Khủng hoảng năng lượng tại châu Âu: Có nơi đã tính tới việc đốt củi

Một giải pháp thô sơ nhất trước khủng hoảng năng lượng được nhiều quốc gia đưa ra để có thêm nguồn năng lượng là sử dụng… củi.

 

“Châu Âu có thể phải đối mặt với một “mùa Đông của sự bất mãn, sự phân bổ, sự đóng cửa công nghiệp - tất cả những điều đó đều đang hiển hiện”. “Dự báo” đầy u ám ấy của Helima Croft, Giám đốc điều hành tại RBC Capital Markets mới đây giờ đang trở thành hiện thực khi Nga liên tục cắt giảm nguồn cung khí đốt tới lục địa già. Cơn “ác mộng” về “một cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ” đang tới.

“Cuộc khủng hoảng năng lượng khắc nghiệt nhất ở châu Âu

Alex Munton, chuyên gia tư vấn về thị trường khí đốt toàn cầu tại tập đoàn năng lượng Rapidan, đã không hề quá lời khi đưa ra nhận định ảm đạm đó.

Bao nhiêu năm nay, các quốc gia EU phải nhập khẩu ít nhất khoảng 40% lượng khí đốt dự trữ từ Moscow. Giá khí đốt tự nhiên đã tăng đáng kể sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine và thậm chí trước khi cái gọi là “phản ứng của Moscow” trước các lệnh trừng phạt xảy ra.

Một số quốc gia châu Âu đã quyết định khởi động lại các nhà máy đốt than cũ để đối phó với tình trạng khan hiếm năng lượng. (Ảnh: Getty Images)Từ tháng 4 - 6/2022, khi Moscow bắt đầu đáp trả các lệnh trừng phạt của châu Âu bằng cách ngừng bán khí đốt cho Bulgaria, Ba Lan, Phần Lan, Hà Lan và Đan Mạch, cắt giảm đáng kể nguồn cung cấp khí đốt dọc theo các tuyến đường chính - Dòng chảy phương Bắc 1 và hệ thống dẫn khí đốt qua Ukraine, cũng là lúc cuộc khủng hoảng năng lượng bắt đầu rung chuyển châu Âu. Và đến cuối tháng 7 vừa qua, mọi chuyện càng trở nên tồi tệ khi Nga thông báo đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) đến Đức sẽ chỉ cung cấp 20% công suất bình thường.

Nguồn cung giảm mạnh cộng với thời tiết nắng nóng ở châu Âu và sự giảm sản xuất năng lượng từ các nguồn thay thế khiến giá khí đốt tự nhiên tăng vọt. Hãng thông tấn Nga RIA Novosti dẫn dữ liệu của sàn giao dịch ICE London cho biết giá khí đốt trung bình ở châu Âu trong tháng 7 đã tăng gần 50% (từ 1.180 lên 1.805 USD/1.000m3). “Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu hiện quá đắt so với mức giá trung bình giai đoạn 2015 - 2019” -  Salomon Fiedler, một nhà kinh tế tại Berenberg nhìn nhận. Theo nhiều chuyên gia, giá khí đốt sẽ còn leo thang do nguồn cung từ Nga ngày càng hạn hẹp.

Nguồn cung giảm, giá cao hơn, cuộc khủng hoảng khí đốt tồi tệ đang làm suy thoái nền kinh tế của châu Âu. “Rủi ro lớn nhất hiện nay là giá năng lượng dùng cho các hộ gia đình và nhà máy tăng bùng nổ trong mùa đông này. Đó là điều mà người dân và doanh nghiệp hầu như không thể ứng phó”, ông Henning Gloystein - giám đốc của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group - ngán ngẩm nói. Còn Ủy ban châu Âu thì dự báo: Việc ngừng cung cấp khí đốt hoàn toàn từ Nga có thể dẫn đến suy thoái vào cuối năm 2022.

Nếu Nga ngừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho EU sẽ là cơn ác mộng vô cùng tồi tệ với khối này.

Chạy đua tìm nguồn năng lượng thay thế

Khi nguồn cung bị thu hẹp, nhu cầu vẫn không ngừng tăng cao thì việc tìm nguồn năng lượng thay thế là điều đương nhiên. Tuy nhiên, tìm đâu ra nguồn cung thay thế để đáp ứng đủ yêu cầu của EU về việc các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất trên lãnh thổ của các quốc gia thành viên đạt mức lấp đầy 85% tổng công suất vào năm 2022, ít nhất 80% công suất trước khi bắt đầu mùa Đông 2022 - 2023 và đến 90% trước khi bắt đầu giai đoạn mùa Đông tiếp theo… lại là điều nan giải hơn nữa. Các nước châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Nga đang chạy đua để tìm nguồn cung cấp thay thế.

Một trong những giải pháp đang được tính đến nhiều nhất là nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), chủ yếu là từ Mỹ. Thực tế, Mỹ cũng đã giữ lời hứa tăng cường cung cấp LNG cho châu Âu trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraina (khi khoảng 71% xuất khẩu LNG của Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2022 là xuất sang Liên minh châu Âu và Anh), bản thân Mỹ cũng kiếm bộn tiền từ việc xuất khẩu này, tuy nhiên, thực tế Mỹ cũng đang “lực bất tòng tâm”. Nhu cầu về LNG đột ngột và quá lớn trong khi phải mất vài năm để xây dựng các cơ sở mới (hàng tỷ USD đang được chi ra để xây dựng cảng nhập khẩu LNG) và Mỹ dự kiến ​​sẽ không tăng thêm công suất mới đáng kể cho đến ít nhất năm 2024. Vì thế, mục tiêu sẽ cung cấp 15 tỷ mét khối LNG sang châu Âu trong năm nay, tăng 75% so với năm ngoái như Mỹ tuyên bố hồi tháng 3 xem ra khó thực thi.

Nguồn cung cấp khí đốt bị thắt chặt sẽ dẫn đến việc tăng giá năng lượng cho người tiêu dùng, làm tăng thêm áp lực lạm phát, gây nguy cơ suy thoái. (Ảnh: DPA)

Ngoài nguồn cung từ Mỹ, châu Âu có thể nói đang không ngần ngại đổ tiền để giành mua khí đốt “giá đặc biệt cao” với những khách hàng lớn truyền thống của loại năng lượng này, chủ yếu ở châu Á, như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. “Châu Âu đang giành lấy LNG khỏi những thị trường ít sẵn sàng nhất để trả mức giá mà châu Âu sẵn sàng trả”, CEO Ben van Beurden của hãng năng lượng Shell, một nhà cung cấp LNG, cho biết.

Bên cạnh nhập khẩu LNG, nhiều quốc gia châu Âu đang tính sử dụng than đá để đảm bảo nguồn cung khí đốt, bao gồm đưa các nhà máy phát điện chạy than hoạt động trở lại hoặc trì hoãn kế hoạch đóng cửa các nhà máy này. Đức đã khởi động lại nhà máy điện than Mehrum. Giám đốc điều hành nhà máy Armin Fieber cho biết nhà máy có công suất khoảng 270 megawatt. Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Hà Lan Rob Jetten thông báo nước này đang dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế đối với các nhà máy điện than để giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên. Tại Áo, chính phủ nước này đã thỏa thuận với Công ty Năng lượng Verbund để lên kế hoạch mở lại nhà máy sản xuất điện bằng than.

Cuộc khủng hoảng năng lượng đang ảnh hưởng tồi tệ tới người dân châu Âu. (Ảnh: tl)Một giải pháp thô sơ nhất cũng được nhiều quốc gia đưa ra để có thêm nguồn năng lượng là sử dụng… củi. Đại sứ phụ trách An ninh Năng lượng Cộng hòa Séc tại EU Vaclav Bartuška thậm chí từng tuyên bố, đất nước ông cho phép người dân “đốt bất cứ thứ gì có thể” để tạo ra nhiệt và điện phục vụ nhu cầu giữ ấm cho người dân nếu nguồn cung cấp khí đốt trong mùa đông tới không đảm bảo.

Thắt lưng buộc bụng trở thành giải pháp tối ưu

Trong bối cảnh hiện tại thì “thắt lưng buộc bụng” tối đa nguồn năng lượng sử dụng đang là giải pháp dễ thực thi nhất. Ngay sau khi Nga quyết định giảm lượng khí đốt hằng ngày tới châu Âu qua Nord Stream 1 xuống còn 33 triệu m3 mỗi ngày, tương đương 20% công suất, Ủy ban châu Âu ngày 20/7 đã ra lời kêu gọi các quốc gia EU giảm lượng tiêu thụ khí đốt xuống 15% trong những tháng tới để đảm bảo dự trữ cho mùa đông.

Cơ sở lưu trữ của Klaipedos Nafta, công ty logistics chuyên về dầu khí tại cảng Klaipeda, Lithuania. (Ảnh: AFP)Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu đồng thời cũng là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất và bấy lâu dựa chủ yếu vào nguồn năng lượng từ Nga, không còn cách nào khác, dường như đã là quốc gia chủ động nhất, tích cực nhất trong việc thực thi chủ trương tiết kiệm năng lượng. Thủ đô Berlin, từ ngày 27/7, đã quyết định tắt đèn tại khoảng 200 di tích lịch sử và các tòa nhà. Thành phố Munich ở miền Nam nước Đức cũng đã thông báo sẽ tắt đèn chiếu sáng trên tòa thị chính ở quảng trường Marienplatz, tắt các đài phun nước vào ban đêm. Ở nhiều thành phố khác của Đức, nhiệt độ nước trong các bể bơi, nhiệt độ phòng đã được hạ xuống.

Tại Phần Lan, các siêu thị thay phiên nhau đóng cửa hàng giờ đồng hồ để giảm tiêu thụ điện. Tại Pháp, trong bài phát biểu trên truyền hình nhân ngày Quốc khánh Pháp 14/7, Tổng thống Emmanuel Macron lên tiếng kêu gọi các doanh nghiệp, cơ quan chính phủ và hộ gia đình tiết kiệm năng lượng hơn nữa. Từ ngày 24/7, Pháp cũng thông báo cấm bật các biển quảng cáo dùng đèn từ 1h đến 6h sáng ở mọi thành phố, cấm các cửa hàng để hở cửa trong khi đang bật điều hòa hoặc máy sưởi, với mức phạt 750 euro. Italy cũng ban hành kế hoạch khẩn, yêu cầu tắt đèn chiếu sáng xung quanh các tượng đài, các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa sớm vào lúc 19h, yêu cầu điều chỉnh nhiệt độ điều hòa các tòa nhà không dưới 19 độ C vào mùa hè và không quá 27 độ C vào mùa đông, kèm mức phạt 500 - 3.000 euro đối với những ai không tuân thủ. Bộ trưởng Môi trường Tây Ban nha Teresa Ribera ngày 28/7đã kêu gọi người dân sử dụng năng lượng “thông minh nhất có thể”.

Thắt lưng buộc bụng đang là giải pháp dễ thực thi nhất, hiệu quả nhất đối với châu Âu thời điểm này. “Chỉ cần giảm nhiệt độ máy sưởi đi 1 độ trong mùa đông, châu Âu đã có thể tiết kiệm được 10 tỷ mét khối khí đốt, tương đương lượng khí đốt tiêu thụ hằng năm của Áo” - Nick Eyre, giáo sư về chính sách năng lượng và khí hậu tại Đại học Oxford cho biết./.

Cơ quan xếp hạng quốc tế Fitch trong bản báo cáo ngày 28/6 cho rằng EU có thể mất hơn 3 năm để bù đắp sự mất mát hoàn toàn về nguồn cung khí đốt của Nga. Fitch cảnh báo, nếu nguồn cung của Nga ngừng hoạt động, các nước EU "sẽ phải đối mặt với cú sốc vĩ mô lớn", bao gồm tăng trưởng kinh tế suy giảm và lạm phát cao hơn.

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận