Định hình lại dòng chảy năng lượng toàn cầu: Không phải cứ muốn là được!

Nắn chỉnh lại dòng năng lượng là ý muốn nhưng dường như đang khiến châu Âu và Mỹ lực bất tòng tâm.

 

Cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài hơn 3 tháng đã để lại vô số những hệ lụy tiêu cực lên mọi mặt đời sống toàn cầu, trong đó cơn bão khủng hoảng thiếu hụt lương thực và năng lượng có sức công phá khủng khiếp làm chao đảo hết thảy các quốc gia, châu lục. Bão tố cũng đang khiến dòng chảy năng lượng toàn cầu trong sức ép buộc phải “nắn chỉnh” lại. Tuy nhiên, mọi sự không phải cứ muốn là được.

Khi “Trạm bơm vĩ đại”… trục trặc

Là nước được thiên nhiên ban cho 27% trữ lượng khí đốt của cả thế giới, từ rất lâu, nước Nga đã được là "Trạm bơm vĩ đại" của châu Âu. Theo một thống kê được Trading Economics đưa ra hồi năm 2021, Nga chiếm khoảng 6% trữ lượng dầu và 20% khí đốt tự nhiên toàn cầu, sản xuất  khoảng10 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm khoảng 10% nhu cầu toàn cầu. Theo nhiều tài liệu, châu Âu nhận khoảng 40% khí thiên nhiên và 25% dầu mỏ từ Nga. Châu Á chiếm 26% kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Nga vào năm 2014, trong đó Trung Quốc và Nhật Bản chiếm một phần ngày càng tăng trong tổng lượng xuất khẩu của Nga. Cách đây chừng dăm, mười năm, đã có những con số khiến bất kỳ người châu Âu nào cũng choáng váng: Gazprom - tập đoàn dầu khí hàng đầu của Nga đã trở thành nhà cung cấp khí đốt duy nhất cho Bosnia - Herzegovina, Estonia, Phần Lan, Macedonia, Latvia, Moldova và Slovenia. Gazprom còn cung cấp tới 50% nhu cầu khí đốt của các nước EU, trong đó bảo đảm 97% nhu cầu khí đốt của Bulgaria, gần 90% của Hungary, 86% của Ba Lan, 75% của Séc, 36% của Ðức, 25% của Pháp...

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) thảo luận với Thủ tướng Italy Mario Draghi (phải) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (trái) trước hội nghị đặc biệt của Hội đồng châu Âu ở Brussels ngày 30/5/2022. (Ảnh: AFP)Trước đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng đưa ra thông tin khẳng định: Năm 2020, Nga là nhà sản xuất dầu mỏ và chất lỏng khác lớn thứ ba thế giới (sau Mỹ và Saudi Arabia). Nga cũng là nhà sản xuất khí tự nhiên lớn thứ hai (sau Mỹ). Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad Al-Kaabi từng thừa nhận: Nga chiếm 30 - 40% nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Không quốc gia nào có thể thay thế Nga làm được điều này... Văn phòng Thủ tướng Đức cũng từng lên tiếng thừa nhận: "Việc nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga có tầm quan trọng thiết yếu đối với việc cung cấp các dịch vụ công cộng và đảm bảo cuộc sống hàng ngày của người dân ở châu Âu”.

Và khi cuộc xung đột Nga - Ukraine xảy đến, 6 lệnh trừng phạt liên tiếp đổ xuống nước Nga, thì mọi chuyện đã thay đổi. Nhất là lệnh cấm thứ 6 vừa được đưa ra hồi tháng 5 khi lãnh đạo EU nhất trí cắt giảm nhập khẩu dầu mỏ Nga khoảng 90% trong 6 tháng tới thì mọi sự đã không chỉ là lo ngại. Trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu ca ngợi lệnh cấm vận dầu mỏ Nga, gọi đây là một bước ngoặt, thì các nhà phân tích cũng như chính người dân, doanh nghiệp châu Âu lại thấy lo ngại hơn bao giờ hết. Giá khí đốt đang ngày một tăng với tốc độ kỷ lục. Diễn biến thị trường tháng 5 vừa qua đã ghi nhận giá khí đốt lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2008. Tại Mỹ, giá khí đốt tự nhiên đã tăng lên mức cao nhất trong gần 14 năm qua. Đáng quan ngại nữa là tình trạng sụt giảm sản lượng của Mỹ và lượng dự trữ ở ngưỡng thấp, kém 21% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng đang đe dọa tính ổn định trên thị trường. Còn tại châu Âu, theo dữ liệu từ sàn giao dịch London ICE, giá khí đốt ở châu Âu đã được xem là phá kỷ lục mọi thời đại khi lên mức gần 2.400 USD/1.000m3. Nhưng đó là chuyện của tháng 3, từ đó đến nay, cái gọi là “kỷ lục” hay “lập đỉnh” ấy đã liên tục bị phá vỡ. Mọi sự chắc chắn sẽ còn tồi tệ hơn bởi theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, lệnh cấm vận của EU đối với dầu của Nga có thể dẫn đến sự thiếu hụt 2,2 triệu thùng dầu thô/ngày và 1,2 triệu thùng dầu mỏ/ngày.

Các bể chứa dầu tại California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

“Rủi ro là giá dầu nói chung tăng do các lệnh trừng phạt của châu Âu. Và nếu giá tăng nhiều, rủi ro là Nga bắt đầu kiếm được nhiều hơn và châu Âu thua cược", ông Matteo Villa, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu ISPI ở Milan.

Nắn chỉnh lại dòng cung: Không dễ

Chẳng phải đến tận bây giờ, mà suốt hơn 100 ngày qua, châu Âu đã cấp tập vội vàng tìm kiếm giải pháp thay thế khí đốt tự nhiên của Nga. Các nước EU đã, đang chạy đua để mua thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), một giải pháp thay thế hấp dẫn cho khí đốt của Nga vì nó có thể được vận chuyển trên tàu chở dầu, thay vì vận chuyển qua đường ống, đồng thời là một loại nhiên liệu sạch hơn than hoặc dầu. Tháng 3/2022, EU thông báo khối này sẽ tăng cường nhập khẩu LNG thêm 50 tỷ m3 so với năm 2021. Các nước EU và Anh đã nhập khẩu 28,2 triệu tấn LNG trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 năm nay, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái - theo dữ liệu từ Independent Commodity Intelligence Services. Trong đó, Pháp và Tây Ban Nha là hai nước mua nhiều LNG nhất.

Tuy nhiên, nguồn cung LNG toàn cầu được cho là chỉ có hạn và không dễ dàng mở rộng. Theo các nhà phân tích, riêng việc xây dựng một nhà máy hóa lỏng khí đốt tự nhiên hoặc một bến cảng nhập khẩu để tiếp nhận nó và chuyển đổi LNG trở lại thành khí hoàn toàn không đơn giản cũng như vô cùng tốn kém. Việc đóng các tàu chở dầu chuyên dụng, theo yêu cầu cũng cần có thời gian và vốn đầu tư rất lớn. Hiện tại, theo Liên minh Khí đốt Quốc tế, trước mắt, thế giới chỉ có khoảng 40 nhà máy LNG và 150 bến nhập khẩu với khoảng 600 tàu chở dầu có thể vận chuyển qua lại. Trong khi đó, các châu lục khác, với nhu cầu phát triển hồi phục kinh tế sau dịch, cũng khát nguồn cung LNG lớn không kém.

Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn cho châu Âu. (Ảnh: TASS)

Ngoài khí LNG, châu Âu cũng nghĩ ngay tới “vựa dầu mỏ” Trung Đông để hạ nhiệt cơn khát khí đốt. Tuy nhiên, các “đại gia dầu mỏ” Trung Đông lại nổi tiếng là bướng bỉnh, khó thuần phục. Nên nhớ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Saudi Arabia - hai nhà sản xuất dầu lớn nhất khu vực này đã nhiều lần từ chối yêu cầu của “anh cả” Mỹ về tăng sản lượng. Vậy thì với châu Âu, không gì đảm bảo sẽ nhận được cái gật đầu của các tỷ phú Trung Đông. Bên cạnh đó, các tác nhân về cơ sở hạ tầng, xung đột, liên minh chính trị… cũng là lực cản khiến Trung Đông ngần ngại, dè chừng trong chuyện cung cấp dầu mỏ cho châu Âu. Ý kiến phân tích cho rằng các chuyến tàu chở dầu từ Vùng Vịnh được chuyển hướng từ châu Á sang châu Âu sẽ gây nguy hiểm cho mối quan hệ đối tác chiến lược đang phát triển giữa khu vực Vùng Vịnh với khách hàng chính của họ là Trung Quốc không phải không có lý. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia, như Iraq cũng thiếu cơ sở hạ tầng để gia tăng sản lượng và đầu tư vào các dự án dầu mỏ. Tại Libya, các mỏ dầu của nước này cũng thường xuyên bị gián đoạn do căng thẳng chính trị tiếp diễn, thậm chí nhiều nhà máy lọc dầu ở Libya đã bị tàn phá sau một cuộc tấn công quân sự.

Thế nên, như người xưa đã có câu, không phải cứ muốn là được. Nắn chỉnh lại dòng năng lượng là ý muốn nhưng dường như đang khiến châu Âu và Mỹ lực bất tòng tâm. Chưa kể, như lời nhà phân tích tại Viện nghiên cứu ISPI ở Milan, ông Matteo Villa: “Rủi ro là giá dầu nói chung tăng do các lệnh trừng phạt của châu Âu. Và nếu giá tăng nhiều, rủi ro là Nga bắt đầu kiếm được nhiều hơn và châu Âu thua cược". Nghĩa là, Nga có thể bị ảnh hưởng khá lớn vào thời điểm hiện tại nhưng động thái cấm vận cuối cùng có thể phản tác dụng với châu Âu./.

Hà Anh

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận