Chủ tịch Hồ Chí Minh-Hoàng thân Xuphanuvông: Chuyện về một 'tình bạn đặc biệt hiếm có

Tình bạn giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xuphanuvông - đặc biệt hiếm có trong lịch sử chính trường thế giới.

 

Nếu tình hữu nghị Việt - Lào được xem là "tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt có một không hai trên thế giới” thì tình bạn giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xuphanuvông - hai con người đã dày công vun đắp mối bang giao ấy cũng đặc biệt hiếm có trong lịch sử chính trường thế giới.

Từ cuộc gặp gỡ “thiên mệnh”

“Cuộc gặp gỡ thiên mệnh” - là cụm từ được chính vị “Hoàng thân đỏ” - người hùng của đất nước Lào dùng để nói về cơ duyên giúp ông có được tình bạn “đặc biệt hiếm có” với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cơ duyên trước tiên là cơ duyên của Hoàng thân Xuphanuvông với đất nước hình chữ S. Xuất thân trong một gia đình hoàng tộc, lớn lên trên đất nước Lào, năm 11 tuổi, Xuphanuvông được Hoàng gia đưa sang Việt Nam học tập tại trường Anbe Xarô (Albert Sarraut) Hà Nội. Nhưng mối liên hệ với Việt Nam của vị Hoàng gia Lào không dừng lại ở đó. Theo hồi ký của kỹ sư Xinava Xuphanuvông - con trai út của Hoàng thân Xuphanuvông - đầu tháng 6/1937, ngay sau khi nhận bằng tốt nghiệp đại học cầu đường ở Pháp, Hoàng thân Xuphanuvông đã chọn Việt Nam, đến làm việc tại Sở Công chính Trung Kỳ, đóng ở thành phố Nha Trang. Cũng theo hồi ký của kỹ sư Xinava Xuphanuvông, mảnh đất Nha Trang - Việt Nam đã không chỉ giúp tạo dựng một kỹ sư cầu đường Xuphanuvông ngày càng dạn dày kinh nghiệm, với những công trình khắp muôn nơi, đặc biệt, không chỉ cho ba ông một mối tình - cuộc hôn nhân đẹp như mơ với cô gái Huế Nguyễn Thị Kỳ Nam, nữ sinh trường Đồng Khánh, đang nghỉ hè với bố mẹ tại Nha Trang, mà còn giúp ba ông có cơ hội được gặp gỡ Hồ Chủ tịch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xuphanuvông. (Ảnh: KT)

Trước đó, trong những năm học tại Pháp, chàng sinh viên Xuphanuvông đã miệt mài tìm hiểu, trau dồi kiến thức về lịch sử của Tổ quốc và về Đông Dương và Xuphanuvông đã biết đến Nguyễn Ái Quốc là nhà yêu nước qua “Bản yêu sách” của nhân dân Việt Nam gửi tới Hội nghị Véc-xây năm 1919, là người đã từng tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp tại Đại hội Tua (Tours) năm 1920 và viết nhiều bài báo trên báo Le Paria (Người cùng khổ) do Người làm chủ bút; sau này, là người tổ chức, rèn luyện và tập hợp các nhóm Cộng sản ở Việt Nam hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930.

Trở lại cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai con người vĩ đại. Theo hồi ký của kỹ sư Xinava Xuphanuvông, đó là một ngày đầu tháng 9/1945, trong bộn bề của một chính quyền cách mạng non trẻ phải đương đầu với "giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phái ông Lê Văn Hiến đón ba tôi ra Hà Nội gặp Người để bàn bạc về tình hình của khu vực, trong đó có bàn việc liên minh tương trợ giữa hai nước Việt Nam - Lào. Tại Hà Nội, ba tôi cũng đã gặp gỡ các ông Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và các nhà lãnh đạo Việt Nam khác.

Ngay từ những ngày đầu gặp gỡ ấy, hai con người vĩ đại nhưng rất mực giản dị, cùng rất yêu “nhân dân gian nan vất vả của mình”, đã nhanh chóng trở nên thân thiết. Theo nhiều tài liệu thì những ngày đó, họ đã “cùng ăn cơm rau muống, muối vừng ngay trong nhà bếp và trải chiếu nằm ngủ bên nhau giữa sàn nhà”. Về sau này, Hoàng thân đã nhìn nhận mà rằng, “chính cuộc gặp gỡ đó, đã biến đổi ông từ một thái tử của Hoàng gia Lào thành người chiến sĩ cách mạng và thổi bùng lên trong ông khát vọng được làm một cái gì đó cho đất nước và nhân dân Lào của ông”. Đó cũng chính là bước ngoặt lớn mở ra những trang mới trong lịch sử đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào chống kẻ thù chung.

Tình bạn giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xuphanuvông không chỉ là tình bạn, tình đồng chí, tình anh em, cha con… hiếm có, đằm thắm đến muôn đời, làm nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hữu nghị Việt Lào: “núi sông liền một dải, uống chung dòng nước Mê Kông”.

Tình ấy đằm thắm muôn đời

Sự thân thiết ấy càng trở nên gắn bó, ân tình hơn nữa trước việc Hoàng thân đã được những người lính Việt Nam không quản ngại nguy hiểm, hy sinh hộ tống, bảo vệ về đến Lào. Bác đã giao cho Bí thư Xứ ủy, Chủ nhiệm Việt Minh Trung bộ Nguyễn Chí Thanh lập một đội giải phóng quân để hộ tống, bảo vệ Hoàng thân về Lào. Bác Hồ còn chỉ thị cho ông Nguyễn Đức Quỳ, đại diện ngoại giao của Việt Nam ở Thái Lan hết lòng chuẩn bị đón tiếp Hoàng thân và Liên quân lánh nạn qua đất Thái. Trong trận này Lê Thiệu Huy, Thư ký của Hoàng thân cùng vài chiến sĩ Việt Nam bảo vệ Hoàng thân đã hy sinh. Hoàng thân cũng bị thương nặng. Được Chính phủ Thái Lan và Thủ tướng Priđi Phnômyong giúp đỡ, nhân dân và liên quân Việt - Lào được cư trú và được chăm sóc trên đất Thái. Hoàng thân được đưa về Bangkok cứu chữa…

Năm 1949, khi Hoàng thân đang chuẩn bị trở về Lào chiến đấu thì các  thế lực phản động Thái Lan đã lật đổ Priđi Phnômyong, chống cộng điên cuồng, và từ chối ủng hộ phong trào kháng chiến của nhân dân Lào. Để bảo vệ Hoàng thân, đêm 18/11/1949, Bác Hồ đã phái ông Nguyễn Tử Quỳ đem một đội quân đi đón Hoàng thân và hộ tống Hoàng thân an toàn về chiến khu Việt Bắc.

Ở chiến khu, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp đón Hoàng thân như những người thân thiết, cùng ăn cơm, cùng bàn bạc về công cuộc kháng chiến cứu nước của hai đất nước…

Khi từ Việt Bắc trở về Lào, Hoàng thân cùng Đảng Nhân dân cách mạng Lào mở Đại hội thành lập Chính phủ kháng chiến và Mặt trận Lào yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam qua giúp Lào cùng đánh giặc… Ngày 24/5/1960, với sự giúp đỡ của một tổ công tác đặc biệt của Việt Nam, Hoàng thân và các đồng chí của mình đã vượt ngục thành công khỏi nhà ngục Phôn Khêng, Hoàng thân cùng nhân dân Lào yêu nước lại có cơ hội tiếp tục cuộc hành trình đấu tranh cách mạng của mình…

Hai lần được bảo vệ mạng sống an toàn, với cả sự hy sinh của những người lính Việt Nam, sự tận tâm của Hồ Chủ tịch, ân nghĩa ấy, Hoàng thân Xuphanuvông đã không bao giờ quên. Với vị Hoàng thân Lào, vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam là “Papa Hồ”, thực sự không chỉ là người bạn, người đồng chí thân thiết mà còn là “người cha tinh thần”. Chuyện kể rằng, trong số những tài liệu được chuyển ra ngoài của Hoàng thân, có một… bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do Hoàng thân vẽ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xuphanuvông, Chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước (1960).

Theo thời gian, mối thâm tình ấy chẳng những không phai nhạt mà càng thêm sâu nặng. Hoàng thân Xuphanuvông và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên gửi thư từ, điện, bưu thiếp cho nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân đặt những cái tên Việt Nam đầy ý nghĩa cho các con của Hoàng thân. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, mỗi năm vào đúng dịp 19/5, Hoàng thân thường xuyên nhắc nhớ: “Hôm nay là ngày 19 tháng 5. Con đi mua hoa tươi, trái cây về để ta thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ”.

Người con trai út của Hoàng thân Xuphanuvông cũng kể rằng, “khi ba tôi không còn, má tôi nhớ ba, nhớ quê hương, bà thường mở băng nhạc nghe những giai điệu dân ca Việt Nam rồi lặng lẽ khóc. Còn chúng tôi vẫn yêu quê ba, gắn bó với quê má. Mối tình sắt son đó hẳn sẽ đằm thắm đến muôn đời”.

Thực sự, tình cảm ấy, không chỉ là tình bạn, tình đồng chí, tình anh em, cha con… hiếm có, đằm thắm đến muôn đời, làm nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hữu nghị Việt Lào: “núi sông liền một dải, uống chung dòng nước Mê Kông”./.

Hà Anh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận