Từ đầu năm đến nay trên thế giới có 28 nhà báo và những người hoạt động báo chí đã bỏ mạng vì công việc. 90% các vụ việc nhà báo bị sát hại vì nhiều lý do mà bên liên quan không phải chịu trách nhiệm. Ở đâu đó trên hành tinh này, bởi chiến tranh, bởi những cuộc xung đột, người làm báo đang phải dấn thân, phải mạo hiểm sinh mạng, đổ máu vì những dòng thông tin không đứt đoạn.
Từ vụ chấn động: “Nhà báo nổi tiếng nhất thế giới Arab bị bắn vào mặt”
Cách đây chỉ hơn một tháng (ngày 11/5), làng báo toàn cầu cũng như dư luận thế giới đã rúng động trước thông tin nữ phóng viên nổi tiếng người Mỹ gốc Palestine của hãng Al Jazeera (Qatar) Shireen Abu Akleh bị bắn chết trong một cuộc đột kích của Israel ở khu vực Bờ Tây. Hãng Al Jazeera đã ngắt chương trình phát sóng để thông báo về cái chết của bà Abu Akleh. Chỉ một ngày sau đó (ngày 12/5), hàng nghìn người, trong đó có cả Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, các nhà báo, nhà ngoại giao, nhà lãnh đạo tôn giáo và các quan chức, bao gồm các thành viên Ả rập Arab của Quốc hội Israel, đã tập trung tại thành phố Ramallah để làm lễ tưởng niệm nhà báo Shireen Abu Akleh, chia sẻ sự tiếc thương và kính trọng dành cho nữ nhà báo, bày tỏ sự phẫn nộ đồng thời lên tiếng yêu cầu các bên liên quan nhanh chóng giải trình, điều tra làm rõ vụ việc. Giới báo chí ở các nước Ả Rập cũng tập hợp lại hôm 11/5 để phản đối những kẻ gây ra cái chết của bà Akleh, nhiều người mang theo di ảnh của bà và thắp nến để vinh danh nữ phóng viên này.
Tình hình càng trở nên căng thẳng hơn khi người Palestine sôi sục biểu tình đồng thời đụng độ với cảnh sát Israel ở Jerusalem khi họ sử dụng vũ lực với những người đưa tang và bắn lựu đạn choáng, khiến quan tài của bà Abu Akleh suýt đổ xuống đất. Theo nhiều thông tin, thời điểm đó, 33 người đã bị thương trong cuộc đụng độ, 6 người phải nhập viện.
Nữ nhà báo 51 tuổi Shireen Abu Akleh từ lâu đã là một cái tên nổi tiếng nhất và được vì nể bậc nhất trong làng báo Ả Rập. Bà được mệnh danh là “phóng viên cấp cao” chuyên đưa tin về các vấn đề Palestine và Trung Đông trong hơn 25 năm qua tại kênh tin tức nổi tiếng Al Jazeera. Mới đây, chính bà Shireen Abu Akleh đã đưa tin về chiến dịch bắt giữ của quân đội Israel trong bối cảnh đã xảy ra một số vụ tấn công gây chết người ở Israel mà hung thủ được cho là người Ả Rập.
Cuộc xung đột dằng dưa hàng nhiều thập kỷ giữa Palestine và Israel khiến mọi thứ liên quan đều có thể bùng lên thành những vụ nổ lớn. Cái chết của một nhà báo Palestine nhưng lại là người gốc Mỹ chuyên đưa tin về các vấn đề xung đột với Israel đã là một “vụ nổ” như thế. Ngay sau khi sự vụ xảy ra, cả Al Jazeera và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đều khẳng định Shireen Abu Akleh bị quân đội Israel bắn, gọi đây là một vụ giết người máu lạnh trắng trợn và cam kết sẽ đưa vụ việc của nhà báo Abu Akleh ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).
Trợ lý ngoại trưởng Qatar Lolwah Al Khater thì khẳng định trên Twitter rằng quân đội Israel đã giết Abu Aqleh "bằng cách bắn vào mặt bà ấy" khi Akleh đang "mặc áo báo chí và đội mũ bảo hiểm", cho đây là "sự vi phạm trắng trợn luật nhân đạo quốc tế" và "một cuộc tấn công trắng trợn vào quyền tự do báo chí". Nhà Trắng thì lên án gay gắt và kêu gọi mở điều tra về vụ việc.
Về phần mình, Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết ông Abbas đang đưa ra những cáo buộc vô căn cứ và rằng Israel sẽ tiến hành một "cuộc điều tra kỹ lưỡng". Theo Thủ tướng Israel Naftali Bennett, thậm chí chính những người Palestine có vũ trang có thể đã gây ra cái chết đáng tiếc của Shireen Abu Akleh khi phía Israel cho biết cả nghi phạm người Palestine và lực lượng Israel đều nổ súng vào thời điểm đó.
Máu của người làm báo vẫn đổ
Nhưng dù sự vụ Shireen Abu Akleh có được đưa ra Tòa án Hình sự quốc tế, thủ phạm có là ai, bị cáo buộc đến thế nào, thì có một điều không còn gì để tranh cãi, cũng không thể lấy lại được, đó là sinh mệnh của nhà báo Shireen Abu Akleh. Một tài năng báo chí, một phóng viên kỳ cựu đã ngã xuống đầy đau đớn khi năng lượng, khi ngọn lửa nghề rừng rực cháy.
Sẽ còn là mất mát không gì bù đắp và còn xót xa hơn nữa nếu biết rằng cái chết của Shireen Abu Akleh không phải là duy nhất và chắc cũng sẽ không là cái chết cuối cùng của những người làm báo khi tác nghiệp. Theo số liệu được Viện Báo chí Quốc tế (IPI) trụ sở tại Vienna (Áo) đưa ra ngay sau vụ sát hại Shireen Abu Akleh, số nhân viên truyền thông trên thế giới bị thiệt mạng vì công việc là 28 người, tính từ đầu năm 2022. Mexico là một trong những đất nước “tử thần” với giới báo chí khi trong nhiều năm qua, là quốc gia giữ kỷ lục vì con số nhà báo bị giết hại mỗi năm. Ngày 10/5/2022, hai nhà báo Yessenia Mollinedo và Sheila Garcia đã bị sát hại tại thành phố Cosoleacaque, chỉ 4 ngày sau khi phóng viên kỳ cựu Luis Enrique Ramirez được phát hiện chết bên lề đường cao tốc ở bang Sinaloa, miền Bắc nước này.
Điều đáng nói, theo Phó Giám đốc IPI Scott Griffen, nhà báo bị tấn công ngày càng nhiều trên khắp thế giới, đặc biệt ở những vùng xung đột. Hơn 3 tháng qua, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã đang trở thành một trong những “vùng đất chết” mới của các nhà báo. Hồi trung tuần tháng 3/2022, nhà báo, nhà làm phim tài liệu và phóng viên ảnh người Mỹ Brent Renaud đã được xem là nhà báo nước ngoài đầu tiên tử nạn trong cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine khi trúng đạn ở ngoại vi Kiev. Những cái tên sau đó ngày thêm nhiều như: Nhà quay phim chiến trường giàu kinh nghiệm Pierre Zakrzewski của hãng thông tấn Fox News (Mỹ) , Yevhenii Sakun, một nhân viên điều hành camera người Ukraine… Chiến tranh, xung đột đã, đang lấy đi sinh mạng, không chỉ của người dân mà cả những người làm báo.
Trên mọi lý do, thực tế đau xót là máu của người làm báo vẫn không ngừng đổ, người làm báo trên khắp thế giới vẫn đang phải đánh đổi sinh mạng của mình cho những dòng tin. Bất chấp việc rất nhiều những lời nói, những tuyên bố, thậm chí những bản án đã được đưa ra… Những chế tài xử phạt các đối tượng, hành vi tấn công sát hại báo chí không phải là không có, không phải là ít… nhưng thực tế, như thừa nhận chua chát từ IPI, cho tới nay, ít nhất 90% các vụ việc nhà báo bị sát hại mà bên liên quan vì nhiều lý do không phải chịu trách nhiệm…
Đó là thực tế xót xa đáng để suy ngẫm, đáng để các tổ chức quốc tế, các chính phủ liên quan vào cuộc quyết liệt hơn nữa…
Một bức tranh khổng lồ đã được nghệ sĩ Ahmat AnSahar vẽ lên trên bức tường ở Nazareth, thành phố Ả Rập lớn nhất ở Israel như một hình thức tưởng nhớ dành cho nữ nhà báo Shireen Abu Akleh… Nhưng có lẽ, nếu có điều gì đó mà Shireen Abu Akleh cũng như hết thảy những đồng nghiệp đang dấn thân vì những dòng tin tức trên khắp toàn cầu mong muốn nhất, thì đó không phải là sự tôn vinh, mà là hòa bình, bình an cho chính họ - những người làm báo nói riêng, và cho đất nước quê hương, cho nhân loại nói chung./.
Một bức tranh khổng lồ đã được nghệ sĩ Ahmat AnSahar vẽ lên trên bức tường ở Nazareth, thành phố Ả Rập lớn nhất ở Israel như một hình thức tưởng nhớ dành cho nữ nhà báo Shireen Abu Akleh… |
Hà Anh