Xem Covid-19 là bệnh lưu hành: Đường tới bình thường hóa

Hành trình xem Covid-19 là bệnh đặc hữu mới bắt đầu và phải tiếp tục được nối dài chứ không phải để kết thúc.

 

Loại bỏ, nới lỏng dần những quy tắc phòng chống dịch được coi là không còn hiệu quả, không còn phù hợp, hướng tới việc sống chung và xem Covid-19 như một căn bệnh lưu hành… Đó là cách mà nhiều quốc gia đang mạnh dạn áp dụng, quyết tâm đưa cuộc sống trở lại bình thường khi Covid-19, nói như Tổng thống Mỹ, “không còn kiểm soát cuộc sống của chúng ta”.

Từ hướng đi của Thái Lan, Malaysia

Không phải đến tận bây giờ, mà cách đây hơn một tháng, chính xác là từ cuối tháng 1/2022, Bộ Y tế Thái Lan cho biết họ đã có kế hoạch tuyên bố Covid-19 là bệnh lưu hành vào cuối năm nay dựa trên các tiêu chí riêng, không cần và không chờ tới xác nhận hay tiêu chí của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 ở New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)Theo đó, Thái Lan sẽ tuyên bố Covid-19 là bệnh lưu hành dựa trên các tiêu chí như, không quá 10.000 ca mắc mới mỗi ngày, tỷ lệ tử vong không vượt quá 0,1% và hơn 80% số người có nguy cơ mắc bệnh đã được tiêm hai liều vaccine. "Covid-19 có thể lây lan nhưng hiện không nghiêm trọng. Tỷ lệ tử vong có thể chấp nhận được. Các đợt bùng phát dịch vẫn có thể xảy ra, nhưng quan trọng là người dân có khả năng miễn dịch” - Thư ký thường trực Bộ Y tế Thái Lan Kiattiphum Wongrajit nhấn mạnh lý do vì sao Thái Lan quyết định đã đến lúc xem Covid-19 là bệnh lưu hành.

Sau Thái Lan, Malaysia cũng là quốc gia tiên phong trong xu hướng mới này khi tại cuộc họp báo ngày 8/3 vừa qua, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob tuyên bố Malaysia sẽ mở cửa hoàn toàn biên giới vào ngày 1/4/2022 và đó cũng là thời điểm nước này bắt đầu giai đoạn chuyển đổi coi Covid-19 là bệnh lưu hành. Với sự thay đổi này, du khách quốc tế khi nhập cảnh vào Malaysia chỉ cần có giấy tờ thông hành hợp lệ để xuất nhập cảnh và người Malaysia có thể tự do đi lại đến các quốc gia khác có đường biên giới mở tương tự. Giới hạn 50% sức chứa hiện tại đối với các cuộc tụ họp đông người cũng sẽ được bãi bỏ. "Đây là chiến lược giải thoát, giúp chúng ta có thể trở lại cuộc sống gần như bình thường sau gần hai năm vật lộn với Covid-19" - Thủ tướng Malaysia nhấn mạnh.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng Covid-19 của Pfizer/BioNTech cho người dân tại London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)Tới những bước chuyển đổi trong cách thức tiếp cận về Covid-19

Chưa đến mức tuyên bố bước vào giai đoạn chuyển đổi coi Covid-19 là bệnh lưu hành như Thái Lan hay Malaysia, tuy nhiên, một số quốc gia đã có những bước chuyển đổi có thể xem là “thay đổi về chất” trong cách thức tiếp cận về Covid-19.

Ví dụ như Tây Ban Nha. Cũng từ rất sớm, từ tháng 1/2022, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã tuyên bố người dân sẽ "phải học cách sống chung với virus SARS-CoV-2, giống như cách chúng ta tiếp cận với nhiều virus khác". Ngay sau đó, Tây Ban Nha cho biết họ sẽ cân nhắc dừng ứng phó với Covid-19 như một cuộc khủng hoảng, mà tiếp cận giống như một căn bệnh có các đợt bùng phát theo mùa nhẹ và con người có thể sống cùng nó bấy lâu nay như bệnh cúm hoặc bệnh sởi.

Tại nước Anh, Thủ tướng Boris Johnson lên tiếng khẳng định: Mọi người "phải học cách chung sống với Covid giống như cách chúng ta chung sống với bệnh cúm". Theo đó, Anh quốc bước đầu đã có điều chỉnh trong chiến lược đối phó với Covid-19, trước mắt là việc rút ngắn thời gian cách ly và loại bỏ quy định xét nghiệm cho những du khách tới Anh. Nước Đức từ ngày 4/3 đã quy định, những người chưa tiêm chủng vẫn có thể đến nhà hàng hoặc những địa điểm, không gian công cộng, nhưng sẽ thực hiện quy tắc 3G (có chứng nhận đã tiêm chủng hoặc đã hồi phục sau khi mắc Covid-19 hoặc xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2). Các câu lạc bộ đêm và vũ trường cũng được phép mở cửa trở lại với quy tắc 2G+ (đã tiêm chủng hoặc đã phục hồi và xét nghiệm âm tính). Đây là những động thái nằm trong "bước thứ hai" trong lộ trình 3 bước nhằm nới lỏng các biện pháp hạn chế để chống dịch Covid-19 của nước này. "Chúng ta không nên mở toang cánh cổng. Nhưng ở một số nơi, chúng ta phải hé một chút cho con virus" - ông Christian Drosten, nhà virus học nổi tiếng nhất của Đức tuyên bố việc Đức sẽ phải chuyển sang xem Covid-19 là bệnh lưu hành là điều hợp nhẽ.

Malaysia coi Covid-19 là bệnh lưu hành, và quyết định mở hoàn toàn biên giới đón khách quốc tế, nhiều hạn chế được gỡ bỏ. (Ảnh: Reuters)Từ ngày 7/3, Bỉ cũng dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng, ngoại trừ trên các phương tiện giao thông và các cơ sở chăm sóc sức khỏe như bệnh viện, nhà dưỡng lão. Iceland và Na Uy đã dỡ bỏ gần như tất cả các hạn chế đi lại liên quan đến Covid-19, đồng nghĩa du khách không cần thực hiện các xét nghiệm hay tiêm chủng để nhập cảnh. Đan Mạch đã dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp phòng dịch và xem Covid-19 là căn bệnh không còn gây ra mối đe dọa cho xã hội.

Mỹ - một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất từ dịch Covid-19 cũng được cho là đang chuyển mình sang giai đoạn mới trong phản ứng với đại dịch khi yêu cầu đeo khẩu trang giờ đây chỉ còn áp dụng cho chưa đầy 1/3 dân số Mỹ. California đã trở thành bang đầu tiên ở Mỹ coi Covid-19 là bệnh lưu hành, chuyển sang chung sống với Covid-19, còn Tổng thống Joe Biden ngày 1/3 thì tuyên bố "Covid-19 không còn kiểm soát cuộc sống của chúng ta".

Mới đây nhất, Indonesia cũng cho biết đang chuẩn bị lộ trình từng bước chuyển đổi từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh lưu hành, tức là giai đoạn sống chung với Covid-19. Theo đó, Indonesia, trong lộ trình chuyển sang giai đoạn bệnh lưu hành, nước này sẽ từng bước bình thường hóa hoạt động cộng đồng thông qua các chính sách kiểm soát dịch bệnh, quy định tỷ lệ sử dụng giường bệnh và ngăn chặn các ca tử vong để đảm bảo tỷ lệ tử vong được duy trì ở mức thấp.

Hành trình mới chỉ bước đầu

“Thời điểm này còn quá sớm để xem Covid-19 là bệnh lưu hành” - cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không phải không có lý trong bối cảnh biến thể Omicron vẫn đang khiến số ca nhiễm ở nhiều châu lục tăng vọt. Mới đây nhất, ngày 8/3, WHO đã tiếp tục ra tuyên bố cho biết WHO “ủng hộ mạnh mẽ việc tiếp cận khẩn cấp và rộng rãi” với mũi vaccine tăng cường ngừa Covid-19. Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 9/3 cũng lên tiếng cảnh báo đại dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới suốt 2 năm qua chưa kết thúc và có thể kéo dài hơn nữa. “Những con số bi thảm nhất trong đại dịch này là tổn thất về sức khỏe và sinh mạng của hàng triệu người, với hơn 446 triệu người nhiễm bệnh trên toàn thế giới, hơn 6 triệu người đã tử vong và vô số người khác bị sút giảm sức khoẻ tinh thần” - Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh. Rõ ràng, nói như giáo sư dịch tễ học tại Đại học Auckland (New Zealand), ông Rod Jackson thì hiện tại Covid-19 vẫn là một căn bệnh rất khác với cúm và không nên xem nhẹ.

Tuy nhiên, còn quá sớm chứ không phải là không thể. Hành trình xem Covid-19 là bệnh đặc hữu mới bắt đầu và phải tiếp tục được nối dài chứ không phải để kết thúc. Phải nối dài thì mới mong cuộc sống có cơ hội trở lại nhịp sống bình thường. Vấn đề cốt lõi nhất lúc này vẫn chỉ là câu chuyện làm thế nào để tiếp tục nối dài và thúc đẩy nhanh tiến trình ấy.

Và một trong những giải pháp căn bản không gì khác, vẫn là câu chuyện tiêm chủng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) định nghĩa bệnh lưu hành “là sự hiện diện thường xuyên của một căn bệnh hoặc tác nhân truyền nhiễm trong một cộng đồng tại một khu vực địa lý”. CDC Mỹ cũng chỉ ra 5 yếu tố xác định Covid-19 trở thành bệnh lưu hành đó là: Số ca mắc, tỷ lệ nhập viện, tử vong, mẫu nước thải và các cụm dịch bùng phát. Và nhân tố của mọi nhân tố để có thể chinh phục cả 5 yếu tố đó để biến Covid-19 thành bệnh lưu hành không gì khác là tỷ lệ phủ vaccine. Dù vậy, trên thực tế hiện nay, việc phân phối vaccine vẫn “bất bình đẳng nghiêm trọng”, theo đó trong khi 1,5 tỷ liều vaccine được sản xuất hằng tháng, gần 3 tỷ người vẫn đang chờ được tiêm mũi vaccine đầu tiên - Tổng thư ký LHQ chỉ rõ. Còn Tổng Giám đốc WHO cũng nhấn mạnh: Khoảng 70% dân số toàn cầu sẽ phải được tiêm chủng đầy đủ vào giữa năm 2022- lúc đó mới tính tới chuyện con người kết thúc giai đoạn cấp tính của dịch Covid-19.

Rõ ràng, con số 70% hay cao hơn nữa có đạt được hay không, toàn thế giới có “cùng nhau nỗ lực để chấm dứt đại dịch và vĩnh viễn khép lại chương buồn này của lịch sử nhân loại”, Covid-19 có thực sự trở thành bệnh lưu hành hay không - rõ ràng phụ thuộc rất lớn vào sự chung tay nỗ lực ấy./.

“Thời điểm này còn quá sớm để xem Covid-19 là bệnh lưu hành” - cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không phải không có lý trong bối cảnh biến thể Omicron vẫn đang khiến số ca nhiễm ở nhiều châu lục tăng vọt.

Hà Anh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận