lại, khoảng 9 giờ tối đầy sương, đơn vị xuất phát đến địa điểm tập kết. Xe bọc thép dẫn đường cho đoàn xe đặc chủng nhả khói. Đoàn xe âm thầm đi trong đêm. Công việc chỉ có hai đơn vị biết là bộ đội hóa học và Đài TNVN. Lãnh đạo Đài và Đài Phát sóng Mễ Trì lập tức cùng bộ đội triển khai công việc nhanh gọn. Việc triển khai phủ khói thử diễn ra khá nhanh gọn. Trong thời gian ngắn hai cột ăng ten cao 105m được dựng lên, hai vòng phun khói bảo vệ mục tiêu hoàn thành. Chỉ 30 giây, màn khói dày đặc đã phủ hai cột ăng-ten. Đài quan sát thông báo là “Khói đẹp”.
Với bộ đội đặc chủng hóa học được trang bị mặt nạ chống độc coi màn mây giả là “đẹp”, nhưng với cán bộ, công nhân Đài Phát sóng Mễ Trì phải chịu ngạt, ho sặc sụa. Mãi sau này anh An cùng đơn vị vô cùng ân hận vì chưa kịp phổ biến cho mọi người cách phòng tránh khói. Trong câu chuyện anh An cảm thấy an lòng khi đơn vị chuẩn bị chu đáo phương án bảo vệ máy móc, thiết bị cho Đài Mễ Trì. Ấy là sự ăn mòn của khói đối với máy móc, nhất là các chi tiết, linh kiện tinh vi. Thủ trưởng Bộ Tư lệnh bộ đội Hóa học đã cử Phó tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, học tại Liên Xô (cũ) chuyên ngành về sơn khí đến cùng cán bộ kỹ thuật Đài kiểm tra, xem xét, hướng dẫn, hạn chế sự ăn mòn của khói với thiết bị, máy móc.
Một buổi trưa hè nắng rát, bầu trời Hà Nội xanh trong, các lực lượng vũ trang cảnh giác, máy bay địch lợi dụng nắng xiên ngang bắn phá Thủ đô. Hồi còi báo động vang lên xé rách bầu trời trưa yên tĩnh. Loa phóng thanh thông báo khẩn cấp “máy bay địch cách Hà Nội 50km, rồi 40km, 30km…”, Sở Chỉ huy đóng tại Nhà thuyền Hồ Tây ra lệnh phát khói phủ các mục tiêu, trong đó có Đài Phát sóng Mễ Trì. Chỉ sau mấy chục giây khói phủ từ cầu Long Biên, nhà máy điện Yên Phụ, Nhà thờ Lớn, đường Thanh Niên, Hồ Tây, Quán Thánh, Ba Đình, trạm biến thế Đài Mễ Trì được che phủ bởi lớp mây nhân tạo. Pháo phòng không của ta nổ vang trời. Trong màn khói dày đặc, một phi công Mỹ rơi xuống hồ Trúc Bạch. Máy bay đâm xuống khu chứa than của nhà máy điện Yên Phụ, nổ tung, bốc cháy. Giặc lái khai trước cơ quan có trách nhiệm của ta là cách khoảng 30km thấy rõ mục tiêu Hà Nội, nhưng sau đó không thấy gì nữa, mà chỉ thấy một màu trắng. Anh ta tưởng là một vùng biển nào đó nên hốt hoảng bấm nút nhảy dù, phá hủy máy bay. Màu trắng giả mây đó là khói của bộ đội hóa học phát lên bảo vệ mục tiêu. Chiều hôm sau Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, thay mặt thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu đến thăm, động viên đơn vị, tặng Huân chương chiến công cho bộ đội hóa học, trong đó có Trung đội phun khói bảo vệ Đài Phát sóng Phát thanh Mễ Trì.
…Đến ký ức khó quên
Nhắc nhớ Hà Nội mười hai ngày đêm chiến thắng B52 Mỹ cách đây nửa thế kỷ tôi không sao quên được một ngày ở New York cách đây tròn 20 năm. Ấy là sáng 19/5/2002, lần đầu tiên đến Hoa Kỳ, có mặt tại New York trong căn hộ nhà cao tầng số 145, phố W của luật sư Micheal Dolinger. Tình cờ tôi được gặp và ăn sáng cùng ông bà John Hess. Ông là nhà báo lão thành xông pha trên các trang báo New York Time, từng đến Hội nghị Paris bàn về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam (1972 - 1973) với nhiều bài báo nổi tiếng ủng hộ Việt Nam.
Tôi đến đúng lúc người dân Mỹ mới trải qua 9 tháng chịu đựng khủng bố “11 tháng 9” hủy diệt Tòa tháp đôi thương mại với gần 3.000 người thiệt mạng đủ các màu da, châu lục. Khi nhắc đến “khủng bố”, “ném bom”, “hủy diệt” mọi người quanh bàn ăn đều sợ hãi. Các bà bịt tai, che mặt vì kinh hoàng và cầu mong những từ ngữ đẫm màu chết chóc đó không bao giờ có trong cuộc sống loài người. Nhà báo già John Hess chậm rãi: “Chứng kiến nỗi kinh hoàng của hủy diệt trên đất Mỹ tôi càng thấm thía những gì mà các bạn phải chịu đựng qua 12 ngày đêm tháng 12/1972 ở Khâm Thiên, Bạch Mai, Hà Nội. Khủng khiếp quá”. Lặng yên một lúc, đôi lông mày bạc nhíu lại, ông đặt tay lên vai tôi: “Tôi biết VOV mất sóng 9 phút vì B52 đánh trúng Đài Phát sóng Mễ Trì qua bài tùy bút của nhà báo Lưu Quý Kỳ, phát trên chương trình tiếng Anh của các bạn. Nhưng tôi không hiểu nổi làm sao chỉ trong 9 phút mà các bạn khôi phục được Đài Phát sóng đã bị hủy diệt?”.
Thời gian ít ỏi quá, tôi không thể nói hết với nhà báo Mỹ ở tuổi 80 ngọn ngành câu chuyện. Thật tình, trong thời chiến khẩn trương, khốc liệt người ta thông tin với nhau bằng mệnh lệnh ngắn gọn mà thực thi ngay, hiệu quả, như “sẵn sàng”, “bắn”, “cấp cứu”. “Thực hiện phương án A, phương án B”. Đó là hiệu lệnh chiến đấu cũng là mệnh lệnh trái tim. Khi nhà máy B đài Mễ Trì bị bom phá, mất sóng trung chủ lực, quen thuộc 297m, cán bộ trực chiến báo cáo ngay với lãnh đạo Đài. Lập tức lệnh phát ra “Phương án A” và máy phát ở 58 Quán Sứ lên sóng ngay. Các đài phát sóng khác phát sóng kịp thời nên chỉ sau 9 phút Đài TNVN phát đi tin chiến thắng B52 của quân dân Hà Nội.
Tùy bút nổi tiếng “Đây là Tiếng nói Việt Nam” nhà báo, nhà văn Lưu Quý Kỳ viết ngay khi khói lửa vừa tan, hố bom còn nóng hầm hập dưới chân cột ăng ten Đài Mễ Trì. Ông nghẹn ngào: “Chúng vừa ra sức đánh, vừa ra sức bịt miệng người bị đánh, không cho người ấy kêu la. Đó là kiểu du côn, vừa tra tấn, vừa nhét giẻ vào miệng con mồi, sợ bị hàng xóm láng giềng kéo đến bao vây”. Nhưng rồi, ngọn bút của nhà báo như reo lên: “Đây là Tiếng nói Việt Nam! Kẻ thù không bịt được miệng của chúng ta. Tiếng nói Việt Nam mãi mãi không bao giờ bị dập tắt. Tiếng nói Việt Nam vẫn tiếp tục truyền đi tin chiến thắng của Hà Nội, của Việt Nam”.
Nhà văn Lưu Quý Kỳ viết “chín phút ấy bóp nghẹn triệu triệu con tim”. Anh chị em cán bộ kỹ thuật Đài TNVN thấm hiểu hơn thế, bởi lẽ khi lấy bước sóng trung 297m, tương ứng với tần số 1010 Khz. Con số ngẫu nhiên mà mang trong mình điều thiêng liêng kỳ diệu, ứng với năm 1010 Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, trùng khớp với ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội 10/10/1954 và cũng là ngày Đài TNVN từ Thủ đô Gió ngàn về 58 Quán Sứ.
Câu chuyện dài quá, tôi chỉ biết trả lời ngắn gọn với nhà báo John Hess “Chúng tôi có dự phòng”. Ông à lên một tiếng rồi nâng ly cà phê thay rượu chúc mừng./.
Vĩnh Trà