Mở cửa biên giới đón du khách: Cuộc đua không dễ dàng!

Cho tới nay, nhiều quốc gia đã cùng đi đến một câu trả lời chung: đã đến lúc mở cửa trở lại biên giới

 

Dù đại dịch Covid-19 với biến chủng Omicron còn diễn biến phức tạp thì việc mở cửa biên giới chào đón du khách trở lại đã trở thành “xu hướng” được ngày càng nhiều quốc gia bắt nhịp. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh khác nhau nên mỗi nước lại có cho mình một phương thức bắt nhịp riêng.

Du lịch toàn cầu: Ảm đạm tiếp nối ảm đạm

Du lịch - cột trụ của hầu hết các nền kinh tế, như một lẽ đương nhiên đã là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 khi nhiều quốc gia lựa chọn đóng cửa biên giới nhiều năm liền như là giải pháp tốt nhất để chống lại Covid-19.

Hành khách tại sân bay quốc tế Sydney, Australia. Australia mở cửa trở lại với du khách quốc tế từ 21/2. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO) cách đây hơn một tháng, ngày 18/1 công bố báo cáo cho biết ngành du lịch thế giới trong năm 2021 hầu như không có sự cải thiện so với năm 2020. Mọi chỉ số đều ở mức thấp hơn so với thời trước đại dịch Covid-19. Theo báo cáo, tổng thu nhập trực tiếp của ngành du lịch thế giới trong năm 2021 đã tăng 19% so với năm 2020 lên 1.900 tỷ USD do mỗi du khách chi tiêu nhiều hơn và thời gian du lịch dài hơn so với năm 2020. Tuy nhiên, thu nhập của ngành này vẫn hầu như không vượt quá một nửa mức thu nhập của năm 2019. Báo cáo của UNWTO cũng chỉ ra rằng tốc độ phục hồi của ngành du lịch vẫn chậm và không đồng đều ở các khu vực trên thế giới do mức độ khác nhau của các biện pháp hạn chế đi lại, tỷ lệ tiêm chủng và lòng tin của du khách. Cũng theo UNWTO, sự gia tăng số ca mắc Covid-19 và biến thể Omicron trong thời gian gần đây sẽ làm gián đoạn sự phục hồi của ngành du lịch thế giới trong năm 2022 bởi một số quốc gia áp đặt trở lại các lệnh cấm đi lại và áp đặt hạn chế đối với một số thị trường du lịch nhất định.

Điều đáng quan ngại là cũng báo cáo này được đưa ra trước đó một năm, ngày 28/1/2021, đại dịch Covid-19 được cho là đã "thổi bay" 1.300 tỷ USD doanh thu của ngành du lịch toàn cầu trong năm 2020, cao hơn… 11 lần so với khoản thiệt hại mà ngành du lịch từng ghi nhận trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009.

Covid-19 chưa kết thúc, điều này đồng nghĩa chuỗi ngày ảm đạm của du lịch thế giới vẫn chưa hẹn ngày kết thúc.

Người dân và du khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Venice, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)Mở cửa lại biên giới: đường đến phục hồi

Covid-19 chưa kết thúc, nhưng hành trình sống của mỗi người dân trên hành tinh này, các nền kinh tế trên toàn cầu không thể cứ mãi ngồi thống kê các con số tổn thất… Cuộc sống sẽ vẫn phải tiếp diễn, các nền kinh tế phải được phục hồi và trong đó, cột trụ du lịch cũng không thể chết dần chết mòn.

Tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, ở cả những quốc gia, châu lục có lệnh hạn chế gắt gao nhất, tỷ lệ tiêm chủng ngày càng cao (tới đầu tháng 2/2022, theo trang Our World in Data, 54% dân số thế giới hiện đã được tiêm phòng), ngày càng nhiều các ca bệnh Covid-19 nặng được ngăn chặn và chữa trị thành công… tất cả đã khiến nhiều quốc gia phải lật ngược lại vấn đề: Có nên tiếp tục đóng cửa biên giới?

Và cho tới nay, nhiều quốc gia đã cùng đi đến một câu trả lời chung: đã đến lúc mở cửa trở lại biên giới, rằng họ không còn có thể “chịu nhiệt” trước những thiệt hại kinh tế do việc đóng cửa đất nước và rằng mở cửa du lịch là một trong những con đường để phục hồi nền kinh tế sau dịch.

Cũng từ quan điểm ấy, chỉ trong vài ba tuần trở lại đây, liên tiếp nhiều quốc gia đã thông báo mở cửa trở lại. Châu Á - khu vực từng áp dụng biện pháp đóng cửa biên giới gắt gao nhất để kiểm soát dịch Covid-19 giờ đây đã có rất nhiều quốc gia mở cửa trở lại. Ngày 17/2, Nhật Bản thông báo nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới, như: nâng số người được phép nhập cảnh vào Nhật Bản lên 5.000 người mỗi ngày từ 3.500 người hiện tại, rút ngắn thời gian cách ly bắt buộc từ 1 tuần như hiện nay xuống còn 3 ngày…;  Kể từ ngày 10/2, Philippines mở cửa trở lại với du khách nước ngoài, sau gần 2 năm đóng cửa biên giới. Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat vừa lên tiếng cho biết, Singapore cam kết mở cửa lại nền kinh tế và biên giới của nước này với phần còn lại của thế giới. Malayssia cũng đề nghị mở cửa trở lại từ 1/3.

Tại châu Âu cũng ghi nhận diễn tiến mang tính chất bước ngoặt khi ngày 22/2, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhất trí từ ngày 1/3 sẽ mở cửa biên giới cho các du khách đến từ ngoài khối đã tiêm vaccine ngừa Covid-19. Trước đó, các nước châu Âu hư Hy Lạp, Pháp, Bồ Đào Nha, Na Uy, Thụy Điển… đã công bố kế hoạch bỏ yêu cầu xét nghiệm đối với người nhập cảnh đã tiêm vaccine. New Zealand - từng là “pháo đài” nghiêm ngặt phòng, chống dịch Covid-19 nhất cũng đã công bố kế hoạch chào đón những du khách quốc tế đã tiêm chủng. Úc trước đó cũng đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại cho du khách đã tiêm vaccine từ ngày 21/2. Israel sẽ cho phép du khách nước ngoài nhập cảnh từ ngày 1/3 tới mà không cần xét đến địa điểm xuất phát cũng như việc họ đã tiêm vaccine phòng Covid-19 hay chưa…

“Chúng ta đang chứng kiến tình hình dịch bệnh giảm rõ rệt trong mấy ngày qua, vì thế đây là thời điểm chúng ta cần mở cửa dần đối với những lĩnh vực mà chúng ta đã tiên phong đóng cửa trước toàn thế giới”… chia sẻ của Thủ tướng Israel Naftali Bennett có lẽ cũng là quan điểm của nhiều quốc gia lúc này.

Du khách đã được trở lại các điểm tham quan mang tính biểu tượng như đài phun nước Trevi ở Rome. (Ảnh: KT)Cuộc đua không dễ dàng

Sau Hội nghị Bộ trưởng du lịch ASEAN lần thứ 25 (diễn ra ngày 19/1) ở Campuchia, nơi các bộ trưởng nhất trí tuyên bố sẽ mở cửa lại ngành du lịch ASEAN với khu vực và quốc tế, dường như đang có một cuộc đua về mở cửa ở các nước ASEAN.

Và không chỉ các nước ASEAN, đó là cuộc đua của nhiều quốc gia trên thế giới trên tiến trình phục hồi nền kinh tế. Một cuộc đua mới đã bắt đầu với rất nhiều sự không dễ dàng đang đón đợi. Ở đó, để thành công, các “tay đua” là các quốc gia sẽ phải hội tụ đủ trong tay nhiều yếu tố: tỷ lệ tiêm chủng, khả năng kiểm soát dịch bệnh, độ linh hoạt của chính sách, mức độ tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế… Chưa kể, tiềm lực kinh tế của du khách sau đại dịch cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng, sự lựa chọn điểm đến của du khách chắc sẽ nhiều khắt khe hơn…

Tất nhiên, hành trình nào cũng có những gian nan… Điều quan trọng nhất còn lại lúc này, để làm nên thành công của cuộc đua, ngoài những yếu tố trên còn là câu chuyện tâm thế. Còn nhớ cách đây gần một năm, khi Thái Lan - một trong những quốc gia tiên phong quyết định mở cửa phục hồi du lịch trong bối cảnh vẫn xuất hiện hàng nghìn ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày, John Blanco, tổng giám đốc khách sạn hạng sang Capella Bangkok từng chia sẻ: "Chúng tôi không kỳ vọng lượng đặt phòng sẽ kín ngay, nhưng đây là bước tiến đầu tiên tuyệt vời. Các nước đều đang cùng chung một hoàn cảnh. Đó là chúng ta cần học cách chung sống với dịch bệnh”, hay khẳng định của Sanan Angubolku, Chủ tịch Phòng thương mại Thái Lan: "Mở cửa đất nước là cần thiết. Vì đó là con đường đảm bảo cho sự tồn vong của cả quốc gia và dân tộc"…

Tâm thế đó sẽ là động lực đáng giá để mỗi quốc gia bước vào cuộc đua không dễ dàng này./.

Hà Anh

Cho tới nay, nhiều quốc gia đã cùng đi đến một câu trả lời chung: đã đến lúc mở cửa trở lại biên giới, rằng họ không còn có thể “chịu nhiệt” trước những thiệt hại kinh tế do việc đóng cửa đất nước và rằng mở cửa du lịch là một trong những con đường để phục hồi nền kinh tế sau dịch.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận