Thế giới trước 'Cơn bão đói': Hiểm họa đã gần kề

Không phải là liệu có sắp xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực hay không, mà quan trọng là cuộc khủng hoảng đó sẽ lớn như thế nào?

 

“Thế giới đang đối mặt với nguy cơ "cơn bão đói và sự suy thoái hệ thống lương thực toàn cầu" - đó là cảnh báo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres hôm 14/3. Còn ông Svein Tore Holsether, Giám đốc điều hành của Yara International nhấn mạnh: “Không phải là liệu có sắp xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực hay không, mà quan trọng là cuộc khủng hoảng đó sẽ lớn như thế nào?”.

Thiếu lương thực: Lửa liên tục được “đổ thêm dầu”

Người đứng đầu LHQ hẳn có rất nhiều lý do để cảnh báo về cái gọi là “cơn bão đói” hay “nguy cơ thiếu ăn nghiêm trọng” mà thế giới sẽ phải đối mặt ngay trong ngày một ngày hai.

Theo báo cáo mới đây của Chương trình Lương thực thế giới (WFP), đến cuối năm 2022, sẽ có không dưới 44 triệu người ở 38 quốc gia phải chịu tình trạng khẩn cấp về mất an ninh lương thực. Con số này so với hồi năm 2021 chỉ là 27 triệu người. Trong đó, Nam Sudan, Yemen và các vùng phía Bắc của Ethiopia, Nigeria, Afghanistan sẽ là khu vực “báo động đỏ” về tình trạng thiếu lương thực. Theo số liệu của Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC), ít nhất 4 triệu người Somalia sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu ăn ở mức khẩn cấp vào tháng 6 tới. Tại Yemen, nạn đói ngày càng gia tăng do nước này phụ thuộc vào nhập khẩu lúa mì từ Nga và Ukraine. Tại Afghanistan, hơn một nửa dân số tương đương khoảng 23 triệu người đang cần hỗ trợ khẩn cấp. Cũng theo ước tính của FAO, số lượng người suy dinh dưỡng toàn cầu có thể tăng thêm từ 8 đến 13 triệu người trong giai đoạn 2022 - 2023.

An ninh lương thực là một trong những nội dung được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại thủ đô Brussels - Bỉ hôm 24-3. (Ảnh: Reuters)

Điều đáng nói là có quá nhiều tác nhân xảy đến dồn dập, như “lửa đổ thêm dầu”, khiến tình trạng thiếu lương thực toàn cầu ngày càng trở nên nóng bỏng. Biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng liên tục gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán… dẫn tới mất mùa liên tiếp, giá lương thực tăng cao, xung đột và bất ổn chính trị tái diễn ở nhiều quốc gia, nhất là  châu Phi, sự thiếu hụt hệ thống hỗ trợ của chính phủ, đặc biệt hệ lụy vô cùng lớn về kinh tế và sức khỏe bởi đại dịch Covid-19… đã là những nguyên nhân hàng đầu, là những “thủ phạm chính” làm trầm trọng hơn “cơn bão đói”. Đặc biệt, những tháng gần đây, cuộc xung đột tại Ukraine càng khiến mọi sự trở nên… quá giới hạn.

Ngày 14/3, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres chỉ rõ: Chiến dịch đặc biệt của Nga liên quan tới Ukraine có thể khiến thế giới rơi vào “cơn bão đói và sự suy thoái lương thực toàn cầu”. Còn ông Svein Tore Holsether, Giám đốc điều hành Tập đoàn Phân bón Yara International (Na Uy), nhấn mạnh thế giới đang hướng tới một cuộc khủng hoảng lương thực có thể ảnh hưởng tới hàng triệu người.

Những nhận định này có cơ sở khi một thực tế rõ ràng Nga là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ năm. Cả hai nước cung cấp tới 19% nguồn cung lúa mạch của thế giới, 14% lúa mì và 4% ngô, chiếm hơn 1/3 lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu. Đáng quan ngại, 45 nước châu Phi và quốc gia kém phát triển nhất nhập khẩu ít nhất 1/3 sản lượng lúa mì từ Nga hoặc Ukraine. Nga và Ukraine cũng là những nhà cung cấp hạt cải dầu hàng đầu và chiếm 52% thị trường xuất khẩu dầu hướng dương của thế giới. Các lệnh trừng phạt thời gian qua nhắm vào các ngân hàng và tổ chức tài chính của Nga khiến nước này không thể xuất khẩu lương thực. Trong khi đó, nguồn cung từ Ukraine cũng bị gián đoạn nghiêm trọng. Hệ quả là giá cả lương thực được đà tăng với tốc độ phi mã. Giá lúa mì được xem là đã tăng tới 69, giá ngô tăng 36%, lúa mạch tăng tới 82%.

Xung đột Nga - Ukraine đẩy thế giới đến bờ vực khủng hoảng lương thực. (Ảnh: Reuters) Chỉ từng ấy con số cũng đủ hiểu, nếu chuỗi cung ứng và logistics đối với sản xuất ngũ cốc và hạt có dầu của Ukraine và Nga, các hạn chế đối với xuất khẩu của Nga xảy đến, thì an ninh lương thực toàn cầu bị gióng lên hồi chuông báo động là điều đương nhiên.

Trước đó, hồi tháng 10/2021, FAO và WFP đều đã lên tiếng cảnh báo rằng trong năm 2021, nạn đói đã trở nên trầm trọng hơn tại nhiều quốc gia trên toàn cầu. Trong đó, nghiêm trọng nhất là Ethiopia với số người phải đối mặt với nạn đói dẫn đến tử vong dự báo có thể tăng lên 401.000 người trong năm 2021.

Theo báo cáo mới đây của Chương trình Lương thực thế giới (WFP), đến cuối năm 2022, sẽ có không dưới 44 triệu người ở 38 quốc gia phải chịu tình trạng khẩn cấp về mất an ninh lương thực.

“Cần quyết tâm làm những gì cần thiết”

Đúng như lời ông Svein Tore Holsether, Giám đốc điều hành Tập đoàn Phân bón Yara International (Na Uy), vấn đề hiện nay không phải là bàn chuyện khủng hoảng lương thực có sắp xảy ra hay không mà là cuộc khủng hoảng này lớn đến đâu. Và, trước thực trạng đáng báo động ấy của an ninh lương thực toàn cầu, mới đây, các Bộ trưởng Nông nghiệp Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cho biết họ sẽ "quyết tâm làm những gì cần thiết để ngăn chặn và ứng phó với một cuộc khủng hoảng lương thực".

Tuy nhiên, vạch ra những gì cần thiết có lẽ không khó, nan giải nhất vẫn là câu chuyện “làm như thế nào”, “hành động bằng cách nào”. FAO mới đây đã đề ra một số kiến nghị chính sách như: Tìm nhà cung cấp thực phẩm mới và đa dạng hơn; Các chính phủ mở rộng mạng lưới an toàn xã hội để hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương; Tăng cường minh bạch thị trường và đối thoại để giúp các chính phủ và nhà đầu tư đưa ra quyết định sáng suốt nhất có thể. Còn Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass bày tỏ hy vọng các nhà sản xuất trên thế giới sẽ nỗ lực tăng nguồn cung; đồng thời khuyến cáo người dân không nên đi mua lương thực và xăng để dự trữ từ đó gây nên tình trạng thiếu hụt, đẩy giá cả tăng cao.

Khủng hoảng lương thực thế giới. (Ảnh: KT)

Trong một tuyên bố được ký bởi hơn 250 chuyên gia từ các quốc gia, các nhà khoa học cũng đã đề xuất 3 đòn bẩy để đối phó với những cú sốc ngắn hạn đồng thời đảm bảo sức khỏe con người và phát triển bền vững lâu dài: Thứ nhất, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang chế độ ăn lành mạnh hơn với ít sản phẩm từ động vật hơn ở châu Âu và các nước có thu nhập cao khác, điều này sẽ làm giảm lượng ngũ cốc cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi; Thứ hai, tăng cường sản xuất các loại đậu và thực hành nông nghiệp xanh hơn nữa các chính sách nông nghiệp của EU, cũng để giảm sự phụ thuộc vào phân đạm hoặc khí đốt tự nhiên từ Nga; Thứ ba, giảm lãng phí thực phẩm, ví dụ như lượng lúa mì bị lãng phí chỉ riêng ở EU gần tương đương với một nửa sản lượng lúa mì xuất khẩu của Ukraina.

Không rõ những khuyến cáo này sẽ được lắng nghe và thực thi ra sao. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại thủ đô Brussels - Bỉ hôm 24/3 vừa qua, lãnh đạo 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7 - gồm Mỹ, Nhật Bản, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý) đã cam kết có hành động đối phó tình trạng thiếu lương thực xuất phát từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Tuy nhiên, một giải pháp rõ ràng thì vẫn chưa hiện hữu. Trước mắt, phổ biến nhất hiện nay vẫn là tình trạng “thân ai nấy lo”. Các quốc gia, trước nguy cơ thiếu lương thực đã nghĩ cách lo cho mình trước bằng cách thu gọn lại thị trường nội địa, hạn chế xuất khẩu. Đơn cử như mới đây, Ai Cập đã cấm xuất khẩu lúa mì, bột mì và các loại đậu, Indonesia tuyên bố siết hạn chế xuất khẩu đối với mặt hàng dầu cọ. Và như thế, không dễ để ngăn chặn “cơn bão đói” ngày một ngày hai./.

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận