Cần phải có một hành động nhanh chóng và dứt khoát để giải quyết tình trạng thiếu lương thực toàn cầu - Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp báo với Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson trong chuyến thăm quốc gia Bắc Âu này ngày 1/6 vừa qua. Tìm kiếm một hành động có thể giải quyết được một cách nhanh chóng và dứt khoát cho cuộc khủng hoảng lương thực đã, đang làm chao đảo toàn cầu suốt nhiều tháng qua là điều không hề dễ dàng.
Thế giới lâm vào cảnh đói kém hàng loạt hay nghịch lý của thế kỷ 21
“Chiến tranh đang đẩy một thế giới mỏng manh vào cảnh đói kém hàng loạt” - nhận định đó đã được thời báo tài chính Anh quốc The Economist đưa ra vào cuối tháng 5 vừa qua. Trước đó, tại phiên họp ngày 19/5/2022, Hội đồng Bảo an LHQđã nghe hơn 75 quan chức cấp cao báo cáo rằng “khủng hoảng lương thực toàn cầu, vốn đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, giờ đây đang bị đẩy tới mức trở thành nạn đói trên khắp thế giới bởi chiến sự ở Ukraine”. Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 10/6 gần đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cảnh báo, thế giới sẽ phải đối mặt với một “cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng”, nếu cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài.
Khi thế giới còn quá nhiều những toan tính của mỗi quốc gia thì câu chuyện “khơi thông dòng chảy cung ứng lương thực từ Ukraine” thực sự sẽ không hề dễ dàng, đòi hỏi nỗ lực và cả sự tận tậm của tất cả các quốc gia liên quan. |
Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), chỉ số giá lương thực toàn cầu đã tăng hơn 40% trong hai năm qua để xác lập mức cao nhất mọi thời đại. Giá thực phẩm thiết yếu cao đã khiến số người không thể đủ ăn vượt quá con số 1,6 tỷ người, hơn 250 triệu người đang trên bờ vực của nạn đói. Nếu căng thẳng kéo dài và nguồn cung từ Nga và Ukraine tiếp tục bị hạn chế, hàng trăm triệu người nữa có thể rơi vào cảnh nghèo đói. Ngay cả trước khi Nga tấn công Ukraine, giá lương thực đã tăng trên khắp thế giới do chi phí vận chuyển cao hơn, lạm phát giá năng lượng, tình trạng thiếu hụt lao động xuất hiện sau đại dịch và thời tiết khắc nghiệt. Và giờ đây, việc chỉ số giá lương thực toàn cầu tăng tới hơn 40% như đã nói đã khiến lương thực, thực phẩm đang dần nằm ngoài khả năng chi trả ngay cả đối với nhiều người ở các quốc gia giàu có và với người dân tại cácnước nghèo thì đương nhiên, tình hình còn thê thảm hơn.
Nhưng điều đáng nói nhất là nạn đói toàn cầu đang xảy ra trong một nghịch lý chưa từng có của thế kỷ, đó là: nguồn cung lương thực, thực phẩm của thế giới đang rất dồi dào. Theo FAO, sản lượng lương thực toàn cầu đã tăng đều đặn trong hơn nửa thế kỷ qua, năm ngoái, vụ thu hoạch lúa mì toàn cầu lớn hơn bao giờ hết. Không thiếu lương thực nhưng thế giới vẫn… đói, nghịch lý ấy xảy đến không bởi do nguồn cung mà là phương thức cung ứng. Tại Đối thoại Shangri-La 2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết đất nước ông vẫn là “vựa bánh mì của thế giới”, nhưng từ khi cuộc xung đột với Nga xảy ra, Ukraine không thể xuất khẩu lương thực vì sự phong tỏa của Nga tại các cảng ở Biển Đen cũng như bởi việc tàu thuyền nước ngoài cũng e ngại đến khu vực có giao tranh.Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng thừa nhận thực tế khi cho biết tính tới cuối tháng 5/2022, cótới 22 triệu tấn ngũ cốc đang mắc kẹt trong các kho chứa ở Ukraine chờ xuất khẩu và đang đối mặt với nguy cơ “hết đát”, hư hỏng.Nhiều chuyên gia đã chua chát bình luận rằng số ngũ cốc mắc kẹt ấy lẽ ra đã là thức ăn của hàng chục triệu người giờ đây đang rơi vào cảnh đói khát trên khắp hành tinh.
Nhọc nhằn hành trình “tìm ánh sáng cuối đường hầm”
Theo biên bản cuộc họp của HĐBA LHQ ngày 21/5/2022, dự trữ lúa mì toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008 và với tình trạng như hiện nay,thế giới chỉ còn đủ lúa mì trong 10 tuần nữa và tình hình còn tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008. LHQ cảnh báo nguy cơ 2 tỷ người rơi vào thiếu đói nếu thị trường xuất khẩu lương thực vẫn ảm đạm như hiện nay. Hầu hết các chuyên gia đều lên tiếng cảnh báo: nếu không có các hành động toàn cầu phối hợp tích cực và tức thời đáng kể, thế giới có nguy cơ hứng chịu thiệt hại về con người và kinh tế. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động nhanh chóng và dứt khoát để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực, đặc biệt là cuộc khủng hoảng lương thực ảnh hưởng đến các nước đang phát triển.
Nhưng “một hành động toàn cầu nhanh chóng và dứt khoát” sẽ là một hành động như thế nào? Con đường nào để thế giới bước ra khỏi con đường hầm của sự bất ổn an ninh lương thực? Đó là những câu hỏi đã, đang và sẽ còn được mang ra thảo luận, thậm chí tranh cãi gay gắt. Nhiều giải pháp đã được đưa ra. Đơn cử như mới đây, trong hai ngày 18 và 19/5/2022, tại thủ đô Berlin (Đức), các bộ trưởng phát triển của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã quyết định thành lập liên minh vì an ninh lương thực toàn cầu nhằm hỗ trợ thế giới chống lại cuộc khủng hoảng lương thực đang rình rập. Câu chuyện đa dạng hóa nguồn cung cũng được đưa ra bàn luận. Tuy nhiên, một thực tế là nông dân ở các nơi khác trên thế giới có thể cũng không bù đắp được sự thiếu hụt do giá phân bón và năng lượng tăng mạnh làm hạn chế khả năng sản xuất của họ.
Thế nên, giải pháp đang được chính LHQ cũng như các chuyên gia, các chính phủ nhắc đến nhiều nhất là việc cấp thiết phải khơi thông cho được “dòng chảy cung ứng lương thực” từ Ukraine. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Thụy Điển Andersson ngày 1/6/2022, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã nhấn mạnh: Sẽ không có giải pháp hữu hiệu cho vấn đề an ninh lương thực toàn cầu nếu các mặt hàng lương thực và phân bón của Ukraine và Nga không thể đến được với thị trường quốc tế. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey cũng đã cảnh báo về “ngày tận thế” thiếu lượng thực thế giới khi Ukraine gặp khó khăn trong việc xuất khẩu các sản phẩm. Theo các quan chức Chương trình Lương thực thế giới (WFP), nếu muốn tránh nạn đói ở những quốc gia dễ bị tổn thương nhất thì điều quan trọng là một mặt phải mở đường xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine và mặt khác, phải đảm bảo cho vụ gieo trồng ở nước này. Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Joseph Borrell cũng từng chỉ rõ việc nối lại xuất khẩu của Ukraine bằng đường biển là vô cùng quan trọng, nếu không sẽ gây ra thảm họa lương thực toàn cầu.
Thực tế đã có những nỗ lực đầu tiên được chắp nối. Ngày 30/5, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Moscow sẵn sàng phối hợp với Ankara "thông tuyến vận tải hàng hóa qua đường biển, trong đó có hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng Ukraine" khi Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát eo biển Bosphorus, lối duy nhất kết nối Biển Đen với các vùng biển rộng lớn. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết đang làm việc với LHQ nhằm đảm bảo các tàu chở ngũ cốc của Ukraine đi lại an toàn. Tuy nhiên, phía Nga cũng thẳng thắn cho biết, đổi lại, các nước phương Tây cần dỡ bỏ một số rào cản với nông sản và phân bón Nga…
Khi thế giới còn quá nhiều những toan tính của mỗi quốc gia thì câu chuyện “khơi thông dòng chảy cung ứng lương thực từ Ukraine” thực sự sẽ không hề dễ dàng, đòi hỏi nỗ lực và cả sự tận tậm của tất cả các quốc gia liên quan. Hành trình “tìm ánh sáng cuối đường hầm” cho cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, vì thế, còn nhiều gập gềnh, gian khó…./.
Hà Anh