Bệnh viện dã chiến: Nâng tầm vị thế Việt Nam trong gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Vượt qua nhiều huấn luyện chuyên sâu lĩnh vực y tế do các quốc gia Hoa Kỳ, Anh, Úc, New ZeaLand... triển khai, Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam

Bước chuyển về chất trong các hoạt động quốc tế 
    Hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) là một cơ chế đặc biệt, được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) triển khai lần đầu tiên vào năm 1948. Gần 70 năm qua, với trên 70 chiến dịch được thực thi trên khắp thế giới, hoạt động GGHB của LHQ đã góp phần quan trọng trong bảo đảm an ninh, chấm dứt xung đột ở hàng chục quốc gia; khôi phục, kiến tạo nền hòa bình, ổn định lâu dài ở từng khu vực và trên toàn thế giới. Khi trở thành thành viên của LHQ, Việt Nam luôn chủ động tham gia tất cả các lĩnh vực. Ngày 4/12/2013, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ra quyết định thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Ngày 27/5/2014, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam và giao nhiệm vụ cho 2 sĩ quan đầu tiên làm Sĩ quan liên lạc tại Phái bộ Nam Sudan (UNMISS). Đây là sự kiện đánh dấu bước chuyển về chất trong việc tham gia các hoạt động quốc tế của Việt Nam, góp phần quan trọng hoàn chỉnh bức tranh toàn cảnh về đối ngoại đa phương nói riêng, hội nhập quốc tế nói chung của đất nước. 
    Theo lộ trình triển khai lực lượng trong Đề án "Tổng thể Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình của LHQ" được Bộ Chính trị thông qua, Việt Nam triển khai đội hình đơn vị tham gia hoạt động GGHB của LHQ với lực lượng quân y và công binh. Do đặc thù biên chế đội hình, lực lượng quân y và công binh của LHQ có nhiều mặt khác biệt so với nước ta nên việc tổ chức thành lập và huấn luyện chuẩn bị sớm cho Bệnh viện dã chiến (BVDC) cấp 2 và Đội Công binh tham gia hoạt động GGHB là vấn đề cấp thiết. Ngay trong năm 2013, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có Quyết định về việc thành lập BVDC cấp 2 và Đội Công binh với đầy đủ tổ chức, biên chế và danh mục trang bị. 
    "Các bác sĩ được chọn tham gia BVDC Việt Nam đều là cán bộ đầu ngành thuộc các chuyên khoa được biên chế từ Bệnh viện Quân y 175, Quân khu 7, Quân đoàn 4, Trung tâm GGHB và Cục Quân y. Theo tiêu chí của LHQ, BVDC của chúng ta thuộc cấp 2, được tổ chức các khoa gồm: Khoa khám bệnh, Khoa ngoại - chuyên khoa, Khoa nội - truyền nhiễm, Khoa dược - trang bị, Ban bảo đảm (hậu cần)", đại tá Đoàn Kim Phụng, Giám đốc Trung tâm GGHB Việt Nam cho biết. 
Khẳng dịnh sự chuyên nghiệp của Quân y Việt Nam
    Suốt 3 năm gần đây, các đợt huấn luyện, diễn tập cường độ cao đã giúp năng lực phục vụ nhiệm vụ quốc tế của cán bộ, bác sĩ BVDC cấp 2 số 1 Việt Nam được nâng lên rõ rệt. Đại tá Robert Howe, Chỉ huy trưởng Bệnh viện dã chiến số 47 của Mỹ cho biết: “Mỹ đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc đưa đơn vị y tế đầu tiên tham gia hoạt động GGHB thông qua nhiều hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, viện trợ thiết bị y tế...”.
    Qua các đợt diễn tập, Đại úy Bùi Văn Xứng, bác sĩ gây mê hồi sức, BVDC cấp 2 số 1 Việt Nam chia sẻ: "Với nhiều thiết bị hiện đại, các bác sĩ bước đầu hơi bỡ ngỡ. Sau sự hướng dẫn của các chuyên gia, chúng tôi đã thuần thục việc lắp đặt vận hành, khắc phục sự cố, tháo dỡ thu hồi gói thiết bị hệ thống nhà bạt (nhà chỉ huy, nhà tắm, nhà vệ sinh); hệ thống điện, sưởi, điều hòa, thông gió sử dụng cho thực địa chiến trường; hệ thống cung cấp oxy, hệ thống lọc nước, xe phát điện, nhà bếp, nhà ăn di động; hệ thống máy trang bị y tế chuyên dụng... các kinh nghiệm cứu thương chiến trường cũng được thực hành thuần thục".  
    Thời gian qua, tận dụng thời tiết lúc mưa, lúc nắng nóng tại TP.HCM và một số địa phương lân cận, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, đã nhiều lần phát lệnh các tình huống huấn luyện khẩn cấp như một bệnh viện chiến trường thực thụ. Các tình huống giả định tiếp nhận binh lính và người dân bị thương từ tuyến 1 chuyển về... diễn ra nhanh gọn và an toàn với ngôn ngữ tiếng Anh; từ bài huấn luyện cơ bản đến nhiều bài tập tình huống bác sĩ BVDC cấp 2 - Việt Nam tiếp nhận bệnh nhân từ vùng dịch trở về. Ở tình huống này, việc tiếp nhận, kiểm tra, khử trùng đều được xử lý chặt chẽ, chuyển bệnh nhân vào khu vực cách ly lấy mẫu bệnh phẩm, tiến hành điều trị... đúng quy trình quốc tế. Các cán bộ chiến sĩ nhận nhiệm vụ đợt này đều là những bác sĩ có kinh nghiệm được Bộ Quốc phòng tin tưởng giao nhiệm vụ, về năng lực trình độ được các chuyên gia y tế trong và ngoài nước đánh giá cao. 
Không chỉ chủ động tổ chức hệ thống đảm bảo công tác hậu cần trụ sở đóng quân, nơi ăn ở cho cán bộ chiến sĩ, bố trí doanh trại trên địa hình dã ngoại thực tế, vận hành dây chuyền đón tiếp người bệnh, chuẩn bị những trang thiết bị để có khả năng cơ động nhanh, các y bác sĩ còn phải thực hành một cách thuần thục việc khắc phục vũ khí sát thương, bom mìn, bệnh lý nhiệt đới, phối hợp phương tiện rời trụ sở dã chiến đi cấp cứu, di chuyển nhận bệnh nhân ở bên ngoài bằng ô tô, thiết giáp, máy bay trực thăng... 
    "Chúng tôi đưa hai chuyên gia cấp cứu đường không của không quân Australia sang để chia sẻ kinh nghiệm cho BVDC Việt Nam. Qua những đợt tập huấn vừa qua, chúng tôi đánh giá cao công tác chuyên môn đội ngũ bác sĩ của Việt Nam. Với năng lực hiện có, chắc chắn các bạn sẽ làm tốt nhiệm vụ tại phái bộ". Đại tá Nerolie Mc Donald, Tùy viên Quốc phòng Australia tại Việt Nam nhận định.
    Toàn bộ việc triển khai hoạt động của BVDC trong những năm qua đều được giám sát, hướng dẫn bởi các bác sĩ giỏi có kinh nghiệm từ chiến trường biên giới Tây Nam của Bệnh viện quân y 175, các chuyên gia của LHQ. Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 đơn vị triển khai BVDC cấp 2 số 1 cho biết: “Trong thời gian luyện tập vừa qua, chúng ta đã rút được nhiều kinh nghiệm; cán bộ chiến sĩ BVDC cấp 2 đều rất nghiêm túc, tích cực. Trong từng điều kiện, khả năng chuyên môn cũng như trình độ ngoại ngữ của các bác sĩ có thể đáp ứng tốt nhiệm vụ trong thời gian tới".
Tự tin, sẵn sàng hoàn thành sứ mệnh cao cả
    Trải qua 5 năm chuẩn bị, trong đó có 3 năm huấn luyện tập trung, ngoài việc nâng cao về chuyên môn, ngoại ngữ, cách thức tổ chức vận hành một BVDC theo các tiêu chuẩn của LHQ và Luật pháp quốc tế thì lực lượng tham gia Phái bộ LHQ còn trang bị các kiến thức về phong tục tập quán, văn hóa, luật pháp tại các nước có lực lượng trú đóng. Công tác huấn luyện tiền triển khai là yêu cầu bắt buộc của LHQ đối với tất cả các quốc gia có phái bộ tham gia nhiệm vụ GGHB.   
    Thiếu tá, bác sĩ Bùi Đức Thành, Giám đốc BVDC cấp 2, Bệnh viện Quân y 175 khẳng định: “Quy trình cấp cứu điều trị, chăm sóc bệnh nhân theo chuẩn LHQ chúng tôi đã hoàn tất. Các quy trình về kiểm tra năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ của toàn bộ cán bộ nhân viên bệnh viện đảm bảo, được các chuyên gia nước ngoài, cũng như thủ trưởng các cơ quan đánh giá đạt yêu cầu. Chúng tôi tự tin sẽ hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian tới”.
    Là đơn vị đầu tiên của Việt Nam triển khai BVDC tham gia GGHB tại phái bộ LHQ, Bệnh viện Quân y 175 và một số đơn vị có liên quan đã góp phần khẳng định năng lực y tế và nâng cao hình ảnh của Quân đội nhân dân Việt Nam đối với quốc tế. Được biết, ngoài BVDC trên, Trung tâm GGHB Việt Nam cũng xây dựng Bệnh viện 354 thành bệnh viện dự bị cho BVDC 2.1 chuẩn bị lên đường thực hiện nhiệm vụ để sẵn sàng đổi quân khi cần thiết. 
Từ những hoạt động điều động cán bộ, sĩ quan đơn lẻ khi tham gia nhiệm vụ GGHB thời gian qua, việc triển khai BVDC cấp 2 quy mô và chuyên nghiệp tham gia nhiệm vụ quốc tế đã góp phần khẳng định vai trò, uy tín của Việt Nam trong các hoạt động của LHQ./.
Box: Sáng ngày 1/10, 63 cán bộ, bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam đã lên đường sang Nam Sudan bằng chuyên cơ vận tải của Autralia để tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại LHQ. BV có nhiệm vụ điều trị, chăm sóc quân nhân, nhân viên LHQ kể cả dân thường bị thương vong, đau ốm tại địa bàn trú đóng hoặc được chuyển từ bệnh viện dã chiến cấp 1 về; hỗ trợ dân tị nạn các nước, hỗ trợ các tổ chức quốc tế về y tế nơi bệnh viện đồn trú. 
 

Bình luận

    Chưa có bình luận