Thế giới chao đảo trong 'cơn bão giá'

Với tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng tiếp diễn, giá năng lượng tăng cao… sẽ còn khiến chỉ số lạm phát ở mức cao sẽ vẫn duy trì tại nhiều quốc gia.

 

Giá cả hàng hóa ở Anh đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong 30 năm” - đó là nhận định được Hãng tin Anh đưa ra hồi đầu tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, cơn lốc bão giá đã không chỉ quét qua nước Anh mà đã, đang làm chao đảo cả châu Âu và nhiều quốc gia trên thế giới.

Lạm phát khu vực Eurozone chạm mức cao kỷ lục

Tỷ lệ lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức cao kỷ lục 5%. Tỷ lệ lạm phát này được cho là mức cao nhất trong 25 năm qua, cao hơn nhiều so với mức lạm phát mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra đối với khu vực Eurozone.

Nhưng cái sự “cao kỷ lục” ấy đã là câu chuyện của tháng 12 năm trước. giờ đây, chỉ sau chưa đầy 3 tháng, cũng từ số liệu được Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố, con số này đã lên mức 5,9% và chỉ một tháng sau đó, con số đó đã tăng lên đến 7,5% (tháng 3/2022). Đó là mức “trung bình chung”, còn theo Eurostat, tại một số quốc gia châu Âu, con số này còn cao hơn như tại Đức là  7,6%, Pháp là 5,1%, Italy là 7,0% và Tây Ban Nha là 9,8%, thậm chí lên đến hai con số như Litva với 15,6%, Estonia 14,8% và Hà Lan 11,9%. Góp phần làm nên những con số tăng trưởng lạm phát ngất ngưởng ấy là việc giá các mặt hàng chính yếu không ngừng tăng cao. Đơn cử như chi phí năng lượng đã tăng tới 44,7% trong tháng 3; chi phí thực phẩm, rượu và thuốc lá tăng 5 giá; các mặt hàng như quần áo, thiết bị gia dụng, ô tô, máy tính và giá dịch vụ tăng khoảng 0,3%.

Đồng tiền mệnh giá 100 euro tại Rome, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)Lấy ví dụ như tại nước Đức, con số 7,6% được người dân nước này ghi nhận là mức lạm phát cao kỷ lục trong vòng 4 thập kỷ qua. Tại Nga, tình hình còn tồi tệ hơn thế. Mức lạm phát trong tháng 3 ở Nga đã tăng lên 16,7% - tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng nhanh nhất và là mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2015. Chỉ số giá tiêu dùng tại Nga tháng 3 cũng tăng tới 7,5% so với tháng trước đó. Trong đó, giá thực phẩm trong tháng 3 cũng đã tăng lên 19,5%, mì tăng 25%, bơ tăng 22%, đường tăng 70%, rau quả tăng 35%, vật liệu xây dựng tăng 32%, đồ điện tử gia dụng tăng 40%...

Lạm phát tại Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hơn 40 năm

Điều đáng nói là cơn bão lạm phát không chỉ quét qua châu Âu, tại nước Mỹ, theo số liệu vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 12/4, cho thấy lạm phát tại nước này đã tiếp tục tăng trong tháng 3. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,5% - mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/1981 tại nước này. Đáng chú ý đây là tháng thứ 6 liên tiếp, CPI hằng năm tại Mỹ ở mức trên 6%. Những mặt hành thiết yếu tại Mỹ đều “lên như diều gặp gió” trong thời gian qua. Đơn cử như trong tháng 3 vừa qua, giá xăng tại Mỹ đã tăng 18,3% trong tháng 3, giá năng lượng tổng thể trong tháng 3 đã tăng 11% so với tháng trước đó, trong đó giá dầu nhiên liệu tăng 22,3%, giá thực phẩm cũng tăng 1%, giá nhà ở, bao gồm nhà thuê, tăng 0,5%.

Tại Canada - nước láng giềng của Mỹ, tình hình cũng không kém phần tồi tệ. Theo Reuters, tỷ lệ lạm phát của Canada đã lên mức 5,7% vào tháng 2/2022 - chạm mức cao nhất trong 30 năm. Đơn cử như giá nhà đã tăng đến 20% chỉ so với 1 năm trước đó.

Số liệu mới nhất của IMF cho thấy lạm phát hàng năm ở Argentina, nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực Mỹ Latinh cũng đã tăng trên 52%. 5 nền kinh tế lớn ở khu vực là Brazil, Mexico, Chile, Colombia và Peru cũng đã từng ghi nhận tỷ lệ lạm phát hàng năm vào khoảng 8%.

Người dân mua hàng tại siêu thị ở Vienna, Áo. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Không chỉ riêng Mỹ, Canada mà nhiều quốc gia Đông Nam Á cũng đang quay cuồng trong lạm phát. Tại Singapore, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 đã tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng cao nhất trong 9 năm qua. Tại Thái Lan, CPI đã tăng lên mức 5,28% vào tháng 2 - mức lạm phát cao nhất trong 13 năm qua ở Thái Lan. Tại Indonesia, lạm phát trong tháng 1/2022 là 2,18% (cao nhất trong 20 tháng qua).

“Cú tạt mạnh” tới mọi nền kinh tế

Điều đáng quan ngại là đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga - Ukraine với tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng tiếp diễn, giá năng lượng tăng cao… sẽ còn khiến chỉ số lạm phát ở mức cao sẽ vẫn duy trì tại nhiều quốc gia, nhiều châu lục đến hết năm nay và sang năm 2023. Như theo ước tính của Ngân hàng Renaissance Capital (Nga), đà tăng này còn chưa dừng và lạm phát hoàn toàn có thể vọt lên 24% trong mùa hè năm nay. Tình trạng tăng giá dầu thô, khí đốt tự nhiên, ngũ cốc, kim loại màu… cũng  được cho là sẽ còn làm tăng lạm phát ở Đông Nam Á trong nhiều tháng tới.

Và như một lẽ đương nhiên, lạm phát quá cao là lực cản tới mọi nền kinh tế. Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế Paolo Gentiloni hôm 4/4, mặc dù bác bỏ thông tin cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt đối với Nga của Liên minh châu Âu (EU) có thể khiến châu Âu rơi vào suy thoái nhưng cũng phải thừa nhận rằng mức tăng trưởng của khu vực châu Âu không những không đạt được như dự báo trước đây mà thậm chí nhiều khả năng sẽ "rất giảm" trong thời gian tới. Còn Trưởng bộ phận Nghiên cứu Vĩ mô Toàn cầu của ING, ông Carsten Brzeski, “mô hình kinh tế cơ bản khu vực đồng euro đang suy giảm” và “châu Âu đặc biệt có nguy cơ mất khả năng cạnh tranh quốc tế do hậu quả của chiến tranh ở Ukraine”. Thậm chí, ông này còn nhấn mạnh: Lạm phát cao hơn có thể là vấn đề sinh tử ở các nền kinh tế đang phát triển.

Người dân mua hàng tại siêu thị tại California, Mỹ hồi tháng 1/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)Tại Mỹ, vấn đề cũng không khác là bao, bà Veronika Dolar, một nhà kinh tế học tại trường cao đẳng công lập SUNY Old Westbury và giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Stony Brook đưa ra nhận định: Lạm phát kèm suy thoái sẽ là một "cơn ác mộng" kinh tế và có thể trở thành một vấn đề thực sự gây đau đầu đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Trên bình diện toàn cầu, ngày 11/4, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cảnh báo xung đột giữa Nga và Ukraine có thể làm giảm 50% tăng trưởng thương mại toàn cầu xuống còn 2,4-3% trong năm nay và kéo lùi tăng trưởng GDP của thế giới, giảm từ 0,7 - 1,3% xuống còn 3,1 - 3,75% trong năm 2022. Còn ông Jamie Dimon, CEO ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase thì cho rằng: “Chiến tranh ở Ukraine và lệnh trừng phạt nhằm vào Nga chí ít sẽ gây giảm tốc nền kinh tế toàn cầu, và mọi chuyện thậm chí có thể còn tồi tệ hơn”, và theo ông, câu chuyện suy thoái kinh tế thế giới hồi năm 1973 hoàn toàn có nguy cơ hiện hữu trở lại.

Điều đáng quan ngại nhất là cho tới nay, mọi sự gần như chưa có giải pháp hữu hiệu nào được đưa ra. Chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine hoặc tìm cách tăng ngay nguồn cung dầu - đó hẳn có lẽ đều là những biện pháp rất khó thực hiện và thành công với hầu hết nền kinh tế, không riêng gì nước Mỹ. Và khi mọi sự còn nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà hoạch định thì thế giới sẽ còn chao đảo trong cơn bão lạm phát./. 

Đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga - Ukraine với tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng tiếp diễn, giá năng lượng tăng cao… sẽ còn khiến chỉ số lạm phát ở mức cao sẽ vẫn duy trì tại nhiều quốc gia, nhiều châu lục đến hết năm nay và sang năm 2023.

Hà Anh
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận