ASEAN - Hoa Kỳ: Khi những cam kết… cất cánh

Trong các mối quan hệ đối ngoại của của xứ cờ hoa, mối quan hệ với ASEAN có thể được xem là 'thiên thời, địa lợi' hơn cả.

 

"Ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden - Harris là trở thành một đối tác mạnh mẽ và đáng tin cậy ở Đông Nam Á". Đó là thông điệp được Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh ngay trước thềm Hội nghị Cấp cao Hoa Kỳ - ASEAN. Với Nhà Trắng, việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với các nước Đông Nam Á đã là một cam kết buộc phải được hiện thực hóa trong thời gian sớm nhất, trên hết và trước hết, vì vị thế của nước Mỹ, vì hiệu quả của chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương vốn đã được đeo đuổi từ thời chính quyền B.Obama.

45 năm và “mối quan hệ tiến triển chưa từng có”

Trong các mối quan hệ đối ngoại của của xứ cờ hoa, mối quan hệ với ASEAN có thể được xem là “thiên thời, địa lợi” hơn cả. Năm 1977 Hoa Kỳ thiết lập quan hệ với ASEAN thì rất nhanh chóng, mối quan hệ ấy liên tục có những bước phát triển mạnh mẽ, liên tục mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực từ an ninh, hoà bình… đến kinh tế, thương mại nhiều chiều. Hoa Kỳ thành lập Phái đoàn Đại diện thường trực tại ASEAN vào tháng 6/2010 và cử Đại sứ chuyên trách tại ASEAN vào tháng 4/2011. Năm 2015, để đáp ứng những yêu cầu phát triển mới, hai bên đã nâng cấp mối quan hệ lên tầm đối tác chiến lược. Từ dấu mốc đó, ASEAN và Hoa Kỳ liên tục triển khai hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và hợp tác phát triển. Đặc biệt, trong khoảng thời gian một thập kỷ trở lại đây, có thể nói, quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ thực sự “cất cánh”.

 Những chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại khu vực Đông Nam Á thời gian tới đang được xem là một trong những vấn đề trọng tâm, thu hút sự quan tâm, theo dõi của các nước trong khu vực (Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Lý Hiển Long trong cuộc gặp gỡ tại Singapore vào tháng 7/2013). Nguồn: CANASEAN và Hoa Kỳ triển khai hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và hợp tác phát triển, hiện dựa trên Kế hoạch Hành động ASEAN - Hoa Kỳ giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài các Hội nghị Cấp cao thường niên từ năm 2013, hai bên đã tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ (Sunnylands, Hoa Kỳ, tháng 2/2016), Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 40 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN - Hoa Kỳ (Manila, 13/11/2017).

Hoa Kỳ tham gia đầy đủ và đóng góp tích cực vào các cơ chế, khuôn khổ hợp tác do ASEAN chủ trì như ASEAN - Hoa Kỳ, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+); cam kết ủng hộ đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN. Hoa Kỳ tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) tháng 7/2009. Hai bên đẩy mạnh hợp tác ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống như hợp tác an ninh biển, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng…; tổ chức Diễn tập Hàng hải ASEAN - Hoa Kỳ lần đầu tiên, tháng 9/2019; Đối thoại Chính sách mạng ASEAN - Hoa Kỳ lần đầu tiên, tháng 10/2019.

Về kinh tế, như lời PGS.TS Vũ Minh Khương, kể từ năm 2010, quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ tiến nhanh hơn so với mức quan hệ của khối với thế giới nói chung. Cụ thể, quan hệ thương mại (tổng xuất nhập khẩu) của ASEAN với Hoa Kỳ tăng 70% trong giai đoạn 2010 - 2020, trong khi mức tăng này chỉ là 33% cho quan hệ ASEAN - thế giới. Đầu tư FDI của Mỹ vào ASEAN tăng 2,27 lần, trong khi đầu tư của thế giới vào khối chỉ tăng 1,27 lần. Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và nhà đầu tư FDI lớn nhất của ASEAN với tổng kim ngạch thương mại đạt 308,3 tỷ USD và tổng FDI vào ASEAN đạt 34,7 tỷ USD vào năm 2020.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) đã có cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Nhật Bản, ngày 28/6/2019. Nguồn: pmindia.gov.inNgoài ra, sáng kiến kết nối US - ASEAN Connect, với chú trọng vào 4 trụ cột là: Doanh nghiệp, Năng lượng, Sáng tạo và Chính sách, cũng đã đem lại nhiều kết quả đáng khích lệ.

Mới đây, trong nỗ lực ứng phó Covid-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế, ASEAN và Hoa Kỳ đã có những bước hợp tác hết sức chủ động, tích cực, đề xuất và tổ chức nhiều hoạt động chia sẻ thông tin kinh nghiệm, nâng cao năng lực, hỗ trợ nhau khắc phục những hậu quả kinh tế - xã hội của dịch bệnh, thúc đẩy phục hồi toàn diện và bền vững. Đơn cử như Hoa Kỳ đã công bố các đề xuất, sáng kiến hợp tác hỗ trợ ASEAN ứng phó Covid-19 như Sáng kiến Tương lai y tế ASEAN, lập Nhóm Đặc trách Phòng chống và Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, lập Mạng lưới các chuyên gia y tế ASEAN - Hoa Kỳ; công bố đóng góp 500.000 USD cho Quỹ ASEAN Ứng phó Covid-19 và cam kết hỗ trợ ASEAN triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF). Đến cuối năm 2021, Mỹ công bố đã cung cấp hơn 42 triệu liều vaccine và hỗ trợ hơn 200 triệu USD cho các nước ASEAN nhằm ứng phó Covid-19.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tham dự cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-ASEAN trực tuyến năm 2021.

Chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương hay câu chuyện “Vì ta cần nhau”

Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ được tổ chức trung tuần tháng 5 này là Hội nghị cấp cao lần thứ hai, kể từ lần tổ chức thứ nhất vào năm 2016. Chỉ từng đó thôi cũng cho thấy trong bộn bề những mối quan hệ đa phương đang khiến Nhà Trắng bận tâm thì mối quan hệ với ASEAN vẫn là mối quan hệ được Washington xem trọng bậc nhất. “Chúng tôi thấy sự tương đồng giữa những nguyên tắc được nêu trong Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tính bao trùm, tính cởi mở, một khu vực dựa trên pháp quyền, quản trị tốt, và tôn trọng luật pháp quốc tế và tầm nhìn của Hoa Kỳ đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cũng như cách tiếp cận khu vực của các đồng minh, đối tác và bạn bè của chúng tôi” - nhìn nhận được phía Hoa Kỳ chia sẻ trên trang https://vn.usembassy.gov/ cho đến nay hẳn còn nguyên giá trị. Mới đây nhất, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã nêu thông điệp: "Ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden - Harris là trở thành một đối tác mạnh mẽ và đáng tin cậy ở Đông Nam Á".

Thực ra, mối ưu tiên hàng đầu ấy, không phải đến bây giờ mới có. Chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương được Tổng thống Obama theo đuổi kể từ khi lên nắm quyền cho đến nay, đến chính quyền của Tổng thống Biden vẫn được kế thừa và tiếp nối.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Hoa Kỳ được triển khai nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, tự do và an ninh hàng hải, duy trì thế cân bằng lực lượng, thúc đẩy các hoạt động ngoại giao và giao lưu văn hóa - xã hội tại khu vực, đồng thời, thách thức sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Đây là chiến lược mang tầm vóc toàn cầu, quyết định triển vọng về vị thế, sức mạnh của Washington trong trật tự thế giới và tại khu vực châu Á trong hiện tại cũng như tương lai.

Quan hệ thương mại (tổng xuất nhập khẩu) của ASEAN với Hoa Kỳ tăng 70% trong giai đoạn 2010-2020.

Không những đang được triển khai, chiến lược xoay trục ấy, theo các chuyên gia, sẽ phải được triển khai một cách tích cực hơn nữa. Nói như Giáo sư Gordon Flake, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Perth Mỹ - châu Á thuộc Đại học Tây Australia: Hoa Kỳ cần phải quay trở lại đảm nhiệm vai trò lãnh đạo ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong các vấn đề kinh tế, thương mại và đầu tư. Hoa Kỳ không chỉ mong muốn mà cần phải thúc đẩy quan hệ với ASEAN và tôi rất vui khi Hội nghị Thượng đỉnh đã chuyển động theo hướng này.

Vì thế, nói mối quan hệ đa phương ASEAN - Hoa Kỳ đang có những bước đà để có một tầm nhìn mới và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác là hoàn toàn có cơ sở. Như nhìn nhận của Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng: “Mặc dù diễn biến tình hình tại châu Âu, đặc biệt là cuộc xung đột tại Ukraine đang là mối quan tâm lớn của cả thế giới, nhưng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và các nhà lãnh đạo ASEAN vẫn quyết tâm tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ tại Washington DC. Điều đó cho thấy hai bên rất coi trọng nhau. ASEAN rất quan trọng với Hoa Kỳ và ngược lại, Hoa Kỳ cũng rất quan trọng với ASEAN. Hoa Kỳ - ASEAN, vì ta cũng cần có nhau, âu là vì lẽ đó… ./.

Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ được tổ chức vào trung tuần tháng 5 này là Hội nghị cấp cao lần thứ hai, kể từ lần tổ chức thứ nhất vào năm 2016. Chỉ từng đó thôi cũng cho thấy trong bộn bề những mối quan hệ đa phương đang khiến Nhà Trắng bận tâm thì mối quan hệ với ASEAN vẫn là mối quan hệ được Washington xem trọng bậc nhất.

Hà Anh
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận