Cuộc chiến với Covid-19 tại châu Âu: Đường còn xa ngái…

Việc 'khóa chặt những người từ chối tiêm chủng' mới chỉ là 1 giải pháp trong nhiều giải pháp mạnh mẽ cần phải có trong cuộc đối đầu không khoan nhượng với Covid

 

Hơn 50% dân số châu Âu sẽ nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 trong 2 tháng tới nếu tốc độ lây lan duy trì như hiện nay. Nhận định mới nhất vừa được đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại khu vực châu Âu đưa ra ngày 11/1 chẳng khác nào gáo nước lạnh dội thẳng vào cuộc chiến chống Covid-19 tại lục địa già.

“Chưa phải lúc coi Covid-19 là bệnh đặc hữu”

Trong lúc câu hỏi “có nên coi Covid-19 là bệnh đặc hữu?” đang mang lại quá nhiều những phương án trả lời khác biệt, thậm chí đối nghịch, gây tranh cãi; trong khi nhiều quốc gia, đơn cử như Tây Ban Nha đang đề xuất coi Covid-19 như một căn bệnh đặc hữu, giống bệnh cúm, và trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên kêu gọi người dân sống chung với dịch bệnh, thì các quan chức hàng đầu của WHO lại đưa ra phát ngôn xanh rờn làm rầu lòng hết thảy người dân toàn cầu: “Chưa phải lúc coi Covid-19 là bệnh đặc hữu”.

WHO cảnh báo hơn nửa dân số châu Âu có thể nhiễm Omicron trong 6-8 tuần tới. (Ảnh: CNN)Phát biểu tại cuộc họp báo hồi đầu tháng 1/2022 ở Copenhagen (Đan Mạch), bà Catherine Smallwood, quan chức cấp cao của WHO phụ trách các tình huống dịch bệnh khẩn cấp, khẳng định hiện vẫn còn rất nhiều thông tin chưa được làm rõ và virus vẫn đang lây lan rất nhanh, gây ra những thách thức mới. Do đó, đây chắc chắn chưa phải lúc để coi Covid-19 là bệnh đặc hữu. Theo bà Catherine Smallwood, việc chuyển từ đại dịch sang bệnh đặc hữu là “một con đường tắt” và để coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, chúng ta phải duy trì tốc độ lây nhiễm ổn định và có thể dự đoán được điều đó.

“Nhưng chúng ta vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn và Omicron đang lây lan khá nhanh, đặt ra nhiều thách thức mới. Do đó, đây chắc chắn chưa phải lúc để coi Covid-19 là bệnh đặc hữu. Nó có thể trở thành bệnh đặc hữu trong thời gian tới, nhưng việc xác định nó là bệnh đặc hữu trong năm 2022 đang gặp một chút khó khăn” - bà Catherine Smallwood nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với bà Catherine Smallwood, trước đó 1 ngày, ngày 10/1, ông David Nabarro, đặc phái viên của WHO cho rằng, virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục phát triển và những biến thể mới sẽ xuất hiện trong thời gian tới. Các đợt bùng phát có thể xảy ra sau mỗi 3 - 4 tháng do sự xuất hiện của các biến thể mới. Đặc phái viên WHO cũng nhấn mạnh cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay rất phức tạp do các nước đang phát triển không đủ khả năng thực hiện những biện pháp hạn chế cứng rắn bởi vì các biện pháp này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc gia. “Tôi e rằng chúng ta đang chạy marathon, nhưng chưa thể nói rằng chúng ta đã đi gần đến đích. Và nếu có ngày kết thúc đại dịch thì trước khi đạt được kết quả đó, chúng ta sẽ phải đối mặt với một số đợt gia tăng đột biến (về số ca mắc mới Covid- 19)” - ông David Nabarro cảnh báo.

Giám đốc WHO tại khu vực châu Âu Hans Kluge cũng cảnh báo biến thể Omicron đang gây ra làn sóng dịch bệnh mới càn quét toàn khu vực châu Âu. Châu Âu đã ghi nhận trên 7 triệu ca mắc mới trong tuần đầu tiên của năm 2022, và với tốc độ này, Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) dự báo rằng, hơn 50% dân số trong khu vực sẽ nhiễm Omicron trong vòng 6 - 8 tuần tới.

Nhân viên y tế tiêm vắc-xin Pfizer cho một công dân Pháp ở thủ đô Paris. (Ảnh: Reuters)Gập ghềnh hành trình phục hồi nền kinh tế lục địa già

Chưa thể coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, điều đó đồng nghĩa với việc hành trình phục hồi nền kinh tế của lục địa già còn lắm gian nan, gập gềnh. Áp lực giá toàn cầu đang đẩy lạm phát tại các nước EU lên mức cao nhất trong 10 năm qua. Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) ngày 7/1 vừa qua công bố số liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ lạm phát của Eurozone đã tăng lên mức cao kỷ lục 5% trong tháng 12/2021. Đây cũng là mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1997 khi các dữ liệu liên quan bắt đầu được thu thập. Cũng theo Eurostat, trong các nước thành viên Eurozone, lạm phát đặc biệt cao ở các quốc gia Baltic. Estonia ghi nhận mức cao nhất với 12%, kế đến là Lithuania với 10,7%. Xét theo quy mô các nước lớn trong Eurozone, Tây Ban Nha ghi nhận mức lạm phát cao nhất với 6,7%, kế đến là Đức với 5,7%. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã chứng kiến mức tăng giá hàng hóa mạnh nhất trong gần 30 năm vào tháng 12/2021, vượt qua các dự báo được đưa ra.

“Lạm phát là nỗi ám ảnh đối với mọi người. Cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, giá cả hàng hóa tại châu Âu tăng vọt đã nhấn chìm nền kinh tế, khiến cuộc sống của người dân trong khu vực này bị ảnh hưởng bởi chi phí thực phẩm và năng lượng tăng mạnh. Đà tăng giá này được cho là sẽ tiếp diễn, ít nhất là trong vài tháng tới” - nhà kinh tế trưởng Laurence Boone của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định.

“Khóa chặt những người từ chối tiêm chủng”

Là châu lục xưa nay đề cao quyền tự do dân chủ của người dân, nhưng diễn biến khôn lường của đại dịch Covid-19 đang buộc các chính quyền châu Âu đứng trước “sự lựa chọn sinh tử”: buộc tiêm chủng hay mất quyền dự do của người dân. Và khi đại dịch đã bước sang năm thứ 3, có đến khoảng 70% dân số châu Âu đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng việc biến thể Omicron vẫn đang lan tràn khắp châu Âu, dẫn đến số ca mắc mới tăng vọt ở hàng chục quốc gia, việc thúc đẩy tiêm vaccine ngừa Covid-19 đã trở thành sự lựa chọn buộc phải có của nhiều quốc gia châu Âu để giảm gánh nặng lên dịch vụ y tế và có cơ mong nối lại hành trình phục hồi nền kinh tế.

Đức khóa chặt những người từ chối tiêm chủng. (Ảnh: Reuters)Nước Đức vốn nổi tiếng thủ cựu bậc nhất là tiêu biểu cho sự thay đổi trong chiến lược này. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu ngay từ cuối tháng 12/2021 đã tuyên bố thực hiện chiến lược “khóa chặt những người từ chối tiêm chủng”, không cho phép họ lui tới rạp hát hay tham gia các hoạt động giải trí khác, với quan điểm bất cứ ai chưa được chủng ngừa đều đang tự gây nguy hiểm cho bản thân.

“Tôi e rằng chúng ta đang chạy marathon, nhưng chưa thể nói rằng chúng ta đã đi gần đến đích. Và nếu có ngày kết thúc đại dịch thì trước khi đạt được kết quả đó, chúng ta sẽ phải đối mặt với một số đợt gia tăng đột biến (về số ca mắc mới Covid-19)”.

Ông David Nabarro, đặc phái viên của WHO

Không đến mức gay gắt như Đức, Italy cũng đã ban hành quy định tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 bắt buộc đối với những người trên 50 tuổi. Trong khi đó, tại Áo, những người chưa tiêm phòng bị cấm tham gia hầu hết các hoạt động, bao gồm cả những khu vực mua sắm không thiết yếu, khách sạn và nhà hàng. Tại Pháp, chiến lược chống dịch Covid-19 bắt đầu tập trung vào những người từ chối tiêm vaccine, theo đó, tiêm vaccine không chỉ là quyền, mà còn là nghĩa vụ; đồng thời tăng cường hạn chế đối với những người không được tiêm chủng, thúc đẩy Quốc hội nhanh chóng thông qua quy định hộ chiếu vaccine để vào các quán bar, nhà hàng…

Với thế giới nói chung, châu Âu nói riêng, cuộc chiến với đại dịch Covid-19 còn gập ghềnh xa ngái… Việc “khóa chặt những người từ chối tiêm chủng” cũng mới chỉ là một giải pháp trong nhiều giải pháp mạnh mẽ cần phải có trong cuộc đối đầu không khoan nhượng với Covid-19. Nhưng, dù gì thì bước vào một năm mới, vẫn cứ phải nuôi niềm tin và hy vọng vào hành trình phía trước. Nói như Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, hãy cứ hy vọng rằng năm 2022 có thể là năm “chấm dứt giai đoạn cấp tính của đại dịch” và “vạch ra con đường dẫn đến an ninh y tế mạnh mẽ hơn”./.

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận