Châu Âu quay lại đốt than và câu chuyện 'đi sai hướng' của thế giới

'Ít ai tưởng tượng được than đá, vốn là thứ nhiên liệu bẩn nổi tiếng, lại là hàng hóa thương phẩm có giá tăng cao nhất trong năm tài chính vừa qua'

 

“Đây là thực tế đau lòng, song nếu không làm vậy, các kho dự trữ khí đốt sẽ không đủ đầy để cung cấp cho người dân qua mùa Đông năm nay” - đó là lời phân trần đầy vẻ chua chát của Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck trước việc Đức đang khẩn cấp khôi phục nhiệt than nhằm tránh thiếu hụt nhiên liệu do bị Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt. Điều đáng nói, “thực tế đau lòng” ấy đã, đang diễn ra không chỉ tại nước Đức, mà cả “thế giới đang đi “sai hướng”.

Lục địa già: Từ tuyên bố “tuyệt giao” đến quyết định “quay xe”

Cách đây dăm, bảy năm, báo chí châu Âu đã từng đồng loạt giăng tít rằng “than đá đã hết thời ở châu Âu”, rằng “châu Âu sẽ chấm dứt kỷ nguyên than đá”… Race to Zero" - "Cuộc đua đưa nhiên liệu hóa thạch về O” đã từng là chiến dịch được phần đa các quốc gia châu Âu hết sức hưởng ứng. Lợi ích về môi trường đã được đưa ra như một ưu tiên hàng đầu.

Khai thác than đá cứng phục vụ nhà máy điện than ở Duisburg, miền Tây Đức ngày 5/4/2022. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)

Quả thực thời kỳ đó, lục địa già đã chứng tỏ thái độ tuyệt giao với than đá, dạng nhiên liệu mà họ cho rằng, tuy rẻ, tuy từng được xem là một thứ “vàng đen”, nguồn năng lượng thần kỳ, từng giúp châu Âu tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp nhưng đồng thời cũng là nguồn “năng lượng bẩn”, là thủ phạm gây ra những hậu quả môi trường nghiêm trọng, khiến Trái đất nóng lên. Theo các số liệu thống kê, nếu vào năm 1990, than góp phần sản xuất khoảng 40% sản lượng điện của châu Âu thì tới năm 2015, tỷ lệ này chỉ còn dưới 25% và cho tới nay, tỷ lệ này không ngừng được kéo xuống thấp. Năm 2015, châu Âu chỉ tiêu thụ 7% năng lượng sản xuất từ than so với 36% vào năm 1965. Trong đó, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu được xem là một trong những quốc gia quyết liệt bậc nhất với “vàng đen”. Cách đây 2 năm, Lưỡng viện quốc hội Đức đã thông qua dự luật đến năm 2038 đóng cửa nhà máy năng lượng than đá cuối cùng, đến cuối năm 2022, 8 nhà máy năng lượng than đá ô nhiễm nhất của Đức sẽ bị đóng cửa. Bộ trưởng Môi trường Đức thời điểm đó đã từng tuyên bố: “Đức là quốc gia công nghiệp hóa đầu tiên từ bỏ cả năng lượng than đá và năng lượng hạt nhân”, rằng Đức nói lời chia tay với năng lượng hóa thạch và hướng tới mục tiêu mọi năng lượng sản xuất tại quốc gia này sẽ khai thác từ nguồn có thể tái tạo.

Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, khi an ninh năng lượng của toàn bộ châu lục bị đe dọa nghiêm trọng do nguồn cung khí đốt từ Nga hoàn toàn bị cắt giảm, thì “lục địa già” đã buộc phải đứng trước sự “lựa chọn cân não” giữa lợi ích kinh tế và lợi ích về môi trường, và như một lẽ đương nhiên, sự sống còn đã là lựa chọn cuối cùng. Một cách dè dặt, nhiều nước châu Âu như Pháp, Italy, Áo và Hà Lan đã lần lượt cho tái khởi động các nhà máy điện than cũ. Theo Vụ trưởng Năng lượng của Liên minh châu Âu (EU), lượng điện sản xuất từ than đá ở EU đã tăng 19% trong quý 4 năm 2021 so với một năm trước đó, nhanh hơn bất kỳ nguồn điện nào khác.

Máy móc hạng nặng hoạt động tại mỏ than lớn nhất Hy Lạp. (Ảnh: AP)“Đây là thực tế đau lòng, quyết định của Chính phủ Đức về việc hạn chế sử dụng khí đốt tự nhiên và đốt nhiều than là một quyết định "cay đắng", song nếu không làm vậy, các kho dự trữ khí đốt sẽ không đủ đầy để cung cấp cho người dân qua mùa Đông năm nay” - chia sẻ của Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cũng là cũng là lời phân trần chung của nhiều quốc gia châu Âu về quyết định “quay xe” với “vàng đen”, bởi theo họ “không có con đường nào khác để nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga mà không gây ra thêm lạm phát và suy thoái nghiêm trọng".

Thế giới: “Đi sai hướng” và cái giá phải trả

Nhưng vàng đen - nhiên liệu hóa thạch, hay phát triển bền vững đã là sự “lựa chọn cân não”, không chỉ châu Âu mà cả thế giới đang buộc phải đối mặt. Cơn khát năng lượng đã khiến sự lựa chọn của Đức, Anh, hay châu Âu tới thời điểm này đã không còn là thiểu số. Báo cáo mới đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết tiêu thụ than trên toàn thế giới đã tăng trở lại khoảng 6% trong năm ngoái khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục sau cú sốc đại dịch Covid-19 và dự báo sẽ tăng 0,7% trong năm nay. "Ít ai tưởng tượng được than đá, vốn là thứ nhiên liệu bẩn nổi tiếng, lại là hàng hóa thương phẩm có giá tăng cao nhất trong năm tài chính vừa qua”, chuyên gia cấp cao ở hãng đầu tư Shaw and Partners, Peter O’Connor,  bình luận trên kênh CNBC.

Nhà máy nhiệt điện chạy than tại Garzweiler, Đức. (Ảnh: AFP)Trước “xu hướng” này, chuyên gia Neil Makaroff, thuộc Mạng lưới Hành động Khí hậu, cho rằng việc quay trở lại sử dụng than là "lựa chọn tồi". Nhóm hành động môi trường Carbon Market Watch đánh giá việc một số nước châu Âu cân nhắc chuyển sang sử dụng than là "đáng lo ngại". “Khi giá năng lượng tăng cao, có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi mùa đông đến gần, một số nước thành viên EU đang chuyển sang đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cung cấp nhiên liệu hóa thạch. Mặc dù lý do có thể hiểu được, nhưng tôi kêu gọi EU và các nước thành viên xem xét những hậu quả lâu dài của việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch" - Phó Cao ủy Nhân quyền LHQ Nada Al-Nashif bày tỏ quan điểm.

Rõ ràng, nói như Tổ chức khí tượng thế giới (WMO), nhân loại đang "đi sai hướng" trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu do việc sử dụng quá nhiều nhiên liệu hóa thạch và rằng thiên tai sẽ trở nên phổ biến nếu thế giới không cắt giảm lượng khí carbon theo mức mà giới khoa học cho là cần thiết để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của tình trạng ấm lên toàn cầu. Trận lũ lụt nghiêm trọng tại Pakistan, đợt nắng nóng kinh hoàng khiến hàng trăm người thiệt mạng tại châu Âu hay ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa màng tại Trung Quốc và Ấn Độ là những hệ lụy điển hình cho sự đi sai hướng ấy… “Pakistan và các quốc gia đang phát triển khác đang phải trả một cái giá khủng khiếp cho sự bất chấp của các nước phát thải lớn tiếp tục trông chờ vào nhiên liệu hóa thạch” - Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra viện dẫn khi đi thăm các vùng bị lũ lụt ở Pakistan hồi đầu tháng 9.

Chính phủ Đức khẳng định các nhà máy nhiệt điện than có thể được sử dụng để bù đắp cho nguồn cung khí đốt thiếu hụt từ Moscow. (Ảnh: DPA)Tuy nhiên, mọi sai lầm đều có thể khắc phục và lối thoát khả dĩ duy nhất, theo cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) là "tăng tốc đầu tư hiệu quả vào nguồn năng lượng tái tạo và các công nghệ sạch khác". Đó mới là một giải pháp dài hạn và mang tính bền vững. Nhưng ngừng đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang đầu tư vào năng lượng tái tạo để "chấm dứt chiến tranh với thiên nhiên" sẽ là một quyết định không dễ dàng, đòi hỏi sự hy sinh không hề ngắn hạn và nhỏ về lợi ích kinh tế… Nhưng sự hy sinh ấy sẽ là đáng giá, nếu biết rằng: “lòng tin đang đổ vỡ, bất công đang gia tăng, hành tinh của chúng ta đang bốc cháy. Mọi người đang tổn thương và những người dễ bị tổn thương nhất đang phải chịu đựng nhiều nhất” (lời Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres).

"Ít ai tưởng tượng được than đá, vốn là thứ nhiên liệu bẩn nổi tiếng, lại là hàng hóa thương phẩm có giá tăng cao nhất trong năm tài chính vừa qua”.

Chuyên gia cấp cao ở hãng đầu tư Shaw and Partners, Peter O’Connor,  bình luận trên kênh CNBC

Hà Anh  

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận