Ngay sau khi bị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liệt vào danh sách “biến chủng đáng lo ngại, gây nguy cơ lớn trên toàn cầu”, Omicron đã thực sự trở thành nỗi ám ảnh mới. Hàng loạt quốc gia vội vàng đóng cửa biên giới, tăng cường cấp độ phòng chống dịch.
“Nguy cơ lớn” trên toàn cầu
Đó là cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), được đưa ra ngày 29/11, nghĩa là chỉ 4 ngày sau khi biến thể Omicro được khẳng định xuất hiện tại Nam Phi.
Ngày 29/11, WHO cảnh báo biến thể Omicron chứa rất nhiều đột biến có thể lây lan ra toàn cầu và nêu ra một kịch bản có nguy cơ rất cao, trong đó số ca nhiễm tăng mạnh có thể gây "hậu quả nghiêm trọng" ở một số nơi.
Trước đó, sau cuộc họp khẩn cấp đặc biệt hôm 26/11, WHO đã phân loại biến thể mới nhất của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi là "đáng lo ngại", đồng thời đặt tên cho siêu biến chủng mới này là Omicron. Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, WHO nêu rõ: "Biến thể này có số lượng lớn các đột biến, trong đó một số đáng lo ngại. Bằng chứng ban đầu cho thấy nguy cơ lây nhiễm với biến thể này cao hơn so với các biến chủng khác.
WHO cũng cho rằng việc các nước giàu trên thế giới tích trữ vaccine, thậm chí số liều vaccine những nước này có gấp vài lần dân số, trong khi liên tục không thực hiện cam kết chia sẻ vaccine với các nước đang phát triển, chính là tác nhân gây nên những hệ lụy nghiêm trọng, mà ví dụ trước mắt là sự xuất hiện biến thể Omicron.
Siết chặt biên giới
Châu Âu hiện là khu vực có nhiều nước ghi nhận các ca mắc biến chủng Omicron nhất. Chủ tịch Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) Andrea Ammon ngày 30/11 thông báo đã có 42 ca nhiễm biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 là Omicron được ghi nhận tại 10 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Hàng loạt nước như Áo, Hà Lan, Đức, Anh, Scotland đã xuất hiện các ca bệnh nhiễm chủng Omicron. Tại châu Á, Ấn Độ và Hong Kong (Trung Quốc) cũng đã có những ca Omicron đầu tiên và đều là khách nhập cảnh. Mới đây nhất đã có thêm một số nước phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron là Nhật Bản, Tây Ban Nha.
Diễn biến ngày càng phức tạp của biến thể mới Omicron đã khiến hàng loạt nước quyết định siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, áp đặt lệnh cấm nhập cảnh, tăng cường tiêm vaccine ngừa Covid-19... Như Nhật Bản, bắt đầu từ ngày 30/11, đóng cửa biên giới đối với người nước ngoài cho đến cuối năm, bao gồm cả với đối tượng là doanh nhân và du học sinh. Singapore đã quyết định thắt chặt các biện pháp kiểm soát đường biên, tăng cường xét nghiệm PCR và dừng kế hoạch nới lỏng hơn nữa các biện pháp giãn cách xã hội để có thêm thời gian chuẩn bị đối phó với biến thể Omicron. Campuchia đã quyết định áp đặt hạn chế đi lại đối với 10 quốc gia châu Phi gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Malawi, Angola và Zambia. Tại Malaysia, Bộ Y tế nước này kêu gọi người dân nghiêm chỉnh chấp hành biện pháp chống dịch, tiêm mũi vaccine phòng Covid-19 tăng cường và cấm công dân tới 7 nước châu Phi, gồm Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia và Zimbabwe…
Việc đóng cửa biên giới đồng nghĩa với kế hoạch phục hồi kinh tế, đặc biệt là phục hồi du lịch của nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia châu Á vốn đang rất kỳ vọng vào việc tái mở cửa cho du khách, bị phá vỡ. Điển hình như Thái Lan, quốc gia gần đây đã nới lỏng các hạn chế nhập cảnh để hồi sinh ngành du lịch cho biết sẽ từ chối nhập cảnh đối với khách đến từ 8 quốc gia Nam Phi bắt đầu từ ngày 1/12.
“Nếu biến thể mới dẫn tới một làn sóng lây nhiễm mới, các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là các nước có tỷ lệ tiêm phòng thấp, phụ thuộc nhiều vào du lịch và không có năng lực cao trong việc đưa ra hỗ trợ chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm khắc phục các ảnh hưởng đối với tăng trưởng do làn sóng lây nhiễm mới gây ra”, bà Elena Duggar, Giám đốc điều hành tại Moody cảnh báo.
“Biến chủng Omicron nhắc nhở chúng ta rằng sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn gắn liền với đại dịch”.
Steven Cochrane, nhà kinh tế trưởng của APAC tại Moody's Analytics
|
Hồi chuông cảnh tỉnh về Covid-19
Theo nhiều chuyên gia, hiện còn quá sớm để có thể dự báo các ảnh hưởng cụ thể, mức độ đe dọa thực sự của Omicron như mức độ lây truyền hay khả năng né tránh miễn dịch của biến thể này. Như lời Alexey Agranovsky, giáo sư virus học tại Đại học Tổng hợp Moscow, Nga, thế giới nên cảnh giác nhưng Omicron có thể không chết chóc như những gì mà mọi người đang lo ngại.
Ở một góc độ khác, WHO thì cho rằng, sự xuất hiện của Omicron được cho là một lời nhắc nhở với thế giới rằng: "Chúng ta chưa thoát khỏi Covid-19" và "những thành quả khó khăn mới có được có thể biến mất trong chớp mắt". Còn Steven Cochrane, nhà kinh tế trưởng của APAC tại Moody's Analytics, thì cho biết: “Biến chủng Omicron nhắc nhở chúng ta rằng sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn gắn liền với đại dịch”.
Cùng chung quan điểm với WHO, Tiến sĩ Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho rằng, sự xuất hiện của Omicron khiến người dân khắp toàn cầu phải nhận thức rõ lại rằng phải tăng gấp đôi nỗ lực sử dụng các công cụ phòng chống dịch đang có, trong đó quan trọng nhất là tiêm chủng, tiêm vaccine tăng cường cũng như đưa vaccine đến với phần còn lại của thế giới; đồng thời chú ý tới những nguyên tắc phòng dịch cơ bản như đeo khẩu trang trong không gian kín và giữ khoảng cách mặc dù chúng ta đã chán ngấy chúng. “Tôi biết mọi người đã quá chán nghe những điều này nhưng virus không biết mệt và chúng đang biến đổi” - Tiến sĩ Francis Collins nhấn mạnh.
Điều quan trọng nhất, theo các chuyên gia, thế giới tiếp tục cần học cách sống chung với virus. Virus SARS-CoV-2 sẽ còn biến đổi, không gì không đảm bảo là những biến thể mới sẽ không tiếp tục ra đời, thậm chí sẽ còn nguy hiểm hơn Delta hay Omicron. Nhưng một khi loài người có đủ cho mình những “vũ khí” chống dịch cần thiết, thì mọi hình thức ứng phó với các biến thể cũng không khác nhau là bao./.
Theo nhiều chuyên gia, hiện còn quá sớm để có thể dự báo các ảnh hưởng cụ thể, mức độ đe dọa thực sự của Omicron như mức độ lây truyền hay khả năng né tránh miễn dịch của biến thể này. |
Hà Anh