“Thế giới có thể sớm nghiêng về bờ vực của cuộc suy thoái toàn cầu” - là lời cảnh báo vừa được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra hôm 26/7. Định chế tài chính đa quốc gia này còn nhấn mạnh, nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào tình thế nguy hiểm, rằng các kịch bản "trường hợp xấu nhất" hoàn toàn có thể xảy ra.
Tác động tiêu cực và những con số u ám
“Phần lớn người dân châu Âu không tiết kiệm được tiền trong đại dịch Covid-19” - đó là “đúc kết” của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong báo cáo mới nhất vừa được công bố hôm 2/8 về đời sống người dân lục địa già trong bối cảnh hiện nay. Cũng theo ECB, khoản tiền tiết kiệm của phần lớn các hộ gia đình ở châu Âu đều không thay đổi trong năm 2020. Dịch Covid-19 bùng phát mạnh, tỷ lệ lạm phát gia tăng và giá năng lượng liên tục leo thang được xem là những nguyên nhân cơ bản khiến người dân châu Âu không còn có nhiều khả năng tích lũy. Theo ECB, chỉ tính trong tháng 7 vừa qua, lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức kỷ lục 8,9%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà ECB đề ra và là mức cao nhất kể từ khi khối này được thành lập vào năm 1999.
Tất cả không dừng lại ở đó. Nhiều ngân hàng và các nhà kinh tế đã lên tiếng cảnh cáo, việc giá dầu và khí đốt tăng trong bối cảnh lo ngại rằng Nga có thể tắt nguồn cung hoàn toàn sẽ có khả năng đẩy nền kinh tế châu Âu vào suy thoái. “Rõ ràng là trong trường hợp thiếu khí đốt ở châu Âu, một cuộc suy thoái nghiêm trọng sẽ là điều gần như chắc chắn” - các nhà nghiên cứu kinh tế hàng đầu châu Âu cho biết. Nomura, một ngân hàng đầu tư Nhật Bản có hoạt động tại London, dự báo nền kinh tế châu Âu sẽ bắt đầu suy thoái trong suốt nửa cuối năm 2022 và tình trạng này sẽ tiếp tục cho đến mùa Hè năm 2023, với tổng mức suy giảm là 1,7% GDP. Trong đó, theo Ngân hàng Thụy Sĩ UBS, Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cũng là quốc gia được xem là tổn thương nặng nề nhất bởi việc Nga kiểm soát đường ống Nord Stream 1, suy thoái kinh tế là điều khó tránh khỏi và thiệt hại có thể lên đến 6% GDP vào cuối năm 2023.
Suy thoái kinh tế cũng đang là nỗi lo của nước Mỹ. Cường quốc hùng mạnh này cũng đang được xem là có dấu hiệu suy thoái. Trong một báo cáo ngày 13/7, các nhà kinh tế của ngân hàng Bank of America dự đoán rằng nước Mỹ sẽ đối mặt với cuộc suy thoái nhẹ trong năm nay. Còn theo con số được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 28/7, GDP của Mỹ giảm 0,9% trong quý hai sau khi đã giảm 1,6% trong quý đầu tiên năm 2022. IMF cũng giảm dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2023 còn 1%, từ mức 1,7% đưa ra hồi tháng 6.
Xung đột giữa Nga và Ukraine gây gián đoạn chuỗi cung ứng năng lượng và lương thực; việc Mỹ và các nước phát triển châu Âu thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ để ngăn chặn lạm phát; nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19… được xem là những nguyên nhân căn bản gây nên bóng ma u ám của nền kinh tế thế giới hiện nay. |
Thế giới và bóng ma suy thoái
Khi cả châu Âu và Mỹ cùng chìm trong những con số tăng trưởng u ám thì kinh tế thế giới cũng “sớm nghiêng về bờ vực của cuộc suy thoái” như một điều đương nhiên. Trong báo cáo cập nhật mang tên “Triển vọng kinh tế thế giới” ngày 26/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2022 xuống 3,2%, so với mức dự báo 3,6% mà tổ chức này đã đưa ra hồi tháng 4. Bên cạnh đó, IMF đã nâng dự báo lạm phát toàn cầu năm nay tại các nền kinh tế phát triển sẽ chạm mức 6,6%, trong khi lạm phát tại các nước đang phát triển và mới nổi sẽ chạm ngưỡng 9,5%.
Điều đáng quan ngại là nhận định về triển vọng kinh tế thế giới những tháng tới, đa số các nhà phân tích đều khá bi quan. Theo dự báo của các nhà kinh tế, Khu vực sử dụng đồng euro có khoảng 33% nguy cơ rơi vào suy thoái trong 12 tháng. Các nhà kinh tế cũng cho rằng mức lạm phát kỷ lục 8,1% mà châu Âu ghi nhận hồi tháng trước, vẫn chưa phải là mức đỉnh. Còn Nomura Holdings thì cảnh báo thẳng thừng rằng kinh tế toàn cầu có khả năng suy thoái trên diện rộng trong 12 tháng tới và các khu vực nguy cơ cao là eurozone, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada và Mỹ. “Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế thế giới đang giảm tốc trên diện rộng, nghĩa là các quốc gia không còn có thể dựa vào sự phục hồi của xuất khẩu để tăng trưởng” - báo cáo của Nomura Holdings chỉ rõ.
Xung đột giữa Nga và Ukraine gây gián đoạn chuỗi cung ứng năng lượng và lương thực; việc Mỹ và các nước phát triển châu Âu thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ để ngăn chặn lạm phát; nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19… được xem là những nguyên nhân căn bản gây nên bóng ma u ám của nền kinh tế thế giới hiện nay. “Điều chúng ta không biết là liệu mình có thể quay về tình trạng tương tự, hoặc giống một chút trước kia hay không” - băn khoăn ấy của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell về việc liệu kinh tế Mỹ có thể quay về trạng thái trước đại dịch hay không có lẽ cũng là nỗi băn khoăn chung của nhiều người về kinh tế thế giới hiện nay. “Hợp tác đa phương sẽ là chìa khóa quan trọng trong nhiều lĩnh vực, từ chống biến đổi khí hậu và chuẩn bị cho đại dịch đến an ninh lương thực. Tăng cường hợp tác vẫn là cách tốt nhất để cải thiện triển vọng kinh tế và giảm thiểu nguy cơ phân mảnh địa kinh tế” - Thông điệp đó đã được truyền tới nhiều quốc gia nhưng có thực thi được hiệu quả hay không, có loại trừ được bóng ma suy thoái hay không đó vừa là sự hợp lực quốc tế vừa là nỗ lực tự thân của mỗi quốc gia./.
Hà Anh