Nước Nga chống chọi đòn trừng phạt của phương Tây: Đường dài còn gian nan!

Nga đã trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới, vượt qua cả Iran và Triều Tiên.

 

Theo tiết lộ từ chính báo chí Mỹ, Nga đã trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới, vượt qua cả Iran và Triều Tiên. Nhưng dường như, kỷ lục chẳng mấy quốc gia nào mong muốn này chưa thể khuất phục được nước Nga.

2.778 lệnh trừng phạt trong vòng 10 ngày

Hãng tin tài chính Mỹ Bloomberg dẫn số liệu của hệ thống cơ sở dữ liệu Castellum.ai chuyên theo dõi các biện pháp trừng phạt toàn cầu cho biết chỉ trong vòng 10 ngày kể từ ngày 22/2/2022, sau khi Nga công nhận độc lập hai nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine rồi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nước này đã trở thành mục tiêu của 2.778 lệnh trừng phạt mới do Mỹ và các đồng minh châu Âu khởi xướng. 2.778 lệnh trừng phạt mới đã nâng tổng số “án lệnh trừng phạt” đối với Nga lên 5.530 và biến nước này trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới, vượt qua cả Iran và Triều Tiên.

Một loạt ngân hàng của Nga cũng đang bị EU, Mỹ, Anh và Canada loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. (Ảnh: Russia Bussiness Today/TTXVN)

Trong số đó, quốc gia dẫn đầu về số lượng biện pháp trừng phạt Nga là Thụy Sĩ với 568 lệnh cấm vận, Liên minh châu Âu (EU) với 518 lệnh cấm vận, Pháp với 512 lệnh cấm vận, Mỹ đã áp đặt 243 hành động trừng phạt đối với Nga.
“Đây là sự kiện trừng phạt lớn nhất trong lịch sử. Nga đã trở thành mục tiêu lớn nhất của các biện pháp trừng phạt tài chính” - ông Peter Piatetsky, người đồng sáng lập Castellum.ai nhận xét.

Hệ thống dữ liệu lệnh trừng phạt toàn cầu Castellum.ai còn nhấn mạnh thêm một chi tiết rất đáng lưu ý: Nếu các lệnh trừng phạt Iran được thông qua trong vòng 10 năm thì các biện pháp trừng phạt tương tự được áp dụng với Nga chỉ trong vòng… 10 ngày. Chỉ chi tiết này thôi cũng đủ cho thấy áp lực mà chính quyền Nga phải đối mặt trong những ngày qua. Chưa kể, số lượng lệnh trừng phạt với Nga tăng gần như mỗi ngày, diễn ra trên đủ lĩnh vực với quy mô chưa từng có, từ lĩnh vực tài chính, năng lượng, quân sự - công nghiệp tới các cá nhân và sự kiện thể thao. Đối tượng trừng phạt cũng không chỉ là một số quốc gia mà là rất nhiều quốc gia từ cả Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), cho đến Nhật Bản, Australia, New Zealand... Trong đó, được cho là gây ảnh hưởng nặng nề nhất nước Nga là lĩnh vưc tài chính, năng lượng. Đơn cử như Mỹ đã áp đặt biện pháp trừng phạt với 10 tổ chức tài chính hàng đầu của Nga (chiếm khoảng 80% lĩnh vực ngân hàng Nga), trong đó có ngân hàng lớn nhất là Sberbank (chiếm khoảng 30% ngân hàng Nga) và các công ty con. Hay một loạt ngân hàng của Nga cũng đang bị EU, Mỹ, Anh và Canada loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Người dân xếp hàng chờ rút tiền từ máy ATM ở Saint Petersburg (Nga) vào ngày 27/2. (Ảnh: REUTERS)Với hàng nghìn lệnh trừng phạt chỉ trong một thời gian ngắn, từ nhiều châu lục, từ nhiều quốc gia, trải dài lên quá nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng, hệ lụy tiêu cực tác động đến toàn bộ đời sống kinh tế xã hội của Nga là một lẽ đương nhiên. Đơn cử như việc các ngân hàng Nga hiện không thể huy động vốn tại các thị trường phương Tây, hoạt động xuất khẩu dầu của Nga cũng bị đe dọa áp dụng lệnh cấm… Các lệnh trừng phạt này không chỉ tác động đến tăng trưởng kinh tế Nga trước mắt, mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân Nga sau này.

Sự “lèo lái” của nước Nga

Tuy nhiên, chính quyền Nga có vẻ khá bình tĩnh trước “cơn mưa” lệnh trừng phạt vẫn đang hàng ngày hàng tuần đổ xuống. "Bây giờ một đòn lớn như vậy đang giáng xuống nền kinh tế. Nhưng thực tiễn của những năm gần đây đã cho thấy rằng khi người phương Tây áp đặt những hạn chế đối với chúng tôi, chúng tôi có được năng lực mới và khôi phục năng lực cũ ở trình độ công nghệ mới. Tất cả đều hoạt động" - khẳng định của Tổng thống Nga Putin tại cuộc gặp và hội đàm với Tổng thống Belarus A.Lukashenko ngày 11/3/2022 đã phần nào cho thấy rõ điều này.

Nâng cao giá trị của đồng rúp sẽ cho phép Nga thách thức sự thống trị của Mỹ bằng đồng USD trên thị trường tiền tệ toàn cầu. (Ảnh: AFP)Với chính quyền Putin, đối mặt, đó không chỉ là câu chuyện tâm thế, biết rõ mình muốn gì, có gì lợi thế trong tay mà song hành còn là câu chuyện của hành động. Đơn cử như song hành cùng việc “nhắc khéo” thế giới rằng nước Nga có những “vũ khí kinh tế” riêng để không chỉ chống đỡ mà còn có thể phản công lại các đòn trừng phạt, là hành động tuyên bố yêu cầu các quốc gia trả phí mua khí đốt tự nhiên bằng đồng rúp. Và cho tới nay, Nga được cho là đang xem xét kế hoạch để tất cả doanh số xuất khẩu đều bằng đồng rúp, khai thác trạng thái gần như độc quyền của nước này với các nguyên liệu thô thiết yếu trong các quy trình sản xuất, từ phân bón đến ô tô. Để đi đến quyết định này, theo giới phân tích, đó là sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía Nga. Thêm vào đó, ý nghĩa mang lại thì không thể đong đếm được. Nên nhớ, khi Mỹ và đồng minh đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương Nga, khiến giá trị đồng rúp sụt giảm, thì việc yêu cầu chuyển đổi thanh toán từ đồng USD, đồng euro và các ngoại tệ sang đồng rúp đã giúp gia tăng nhu cầu và thúc đẩy giá trị đồng tiền này. Điều này vừa giúp mang lại một đồng rúp có giá trị cao hơn mà còn buộc các quốc gia giao dịch thanh toán cho hàng hóa xuất khẩu của Nga bằng đồng tiền của Nga. Thêm vào đó, Nga đã nâng lãi suất cơ bản từ 8,5%/năm lên 20%/năm. Kèm theo đó là các quy định hạn chế người dân giao dịch ngoại tệ như: cấm cho người nước ngoài vay ngoại tệ; người dân Nga không thể gửi ngoại tệ vào tài khoản của họ và gửi tiền vào các ngân hàng nước ngoài…

Nhờ những nỗ lực ấy, gần đây, đồng rúp vốn mất gần một nửa giá trị đã lấy lại đà tăng gần bằng thời điểm trước khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra. Đồng rúp tăng giá trị - đó đã là thành công của Nga. Một lượng đồng rúp lớn hơn, được tạo ra từ nhu cầu của các nước và công ty nước ngoài với hàng hóa Nga, sẽ cho phép Nga thách thức sự thống trị của Mỹ bằng đồng USD trên thị trường tiền tệ toàn cầu.

Nga từng tuyên bố ngừng xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu nếu 48 “quốc gia không thân thiện” không trả phí mua bằng đồng rúp. (Ảnh: Getty Images)Không chỉ là nỗ lực nâng cao giá trị của đồng rúp, Nga còn gia tăng sức chống chọi cho nền kinh tế trước các lệnh trừng phạt bằng nhiều biện pháp khác như áp dụng "nền kinh tế pháo đài" - sản xuất nhiều hàng hóa trong nước nhất có thể hay chuyển sang hình thức giao dịch tài chính bằng tiền điện tử như một phương cách “né” các hệ thống ngân hàng quốc tế vốn đang là nơi thực thi các lệnh trừng phạt lên nước Nga. Tất nhiên, theo nhiều chuyên gia, đây thực sự là điều không đơn giản, chưa kể, Nga sẽ phải đối mặt siêu lạm phát tiềm ẩn, sự gia tăng của các loại tiền số như Bitcoin và Ethereum.

Cũng như câu chuyện thử nghiệm sử dụng tiền số, hành trình chống chọi với  lệnh trừng phạt sẽ còn dài và gian nan. Sự phục hồi của đồng rúp không có nghĩa là các lệnh trừng phạt không có tác dụng hoặc nền kinh tế Nga đã sống sót sau đòn kinh tế. “Tiền rúp sẽ còn nhiều biến động, trong khi triển vọng tăng trưởng của các ngành trong nền kinh tế Nga đều rất ảm đạm” - một chuyên gia nhận định. Và như vậy, chính quyền Putin còn rất nhiều việc phải làm phía trước./.

Các lệnh trừng phạt này không chỉ tác động đến tăng trưởng kinh tế Nga trước mắt, mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân Nga sau này.

Hà Anh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận