Lần thứ 2 Việt Nam được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Việc lần thứ hai Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ là sự khẳng định và ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy bảo vệ quyền con người...

 

Vào 11h45 ngày 11/10/2022 (22h45 cùng ngày theo giờ Việt Nam), tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 77 tại New York (Mỹ), Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Việc lần thứ hai Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ là sự công nhận vị thế của Việt Nam, đồng thời khẳng định và ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy bảo vệ quyền con người trong suốt thời gian vừa qua.

Toàn cảnh phiên họp bầu ra 14 thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 ngày 11/10 tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. (Ảnh: UN)

Hành trình nhiều thách thức

Việc trúng cử trở thành thành viênHội đồng Nhân quyền (HĐNQ), cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống LHQ trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là vinh dự rất lớn nhưng để nhận được những tấm phiếu bầu là điều không hề đơn giản. Nói như Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ (2014-2018): “Bầu thành viên HĐNQ là một trong những cuộc bầu cử khó khăn nhất, cạnh tranh gay gắt nhất tại LHQ. Lần thứ hai được bầu vào HĐNQ - cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống Liên hợp quốc, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình quốc tế rất phức tạp hiện nay, là vinh dự lớn đối với đất nước ta”.

Quyền con người là một trong ba trụ cột của LHQ gồm hòa bình, phát triển và quyền con người, và HĐNQ là cơ quan chính của LHQ để triển khai đường hướng về vấn đề quyền con người. Chính vì vậy các nước hết sức coi trọng, quyết liệt tham gia cơ chế này. Thế nên, số lượng ứng cử viên quá đông. Các thành viên LHQ tham gia ứng cử được chia thành 5 khu vực địa lý, trong đó, nhóm châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có sự cạnh tranh cao nhất cho vị trí thành viên HĐNQ nhiệm kỳ này với 7 nước giới thiệu ứng cử từ giữa năm 2020 (1 nước rút ứng cử vào phút chót).Việt Nam được các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí này; đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 Csaba Korosi tuyên bố Việt Nam trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. (Nguồn: UN)Thách thức, khó khăn nữa là Việt Nam tham gia muộn nhất trong các nước tham gia ứng cử, cũng như trải qua 2 năm đại dịch Covid-19 không có điều kiện tiếp xúc, gặp gỡ, và công tác vận động chỉ được triển khai từ đầu năm 2022. Khó khăn thứ ba là cách tiếp cận trong vấn đề quyền con người giữa các nước có nhiều khác biệt, và phải đi tìm mẫu số chung để các nước chấp nhận được, để các nước thấy rằng Việt Nam đóng góp được vào nỗ lực chung.

Điều đáng nói đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào cơ quan này. Trước đó, năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2014-2016. Theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Việt Nam đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý trong việc đảm nhiệm thành công vai trò thành viên HĐNQ, để lại dấu ấn thông qua thúc đẩy các sáng kiến được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như tham gia Nhóm Nòng cốt tại HĐNQ về biến đổi khí hậu và quyền con người, trực tiếp là tác giả một số nghị quyết được HĐNQthông qua bằng đồng thuận về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em…

Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ)Sự công nhận cam kết của Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người

Đó là nhìn nhận của nhà báo nổi tiếng người Indonesia Veeramalla Anjaiah trước sự kiện Việt Nam trúng cử vào HĐNQ LHQ. Nhà báo Anjaiah cho rằng, đây là sự công nhận cam kết của Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người. “Là một quốc gia có trách nhiệm, Việt Nam luôn ủng hộ việc bảo vệ quyền con người và nhân phẩm trên toàn cầu. Việt Nam cũng luôn tham gia các nỗ lực bảo vệ quyền con người ở LHQ và các tổ chức quốc tế khác” - ông Veeramalla Anjaiah khẳng định.

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cũng khẳng định việc Việt Nam được ĐHĐ LHQ bầu vào HĐNQ có ý nghĩa hết sức to lớn, khẳng định sự công nhận vị thế của Việt Nam, đồng thời khẳng định và ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy bảo vệ quyền con người trong suốt thời gian vừa qua. Có thể nói đây là nỗ lực rât lớn và cũng là chủ trương, đường lối, chính sách xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; đồng thời cũng là một trong những nội dung, chương trình nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN mà Việt Nam đang hướng tới. Cộng đồng quốc tế rất kỳ vọng Việt Nam với việc lần thứ hai tham gia HĐNQ sẽ thúc đẩy nỗ lực bảo vệ quyền con người và đóng góp chung vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế.

Niềm vui của các thành viên đoàn Việt Nam tham dự phiên họp Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu bầu các thành viên mới của HĐNQ LHQ.Theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, những năm qua, Việt Nam là một trong những nước tích cực, chủ động tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người do LHQ và các tổ chức quốc tế khác ban hành. Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của LHQ về quyền con người (Công ước về quyền dân sự, chính trị; Công ước về quyền kinh tế-xã hội và văn hóa; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về quyền trẻ em; Công ước về quyền của người khuyết tật; Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người); phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản.

Việt Nam cũng tích cực tham gia đối thoại về quyền con người với nhiều quốc gia, như: Mỹ, Australia, Thụy Sỹ và Liên minh châu Âu (EU)... nhằm trao đổi quan điểm, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, hướng tới nâng cao hơn sự hưởng thụ quyền của người dân ở mỗi quốc gia. Việt Nam cũng tham gia tích cực các khóa họp thường niên và các phiên họp đặc biệt của HĐNQ LHQ về tình hình tại Myanmar, Palestine, Afghanistan, Sudan, Ethiopia, một mặt giới thiệu về các nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, phản bác các thông tin sai lệch, sai sự thật, mặt khác tham gia tích cực vào các thảo luận của HĐNQ về các vấn đề toàn cầu, tình hình bảo vệ quyền con người tại các khu vực trên thế giới…

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em được phát triển toàn diện, có môi trường sống an toàn, lành mạnh. (Ảnh: Nguyễn Hồng)Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia tích cực tại các diễn đàn khác của LHQ về quyền con người như ECOSOC, Ủy ban 3 Đại hội đồng… để tham gia trao đổi về các vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm và giới thiệu về các nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người.

Không chỉ trên bình diện quốc tế, tại Việt Nam, Hiến pháp, Nhà nước Việt Nam luôn luônchú trọng nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật về quyền con người. Hệ thống pháp luật của Việt Nam về quyền con người ngày càng được hoàn thiện.

Việt Nam không chỉ là một trong sáu quốc gia thành viên LHQ đã hoàn thành phần lớn các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ trước thời hạn năm 2015 mà còn được xem là tấm gương điển hình của cộng đồng quốc tế trong thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau của LHQ.

Bề dày trải nghiệm cũng như những thành công ấy là cơ sở để có thể tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thành tốt trọng trách mới. Nói như Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bangladesh Shahriar Alam: “Việt Nam sẽ đóng góp được nhiều hơn nữa tại HĐNQ LHQ”./.

HĐNQ LHQ trực thuộc ĐHĐ LHQ được thành lập năm 2006 là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống LHQ, có chương trình nghị sự trải rộng trên 10 đề mục, một mặt bám sát các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người, mặt khác cũng phản ánh rõ nét những ưu tiên, chiến lược lớn của các nước và các nhóm nước trong lĩnh vực này.

Hà Anh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận