Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO: Hành trình không dễ dàng

Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine được coi là nguyên cớ thúc đẩy Phần Lan và Thụy Điển ngỏ ý muốn được kết nạp vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

 

Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine được coi là nguyên cớ thúc đẩy hai quốc gia vốn nổi tiếng khư khư với vị trí trung lập: Phần Lan và Thụy Điển ngỏ ý muốn được kết nạp vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, không phải cứ muốn là được. Hành trình gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển không hề dễ dàng.

Khi thế thời thay đổi

Từ lâu, trung lập về mặt quân sự đã trở thành quan điểm bất di bất dịch được Phần Lan và Thụy Điển tuân thủ một cách nhất quán. Đơn cử như Thụy Điển, quốc gia Bắc Âu này đã có tới 200 năm trung lập về quân sự và chính sự trung lập này đã làm nên sự giàu có cho đất nước này.

Tuy nhiên, đúng như người xưa nói, không gì là không thể, không gì là bất biến, trong một thế giới xoay vần, khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine cho Phần Lan và Thụy Điển thấy tồn tại một mình ngày càng là điều không thể trong thế giới đa cực này, thì việc gia nhập một liên minh để có được sự bảo vệ nhất định là điều được cả Phần Lan và Thụy Điển tính đến. Điều 5 - điều khoản chính của hiệp ước NATO có cụm từ “phòng thủ tập thể”, có nghĩa là một khi xuất hiện một cuộc tấn công vào một nước thành viên thì cuộc tấn công này được coi là nhằm vào tất cả thành viên và NATO sẽ kích hoạt phản ứng tập thể để bảo vệ nước thành viên đó. Phần Lan và Thụy Điển hẳn đều đã ý thức rất rõ về sự lợi hại khi điều 5 này được kích hoạt. "Một Phần Lan được bảo vệ sẽ là một phần của khu vực Bắc Âu ổn định, mạnh mẽ và có trách nhiệm. Chúng tôi được bảo đảm an ninh và chúng tôi cũng chia sẻ điều đó. Nên nhớ rằng, an ninh không phải là trò chơi có tổng bằng 0" - Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto không giấu giếm lý do khiến nước này quyết định đổi ý muốn gia nhập.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cùng Ngoại trưởng hai nước Thụy Điển và Phần Lan. (Ảnh: AP)Điều đáng nói là, với nền dân chủ tự do đang phát triển mạnh cả Phần Lan và Thụy Điển đều đã đáp ứng nhiều tiêu chuẩn để trở thành thành viên NATO, bao gồm có một hệ thống chính trị dân chủ hoạt động dựa trên nền kinh tế thị trường; đối xử công bằng với các nhóm dân tộc thiểu số; cam kết giải quyết các xung đột một cách hòa bình; khả năng và sự sẵn sàng đóng góp quân sự cho các hoạt động của NATO; cam kết thực hiện các quan hệ và thể chế dân chủ - quân sự. Ngoài ra, cả Thụy Điển và Phần Lan cũng phải cam kết đóng góp vào ngân sách của NATO. Trước đó, Phần Lan và Thụy Điển đều đã là những đối tác thân thiết của NATO, có lực lượng vũ trang được tài trợ tốt.

Thổ Nhĩ Kỳ, Croatia là lực cản

Với rất nhiều những thuận lợi như thế nên khi Phần Lan và Thụy Điển ngỏ ý gia nhập NATO, nhiều quan chức NATO đã cho rằng, quá trình gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển có thể được hoàn tất “trong vài tuần”, rằng đại diện 30 nước thành viên NATO sẽ gặp nhau tại Brussels (Bỉ) để thảo luận, hầu hết trong đó đều được cho là sẽ đồng ý. Mọi sự càng trở nên thuận lợi khi tại cuộc họp báo ngày 19/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh Thụy Điển và Phần Lan "đáp ứng mọi yêu cầu của NATO" và "việc có thêm hai thành viên NATO mới ở Bắc Âu sẽ tăng cường an ninh cho liên minh và làm sâu sắc hơn hợp tác an ninh của khối".

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. (Ảnh: Reuters)Nhưng, hầu hết chứ không phải là tất cả, trong khi đó theo quy định là “tất cả các thành viên NATO phải đồng ý thì liên minh mới có thể kết nạp Thụy Điển và Phần Lan”. Và quốc gia tỏ ý phản đối gay gắt nhất là Thổ Nhĩ Kỳ.

“Hai quốc gia này thiếu lập trường rõ ràng trong chống chủ nghĩa khủng bố. Thụy Điển, Phần Lan là nơi trú ẩn của các tổ chức khủng bố. Đó là những quốc gia khuyến khích chủ nghĩa khủng bố trên đất nước của chúng tôi, cung cấp cho họ sự hỗ trợ tài chính và vũ khí. NATO là một tổ chức an ninh. Chúng tôi không thể chấp nhận sự hiện diện của các tổ chức khủng bố ở trong đây” - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan không ngại ngần công khai lý do vì sao Thổ Nhĩ Kỳ không cho phép Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ đích danh sự hiện diện của PKK và YPG trên lãnh thổ các nước Bắc Âu này, lần lượt là các lực lượng quân sự và đảng chính trị của người Kurd ở Syria và người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, những lực lượng mà Ankara cho là những tổ chức khủng bố. Chưa hết, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cũng cáo buộc Thụy Điển và Phần Lan đã không dẫn độ hàng chục nghi phạm khủng bố cho Ankara. Ông Erdogan còn lạnh lùng nói các quan chức Thụy Điển và Phần Lan không nên cố tới Ankara để thuyết phục mình.

Lực lượng phản ứng nhanh NATO.

Một điều hết sức bất ngờ là Croatia đã là quốc gia "nối gót" Thổ Nhĩ Kỳ trong việc ngăn chặn Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự NATO. Ngày 18/5, Tổng thống Croatia Zoran Milanovic cho biết ông có kế hoạch chỉ thị đại sứ Mario Nobilo, đại diện thường trực của Croatia tại NATO ngăn Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự này. “Theo những gì tôi biết, thì họ có thể gia nhập NATO. Việc này chẳng khác nào dùng bút chọc vào mắt con gấu hoang. Tuy nhiên, chỉ đến khi vấn đề luật bầu cử ở Bosnia-Herzegovina được giải quyết, chỉ đến khi Mỹ - Anh - Đức buộc Bosnia-Herzegovina cập nhật luật bầu cử trong 6 tháng tới và cấp cho người Croatia quyền cơ bản của họ, thì Quốc hội Croatia sẽ không phê chuẩn việc gia nhập NATO của bất kỳ quốc gia nào”, ông Milanovic tuyên bố. “Hãy để Tổng thống hoặc Ngoại trưởng Mỹ được nghe điều này. Hãy xem họ có thể làm gì cho Croatia. Chúng tôi đã hết chịu nổi cảnh họ phớt lờ Croatia. Nếu Mỹ và các đồng minh tây Âu muốn 2 quốc gia Scandinavia gia nhập NATO, thì họ phải lắng nghe Croatia” - Tổng thống Croatia Zoran Milanovic không quên nhấn mạnh thêm.

Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ thì sự phản đối của nước Nga là một điều gần như đương nhiên. “Một sai lầm nghiêm trọng với hậu quả sâu rộng” - Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov bình luận về quyết định xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Chưa hết, ngoài Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Croatia, ngay trong lòng hai quốc gia Thụy Điển và Phần Lan cũng còn có không ít những lực cản. Không phải người dân Thụy Điển và Phần Lan nào cũng đều đồng tình trước đề xuất gia nhập NATO. Nhiều người dân đã xuống đường biểu tình để phản đối, cho rằng quyết định đó là vội vàng và tốt nhất là nên duy trì truyền thống trung lập của mình: “Việc gia nhập NATO đồng nghĩa với việc máu sẽ đổ nhiều hơn vì NATO là một tổ chức chiến tranh chứ không phải một tổ chức hoạt động vì hòa bình. Đó là một liên minh quân sự tạo ra nhiều cuộc chiến hơn, trong khi chúng tôi mong muốn duy trì hòa bình ở Thụy Điển” - Ava Rudberg, 22 tuổi - Chủ tịch Đảng cánh tả trẻ ở Thụy Điển nói với tờ báo Đức DW.

Hành trình gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan tưởng chừng suôn sẻ nhưng rốt cuộc lại không hề dễ dàng chút nào. Chừng đó để thấy thế giới hiện tại đa cực đa chiều như thế nào và rõ ràng không phải cứ muốn là được./.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh Thụy Điển và Phần Lan "đáp ứng mọi yêu cầu của NATO" và "việc có thêm hai thành viên NATO mới ở Bắc Âu sẽ tăng cường an ninh cho liên minh và làm sâu sắc hơn hợp tác an ninh của khối".

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận