Hoàng gia Đan Mạch và tình cảm đặc biệt dành cho Việt Nam

Với Hoàng thân Henrik, đất nước Việt Nam đã là điều gì đó rất đặc biệt trong trái tim ông.

 

“Trở về Việt Nam nghĩa là tôi chạm vào tuổi thơ của mình” - chỉ lời thổ lộ rất đỗi chân thành ấy của Hoàng thân Đan Mạch Henrik cũng đủ để thấy đất nước hình chữ S có ý nghĩa như thế nào trong trái tim ông. Và nhiều năm qua, trong gia đình Hoàng gia Đan Mạch, tình yêu ấy đã được lan toả và trở thành mối quan tâm hết sức đặc biệt.

Từ mối duyên nợ hơn nửa thế kỷ trước

Với nhiều người Việt, đặc biệt là thiếu nhi Việt Nam, Đan Mạch từ lâu là một cái tên rất đỗi thân thuộc, đơn giản bởi đây là quốc gia của những câu chuyện cổ tích Andersen đầy mê hoặc, từ Nàng tiên cá đến Chú lính chì dũng cảm, Cô bé bán diêm… Còn với nhiều người dân Đan Mạch và Hoàng gia xứ Bắc Âu này, đất nước hình chữ S từ lâu cũng đã chiếm một vị trí rất đặc biệt trong trái tim.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thái tử Đan Mạch Frederik và Công nương phu nhân. (Ảnh: Như Ý)Tất cả bắt đầu từ một cơ duyên rất đặc biệt từ nhiều thập kỷ trước, bởi một nhân vật trọng yếu của Hoàng gia Đan Mạch: Hoàng thân Henrik - phu quân Nữ hoàng Margrethe đệ II. Theo chính trải lòng của Hoàng thân với báo chí Việt Nam nhiều năm trước, ông cho biết gia đình ông ba đời từng gắn bó với Việt Nam, từ đầu những năm 1920. “Mối liên hệ giữa tôi và Việt Nam có thể chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất từ năm 1934, khi tôi vừa sinh ra cho tới năm 1939. Năm 1939 khi trở về Pháp, tôi thậm chí còn sử dụng tiếng Việt tốt hơn cả tiếng Pháp. Giai đoạn thứ hai là năm 1950-1952, tôi trở lại Việt Nam, học tại trường Trường Albert Sarraut để thi lấy bằng tú tài”.

Cụ thể hơn, theo nhiều tài liệu, Henri de Laborde de Monpezat - tên khai sinh của Hoàng thân, xuất thân từ dòng họ quí tộc Monpezat ở vùng Pau, Pháp. Chỉ vài ngày sau khi ra đời, ông được mẹ đưa sang sống tại Hà Nội từ năm 1934 đến 1939 cùng với cha ruột của ông là một nhà kinh doanh đa ngành ở Đông Dương. Sau đó ông Henri de Laborde de Monpezat được đưa về sống và học ở Pháp một thời gian trước khi trở lại Việt Nam vào năm 1950. Cũng ở mảnh đất Hà Nội những ngày đó, Henri de Laborde de Monpezat đã từng chơi đàn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, từng chạy chơi trong nhà in tờ báo Ý Chí Đông Dương của ông nội ông.

Nữ hoàng Margrethe II và Hoàng thân Henrik (giữa) cùng Công nương và Thái tử thăm cố đô Huế năm 2009. (Ảnh: Đại sứ quán Đan Mạch)

Về sau này, trong một cuốn hồi ký của mình, Hoàng thân kể về nhiều kỷ niệm tuổi thơ và tình cảm đặc biệt dành cho chị Hai, chị Ba, chị Tư - những chị vú đã nuôi ông khôn lớn. “Tôi đặc biệt quí mến các chị vú ấy, coi họ như mẹ của mình” - Hoàng thân chia sẻ.

Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2009, Hoàng thân Henrik đã đưa Nữ hoàng Margrethe cùng vợ chồng con trai cả, Hoàng thái tử Frederick, thăm lại ngôi nhà ông từng sống 5 năm tại Hà Nội, ở số 80 Phan Đình Phùng khi cha ông đang phụ trách các doanh nghiệp gia đình trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời chia sẻ:mộ của ông nội tôi hiện vẫn ở Hà Nội…

Gắn bó với Việt Nam, với Hoàng thân Henrik, đất nước Việt Nam đã là điều gì đó rất đặc biệt trong trái tim ông. Khi còn ở Việt Nam, tôi đã từng thăm nhiều địa phương như Nha Trang, Đà Nẵng, Huế…, phát hiện Việt Nam là một đất nước đẹp tuyệt vời” - ông cho biết. Với ông, tình cảm của con người Việt Nam là điều ông ấn tượng nhất. “Hồi sống ở Việt Nam, tôi luôn thấy người Việt Nam tình cảm với nhau. Giờ quay lại tôi vẫn thấy người Việt Nam rất tình cảm”, Hoàng thân cho biết thêm, nhiều năm sau này, khi đã không còn ở Việt Nam đã lâu, ông vẫn có rất nhiều bạn bè tại Việt Nam, vẫn giữ liên lạc với một số người.

Nữ hoàng Margrethe II và Hoàng thân Henrik cùng các thành viên khác trong gia đình thăm ngôi nhà số 80 Phan Đình Phùng, Hà Nội ( nơi Phu quân của Nữ hoàng từng sống 5 năm đầu đời) ngày 1/11/2009. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ông có lẽ là hoàng thân duy nhất của thế giới (trừ Campuchia và Lào) có thể nói tiếng Việt, thích nước mắm và nhiều món ăn Việt. J'aime le nuoc mam - Tôi yêu nước mắm”, “nước mắm Phan Thiết ngon nhất”, “Việt Nam là nước duy nhất làm được nước mắm ngon”- ông chia sẻ khi gặp các nhà báo. Phu quân của Nữ hoàng Anh còn được biết đến là người rất mê tranh sơn mài của Việt Nam.

Sau này, Hoàng thân Henrik còn có dịp đến Việt Nam trên cả một tư cách mới: Chủ tịch danh dự của Tổ chức Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) của Đan Mạch. Từ tình yêu dành cho Việt Nam, ông dành nhiều tâm huyết cho các dự án Bảo tồn Đa dạng Sinh học được tài trợ bởi WWF-Việt Nam và WWF-Đan Mạch.

Hoàng tử kế vị, 11 năm và ba chuyến thăm đầy xúc cảm tới Việt Nam

Tình yêu với đất nước Việt Nam, cứ thế được nhân lên trong gia đình Hoàng gia Đan Mạch. Trong buổi tiếp Đại sứ Lương Thanh Nghị sau lễ trình Quốc thư hồi tháng 5/2022 tại Cung điện Fredensborg, Nữ hoàng Margrethe II nhắc lại chuyến thăm Việt Nam năm 2009, bày tỏ ấn tượng trước sự đón tiếp và tình cảm nồng hậu, chân tình, hiếu khách mà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đã dành cho Nữ hoàng, Hoàng thân và gia đình Hoàng gia Đan Mạch.Nữ hoàng Margrethe II rất xúc động khi kể về những năm tháng chồng bà đã gắn bó với Việt Nam cũng như những kỷ niệm trong chuyến thăm năm 2009, coi đây là sợi dây kết nối tình cảm bền chặt giữa Hoàng gia Đan Mạch với đất nước và con người Việt Nam.

Thiếu nhi Hà Nội chào đón Thái tử Frederik và Công nương Mary Elizabeth khi đến Phủ Chủ tịch. (Ảnh: NGUYỄN KHÁNH)Có lẽ ấn tượng từ chuyến thăm Hà Nội, Việt Nam năm 2009 cùng cha mẹ những năm tháng tuổi nhỏ cứ lưu lại mãi trong tâm trí Hoàng thái tử Frederick nên năm 2011, khi Đan Mạch và Việt Nam kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, Hoàng thái tử Frederick đã quyết định có chuyến thăm lần nữa đất nước mà cha ông đã có quá nhiều kỷ niệm, sự gắn bó và giờ đây ông cũng đã đem lòng yêu mến.

Còn nhớ trong chuyến thăm năm ấy, một trong những hoạt động được Hoàng thái tử trẻ rất quan tâm là cuộc gặp gỡ với các độc giả thiếu nhi Việt Nam tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM. Ngày đó, trong phòng đọc thiếu nhi, thái tử vui vẻ ngồi tô màu với các em trong tiết mục trò chơi vẽ tranh theo sách Popo tìm bạn, cùng trao đổi với các em những câu tiếng Anh, và tâm sự về bốn đứa con của mình. Hoàng thái tử cho biết, tối nào ông cũng đọc truyện cổ Andersen cho các con của ông nghe.

Thái tử Đan Mạch Frederik in bức tranh Đông Hồ Đàn gà mẹ con tại Hà Nội, ngày 1/11. (Ảnh: Giang Huy)Và giờ đây, vào đúng những ngày thu Hà Nội đẹp nhất, Hoàng thái tử của đất nước truyện cổ tích lại một lần nữa có chuyến thăm thứ 3 đến đất nước hình chữ S.

"Việt Nam luôn luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác hiệu quả với Đan Mạch đã được nhân dân và lãnh đạo hai nước gây dựng, vun đắp trong hơn nửa thế kỷ qua; đặc biệt là có sự quan tâm của Hoàng thân, Nữ hoàng, Thái tử và Công nương cũng như Hoàng gia dành cho đất nước Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng chuyến thăm chính thức lần này của Thái tử và Công nương và các vị khách quý sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hợp tác hai nước theo hướng: hợp tác hiệu quả và bền vững" - Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chia sẻ trong buổi tiếp Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik.

Trong buổi tiếp, vị vua tương lai của Đan Mạch không giấu nổi niềm vui khi được trở lại Việt Nam sau 11 năm, được chứng kiến những chuyển biến kinh tế - xã hội ấn tượng của Việt Nam. "Chuyến thăm lần này của tôi nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác năng lượng xanh như Đan Mạch đã tiến hành và giúp Việt Nam có thể thúc đẩy chuyển đổi xanh" - Thái tử Frederik chia sẻ.

Chiều 1/11, Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik đã dành thời gian tản bộ thưởng thức tiết Thu Hà Nội tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh Duy Linh)Sau các cuộc hội đàm, điều rất đặc biệt và có lẽ là điều khiến vị Thái tử kế vị rất thích đó là được đi dạo bộ hồ Gươm, thăm đền Ngọc Sơn và xem múa rối nước. Thái tử đã tỏ ra rất thích thú khi được một nghệ nhân hướng dẫn làm tranh Đông Hồ. Ngắm nhìn sự thích thú ấy, nhiều nhà báo đã phải thừa nhận, tình yêu Việt Nam đã thực sự được truyền trao, lan toả trọn vẹn trong gia đình Hoàng gia Đan Mạch./.

Đan Mạch và Việt Nam từ lâu đã có mối quan hệ hữu nghị hợp tác song phương gần gũi. Đan Mạch là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Việc thiết lập quan hệ này diễn ra từ rất sớm, cách đây đã 51 năm - năm 1971. Ngay sau đó, Đan Mạch bắt đầu cung cấp hỗ trợ nhân đạo và các khoản vay ưu đãi cho Việt Nam để hỗ trợ tái thiết sau chiến tranh. Năm 2015, Đan Mạch đã trở thành một trong những nhà tài trợ song phương lớn nhất tại Việt Nam. Năm 2013, Đan Mạch là nước Bắc Âu duy nhất ký Hiệp định Đối tác Toàn diện với Việt Nam.

Hà Anh

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận