Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Huỳnh Thúc Kháng: Trăm năm tri kỷ!

Chỉ ít năm làm bạn, nhưng giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Huỳnh Thúc Kháng, theo nhìn nhận của nhiều sử gia, thực sự đã là mối quan hệ tri âm, tri kỷ.

 

Dân gian thường có câu: "Trăm năm tri kỷ khó tìm, tri âm khó gặp, bạn hiền khó quen". Nhưng giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Huỳnh Thúc Kháng, theo nhìn nhận của nhiều sử gia, thực sự đã là mối quan hệ tri âm, tri kỷ. Sinh thời, cụ Huỳnh đã khẳng định mối quan hệ ấy bằng câu thơ: “Bảy tuần đầu bạc như bông/Gặp người tri kỷ thôi xong đã già".

Nay gặp cụ tôi hả lắm”

Đó là lời cụ Huỳnh Thúc Kháng không thể kìm nén mà thốt lên vào cái ngày cụ ra Hà Nội và có cuộc gặp gỡ đầu tiên với Hồ Chủ tịch.

Lịch sử ghi lại rằng, đó là một ngày cuối tháng 2/1946, hai con người giàu chí khí, giàu lòng ái quốc ấy lần đầu chạm mặt. Cuộc gặp gỡ ấy về sau này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “tường thuật lại” trong cuốn “Những năm tháng không thể nào quên: “Giây phút gặp gỡ đầu tiên giữa Bác và cụ Huỳnh thật là cảm động. Hai người đều bước vội tới ôm lấy nhau. Bác và cụ Huỳnh bỗng dưng đều ứa nước mắt, đã nhắc đến cụ Phó Bảng ngày xưa bao phen lận đận ra Bắc vào Nam giữa những năm dài tăm tối. Và ngay từ những phút đầu cụ Huỳnh đã thấy ở nhà cách mạng lừng danh mà từ lâu mình khao khát được gặp là người rất thân thiết. Sau buổi gặp Bác, cụ Huỳnh đã nói với một người bạn “Dân ta có được cụ Hồ quả là hồng phúc”. Cụ đã đặt vào Người sự tin cậy hoàn toàn. Mặc dù cụ hơn tuổi Bác nhiều nhưng mỗi khi nhắc đến Hồ Chủ tịch, cụ thường nói: “Đó là vị cha già của dân tộc”. Nhiều tài liệu cũng ghi lại rằng, ngày hôm đó, gặp cụ Hồ, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã vừa khóc vừa nói: “Khi còn ở Côn Lôn, tôi cũng tưởng không có ngày phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân vì án chung thân. Nay gặp cụ tôi hả lắm”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Huỳnh Thúc Kháng (người mặc áo dài đứng bên phải) và nội các Chính phủ Liên hiệp lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hoà (sau này là Chính phủ Liên hiệp kháng chiến). Ảnh tư liệu.

Năm đó cụ Huỳnh tròn 70 tuổi (sử sách ghi cụ sinh năm 1876), còn Chủ tịch Hồ Chí Minh tròn tuổi 56. Trân trọng, cảm phục tài năng, đức độ, chí khí của cụ Huỳnh - người từng dám từ chối ra làm quan vì nhìn thấu sự mục ruỗng, thối nát trong bộ máy phong kiến, người dám từ bỏ tư tưởng tôn quân để tiếp tu cái mới, cái tiến bộ, nên sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cụ ra Hà Nội tham gia Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hồ Chủ tịch đã gửi hai bức điện mời cụ Huỳnh ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Như lời kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Khi nhận bức thư mời thứ nhất, cụ Huỳnh chưa trả lời, đến bức thư thứ hai thì cụ đồng ý ra Bắc nhưng không mang theo hành lý mà dự định ra gặp Bác Hồ để trao đổi rồi cụ sẽ trở vô.

Nhưng tại cuộc gặp gỡ ấy, Bác Hồ đã nói chuyện với cụ Huỳnh suốt một giờ đồng hồ phân tích tình hình khó khăn của đất nước lúc bấy giờ, rằng đất nước đang cần lắm các bậc chí sĩ cùng chung vai gánh vác việc nước. “Trên con đường tranh đấu giành độc lập, cụ đã đi được 99 dặm, chỉ còn dặm nữa. Xin cụ đừng thoái thác, cụ vui lòng giúp tôi”, lời này của Bác Hồ đã thuyết phục được cụ ra gánh vác việc nước. Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã nhận lời tham gia Chính phủ với tâm nguyện “làm quan thì tôi không làm nhưng làm đầy tớ cho dân thì tôi xin nhận”. Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam mới, Bác Hồ đã trân trọng giới thiệu danh sách Chính phủ Liên hiệp để Quốc hội thông qua, trong đó Người nhấn mạnh: “Giữ chức Bộ Nội vụ: Một người đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết đó là cụ Huỳnh Thúc Kháng”. Ngày 7/3/1946, lần đầu tiên cụ Huỳnh Thúc Kháng ra mắt quốc dân trước tiếng hoan hô vang dậy của hàng vạn đồng bào ở quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội.

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” hay sự thấu hiểu, chia sẻ trọn vẹn

Trở lại bối cảnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa những năm đầu vừa giành lại được nền độc lập: khó khăn chồng chất khó khăn, thù trong giặc ngoài, giặc đói rồi giặc dốt… vạn sự gian nan, vận mệnh đất nước có lúc rơi vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Mọi sự đến mức để giữ chính quyền, bảo vệ nền độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định sang nước Pháp một phen, dù biết kết quả đạt được có thể sẽ là rất mong manh.

Nhưng để tìm được người có thể thay thế công việc điều hành đất nước để Người yên tâm sang nước Pháp đàm phán cũng không là điều đơn giản và cụ Huỳnh dường như đã là cái tên đầu tiên Hồ Chủ tịch “nhắm tới”. Bản tin trưa ngày 31/5/1946 của Đài Phát thanh Việt Nam phát đi bản tin thông báo: Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ dẫn đầu phái đoàn Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa (CH) Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp, thì trước đó, ngày 27/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ, quyết định Cụ Huỳnh Thúc Kháng tạm thay Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người đi vắng. Sau đó ngày 29/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 82-SL về việc ủy nhiệm Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thay Chủ tịch Chính phủ đi vắng, ký công văn hàng ngày và chủ toạ họp Hội đồng Chính phủ.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng và báo Tiếng Dân.

Ngày 31/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức lên đường sang thăm nước Pháp. Sách 117 Chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (Ban Tuyên giáo TW, Nxb. CTQG - 2007) có đoạn kể lại về thời khắc lịch sử ấy: Sân bay Gia Lâm hôm ấy đông nghịt người ra tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đi một vòng chào các đại biểu và đồng bào. Đồng bào vẫy cờ, vỗ tay hoan hô và chen lấn nhau ra phía trước để được nhìn rõ Người. Sắp đến giờ lên máy bay, Bác tới nắm tay cụ Huỳnh nói: Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở cụ cùng với anh em giải quyết cho. Mong cụ “dĩ bất biến ứng vạn biến'' (lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn sự thay đổi). Cụ Huỳnh rất cảm động, cầm tay Bác Hồ lâu, Bác đã uỷ nhiệm cụ Huỳnh làm Quyền Chủ tịch nước trong thời gian Bác đi vắng.

Và thực sự, gánh vác trọng trách thay Hồ Chủ tịch điều hành việc nước trong những ngày “thù trong giặc ngoài”, nền độc lập, chính quyền cách mạng còn rất non trẻ là một thử thách không nhỏ đối với cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Trong thời gian Người đi vắng (từ ngày 31/5/1946 - 20/10/1946), nhà lão thành ái quốc người xứ Quảng đã điều hành quốc sự theo đúng phương châm  “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong giải quyết các công việc quốc nội, nhờ đó, giải quyết êm thấm nhiều công việc liên quan đến quốc gia đại sự, giữ yên được thế phát triển của cách mạng trong thời điểm hiểm nghèo. Trong thời gian giữ chức vụ quyền Chủ tịch nước, cụ đã ký 160 sắc lệnh (từ Sắc lệnh số 92 đến 251). Cụ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thẳng tay trừng trị những phần tử phản động trong Việt Nam Quốc dân đảng cấu kết với quân Tưởng âm mưu lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được thành lập cũng như nhiều đầu việc quan trọng khó khăn khác.

Trong Lời tuyên bố với quốc dân sau khi đi Pháp về, ngày 23/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã bày tỏ sự thán phục về tài điều hành của cụ Huỳnh và gửi lời cảm ơn tới cụ Huỳnh Thúc Kháng. Người nói: “Trong lúc tôi đi vắng, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của cụ Huỳnh quyền Chủ tịch, sự săn sóc giúp đỡ của Quốc hội, sự ra sức gánh vác của Chính phủ, sự đồng tâm hợp lực của quốc dân, mà giải quyết được nhiều việc khó khăn, công việc kiến thiết cũng tiến bộ”.

Tài đức tiếc thương nhau

Năm 1947, cụ Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chính phủ Trung ương đi kinh lý Trung Kỳ, nắm bắt tình hình và truyền đạt đường lối kháng chiến kiến quốc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, kêu gọi quốc dân đồng lòng đoàn kết thành một khối thống nhất, hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, quyết sống mái với kẻ thù. Khi đến tỉnh Quảng Ngãi, do tuổi cao sức yếu nên cụ Huỳnh lâm bệnh nặng và đã mãi mãi ra đi ngày 21/4/1947, thọ 71 tuổi. Trước khi qua đời, cụ Huỳnh còn gửi đến các đảng phái, nhân sĩ, trí thức và các tầng lớp nhân dân lời hiệu triệu đoàn kết xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh để thực hiện thắng lợi sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Từ Quảng Ngãi, trên giường bệnh, Cụ đọc cho người thư ký riêng của mình bức thư gửi Bác Hồ: “Kính gửi Hồ Chủ tịch! Tôi bệnh nặng, chắc không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước đã độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả. Chỉ tiếc không được gặp Cụ lần cuối cùng. Chúc Cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân lên đường vinh quang hạnh phúc”.

Khi được tin cụ Huỳnh Thúc Kháng qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cả nước để tang cụ Huỳnh. Hồ Chủ tịch đã làm bài thơ điếu cụ Huỳnh tạm dịch là: Than ôi!/ Bể Đà Nẵng triều thảm/ Đèo Hải Vân mây sầu/ Tháng tư tin buồn đến/ Huỳnh Bộ trưởng đi đâu?/ Trông vào Bộ Nội vụ/ Tài đức tiếc thương nhau!/ Đồng bào ba chục triệu/ Đau đớn lệ rơi châu! Và trong thư gửi đồng bào cả nước ngày 29/4/1947, Bác Hồ viết những lời ca tụng: “…Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao (…). Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập(…). Cụ Huỳnh tuy tạ thế nhưng cái chí vì nước, vì nòi của cụ vẫn luôn sống mạnh mẽ trong lòng triệu triệu đồng bào chúng ta…”.

Chỉ ít năm làm bạn, nhưng hai con người ái quốc ấy đã thực sự là “trăm năm tri kỷ”./.

Hà Anh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận