Bức ảnh gây bão và lời khẩn cầu của người đứng đầu LHQ

Tình hình tiêm phòng vaccine phòng Covid-19 của những châu lục còn nhiều khó khăn như châu Mỹ, châu Phi cũng khó khăn, thách thức không kém...

 

Những ngày đầu năm 2022, bức ảnh về một thanh niên thổ dân cõng cha đi tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Amazon (Brazil) đã gây bão và trở thành biểu tượng cho khó khăn trong tiêm chủng tại khu vực xa xôi.

Cũng chính những ngày này, trên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2022, Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) António Guterres đã chỉ rõ 3 lĩnh vực cấp bách mà ông tha thiết muốn giải quyết ngay để thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng sức khỏe và kinh tế toàn cầu đang diễn ra, trong đó, cấp bách nhất vẫn là câu chuyện: bảo đảm sự công bằng về vaccine.

Thực tế nhức nhối từ bức ảnh gây bão

Thực ra bức ảnh được chụp tháng 1/2021, ở thời điểm ban đầu chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 tại Brazil nhưng đến ngày 1/1 vừa qua bác sĩ Erik Jennings Simões, người chụp bức ảnh mới chia sẻ hình ảnh lên mạng xã hội Instagram để “truyền tải thông điệp tích cực trong dịp đầu năm”. Theo bác sĩ Erik Jennings Simões, người thanh niên trong ảnh là anh Tawy (24 tuổi) còn người cha là Wahu (67 tuổi). Họ là những thổ dân thuộc cộng đồng thiểu số Zo'e với khoảng 325 thành viên. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc hai cha con trở về nhà - nằm trong một khu vực cách biệt, có diện tích tương đương một sân bóng đá ở bang Pará, phía bắc Brazil với khoảng chục ngôi nhà - sau khi đã được tiêm một liều vaccine phòng Covid-19. Và để có được mũi tiêm ấy, anh Tawy đã phải cõng cha mình đi bộ nhiều giờ băng rừng để đến được điểm tiêm.

Chàng thanh niên thổ dân cõng cha đi tiêm ngừa COVID-19 ở Amazon, Brazil. (Ảnh: BBC)Nhưng dù sao, cha con họ cũng đã là những người may mắn. Theo một cuộc khảo sát của tổ chức phi chính phủ Apib, chỉ tính riêng trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 - 3/2021 đã có hơn 1.000 thổ dân không qua khỏi sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 và nguyên nhân đơn giản là họ chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19. Vì khoảng cách địa lý sống khá cách biệt lại trong bối cảnh Brazil từng là tâm dịch, hệ thống y tế quá tải, việc nhân viên y tế địa phương chưa thể tiếp cận để tiêm phòng cũng là một thực tế đau xót nhưng khó có thể tránh khỏi.

Nhìn rộng ra, tình hình tiêm phòng vaccine phòng Covid-19 của những châu lục còn nhiều khó khăn như châu Mỹ, châu Phi cũng khó khăn, thách thức không kém. Theo những số liệu mới nhất vừa được Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) đưa ra hồi tháng 12/2021, tại châu Mỹ có tới 20 quốc gia chưa đạt được mục tiêu toàn cầu đề ra về tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 ở mức 40%. PAHO ước tính rằng chỉ 55% số dân số ở Mỹ Latinh và Caribe được tiêm chủng đầy đủ và ở một số quốc gia như Guatemala, Haiti, Jamaica, Saint Vincent và Grenadines..., tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn ở mức rất thấp. Thực trạng ấy có lẽ cũng là lời lý giải vì sao trong 2 năm đại dịch vừa qua, châu Mỹ luôn được xem là châu lục chịu tác động nặng nề nhất. Tính đến tháng 12/2021, trong tổng số trên 267 triệu ca nhiễm và hơn 5,2 triệu ca tử vong do Covid-19 trên toàn cầu, châu Mỹ chiếm tới 37% số trường hợp mắc bệnh (98,1 triệu) và khoảng 44% ca tử vong (2,3 triệu). “Khá khẩm” và được xem là “lội ngược dòng” ngoạn mục nhất là khu vực Mỹ La tinh thì tới nay cũng chỉ mới có 62% dân số khu vực này được tiêm chủng.

Tại châu Phi, tình hình còn đáng quan ngại hơn. Theo báo cáo gần đây nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong bối cảnh hơn 1 tỷ người trên thế giới đã được tiêm vacccine phòng Covid-19, gần 6 tỷ liều vaccine đã được phân phối toàn cầu, song chỉ 2% trong số này đến được châu Phi, mới có 3,6% dân số ở châu lục này đã tiêm phòng và chỉ 5/54 quốc gia ở châu Phi đạt được mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 40% dân số đến hết năm 2021. WHO thậm chí còn lên tiếng cảnh báo Lục địa đen sẽ bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến với đại dịch.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi bảo đảm sự công bằng về vaccine. (Ảnh: THX/TTXVN)

Đảm sự công bằng về vaccine vẫn là mệnh lệnh cần hết thảy các quốc gia, các tổ chức để tâm, nếu muốn thoát khỏi cuộc khủng hoảng sức khỏe và kinh tế toàn cầu.

Công bằng về vaccine hoặc mạng dân nghèo còn đổ xuống

Không chỉ có thế, trong bối cảnh biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 ngày càng lan tràn, WHO cảnh báo số ca tử vong vì tại châu Phi sẽ còn vượt xa qua con số hơn 224.000 trường hợp như hồi tháng 12/2021. Và với những châu lục khác như châu Mỹ, châu Á, tình hình cũng không khác hơn là bao.

Lại lấy châu Phi làm ví dụ. Trên thực tế, phần lớn các nước châu Phi không có đủ nguồn lực tài chính để sở hữu vaccine ngừa Covid-19. WHO ước tính, hiện chỉ 25% tức 1/4 các nước châu Phi có đủ ngân sách cho chương trình tiêm chủng. Hầu hết quốc gia châu Phi tiếp cận vaccine thông qua cơ chế phân phối vaccine của Liên hợp quốc (COVAX), được các nước giàu viện trợ hoặc từ nguồn hỗ trợ từ Nhóm đặc trách mua sắm vaccine phòng Covid-19 (AVATT) của Liên minh châu Phi (AU).

 Nhưng bản thân COVAX hay AVATT đều không phải là những nhà sản xuất trực tiếp ra vaccine. Vì thế, nguồn vaccine họ có được không mang tính chất chủ động, phụ thuộc vào thái độ của các nhà sản xuất. Tuy nhiên, dù chẳng có văn bản phát ngôn chính thức nào nói ra nhưng ai cũng rõ một điều là người không có tiền luôn luôn phải là người đến sau. Các tập đoàn dược sản xuất thuốc hay vaccine phòng Covid-19 đều ưu tiên cho đơn đặt hàng từ các nước giàu. Và chỉ khi thừa vaccine hoặc thậm chí vaccine sắp tới hạn thì nguồn vaccine mới chảy về các châu lục nghèo.

Thực tế không có gì thay đổi được đó đã khiến câu chuyện bình đẳng trong chia sẻ, cung cấp vaccine phòng Covid-19 là câu chuyện dài, được nói đi nói lại nhiều lần nhưng cho đến nay, sau hơn 2 năm trời đại dịch diễn ra, vẫn không có quá nhiều những chuyển biến đáng kể. Cho tới nay, trung bình, ở các quốc gia có thu nhập cao, 83% dân số đủ điều kiện đã tiêm ít nhất một lần, nhưng ở các quốc gia thu nhập thấp, con số này giảm xuống còn 21%. Trong khi các nước giàu không ngừng triển khai các mũi tiêm tăng cường, mũi 3 rồi mũi 4, thì tại nhiều châu lục, nhiều quốc gia, chuyện người dân tử vong vì chưa được tiêm vacccine phòng Covid-19 vẫn là chuyện chẳng hiếm hoi.

Mới có 3,6% dân số ở châu Phi đã được tiêm phòng. (Ảnh: BBC)Đến mức, trên một diễn đàn hồi cuối tháng 12/2021 vừa qua, nhà khoa học Swaminathan đã phải thốt lên đầy đau xót: "Sự bất bình đẳng về vaccine ngừa Covid-19 là một trong những trải nghiệm đau đớn nhất của đại dịch". Còn nhà dịch tễ học Andrew Azman thuộc tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, Maryland (Mỹ) thì chua chát mà rằng: "Những con số về sự bất bình đẳng vaccine ngừa Covid-19 chưa bao giờ ngừng gây kinh ngạc".

Cũng bởi “trải nghiệm đau đớn nhất” ấy, trong bài phát biểu đặc biệt tại hội nghị trực tuyến Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ngày 18/1, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã nêu ra 3 lĩnh vực cấp bách cần được giải quyết để thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng sức khỏe và kinh tế toàn cầu đang diễn ra, cũng như nhằm bảo đảm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Trong đó, lĩnh vực cấp bách nhất, được TTK LHQ xem là vấn đề quan trọng, khẩn thiết yêu cầu cẩn phải tìm ra giải pháp nhanh chóng là việc bảo đảm sự công bằng về vaccine. “Nếu chúng ta không tiêm phòng cho mọi người, chúng ta sẽ tạo ra các biến thể mới lây lan qua biên giới và khiến cuộc sống hàng ngày và nền kinh tế bị đình trệ” - ông Guterres nhấn mạnh. Người đứng đầu thiết chế lớn nhất thế giới cũng khẩn thiết yêu cầu các quốc gia và nhà sản xuất ưu tiên cung cấp vaccine cho chương trình toàn cầu COVAX và hỗ trợ địa phương sản xuất các thử nghiệm, vaccine và phương pháp điều trị trên khắp thế giới. TTK LHQ cũng yêu cầu các công ty dược phẩm phải đoàn kết với các nước đang phát triển bằng cách chia sẻ giấy phép, bí quyết và công nghệ để tìm cách thoát khỏi đại dịch.

Trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 vẫn không ngừng biến đổi, các nhà khoa học vẫn khẳng định “có rất nhiều dữ liệu chứng minh rõ ràng rằng vaccine ngừa Covid-19 đang hoạt động rất tốt trong việc chống lại mức độ nghiêm trọng của bệnh" thì hơn bao giờ hết bảo đảm sự công bằng về vaccine vẫn là mệnh lệnh cần hết thảy các quốc gia, các tổ chức để tâm, nếu muốn thoát khỏi cuộc khủng hoảng sức khỏe và kinh tế toàn cầu./.

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận