Tiêm vaccine Covid cho trẻ từ 5 - 11 tuổi: Điều không thể khác

Về phần các chuyên gia y tế, phần đa đều đồng nhất với quan điểm vaccine Covid-19 an toàn ở trẻ 5 - 11 tuổi.

 

Mặc dù vaccine có thể không ngăn trẻ bị nhiễm bệnh, nhưng chúng giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các biến chứng và ngăn ngừa việc nhập viện, thậm chí tử vong. Ngoài ra, vaccine cũng bảo vệ trẻ không bị di chứng Covid kéo dài. Quan điểm của Giáo sư William Chui Chun-ming, chủ tịch Hiệp hội Dược sĩ Bệnh viện Hong Kong cũng là góc nhìn chung của nhiều chuyên gia trong câu chuyện tiêm vaccine Covid cho trẻ từ 5 - 11 tuổi và đang từng bước được nhiều quốc gia hưởng ứng như một xu thế không thể khác.

Trẻ cần tiêm vaccine dù ít rủi ro mắc Covid-19 hơn người lớn

Thực tế diễn biến dịch Covid-19 cho thấy, tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 thấp hơn nhiều so với người lớn. Tuy nhiên, đây vẫn là đối tượng dễ bị tổn thương và cần được bảo vệ trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Sự xuất hiện của biến thể Detla và hiện tại là Omicron dễ lây lan đã làm thay đổi quan niệm trên khi số ca mắc Covid-19 và nhập viện ở nhóm đối tượng trẻ từ 5 - 11 tuổi tăng mạnh.

 Đơn cử như số liệu ca mắc Covid-19 ở trẻ em dưới 5 tuổi trong vài tuần qua tại Mỹ. Lượng ca nhiễm đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 diễn ra ở nước này. Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) nước này, Mỹ hiện ghi nhận trung bình 766 trẻ em nhập viện mỗi ngày do Covid-19, chiếm khoảng 5% tổng số trường hợp nhiễm trên toàn quốc, tăng gấp đôi so với hai tuần trước đó. Trẻ em dưới 5 tuổi là nhóm tuổi duy nhất chưa đủ điều kiện được tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Mỹ. CDC Mỹ nhấn mạnh, tình trạng này càng cho thấy sự cần thiết của việc người lớn và trẻ em ở các độ tuổi lớn hơn phải được tiêm phòng để bảo vệ trẻ dưới 5 tuổi.

Trẻ em được tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Estonia. (Ảnh: AP)

Mới đây nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng cho rằng trẻ được tiêm phòng giảm 50% nguy cơ mắc Covid-19 so với những bạn đồng trang lứa không tiêm. Các bác sĩ và chuyên gia nhấn mạnh cách tốt nhất để bảo vệ trẻ ở độ tuổi đi học trước Covid-19 là tiêm phòng.

Chưa hết, một số nghiên cứu chỉ ra rằng, dù khả năng lây lan virus SARS-CoV-2 ở nhóm độ tuổi này thấp hơn người trưởng thành, song trong trường hợp bị mắc bệnh, các em cũng phải chịu những di chứng nghiêm trọng có thể kéo dài với mức độ tương đương như người lớn. Theo thống kê, khoảng 4 - 11% bệnh nhân Covid-19 dưới 18 tuổi bị mắc hội chứng "Covid kéo dài". Nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy Covid-19 gây tử vong cho trẻ cao hơn các bệnh truyền nhiễm khác như bệnh bại liệt, sởi, bạch hầu. Trẻ mắc Covid-19 cũng có thể lây truyền cho các thành viên trong gia đình hoặc cho những người dễ bị tổn thương trong cộng đồng.

Sự tiên phong của Cuba

Ngày 6/9/2021, Cuba đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiến hành chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine ngừa Covid-19 do nước này tự phát triển cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên - vaccine Soberana 02. Phát biểu với báo giới, ông Yury Valdez Balbín, Giám đốc Viện Vaccine Carlos Finlay (IFV), đơn vị phát triển 2 loại vaccine chống Covid-19 của Cuba đã được cấp phép sử dụng là Soberana 02 và Abdala, cho biết: "Kể từ khi bắt đầu dự án Soberana, chúng tôi đã nghĩ tới khả năng áp dụng cho trẻ em và thanh thiếu niên, vì đây là loại vaccine an toàn và được tạo ra trên nền tảng các vaccine dành cho trẻ em". Vaccine Soberana 02 của Cuba cũng được Venezuela sử dụng tiêm cho trẻ từ 2 - 12 tuổi. Nicaragua ngày 25/10/2021 cũng đã bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em từ 2 tuổi bằng vaccine do Cuba bào chế.

 Một em nhỏ 3 tuổi được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại La Habana, Cuba ngày 24/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Từ ngày 18/10/2021, Ecuador cũng đã chính thức khởi động chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi, sử dụng 2 loại vaccine của Pfizer và Sinovac. Theo đó, nhóm trẻ em 5 tuổi sẽ được tiêm vaccine của Pfizer với điều kiện đã hoàn tất phác đồ vaccine đối với các căn bệnh khác, còn trẻ em từ 6 - 11 tuổi được tiêm vaccine của Sinovac. Trong khi đó, Chile cũng đã tiến hành chương trình tiêm cho trẻ em từ 6 - 11 tuổi bằng vaccine của Sinovac.

Từ giữa tháng 12/2021, một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu triển khai tiêm chủng ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi, đơn cử như Anh, Đan Mạch, Đức, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Hungary… Tại Anh, chính phủ nước này từ ngày 22/12 đã thông báo triển khai tiêm phòng Covid-19 cho trẻ em thuộc nhóm dễ bị tổn thương trong độ tuổi từ 5 - 11 tuổi, sau khi Cơ quan quản lý dược phẩm Anh cấp phép sử dụng vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho nhóm tuổi này. Theo đó, trẻ em sẽ được tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19 của Pfizer/BioNTech, với liều lượng mỗi liều là 10mg, tương đương 1/3 liều của người lớn. Khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 8 tuần.

Tại châu Á, Trung Quốc từ ngày 7/6/2021 đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 theo công nghệ bất hoạt cho người từ 3 - 17 tuổi. Philippines ngày 23/12/2021 đã tiêm chủng ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi, sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của các hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) với liều lượng thấp hơn liều lượng tiêu chuẩn tiêm cho người lớn và thanh thiếu niên. Chính phủ Indonesia từ ngày 14/12 đã khởi động chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 6 - 11 tuổi. Cũng thời điểm đó, Singapore đã bắt đầu tiêm chủng đối với các học sinh từ lớp 3 đến lớp 5, các học sinh nhỏ tuổi hơn sẽ được tiêm vào đầu năm 2022, trẻ em từ 5 - 11 tuổi sẽ được tiêm với liều lượng tương đương 1/3 liều dành cho trẻ từ 12 - 18 tuổi, với chu trình đầy đủ gồm 2 mũi cách nhau 21 ngày.

Ngày 19/1/2022, Cơ quan Khoa học Y tế (HSA) của Singapore cho biết không có phản ứng phụ nghiêm trọng nào liên quan tới vaccine Covid-19 trong chiến dịch tiêm chủng cho trẻ 5 - 11 tuổi tại nước này. Tính đến hết 31/12/2021, chỉ có 6 trường hợp có phản ứng phụ, chiếm tỷ lệ rất nhỏ 0,03% trong tổng số 20.327 liều vaccine đã được tiêm. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng cho biết trẻ em từ 5 - 11 tuổi tiêm vaccine Pfizer hiếm khi gặp phản ứng phụ nghiêm trọng. Theo CDC Mỹ, tỷ lệ viêm cơ tim do vaccine cao nhất ở nam thanh thiếu niên, từ 12 - 29 tuổi.

An toàn và hiệu quả

Các hãng Pfizer và BioNTech cho biết kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine của họ có hiệu quả chống lại virus SARS-CoV-2 lên tới 90,7% với trẻ em từ 5 - 11 tuổi. Hãng dược phẩm Moderna khẳng định vaccine của hãng này tạo được phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và có độ dung nạp tốt ở nhóm từ 6 - 11 tuổi. Các hãng Sinopharm và Sinovac cũng thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng của vaccine ở nhóm trẻ 3 - 11 tuổi và từ 12 tuổi trở lên là an toàn như nhau, đồng thời mức độ sinh kháng thể cũng giống như người lớn.

Về phần các chuyên gia y tế, phần đa đều đồng nhất với quan điểm vaccine Covid-19 an toàn ở trẻ 5 - 11 tuổi, các phản ứng phụ tương tự vaccine thông thường khác, tỷ lệ viêm cơ tim rất hiếm gặp đồng thời hiện không có bằng chứng cho thấy vaccine Covid-19 ảnh hưởng đến quá trình dậy thì và khả năng sinh sản của trẻ nhỏ. Dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng cho thấy tác dụng phụ của vaccine Pfizer cũng giống với các vaccine cơ bản, truyền thống vẫn thường được tiêm cho trẻ. Phản ứng phổ biến nhất là mệt mỏi, ớn lạnh, đau nhức cơ, sưng đỏ cánh tay. Những triệu chứng này sẽ biến mất sau vài ngày, không có báo cáo về tác dụng phụ lâu dài. Vaccine cũng an toàn với trẻ có tiền sử dị ứng các loại thức ăn, thuốc uống, nọc côn trùng hoặc dị ứng thời tiết. Các em vẫn có thể tiêm chủng mà không cần bất cứ biện pháp phòng ngừa đặc biệt nào.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 8/2 vừa qua cho biết hơn nửa triệu ca tử vong vì Covid-19 đã được ghi nhận từ khi Omicron xuất hiện và đánh giá con số này "quá mức bi kịch". "Chúng ta vẫn ở giữa đại dịch. Nhiều quốc gia chưa qua đỉnh điểm của làn sóng Omicron", Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO, cảnh báo. Và vì thế, tiêm chủng, đối với người lớn hay trẻ nhỏ, vẫn là điều không thể khác để ứng phó, chống đỡ với đại dịch./.

Hà Anh

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận