Giới siêu giàu Nga: Vẫy vùng trong bão táp

Cuộc xung đột tại Ukraine đã đưa giới tỷ phú Nga vào tâm điểm chú ý, có thể nói là rơi vào cơn bão táp chưa từng có.

 

Cuộc xung đột tại Ukraine cùng những lệnh trừng phạt từ phương Tây thời gian gần đây đã đưa giới tỷ phú Nga vào tâm điểm chú ý, có thể nói là rơi vào cơn bão táp chưa từng có.

Sóng gió chưa từng có

Thực ra không phải đến cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine hiện nay, giới tài phiệt Nga mới phải hứng chịu sóng gió từ Mỹ và phương Tây. Năm 2014, khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea, giới tài phiệt Nga đã từng phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, phải đến cuộc chiến Ukraine, thì sóng gió ấy mới thực sự trở thành bão táp. Mọi việc bắt đầu với việc Chính quyền Tổng thống Mỹ và phương Tây cáo buộc các nhà tài phiệt Nga đã cung cấp nguồn lực để hỗ trợ chiến dịch quân sự của Tổng thống Putin tại Ukraine. Và ngày 22/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố áp đặt đợt trừng phạt đầu tiên lên ngân hàng và giới tài phiệt Nga, đưa vào danh sách quốc gia được chỉ định đặc biệt, loại họ khỏi hệ thống ngân hàng Mỹ, cấm giao dịch với người Mỹ và đóng băng tài sản của họ tại Mỹ. Ngày 3/3, Chính quyền Mỹ tiếp tục giáng thêm nhiều đòn trừng phạt mới nhằm vào giới tài phiệt Nga.

Roman Abramovich.

“Hôm nay, Mỹ cùng các quốc gia đồng minh và đối tác tiếp tục nhằm vào giới tinh hoa của nước Nga và gia đình họ, những người đã ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc tấn công nhằm vào Ukraine. Một số người trong đó nắm cương vị lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn ở Nga, và họ chịu trách nhiệm trong việc cung cấp nguồn lực cần thiết để ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine. Các cá nhân này và người nhà của họ sẽ bị cắt khỏi hệ thống tài chính của Mỹ, tài sản họ gửi ở Mỹ sẽ bị đóng băng. Bộ Tài chính Mỹ sẽ chia sẻ các thông tin tình báo tài chính và nhiều bằng chứng khác với Bộ Tư pháp Mỹ, để hỗ trợ cho việc truy tố hình sự và tịch thu tài sản”, thông cáo từ Nhà Trắng ngày 3/3 nêu rõ.

Bên cạnh đó, theo thông tin từ Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính Mỹ, các quốc gia phương Tây đã tung ra một lực lượng đặc nhiệm đa phương nhằm truy tìm tài sản của giới tài phiệt Nga trên toàn thế giới. “Lực lượng đặc nhiệm đa phương này sẽ làm tăng những thiệt hại đó lên nhiều hơn nữa, bằng cách kích hoạt nỗ lực phối hợp để đóng băng và thu giữ tài sản của những cá nhân này trong các khu vực tài phán trên toàn thế giới” - Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết. Đơn cử như mới đây, Pháp đã tiến hành thu giữ hàng loạt du thuyền thuộc về các tỷ phú Nga.

Tuy nhiên, giới tỷ phú Nga đã có những phản ứng khá gay gắt. “Ông ấy không liên quan đến các sự kiện ở Ukraine. Ông ấy không liên quan đến chính trị”, “việc áp trừng phạt lên ông ấy là vô căn cứ" - người phát ngôn của Tỷ phú Nga Andrey Melnichenko lên tiếng.

Tài sản… “bay màu”

Theo bản liệt kê danh sách 500 người giàu nhất thế giới của Bloomberg năm 2021, nước Nga hiện có 23 tỷ phú với tổng giá trị tài sản ròng là 343 tỷ USD. Cũng theo những gì được Bloomberg Billionaire’s Index cập nhật ngày 25/2, Vladimir Potanin - Chủ tịch Tập đoàn Nornickel có giá trị tài sản ước 26,1 tỷ USD. Ông Vladimir Potanin là Chủ tịch tập đoàn khai thác và luyện kim Nornickel, hãng khai khoáng lớn nhất nước Nga. Tập đoàn Norilsk Nickel mà ông Potanin là cổ đông chính là tập đoàn đứng đầu thế giới về sản xuất kim loại hiếm paladi và niken cao cấp, đồng thời là nhà sản xuất bạch kim và đồng lớn của thế giới.

ông Mordashov đứng thứ 51 trong danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2021. (Ảnh: KT)

Một trong những người Nga được liệt vào hàng siêu giàu là Alexei Mordashov. Theo Tạp chí Forbes, ông Mordashov đứng thứ 51 trong danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2021, giá trị tài sản ròng cá nhân của ông ước tính đạt 29,1 tỷ USD. Ông Mordashov có được số tài sản khổng lồ này chủ yếu từ vị trí cổ đông lớn nhất và là chủ tịch của Severstal - hãng sản xuất thép lớn thứ tư ở Nga xét theo khối lượng sản xuất.

Nói về độ giàu có, Leonid Mikhelson cũng là một cái tên đình đám. Năm 2021, vị cổ đông chính của công ty khí đốt Novatek, đã chứng kiến khối tài sản tăng thêm 7,68 tỷ USD, lên tới 32,4 tỷ USD.

Trong “top” đầu giới siêu giàu Nga còn có tỷ phú Vladimir Lisin, Chủ tịch Hội đồng quản trị và là cổ đông chính của tập đoàn Novolipetsk Steel - hãng thép lớn nhất nước Nga, với khối tài sản 28 tỷ USD; tỷ phú Vagit Alekperov - một trong những chủ sở hữu của công ty dầu khí Lukoil - với tài sản lên tới 22,8 tỷ USD; Gennady Timchenko, cổ đông của công ty năng lượng Novatek, với tổng tài sản 22,4 tỷ USD; tỷ phú Roman Abramovich, chủ sở hữu của câu lạc bộ bóng đá Anh Chelsea; tỷ phú Andrey Melnichenko, hãng phân bón EuroChem và công ty khai thác than SUEK, với khối tài sản không dưới 17,5 tỷ USD.

Vladimir Lisin.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Ukraine, tính đến cuối tháng 2/2022, đã lấy đi của giới tỷ phú Nga khoảng 32 tỷ USD. Cái sự “bay màu” về tài sản với giới nhà giàu Nga được cho là mới chỉ bắt đầu vì cuộc khủng hoảng chưa hẹn ngày kết thúc.

Giới tỷ phú Nga, những người đã trở thành đối trọng khiến thế giới e dè, vượt qua bão táp là không hề dễ dàng nhưng cũng hoàn toàn… “không gì là không thể”.

Tìm mọi cách… “giữ tiền”

Theo nhiều thông tin, sau khi bị rơi vào “tầm ngắm” từ cuộc khủng hoảng Ukraine, nhiều tỷ phú Nga đã tìm cách bán bớt tài sản hoặc chuyển hình thức đầu tư như đầu tư vào đồng hồ xa xỉ, trang sức để giữ giá trị tài sản. Thậm chí theo Bloomberg, các tỷ phú Nga có thể sử dụng tiền số vốn dựa trên công nghệ blockchain giúp ẩn danh các giao dịch, tránh tác động từ các lệnh trừng phạt.

Vladimir Potanin.

Một câu hỏi được đặt ra là, những tỷ phú Nga thường sử dụng hay cất giữ khoản tài sản khổng lồ của mình như thế nào. Câu trả lời được phần đa báo chí Mỹ và phương Tây khẳng định là: khoảng 60% tài sản của giới giàu có Nga đang ở ngoài nước Nga. Trong đó, Thụy Sĩ được đồn đoán là điểm đến của phần lớn khối lượng tài sản này. Những quy định pháp lý thông thoáng hết mức có thể, nền chính trị ổn định, trung lập, luôn đứng ngoài lề các cuộc chiến tranh, ngân hàng được luật hóa việc cấm tiết lộ danh tính khách hàng cho một bên thứ ba, dù đó là cơ quan thuế, chính phủ nước ngoài và thậm chí là chính quyền Thụy Sĩ… Tất cả điều đó đã khiến nhiều thập kỷ qua, quốc gia này dần trở thành nơi giữ tiền đáng tin cậy cho giới siêu giàu khắp nơi trên thế giới.

Vì thế, hầu như không một ngân hàng cụ thể nào tại Thụy Sỹ tiết lộ chi tiết tài sản mà họ "giữ" cho khách hàng. Tuy nhiên, trong một tiết lộ rất bất ngờ và hiếm hoi, Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sĩ (SBA) ước tính các ngân hàng của nước này nắm giữ khoảng 213 tỷ USD tiền của khách hàng Nga. Còn theo Hãng tin Bloomberg, giới tỷ phú Nga đang cất giấu khoảng 300 tỷ USD tại Thụy Sĩ, tương đương 40% GDP Thụy Sĩ. Trên thực tế, như một điều không hề khó hiểu, con số này chắc chắn còn lớn hơn rất nhiều.

Giới tỷ phú Nga, những người đã trở thành đối trọng khiến thế giới e dè, vượt qua bão táp là không hề dễ dàng nhưng cũng hoàn toàn… “không gì là không thể”./.

Hà Anh

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận