Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính với tư cách là Quốc khách từ ngày 22 - 25/11 là sự tiếp nối khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước thường xuyên được coi trọng và thúc đẩy phát triển.
Những dấu mốc quan trọng
Việt Nam và Nhật Bản có mối quan hệ lâu đời từ nhiều thế kỷ trước. Đầu thế kỷ 17, Nhật Bản đã tiến hành giao thương với nước ngoài bằng con thuyền có tên gọi là Châu Ấn và cảng Nagasaki là cảng duy nhất lúc bấy giờ được phép tham gia vào hoạt động giao thương này. Trong đó, một thương nhân của Nagasaki là ông Araki Sotaro thông qua Châu Ấn thuyền đã tăng cường giao thương với nước An Nam (nay là Việt Nam), đóng góp vào phát triển quan hệ hai nước và tạo được sự tin tưởng từ Chúa Nguyễn.
Với lý do đó, Araki Sotaro đã được Chúa Nguyễn gả con gái nuôi là Công chúa Ngọc Hoa. Sau đó, Công chúa Ngọc Hoa đã chuyển về Nagasaki, sinh sống cùng chồng và được người dân địa phương gọi với cái tên trìu mến là “Nàng Anio”. Cũng như Nhật Bản, hiện nay, tại Việt Nam vẫn còn lưu giữ những dấu ấn ngày xưa liên quan đến Nhật Bản, trở thành di sản chung của cả hai nước.
Bước qua giai đoạn của phong trào Đông Du do nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu khởi xướng, quan hệ song phương có lúc thăng lúc trầm. Ngày 21/9/1973, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu sự phát triển mới trong quan hệ hai nước trong bối cảnh mới. Sau năm 1975, Đại sứ quán được mở tại Thủ đô mỗi nước, đồng thời hai bên ký thỏa thuận về việc Chính phủ Nhật Bản bồi thường chiến tranh với danh nghĩa viện trợ không hoàn lại đối với Việt Nam. Năm 1992, Nhật Bản quyết định mở lại viện trợ cho Việt Nam. Từ đó đến nay, các mối quan hệ kinh tế, chính trị, giao lưu văn hóa… được mở rộng; sự hiểu biết và tin cậy giữa hai nước từng bước được tăng lên.
Có nhiều dấu ấn quan trọng ngoại giao song phương Việt Nam - Nhật Bản: Năm 1995, Tổng Bí thư Đỗ Mười, Tổng Bí thư Việt Nam đầu tiên thăm chính thức Nhật Bản; tiếp theo Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm năm 2002 và 2009. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Nhật Bản từ ngày 15 - 18/9/2015. Trong chuyến thăm này, hai bên khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế bền vững, tăng cường hợp tác lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực hướng tới lợi ích chung của nhân dân hai nước. Năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm chính thức Nhật Bản. Sau đó, Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liên tục thăm Nhật Bản.
Về phía Nhật Bản, năm 1994, ông Murayama Tomiichi trở thành Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên thăm Việt Nam. Tiếp đó lần lượt các Thủ tướng Hashimoto Ryutaro(1/1997), Thủ tướng Obuchi Keichi (12/1998), Thủ tướng Koizumi Junichiro (4/2002 và 10/2005), Thủ tướng Abe Shinzo (11/200, 1/2013, tháng 1 và tháng 10/2017) và Thủ tướng Naoto Kan (10/2010), Thủ tướng Suga Yoshide (10/2020) thăm Việt Nam. 28/2 - 5/3/2017, Nhà Vua Nhật Bản Akihito và Hoàng Hậu thăm chính thức Việt Nam. Chuyến thăm này thể hiện Nhật Bản rất coi trọng tăng cường hợp tác với Việt Nam. Giai đoạn này được đánh giá là tốt đẹp nhất trong lịch sử quan hệ hai nước. Bên cạnh đó, Hoàng thái tử Nhật Bản (2/2009), Hoàng tử Nhật Bản (6/1999 và 8/2002) cũng đã thăm Việt Nam.
Trong khuôn khổ những chuyến thăm trên, quan hệ hai nước không ngừng được củng cố và phát triển, nhiều khuôn khổ quan hệ được thiết lập: Tháng 4/2002: Nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Koizumi, hai nước thiết lập quan hệ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài”. Tháng 7/2004: Tuyên bố chung giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao xác định “Vươn tới tầm cao mới của quan hệ đối tác bền vững”.
Tháng 11/2006, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Abe Shinzo, hai bên ra Tuyên bố chung xác định “Hướng tới đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Tháng 11/2007, nhân chuyến thăm cấp nhà nước lần đầu tiên tới Nhật Bản, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda đã ký Tuyên bố chung “Làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam và Nhật Bản” và “Chương trình hợp tác hướng tới quan hệ đối tác chiến lược”.
Năm 2009, nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Aso Taro đã ký Tuyên bố chung về “Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” nhất trí đưa quan hệ hai nước lên tầm đối tác chiến lược. Nhật Bản là nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam (tiếp theo là Anh năm 2010, Đức năm 2011).
Tháng 10/2010, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan, Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản về phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á. Tháng 10/2011, trong chuyến thăm Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Noda đã ký Tuyên bố chung “triển khai hành động trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản”. Tháng 3/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản. Hai bên ra Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản về quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.
Phát triển hợp tác toàn diện và sâu sắc
Kể từ thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hai nước đã không ngừng phát triển. Hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, nhân lực, quốc phòng, an ninh… đều có những kết quả tích cực và trở thành kiểu mẫu, điển hình trong mối quan hệ giữa các nước trên thế giới.
Về kinh tế, theo ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, hiện Nhật Bản là đối tác Thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 40 tỷ USD; trong 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt hơn 31 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Về đầu tư, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn thứ 2 với 4.690 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký là 62,9 tỷ USD, chiếm khoảng 16% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, trong số 92 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, Nhật Bản có vốn đầu tư trên 3,2 tỷ USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư, tăng 94,9% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ sau Singapore với tổng vốn đầu tư trên 6,2 tỷ USD. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, thời gian này chỉ có Nhật Bản là tăng vốn đầu tư, còn Singapore và các đối tác lớn khác như Hàn Quốc… đều có có xu hướng giảm vốn đầu tư.
Trong lĩnh vực ngoại giao, hai bên đã tích cực hợp tác trong các diễn đàn đa phương, cùng ủng hộ quan điểm giải quyết xung đột dựa trên đối thoại vì hòa bình và ổn định của khu vực và trên thế giới.
Hiện số người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản có khoảng gần 500.000 người, trong đó có khoảng gần 220.000 người là thực tập sinh - trở thành nguồn nhân lực quan trọng của Nhật Bản trong bối cảnh nước này đang thiếu nguồn nhân lực, góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế của Nhật Bản. Đây cũng là lĩnh vực mà hai nước đặc biệt quan tâm thúc đẩy trong thời gian tới. Số lượng du học sinh cũng tăng.
Hoạt động giao lưu văn hóa cũng được tăng cường và duy trì. Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản trở thành thương hiệu trong hợp tác văn hóa giữa hai nước, được nhiều người dân Nhật Bản biết đến. Không chỉ dừng lại ở Tokyo, mà Lễ hội này đã lan rộng ra các địa phương trên toàn Nhật Bản như Kanagawa, Tochigi, Hokkaido… Văn hóa giúp gắn kết tâm hồn, thấu hiểu nhau, tạo sự đồng điệu trong suy nghĩ giữa nhân dân hai nước.
Đầu năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hai nước đã phải hủy, hoãn một số hoạt động đối ngoại; hợp tác lao động, du lịch... Tuy nhiên, hai nước vẫn duy trì trao đổi cấp cao và các cấp bằng nhiều hình thức linh hoạt. Tích cực trao đổi và phối hợp trong các công tác liên quan đến dịch Covid-19, Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch thông qua khoản viện trợ hơn 4 tỷ yên cung cấp trang thiết bị, hỗ trợ kỹ thuật, cải thiện hệ thống y tế và viện trợ không hoàn lại hơn 4 triệu liều vaccine AstraZeneca cho Việt Nam. Việt Nam đã hỗ trợ gần 1,2 triệu khẩu trang y tế và 20.000 khẩu trang vải cho Nhật Bản.
Với lịch sử truyền thống lâu đời, sự đồng điệu về tâm hồn, sự tin tưởng, chân thành, mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản không chỉ mang lại lợi ích chiến lược cho nhân dân hai nước, mà còn đóng góp vào hòa bình, ổn định của thế giới./.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã không ngừng phát triển. Hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, nhân lực, quốc phòng, an ninh… đều có những kết quả tích cực và trở thành kiểu mẫu, điển hình trong mối quan hệ giữa các nước trên thế giới. |
Bùi Hùng/VOV-Tokyo