Bão giá, phận người và nỗi đau toàn cầu

Lạm phát khiến nền kinh tế mạnh nhất như Anh, Đức, Mỹ… phải liêu xiêu, quay cuồng trong bão giá là chuyện chưa từng có trong suốt gần 50 năm qua.

 

Lạm phát chẳng còn là khá niệm gì quá mới mẻ, nhưng để đến mức người dân và chính phủ ở cả những nền kinh tế mạnh nhất như Anh, Đức, Mỹ… phải  liêu xiêu, quay cuồng trong bão giá là chuyện chưa từng có trong suốt gần 50 năm qua.

Quay cuồng, liêu xiêu trong bão giá

“Tôi nhịn ăn. Chúng tôi đã ngừng mua ngũ cốc vì sữa quá đắt” - đó là lời tâm sự trong nghẹn ngào của Cathy Smith, người phụ nữ Mỹ 40 tuổi ở bang Atlanta. Đó là giải pháp đường cùng khi người mẹ của 5 đứa con không biết làm gì để có thể đảm bảo cho các con mình có đủ khẩu phần ăn để phát triển. Cô kiếm được 67.000 USD/năm, chồng cô có mức thu nhập khoảng 20.000 - 30.000 USD/năm, mức thu nhập chẳng quá tồi trước kia, thế mà giờ đây trong bối cảnh giá cả lương thực, thực phẩm tăng vọt tại Mỹ, gia đình Cathy Smith trở thành một trong rất nhiều hộ gia đình trở nên… thiếu đói vì lạm phát.

Lạm phát đã khiến ngân sách chi tiêu của mỗi cá nhân và hộ gia đình tại Mỹ bị thâm hụt nghiêm trọng. (Ảnh: THX/TTXVN)

Điều đáng nói là câu chuyện như Cathy Smith không là thiểu số. Tại nước Mỹ, đã, đang có vô số hộ gia đình Mỹ rơi vào cảnh liêu xiêu chưa từng có khi lạm phát tăng kỷ lục và giá tiêu dùng tăng vọt.

Và đáng nói hơn nữa, nỗi đau khổ ấy chẳng phải riêng mình người dân Mỹ như Cathy Smith phải gánh chịu. "Tôi sẽ ngừng sử dụng xe ô tô riêng vào tháng 10 hoặc tháng 11 năm nay. Tôi chuẩn bị nghỉ hưu và bắt buộc phải thu hẹp chi tiêu", “giải pháp” của ông Bernd Mueller có lẽ cũng là giải pháp khả dĩ nhất hiện nay của nhiều người dân cùng chung quốc tịch Đức như ông. Theo kết quả thăm dò được tờ Bild của Đức công bố hôm 10/6, 16% người Đức được hỏi cho biết họ đã, đang phải… bỏ bữa thường xuyên để cân đối thu chi. Và con số đau lòng này được cho là sẽ còn tăng lên nếu bão giá tiếp tục tăng.

Còn với một người dân Ấn Độ như cô Sasikala Rajan lúc này, “giải pháp” khả dĩ nhất để tránh bão giá lúc này là tiết kiệm và tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu tới mức tối đa. “Chúng tôi mua ít cá và thịt đi khi giá cả tăng, đôi khi chúng tôi chỉ ăn cơm với sữa bơ mặn và một ít cá khô. Tôi dùng nồi áp suất để nấu cho nhanh và tiết kiệm ga. Không có sự lựa chọn nào khác” - Sasikala Rajan buồn bã chia sẻ. Đơn giản bởi với đồng lương giúp việc vỏn vẹn 15.000 rupee/tháng (khoảng 4,5 triệu đồng), nếu không “thắt lưng buộc bụng” tối đa trong cảnh bão giá như thế này thì chuyện đói ăn hẳn là chuyện nhãn tiền trong ngày một ngày hai. Và “giải pháp” của cô Sasikala Rajan cũng là cách được nhiều người dân Ấn Độ buộc phải lựa chọn lúc này.

Lần đầu tiên sau gần nửa thế kỷ, cuộc sống người dân nghèo châu Âu rơi vào cảnh khó khăn chưa từng có. (Ảnh: Getty Images)“Các cố vấn đường dây trợ giúp của chúng tôi đang nghe nhiều người nói rằng chi phí sinh hoạt ảnh hưởng đến hành vi cờ bạc của mọi người, đặc biệt là những người đã cai cờ bạc” - thực tế đau xót ấy được đúc kết bởi bà Anna Hemmings, Giám đốc điều hành GamCare (tổ chức từ thiện hỗ trợ cai nghiện cờ bạc) tại Anh. Theo bà Anna Hemmings, chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao ở Anh đang đẩy một số người vào hoạt động cờ bạc và đầu tư tiền điện tử vì họ coi đây là nỗ lực cuối cùng để kiếm sống. Nhiều cuộc khảo sát cho thấy ngày càng nhiều người dân Anh quyết định bỏ bữa do lạm phát giá tiêu dùng ở mức cao nhất trong 40 năm.

Trước kia, lạm phát thường chỉ được coi là vấn đề thường trực, thường xảy đến ở các quốc gia nghèo đói hoặc đang phát triển, nhưng giờ đây, suốt từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều tháng qua, lạm phát đã như đại dịch thứ 2, lan tràn, khuấy đảo tới khắp các quốc gia, các châu lục chẳng khác nào đại dịch Covid-19.

Bão giá đã khiến người dân Mexico đau đầu, cân nhắc khi đi chợ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Lạm phát muôn nơi

Nếu trước kia, lạm phát thường chỉ được coi là vấn đề thường trực, thường xảy đến ở các quốc gia nghèo đói hoặc đang phát triển, nhưng giờ đây, suốt từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều tháng qua, lạm phát đã như đại dịch thứ 2, lan tràn, khuấy đảo tới khắp các quốc gia, các châu lục chẳng khác nào đại dịch Covid-19.

Đơn cử như Đức, nền kinh tế vẫn được nhìn nhận là lớn nhất EU - đã, đang chứng kiến mức lạm phát cao nhất trong vòng 50 năm qua. Theo số liệu do Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) mới công bố, tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế số một châu Âu đã chạm mốc 7,9% trong tháng 5/2022, trong đó, giá khí đốt đã tăng 55,2%, giá nhiên liệu tăng 41% so với cùng kỳ một năm trước đó. “Đây là mức cao nhất kể từ khi nước Đức thống nhất. Lần cuối cùng mức lạm phát cao như vậy là vào mùa đông năm 1973-1974, khi giá dầu tăng mạnh do cuộc khủng hoảng dầu mỏ” - Chủ tịch của Destatis, ông Georg Thiel, cho biết.

Anh - quốc gia láng giềng không kém phần phát triển của Đức cũng ở trong tình cảnh không hề sáng sủa hơn khi cũng đã, đang chứng kiến mức lạm phát được cho là cao nhất trong vòng 40 năm qua. Theo số liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, lạm phát tại Anh tháng 5 là 9,1%, cao nhất trong nhóm G7 và là mức lạm phát cao nhất kể từ tháng 3/1982. Điều tồi tệ, như nhận định của Jack Leslie, kinh tế gia cấp cao tại Viện Chính sách Resolution Foundation: “Khi triển vọng kinh tế còn mờ mịt, không ai biết lạm phát sẽ tăng cao thế nào và kéo dài bao lâu”.

Chính phủ Malaysia đã phải ban hành lệnh cấm xuất khẩu thịt gà để đối phó với tình trạng giá cả tăng vọt. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tình hình lạm phát tại Mỹ cũng tồi tệ không kém. Lạm phát tại Mỹ vào tháng 5 vừa qua đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12/1981. Trong đó, chi phí nhà ở, xăng và thực phẩm được coi là có sự gia tăng khủng khiếp nhất. Tại Ấn Độ, lạm phát giá tiêu dùng lên tới 7,79% vào tháng 4, mức cao nhất trong 8 năm qua và theo nhận định của chuyên gia kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Kotak Mahindra, bà Upasna Bhardwaj, bất chấp các nỗ lực kiềm chế giá, lạm phát có thể vẫn ở quanh mức 7% trong tương lai gần.

Biểu tình, đình công đã không thể là giải pháp

Bão giá đã đánh vào tận cùng mọi ngóc ngách của hầu hết các gia đình, ở mọi quốc gia, châu lục. Và điều đau xót là những người bị ảnh hưởng nặng nề trong cơn bão giá lại vẫn là những người dân nghèo yếu thế, các hộ gia đình có thu nhập thấp. 42% người dân trong số họ khi được hỏi đã cho biết họ buộc phải nấu ăn tiết kiệm hơn do khó khăn về tài chính, hoặc bỏ một số nguyên liệu trong bữa ăn hay bỏ món tráng miệng. 41% nói họ phụ thuộc vào các ưu đãi và giảm giá đặc biệt từ các siêu thị để tiết kiệm nhiều nhất có thể. Họ phải dành phần lớn thu nhập cho các nhu cầu thiết yếu như chi tiêu vào các hàng tạp hóa, khí đốt và tiền thuê nhà. Tất cả, vì thế, càng làm đậm thêm những xót xa.

Biểu tình phản đối chi phí sinh hoạt tăng cao ở Anh ngày 18/6/2022. (Ảnh: Twitter/RT)Trong cơn quẫn bách, cách khả dĩ nhất mà nhiều người dân yếu thế ấy có thể làm được hay thường lựa chọn để làm đó là biểu tình, đình công. Ngày 18/6 vừa qua, hàng nghìn người biểu tình đã tuần hành ở thủ đô London của Anh, cáo buộc chính phủ không giải quyết được tình trạng chi phí sinh hoạt đang tăng nhanh. Người biểu tình cầm biểu ngữ yêu cầu chính phủ hỗ trợ các hộ gia đình trên khắp nước Anh thoát khỏi “tình trạng nghèo nhiên liệu”. Các cuộc biểu tình tương tự đồng thời cũng đã được tổ chức tại nhiều thành phố của Ireland, nơi người dân cũng đang phải đối mặt với những khó khăn về giá cả.

Cũng trong những ngày cuối tháng 6 vừa qua, cũng đã diễn ra hàng loạt cuộc đình công của y tá ở Zimbabwe, tiếp viên và phi công ở Bỉ, công nhân đường sắt ở Anh và nhân viên ngành hàng không ở Mỹ. Hàng nghìn tài xế xe tải ở Hàn Quốc, ở Tây Ban Nha cũng đã đình công để phản đối giá nhiên liệu tăng cao và mức lương quá hạn hẹp…

Chưa bao giờ, giá của một quả trứng, một gói mì tôm lại có thể khiến người dân quan tâm đến thế như những ngày lạm phát này. Trong ảnh là một tiểu thương bán trứng tại khu chợ của Budapest, Hungary. (Ảnh: AP)Nhưng tất cả những phản ứng đó, đều không thể là giải pháp. Trước tính cấp bách của vấn đề, nhiều quốc gia đã có một số những giải pháp. Đức đã thực hiện một loạt chính sách nhằm giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng, đặc biệt là đối với việc tăng giá năng lượng, bao gồm bán vé giá rẻ cho các phương tiện giao thông công cộng từ tháng 6 đến tháng 8 và giảm giá cho tài xế tại các trạm xăng. Trong một thông báo đặc biệt đưa ra ngày 23/6 vừa qua, Thủ tướng Malaysia, ông Ismail Sabri Yaakob, đã công bố khoản cứu trợ tiền mặt bổ sung trị giá 630 triệu RM (143 triệu USD) nhằm giúp các gia đình có thu nhập thấp ứng phó tình trạng giá cả leo thang khiến chi phí sinh hoạt ngày càng tăng; Mỹ vừa tuyên bố sẽ dỡ bỏ thuế nhập khẩu nhằm vào hàng hoá Trung Quốc nhằm kìm hãm đà tăng của lạm phát; Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (BOI) ngày 8/6 đã quyết định tăng lãi suất lần thứ 2 để kiềm chế lạm phát…

Tất nhiên, đó mới chỉ là những giải pháp bước đầu. Những giải pháp căn cơ sẽ còn phải được tìm kiếm… Và chừng nào, mọi sự vẫn ở thể chờ đợi thì cuộc sống của người dân trên khắp hành tinh này, bởi bão giá, sẽ còn lắm nỗi gian truân./.

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận