150 năm ra đời biển hiệu đèn giao thông

Đèn tín hiệu giao thông là hình ảnh thường thấy ở các đô thị trên thế giới. Nhưng mấy ai để tâm đến nguồn gốc và lịch sử của nó.

Ý tưởng ra đời tín hiệu giao thông

  Đèn tín hiệu giao thông nơi đường phố giao nhau giúp cho giao thông trong đô thị diễn ra trật tự, trôi chảy. Nó đã trở nên không thể thiếu. Hơn thế nữa, đèn tín hiệu giao thông còn được sử dụng và tận dụng cho nhiều mục đích khác nữa trong muôn mặt đời sống của đô thị. Người dân đô thị hàng ngày tiếp xúc với nó, cảm thấy nó rất hữu ích nhưng cũng không hiếm khi bực bội vì nó. Cứ ngày này qua ngày khác như thế đã từ rất lâu rồi trên khắp thế giới. Nhưng có mấy người để tâm đến câu hỏi về nguồn gốc và lịch sử của nó.

Cách đây đúng 150 năm (ngày 10/12/1868), đèn tín hiệu giao thông đầu tiên trên thế giới ra đời tại thủ đô London của nước Anh. Người phát minh ra nó là kỹ sư người Anh John Peake Knight. Đúng hơn thì phải nói rằng kỹ sư này đã có ý tưởng này đầu tiên. Anh ta đã có sáng kiến áp dụng tín hiệu giao thông cho tàu hoả ở đường bộ. Thời ấy, tín hiệu cho phép tàu hoả đi hay buộc tàu hoả phải dừng lại là hai thanh kim loại cùng đèn màu. Thanh kia để vuông góc với cột và đèn có màu đỏ là tín hiệu tàu hoả không được đi. Thanh kim loại hạ xuống góc 45 độ và đèn màu xanh là tín hiệu cho phép tàu chuyển bánh đi hoặc đi tiếp.

Ý tưởng của John Peake Knight là áp dụng tương tự như thế ở những nơi có tuyến đường giao thông giao cắt nhau. Người đầu tiên áp dụng đèn tín hiệu giao thông đường bộ là người đứng đầu cơ quan cảnh sát và điều tra Anh Scotland Yard. Lý do là hồi ấy các vị dân biểu Anh được đưa đến nghị viện để họp hàng ngày bằng xe ngựa và lối đường dẫn vào toà nhà trụ sở quốc hội Anh ngày nào cũng đều tắc nghẽn và hỗn loạn. Người này cho dựng ở đó cột đèn tín hiệu giao thông. Nó cao từ 6-8m, được đúc bằng gang, có hai thanh kim loại và đèn như được sử dụng trong ngành đường sắt. Thủa ấy chưa có điện nên đèn chiếu sáng sử dụng nguồn nhiên liệu là khí đốt. Một viên cảnh sát đứng ở đó và điều khiển luồng giao thông bằng tay thông qua những tín hiệu. Y hệt như trong đường sắt. Sự kiện này được coi là sửa đời của đèn tín hiệu giao thông trên đường phố.

Cuộc chinh phục thế giới của đèn tín hiệu giao thông

Ba tuần sau xảy ra tai nạn đầu tiên. Đường ống dẫn khí đốt bị hỏng khiến đèn bị nổ tung làm một viên cảnh sát bị thiệt mạng. Ở Anh lập tức dậy lên cuộc tranh luận sôi động về sáng kiến mới này. Một vài sự lựa chọn mới được đưa ra. Nhưng rồi cảnh sát Anh lựa chọn phương án không sử dụng cách thức điều tiết giao thông đường bộ này nữa. Vì thế, phải nửa thế kỷ sau và khi ấy không phải ở nước Anh nữa mà ở Mỹ, đèn tín hiệu giao thông mới được sử dụng lại và lần này không bị chết yểu mà dần chinh phục cả thế giới. Xem ra, thời của đèn tín hiệu giao thông trên đường phố không phải là thời xe ngựa là phương tiện giao thông chính. Sự ra đời của ô tô đã làm vai trò “bà đỡ” cho cuộc chinh phục thế giới của đèn tín hiệu giao thông.

Lưu lượng giao thông đô thị tăng nhanh. Ô tô trở nên phổ biến. Vì thế, việc quy hoạch, quản lý và điều tiết giao thông đô thị trở nên cần thiết. Ý tưởng về đèn tín hiệu giao thông đường phố được sử dụng lại. Bắt đầu ở Cleveland thuộc bang Ohio của Mỹ ngày 5/8/1914 với đèn tín hiệu sáng nhờ sử dụng năng lượng điện chứ không còn bằng khí đốt nữa. Từ Mỹ, đèn tín hiệu giao thông đường phố trở về châu Âu và nước Anh.

Mỗi nơi trên thế giới có cách bố trí hệ thống đèn tín hiệu giao thông khác nhau, thiết kế cột đèn và hình ảnh trên đó khác nhau, nhưng đều giống nhau ở nguyên tắc đèn màu đỏ có nghĩa là phải dừng lại, đèn màu xanh báo hiệu được đi và đèn màu vàng báo hiệu phía chờ chuẩn bị đi còn những ai đang ở trong khu vực giao thông giao cắt phải nhanh chóng rời khỏi khu vực ấy. Cả thứ tự màu sắc từ cao xuống thấp, từ trái sang phải cũng được ngầm công nhận và tuân thủ chung. Về sau, ở nhiều nơi bỏ đi đèn màu vàng và chỉ sử dụng đèn đỏ và đèn xanh. Ý tưởng thật đơn giản mà lại có được tác dụng rất to lớn và hiệu quả thực tế rất có ý nghĩa trong giao thông đô thị nói riêng và trong đời sống của xã hội và con người nói chung.

Mục đích tuân thủ tín hiệu khác nhau?

Mục đích ban đầu và bẩm sinh của đèn tín hiệu giao thông trên đường phố chỉ là điều tiết giao thông. Nhưng rồi đèn tín hiệu giao thông đường phố được sử dụng vào nhiều mục đích khác nữa bằng những ý tưởng và hình thức sử dụng hình ảnh trên đèn. Lúc đầu đơn thuần chỉ là màu đỏ, vàng và xanh. Về sau, người ta đưa hình ảnh lên đó. Chẳng hạn như hình ảnh một người đứng màu đỏ, một người dơ chân màu vàng và một người bước di màu xanh. Làm như thế không chỉ sinh động hơn mà còn giúp cho những người mù màu nhận biết. Hay như tín hiệu giao thông được kết hợp với âm thanh để người khiếm thị có thể nhận biết khi nào có thể đi và lúc nào vẫn phải chờ.

Thủa ban đầu, hình ảnh trên đấy đều là người đàn ông. Thời nay, ở nhiều nơi thay thế vào đấy hình ảnh người phụ nữ, hoặc cả hai người, thậm chí cả hình ảnh hai người đồng tính để thể hiện và cổ suý cho bình đẳng giới. Một trong những chiêu thức được sử dụng rất rộng rãi là thể hiện trên ấy những nét đặc thù độc đáo của chính đô thị ấy.

Ở thành phố Bonn của Đức chẳng hạn, trên đèn tín hiệu giao thông đường phố có hình ảnh chân dung đặc thù của nhà soạn nhạc thiên tài Ludwig van Beethoven vì Bonn là nơi sinh của Beethoven. Hay như hình ảnh của Karl Marx ở thành phố Trier, nơi sinh của Karl Marx. Hay như hình ảnh người thợ mỏ với chiếc đèn mỏ ở những thành phố mỏ. Mới đây nhất ở thành phố Friedberg (Đức), nơi trong thập kỷ 50 của thế kỷ trước ông Vua của nhạc Rock Elvis Presley đã từng phục vụ quân ngũ của Mỹ thời quân đội Mỹ còn đóng ở đấy, đèn tín hiệu giao thông đường phố có hình ảnh của Elvis Presley, khi đèn đỏ là hình ảnh đứng hát, khi đèn xanh là hình ảnh Presley đang nhảy. Đèn tín hiệu giao thông đường phố trở thành công cụ văn hoá và hình thức văn hoá. Ở đó cũng còn có cả cuộc sống văn hoá xã hội khi con người biểu lộ những cung bậc cảm xúc khác nhau, bực bội vì phải chờ đợi và vui mừng khi được đi, chửi bới cũng như than vãn. Ở đó có những cuộc hội ngộ tình cờ, những cuộc làm quen bất ngờ...

Đèn tín hiệu giao thông đường phố giống nhau nhưng việc tuân thủ tín hiệu lại khác nhau và luật lệ quy định cũng khác nhau ở các nước trên thế giới. Mỹ là nước có mật độ đèn tín hiệu giao thông đường phố cao nhất thế giới. Nhật Bản là nơi người dân có ý thức tự giác tuân thủ tín hiệu đèn giao thông đường phố cao nhất thế giới.

Giao thông vòng tròn quanh bùng binh là đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất của đèn tín hiệu giao thông đường phố. Nhưng vì không phải ở mọi nơi đều có thể xây dựng được bùng binh cho giao thông theo vòng tròn nên đèn tín hiệu giao thông đường phố vẫn không thể thiếu được hiện tại cũng như trong tương lai đối với thế giới. Vậy mà thử hỏi ngày nay trên thế giới có mấy người nghĩ đến người đã phát minh ra nó và biết John Peake Knight là ai./.

Cách đây đúng 150 năm (ngày 10/12/1868), đèn tín hiệu giao thông đầu tiên trên thế giới ra đời tại thủ đô London của nước Anh. Người phát minh ra nó là kỹ sư người Anh John Peake Knight.

 

Đèn tín hiệu giao thông đường phố trở thành công cụ văn hoá và hình thức văn hoá. Ở đó cũng còn có cả cuộc sống văn hoá xã hội khi con người biểu lộ những cung bậc cảm xúc khác nhau, bực bội vì phải chờ đợi và vui mừng khi được đi, chửi bới cũng như than vãn. Ở đó có những cuộc hội ngộ tình cờ, những cuộc làm quen bất ngờ...

 

Bình luận

    Chưa có bình luận