Chuyển thủ đô từ Jakarta đến đảo Borneo, hay còn được biết tới là Kalimantan - hòn đảo lớn nhất ở châu Á và lớn thứ ba thế giới - là kế hoạch đã được vạch ra từ lâu của chính phủ Indonesia. Không những thế, đây thực sự là một siêu dự án, chứa đựng tham vọng mang tầm thế kỷ của quốc gia vạn đảo này.
Từ nỗ lực “giải cứu” Jakarta
Thủ đô của đất nước vạn đảo từ lâu đã được mệnh danh là “Thành phố chìm nhanh nhất thế giới”. Theo các chuyên gia, sự sụt lún của thủ đô Jakarta bắt đầu từ vùng bắc Jakarta khi khu vực này đã lún xuống 2,5m trong khoảng thời gian 10 năm (từ 1998 - 2018). Cho tới nay, ước tính, mỗi năm, thủ đô Indonesia trung bình chìm xuống 1 - 15cm và đến nay, gần một nửa thành phố hiện nằm dưới mực nước biển. Thậm chí, như cảnh báo của chuyên gia Heri Andreas, người đã nghiên cứu tình trạng sụt lún của Jakarta trong 20 năm qua tại Viện Công nghệ Baaandung: “Khả năng Jakarta bị chìm xuống không phải là chuyện đùa. Nếu nhìn vào các mô hình của chúng tôi, thì đến năm 2050 có 95% phía Bắc Jakarta sẽ bị chìm”.
Cũng theo chuyên gia Heri Andreas, phần còn lại của Jakarta cũng đang chìm dần dù tốc độ chậm hơn. Cụ thể, phía Tây Jakarta bị chìm khoảng 15cm/năm, phía Đông 10cm/năm, miền Trung 2cm/năm và miền Nam là 1cm/năm. Thế nên, có chuyên gia đã ví von “chỉ cần một cơn bão, cả Jakarta có thể bị nhấn chìm”. Thực hế, hồi năm 2007, chỉ một cơn gió mùa đã khiến phân nửa Jakarta chìm dưới gần 4m nước, gây thiệt hại nửa tỷ USD.
Cũng theo các chuyên gia, ngoài nguyên nhân do nước biển dâng vì biến đổi khí hậu, không chỉ do việc thủ đô này nằm trên vùng đất đầm lầy với 13 con sông chảy qua và chịu sự tác động từ biển Java hằng ngày, mà tốc độ sụt lún đáng lo ngại ở Jakarta còn có một nguyên nhân lớn nữa từ việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm của cư dân thành phố. Do đường ống dẫn nước không chắc chắn hoặc không có sẵn ở hầu hết khu vực, nên người dân không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải bơm nước từ tầng ngậm nước nằm sâu dưới đất. Nhưng khi nước ngầm được bơm ra, vùng đất phía trên nó chìm xuống và dẫn đến sụt lún. “Giống một chai nước rỗng bằng nhựa, việc rút hết nước bên trong khiến nó dễ bị bẹp và lún” - một chuyên gia ví von. Người dân Jakarta thì phân bua rằng, họ không có sự lựa chọn nào khác khi chính quyền không thể đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho họ.
Để “giải cứu” Jakarta, chính quyền Indonesia đã từng tung ra dự án Great Garuda - xây dựng một bức tường biển dài 32km trước vịnh Jakarta cùng với 17 hòn đảo nhân tạo, với chi phí khoảng 40 tỷ USD - nhằm mục tiêu chống sụt lún cho Jakarta. Bên cạnh đó, Jakarta cũng hạn chế việc khai thác nước ngầm bừa bãi thông qua việc đánh thuế đối với toàn bộ doanh nghiệp trong hoạt động đào giếng, song nỗ lực này dường như không hiệu quả khi chỉ một phần tư dân số thủ đô Indonesia được dùng nước máy, phần còn lại phải dùng nước giếng hoặc mua nước từ những người khai thác nước ngầm.
Theo kế hoạch mới này, trong giai đoạn từ năm 2022 - 2023, việc xây dựng trụ sở, nhà công vụ, cơ sở giáo dục, y tế và các cơ sở hạ tầng hỗ trợ khác sẽ được thực hiện. Tới năm 2024 sẽ tiến hành các bước di dời ban đầu và cũng trong năm 2024 này, theo kỳ vọng của người đứng đầu Cơ quan Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia, ông Suharso, Tổng thống Joko Widodo có thể tiến hành lễ Quốc khánh lần thứ 79 vào năm 2024 tại thủ đô mới. |
Đến “siêu dự án di dời thủ đô”
Thực ra, từ thực tế bị nhấn chìm không thể tránh khỏi của Jakarta, di dời thủ đô khỏi vùng đất này đã được các đời Tổng thống Indonesia nung nấu từ rất lâu. Tổng thống đầu tiên của đất nước này đã nói về điều này năm 1957. Đây cũng được coi là bài toán đơn giản và ít tốn kém hơn cả so với các giải pháp “giải cứu” Jakarta được bàn tới. Mong muốn này càng trở nên cấp thiết khi ngoài nguy cơ bị chìm, chính quyền Jakarta còn ngày càng phải đối mặt với vấn nạn nan giải không kém: tắc đường, gây thiệt hại tới hơn 7 tỷ USD mỗi năm.
Từ sự bức thiết ấy, ngày 16/8/2019, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra quyết định rời thủ đô đến đảo Kalimantan. "Thủ đô của Indonesia sẽ được chuyển tới đảo Borneo. Địa điểm có thể ở Trung Kalimantan, Đông Kalimantan hoặc Nam Kalimantan. Tất cả các khía cạnh đang được nghiên cứu sâu để đưa ra quyết định chính xác nhất", ông Widodo viết trên Twitter cá nhân ngày 8/8/2019. Kế hoạch di dời thủ đô dự kiến sẽ tiêu tốn 466.000 tỷ rupiah (32,79 tỷ USD), trong đó Chính phủ sẽ cấp 19% số kinh phí, số còn lại do các đối tác trong khu vực công và tư nhân đầu tư.
Thời điểm đó, dự tính “siêu dự án” này sẽ được khởi động vào đầu năm 2021. Tuy nhiên, vì đại dịch Covid-19, kế hoạch này đã bị trì hoãn. Trước đó, tháng 5/2020, Cơ quan Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia thông báo hoãn việc xây thủ đô mới và chuyển trọng tâm của chính phủ sang xử lý đại dịch Covid-19, tuy nhiên việc quy hoạch vẫn được thực hiện.
Theo đó, chính phủ Indonesia chuẩn bị ba kế hoạch lớn bao gồm quy hoạch tổng thể, nghiên cứu môi trường chiến lược và các quy hoạch không gian. Trong năm 2021, Indonesia thực hiện phục hồi hệ sinh thái, mua đất và cơ sở hạ tầng cũng như nghiên cứu chi tiết về thiết kế và kỹ thuật. Tháng 1/2021, Indonesia cũng đã ban hành Dự luật Thành phố Thủ đô Quốc gia. Ngân sách nhà nước Indonesia năm 2021 cũng dành 414.000 tỷ rupiah cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho thủ đô mới.
Tháng 8/2021, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố nước này tiếp tục kế hoạch di chuyển thủ đô từ đảo Java đến tỉnh Đông Kalimantan thuộc đảo Borneo sau thời gian trì hoãn do đại dịch Covid-19. Hãng thông tấn chính thức Antara ngày 15/12 dẫn lời quyền Thư ký huyện Bắc Penajam Paser, thuộc tỉnh Đông Kalimantan ông Muliadi, cho biết chính quyền trung ương đã “sẵn sàng 100%” cho thành phố thủ đô mới.
Mới đây nhất, hạ nghị sĩ Ahmad Doli Kurnia - người chủ trì một ủy ban đặc biệt của Hạ viện về thủ đô mới - cho biết các cuộc thảo luận về dự luật này sẽ được nối lại vào ngày 11/1/2022 sau kỳ nghỉ lễ cuối năm và dự kiến hoàn tất vào tháng 2. Theo kế hoạch mới này, trong giai đoạn từ năm 2022 - 2023, việc xây dựng trụ sở, nhà công vụ, cơ sở giáo dục, y tế và các cơ sở hạ tầng hỗ trợ khác sẽ được thực hiện. Tới năm 2024 sẽ tiến hành các bước di dời ban đầu và cũng trong năm 2024 này, theo kỳ vọng của người đứng đầu Cơ quan Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia, ông Suharso, Tổng thống Joko Widodo có thể tiến hành lễ Quốc khánh lần thứ 79 vào năm 2024 tại thủ đô mới.
Có thể nói, việc di dời Jakarta là một siêu dự án chứa đựng tham vọng nhưng, nói như Tổng thống Indonesia Joko Widodo, tham vọng ấy là thực sự cần thiết, nếu không muốn nói là giải pháp tối ưu, đúng đắn nhất trong việc tạo thế phát triển cân bằng cho đất nước vạn đảo này./.
Theo nhiều chuyên gia và tổ chức, trong đó có Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), khoảng 4.000 đô thị lớn ven biển, với dân số trên 150.000 người trên khắp hành tinh đang bị đe dọa bởi nước biển dâng. Jakarta đứng đầu danh sách bị đe dọa, Manila của Philippines đứng thứ 2 và Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam đứng thứ 3. |
Hà Anh