“Bỏ túi” 65.000 USD mỗi phút nhờ vaccine Covid-19 là giấc mơ không tưởng với hàng triệu doanh nghiệp, nhưng lại là thực tế hiển nhiên với những “ông lớn” trong giới dược mỹ phẩm toàn cầu.
Tuy nhiên, “lộc bất tận hưởng”, thu về tay lợi nhuận khổng lồ nhưng các “ông lớn” cũng liên tục được đặt ra những câu hỏi buộc phải có câu trả lời của lương tâm, về trách nhiệm trước đồng loại.
Món lợi khổng lồ từ vaccine Covid-19
Đó là thực tế không phải bàn cãi và bản thân các hãng dược phẩm sản xuất vaccine Covid-19 cũng không thể phủ nhận.
Theo nghiên cứu mới được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, chỉ riêng 3 "ông lớn" dược phẩm Pfizer, BioNTech và Moderna đang thu tổng lợi nhuận 65.000 USD/phút (gần 1,5 tỷ đồng) nhờ vaccine Covid-19. Theo phân tích của Liên minh vaccine nhân dân (PVA), ước tính 3 "ông lớn" dược phẩm này sẽ thu về tổng lợi nhuận trước thuế là 34 tỷ USD trong năm nay, tương đương hơn 1.000 USD mỗi giây, 65.000 USD mỗi phút, hay 93,5 triệu USD mỗi ngày.
Pfizer-BioNTech và Moderna được cho là đã thu được tổng cộng hơn 60 tỷ USD từ việc bán vaccine phòng Covid-19 chỉ trong năm 2021 và 2022. Thực ra, chuyện các hãng dược phẩm thu bộn tiền nhờ sản xuất vaccine Covid-19 đã được báo chí và các tổ chức đưa ra các số liệu khẳng định từ lâu.
Đơn cử như hồi tháng 6/2021, theo trang The Guardian (Anh), các nhà phân tích ước tính hai hãng Moderna và Pfizer sẽ chiếm phần lớn trong số 70 tỷ USD lợi nhuận toàn cầu từ vaccine trong năm 2021. Con số lợi nhuận này sẽ còn cao hơn khi biến thể Delta ngày càng lây lan rộng rãi và câu chuyện mũi tiêm tăng cường ngày càng trở thành một thực tế. “Về lâu dài, chúng tôi dự đoán doanh thu sẽ đạt gần 2 tỷ USD/năm dựa trên các mũi tiêm nhắc lại cho người cao tuổi và người thiếu khả năng đề kháng. Vaccine cũng có khả năng tăng giá nếu nhu cầu tiêm chủng lớn hơn hoặc có các loại vaccine được phát triển để phòng ngừa các biến thể mới” - một nhà phân tích trong giới dược mỹ phẩm tiết lộ. Nhiều nhà phân tích khác dự báo doanh thu trong năm 2023 của Pfizer-BioNTech sẽ đạt hơn 6,6 tỷ USD và của Moderna đạt 7,6 tỷ USD, chủ yếu nhờ doanh thu bán vaccine liều tăng cường.
Chỉ riêng hãng Pfizer được cho là đã thu được tới 11,3 tỷ USD trong nửa đầu năm nay từ loại vaccine Covid-19 mà công ty này phát triển cùng BioNTech của Đức (Pfizer hiện tính phí khoảng hơn 30 USD/người cho hai mũi tiêm theo yêu cầu ở châu Âu và Mỹ).
Hãng Moderna, tuy mới được thành lập vào năm 2010, nhưng nhờ vaccine Covid-19 cũng đã “giàu nhanh khủng khiếp”. Công ty này ước tính đã thu được lợi nhuận 1,7 tỷ USD chỉ trong quý I/2021. Moderna cho biết đã ký tổng cộng các hợp đồng giao vaccine trị giá 20 tỷ USD trong năm 2021 và hiện công ty đã ngừng nhận đơn hàng cho năm nay vì không đủ khả năng sản xuất nhiều hơn nữa. Được biết, Moderna đã ký các hợp đồng bán vaccine tổng trị giá 20 tỷ USD cho năm 2022.
Với AstraZeneca (Anh) và Johnson & Johnson (Mỹ) - 2 hãng dược phẩm đang bán vaccine với giá thấp hơn nhiều Pfizer và Moderna, chủ yếu cam kết cung cấp vaccine trên cơ sở phi lợi nhuận cho đến khi đại dịch kết thúc, những khoản doanh thu thu về cũng không hề nhỏ. Như loại vaccine ngừa Covid-19 mà hãng AstraZeneca phát triển cùng Đại học Oxford đã mang về cho hãng này 1,2 tỷ USD trong đầu năm 2021 (AstraZeneca tính phí từ 4,3 USD - 10 USD/2 liều vaccine, trong khi J&J đã tính phí 10 USD cho loại vaccine tiêm 1 mũi).
Sự trách móc đầy căm phẫn
"Thật đáng trách vì vài công ty kiếm được hàng triệu USD lợi nhuận mỗi giờ, trong khi chỉ 2% dân số ở các quốc gia có thu nhập thấp được tiêm phòng đầy đủ. Pfizer, BioNTech và Moderna đã sử dụng sự độc quyền của họ để ưu tiên các hợp đồng có giá trị nhất với chính phủ các nước giàu nhất, khiến các quốc gia có thu nhập thấp bị lãng quên" - đại diện của Liên minh Vaccine nhân dân PVA - một liên minh vận động để tiếp cận vaccine Covid-19, bà Maaza Seyoum không giấu giếm sự bức xúc. Bà Maaza Seyoum không phải là nhân vật đầu tiên lên tiếng “trách cứ” các “ông lớn”. Trước đó, đã có hàng loạt những phát ngôn chỉ đích danh cái gọi là sự “vô trách nhiệm” của các “ông lớn” trong cuộc chiến của nhân loại chống lại đại dịch này.
Tiến sĩ Tom Frieden, cựu lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa địch bệnh Mỹ từng lớn tiếng chia sẻ nỗi bất bình: “Họ đang hành xử như thể họ hoàn toàn không có trách nhiệm gì ngoài việc tối đa hóa lợi nhuận”. |
Tổng Giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đã dùng cụm từ "sự mất cân bằng đáng kinh ngạc" trong việc cung cấp vaccine. Người đứng đầu thiết chế y tế lớn nhất toàn cầu cho biết thật không thể chấp nhận được việc các nhà sản xuất chạy theo mức giá cao nhất để cung cấp vaccine áp đảo cho các nước giàu và hiện đang đẩy mạnh các đợt tiêm tăng cường cho chính những người giàu này. Thậm chí, người đứng đầu WHO còn thẳng thắn chỉ rõ: chính những “ông lớn”, điển hình là Pfizer đang lũng đoạn thị trường vaccine toàn cầu khi cố tình kiểm soát bí mật các công thức vaccine Covid-19 trị giá nhiều tỷ USD.
Trước đó, Pfizer, BioNTech và Moderna được cho là đã từ chối chấp nhận lời kêu gọi chuyển giao công nghệ vaccine cho các nhà sản xuất ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thông qua WHO.
Những lời biện minh yếu ớt, trách nhiệm không thể lẩn tránh và những động thái muộn màng
“Chúng tôi đã, đang làm tất cả những gì có thể, nhưng năng lực sản xuất của chúng tôi còn hạn chế” - những chia sẻ ấy từ các quan chức Moderna ngay lập tức, khi vừa được đưa ra, được cho là những lời biện minh quá đỗi yếu ớt và vụng về. Nó không những không thể xoa dịu mà còn thổi bùng lên ngọn lửa căm phẫn từ các thiết chế, tổ chức y tế, các nhà hoạt động xã hội có lương tri cũng như từ các quốc gia nghèo khó.
Nói một cách đầy bức xúc như Tổng Giám đốc của WHO, ngài Tedros Adhanom Ghebreyesus, sự bất bình đẳng về vaccine Covid-19 không bỗng dưng mà có, nó bắt đầu từ chính toan tính lợi nhuận vị kỷ của các hãng dược “cha đẻ” ra nó. Vì lợi nhuận, họ đã cố tình che giấu một thực tế là đang có một tỷ lệ lớn dân số toàn cầu, mà phần đa trong số đó là người dân từ các nước nghèo, từ các châu lục đang yếu thế, đang vật vã trong cuộc chiến chống lại virus, rất ít người trong số họ đã được tiêm đầy đủ vaccine, chưa mơ đến liều tăng cường.
Đơn cử, như khẳng định của WHO, tính đến đầu tháng 11 này, mới chỉ có… 6% người dân ở châu Phi được tiêm chủng đầy đủ. Trước đó, con số được WHO ghi nhận: chỉ 14,4% dân số thế giới được tiêm chủng đầy đủ, 28% đã nhận được ít nhất một liều vaccine, chỉ 1,1% người dân ở các nước thu nhập thấp đã nhận được tiêm ít nhất một mũi. Những con số đó, như đã nói, biến mọi lời biện minh của các hãng dược trở thành vô nghĩa và trách nhiệm của họ với cộng đồng, với nhân loại là không thể lẩn tránh.
Ngày 16/11, Hãng tin Reuters cho biết Pfizer rốt cuộc đã cho phép sản xuất thuốc chống Covid-19 cho nước nghèo. Cụ thể theo thỏa thuận giữa Pfizer và Tổ chức Y tế Medicines Patent Pool (MPP), Pfizer sẽ cấp quyền sản xuất thuốc generic của thuốc PF-07321332 cho MPP để tổ chức này cấp phép cho các hãng dược khác. Trong khi đó, Pfizer sẽ bán thuốc do mình sản xuất dưới tên Paxlovid. MPP và Pfizer cho biết thỏa thuận sẽ giúp 95 quốc gia, chiếm 53% dân số thế giới, tiếp cận thuốc điều trị Covid-19.
Cuối tháng 10/2021, Hãng dược Merck & Co của Mỹ cũng đạt thỏa thuận tương tự với MPP nhằm cho phép các nước nghèo tiếp cận thuốc thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir.
Ngày 12/11, ông Pascal Soriot - Giám đốc điều hành AstraZeneca - cam kết tiếp tục bán vaccine phi lợi nhuận cho các nước thu nhập thấp, trong khi tìm kiếm lợi nhuận phải chăng trong các hợp đồng vaccine mới trong bối cảnh số ca bệnh đang tăng trở lại ở châu Âu. Ông Soriot cũng cho biết hãng bắt đầu dự án cung cấp vaccine Covid-19 trên cơ sở phi lợi nhuận (khoảng 2,4 USD/liều) để giúp đỡ các nước.
Đó là vài ba trong những động thái, rõ ràng là chẳng còn sớm sủa gì khi thế giới đã bước sang làn sóng dịch thứ 4, thứ 5 với vô số những tổn thất nặng nề cả về sinh mạng và kinh tế. Tuy nhiên, “muộn còn hơn không”, “méo mó có hơn không”, những động thái ấy dù sao cũng là quý giá trong bối cảnh vaccine Covid-19 cũng như lộ trình trở lại cuộc sống bình thường mới vẫn đang là nỗi khát khao cháy bỏng của người nghèo trên khắp hành tinh này./.
Hà Anh