Quan hệ hữu nghị Việt - Lào: 60 năm chí nghĩa, chí tình…

Mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào gắn bó lâu đời và giờ đây đang ngày càng được thắp sáng bởi sự tận tâm, nỗ lực của cả hai dân tộc...

 

“Chí nghĩa, chí tình”, “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, “quan hệ đặc biệt của đặc biệt”, “hiếm có trên thế giới” - đó là nhìn nhận của chính những người bạn Lào về mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào, mối quan hệ gắn bó lâu đời và giờ đây đang ngày càng được thắp sáng bởi sự tận tâm, nỗ lực của cả hai dân tộc láng giềng cùng chung sống trên Bán đảo Đông Dương, cùng tựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng tắm chung dòng nước Mekong.

Tình này tình đã trăm năm…

“Đặc biệt” có lẽ là hai từ thường xuyên được nhắc đến nhất khi nói về mối quan hệ Việt - Lào. Nói như nhật báo Lào Vientiane Times, tình đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc Lào - Việt Nam không phải tới sau khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 5/9/1962 mới bắt đầu mà đã được xây dựng từ khi hai dân tộc cùng đồng hành trong nhiều sự kiện quan trọng để cùng giải phóng cả hai dân tộc. Việc hai nước cùng đồng cam cộng khổ, kề vai sát cánh trong nhiều hoạt động quan trọng vào những thời điểm hết sức khó khăn trước đây đã giúp người dân Lào và Việt Nam thương yêu giúp đỡ lẫn nhau như anh em một nhà.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Cayxỏn Phômvihản ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác 2 nước Việt Nam - Lào, ngày 18/7/1977. (Ảnh: TTXVN)Như nhìn nhận của tờ PathetLao của Thông tấn xã Lào (KPL), thì “quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam được tạo dựng từ trong lịch sử dựng nước và giữ nước”. Bởi hai nước có đường biên giới chung dài trên 2.000km, cùng tựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng uống chung dòng nước Mekong… nên nhân dân hai nước, nhất là ở vùng biên giới, thường xuyên nương tựa, cưu mang đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống hằng ngày cũng như mỗi khi có thiên tai, địch họa. Hai nước luôn luôn giữ mối bang giao hòa hiếu, gắn bó mật thiết với nhau qua nhiều giai đoạn lịch sử. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc (1930 - 1945), hai nước có hoàn cảnh lịch sử tương đồng, cùng mục tiêu và khát vọng độc lập, tự do, con đường giải phóng của dân tộc Việt Nam theo đường lối cách mạng vô sản cũng là con đường phù hợp để giải phóng dân tộc Lào khỏi ách nô lệ. Sự ra đời của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2/9/1945) và Chính phủ Lào Issara (ngày 12/10/1945) là cơ sở đưa tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Lào - Việt Nam lên tầm liên minh chiến đấu.

Trong 30 năm cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung của nhân dân hai nước Việt - Lào (1945 - 1975), với quan điểm “Đông Dương là một chiến trường”, hai nước đã liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, vừa thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, vừa vì lợi ích của mỗi quốc gia. “Chúng tôi coi hạnh phúc và thịnh vượng của anh em Lào cũng như của mình”, “giúp bạn là mình tự giúp mình” - tình cảm chí nghĩa, chí tình ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh chắc hẳn những người bạn Lào không bao giờ có thể quên. Hai nước đã thành lập Liên minh chiến đấu Việt - Lào để cùng chung sức đẩy mạnh kháng chiến chống kẻ thù chung; Những chiến sĩ quân tình nguyện Việt đã sang Lào sát cánh, thậm chí hy sinh xương máu, cùng lực lượng vũ trang Pathet Lào kháng chiến… Nói như Đại tướng Lào Vilay Lakhamphong: “Dòng máu hồng của hai đất nước Lào - Việt Nam đã chảy hòa quyện vào nhau trong cuộc kháng chiến ác liệt để đánh bại kẻ thù chung. Tình đoàn kết đó đã trở thành một tình đoàn kết hiếm có trên thế giới và chỉ có hai nước chúng ta mới có tình đoàn kết như vậy”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với đồng chí Kaysone Phomvihane, Trưởng đoàn đại biểu Đảng và Mặt trận Lào yêu nước sang thăm hữu nghị Việt Nam (năm 1966). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)Không ngừng được vun đắp

“Trong lịch sử quan hệ quốc tế đã có nhiều mô hình kiểu mẫu về tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc, nhưng mối quan hệ gắn bó keo sơn, sống chết có nhau và luôn sẵn sàng hết lòng và chân thành hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, thủy chung trong sáng như mối quan hệ giữa Lào và Việt Nam là mối quan hệ có một không hai trên thế giới, là tài sản vô giá của hai dân tộc chúng ta” - đồng chí Choummaly Sayasone, nguyên Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từng khẳng định. Và cả dân tộc Việt Nam - Lào đều đã, đang không ngừng nỗ lực vun đắp bảo vệ tài sản vô giá ấy.

Ngày 5/9/1962, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam và Lào bước vào giai đoạn khó khăn, ác liệt, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong sự nghiệp củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước. Mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào ghi dấu bước tiến vượt bậc nữa khi Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Chính phủ Việt Nam do Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang thăm hữu nghị chính thức Lào từ ngày 15 đến ngày 18/7/1977. Trong chuyến thăm này, hai nước chính thức ký kết các Hiệp ước đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ giữa hai nước, bao gồm: Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; và ra Tuyên bố chung về tăng cường sự tin cậy và hợp tác lâu dài giữa hai nước. Đặc biệt trong số đó, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác được ký kết vào ngày 18/7/1977 được xem là bước tạo đà mạnh mẽ, đưa quan hệ Việt Nam - Lào phát triển toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Vorachith thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, ngày 19/12/2017, tại Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)Tiếp tục tăng cường để tương xứng với mối quan hệ đặc biệt

Những năm gần đây, quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào tiếp tục phát triển tích cực, ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả. Cùng với quan hệ hợp tác chính trị, những năm gần đây, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào vẫn giữ được đà phát triển tích cực.

Các nhà Lãnh đạo hai nước đều thống nhất cần tăng cường thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại tương xứng với quan hệ đặc biệt giữa hai nước. Năm 2022 này được xem là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hai nước Việt Nam và Lào. Theo đó, hai nước kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào. Trong năm kỷ niệm trọng đại này, hai bên đã và đang phối hợp tổ chức tốt các hoạt động ý nghĩa, thiết thực; tiếp tục duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao trên tất cả các kênh; phối hợp triển khai nghiêm túc, hiệu quả các thỏa thuận đạt được tại Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào lần thứ 44, nhất là Hiệp định về hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2025 và Thỏa thuận chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2030.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh dự Lễ phát động Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022, ngày 8/1/2022. (Ảnh: TTXVN)

Đặc biệt, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Lào hồi tháng 5/2022 của  Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong cuộc hội kiến giữa Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ Lào Phankham Viphavanh, hai bên nhất trí cần tiếp tục nỗ lực tìm kiếm giải pháp nâng tầm hợp tác kinh tế thành một trụ cột thực sự trong quan hệ hai nước, tương xứng với quan hệ đặc biệt Việt - Lào; đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư trong trạng thái "bình thường mới". Hai bên cũng khẳng định tiếp tục phối hợp thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng khác như quốc phòng, an ninh, biên giới, giáo dục đào tạo... đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên hiệp quốc, ASEAN và các cơ chế hợp tác tiểu vùng, cả trên kênh chính phủ và kênh nghị viện.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Vorachith và UVBCT, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu cấp cao hai nước tham quan trưng bày ảnh “Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào”. (Ảnh: TTXVN)“Một nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với hai Đảng, hai Nhà nước là cần tiếp tục truyền thông, giáo dục về truyền thống quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện của hai nước, với các hình thức đa dạng, thiết thực, hiệu quả gắn với những kết quả hợp tác cụ thể trong đời sống, để các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước, thêm vững niềm tin, chung tay giữ gìn, vun đắp phát triển tươi mới trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời gian nào" - chia sẻ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào tháng 8/2021 hẳn nhận được sự đồng tình của những người bạn Lào anh em./.

“Dòng máu hồng của hai đất nước Lào - Việt Nam đã chảy hòa quyện vào nhau trong cuộc kháng chiến ác liệt để đánh bại kẻ thù chung. Tình đoàn kết đó đã trở thành một tình đoàn kết hiếm có trên thế giới và chỉ có hai nước chúng ta mới có tình đoàn kết như vậy”

Đại tướng Lào Vilay Lakhamphong

Hà Anh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận