“Một điều chúng ta có thể chắc chắn bây giờ là không nền kinh tế nào có thể vượt đại dịch một mình. Tất cả chúng ta phải tiếp tục hợp tác để đảm bảo toàn bộ khu vực hồi phục thành công” - đó là nhấn mạnh của bà Jacinda Ardern - Thủ tướng New Zealand, nước chủ nhà đăng cai APEC lần thứ 28 - về mục tiêu của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần này.
“Cuộc khủng hoảng trăm năm có một”
Đó là nhìn nhận của Thủ tướng New Zealand về đại dịch Covid-19. Và thực tế những gì nền kinh tế thế giới nói chung, 21 nền kinh tế APEC nói riêng phải gánh chịu bởi làn sóng dịch Covid-19 suốt gần 2 năm qua cho thấy, nhận định ấy của bà Jacinda Ardern không hề là quá lời.
Tại cuộc họp không chính thức của các nhà lãnh đạo APEC hồi tháng 7/2021, hệ lụy khủng khiếp mà đại dịch Covid-19 tác động lên APEC đã được chỉ ra: Trong năm 2020, GDP của APEC suy giảm 1,9% và khoảng 81 triệu việc làm đã mất do đại dịch.
Sang năm 2021 này, theo Phân tích xu hướng khu vực APEC (ARTA) mới nhất, các nền kinh tế APEC dự kiến sẽ tăng trưởng 6%. Tuy nhiên, tăng trưởng giữa các nền kinh tế thành viên tiếp tục phân hóa và duy trì sự không chắc chắn. Một điểm đáng chú ý là lạm phát gia tăng. Khu vực này đã ghi nhận tỷ lệ lạm phát cao hơn 2,6% trong 9 tháng năm 2021, sau khi tăng trung bình 1,5% vào năm 2020. Đặc biệt nguy cơ lạm phát có xu hướng tăng lên nếu sự phục hồi kinh tế không được giải quyết.
Không nền kinh tế nào có thể vượt đại dịch một mình
Khủng khoảng bởi Covid-19 là quá rõ, không chừa một nền kinh tế nào, cũng bởi là “nỗi đau chung” và những tác động tương hỗ trong bối cảnh toàn cầu hóa, mà theo lời Thủ tướng nước chủ nhà New Zealand: Không nền kinh tế nào có thể vượt đại dịch một mình, và rằng, tất cả chúng ta phải tiếp tục hợp tác để đảm bảo toàn bộ khu vực hồi phục thành công.
Theo bà Jacinda Ardern, câu chuyện “cùng phối hợp, cùng hành động” thực ra đã được các nước thành viên APEC làm và làm rất tốt thời gian qua thông qua việc cùng nhau duy trì hoạt động của chuỗi cung ứng và hỗ trợ thương mại các vật tư y tế quan trọng như các bộ dụng cụ xét nghiệm, trang bị bảo hộ y tế và vaccine. Tinh thần “Cùng phối hợp - Cùng hành động - Cùng tăng trưởng” cũng đã được nước chủ nhà New Zealand đề xuất như một tinh thần xuyên suốt năm APEC 21, thông qua hàng loạt hoạt động (diễn ra theo hình thức trực tuyến) của Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 28 này, từ Hội nghị cấp bộ trưởng; Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2021, Hội nghị Tiếng nói tương lai APEC 2021.
Tại một cuộc họp hồi tháng 6/2021, bà Vangelis Vitalis - quan chức cấp cao của New Zealand - thậm chí đã nhấn mạnh rất rõ ràng rằng: "APEC đang ở trong gian đoạn quan trọng, khi các nền kinh tế thành viên phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế kéo dài. Giữa những bất ổn này, các bên cần phối hợp cùng nhau, dựa trên niềm tin chung rằng việc hợp tác thương mại nhiều hơn và cởi mở hơn, cùng với cải cách cơ cấu và tăng cường hợp tác là cách ứng phó hiệu quả nhất đối với đại dịch".
Và đặc biệt, tại sự kiện quan trọng nhất của năm APEC 2021 - Hội nghị cấp cao APEC (diễn ra từ ngày 8 - 12/11 bằng hình thức trực tuyến), tinh thần “cùng phối hợp, cùng hành động” ấy lại tiếp tục được nhấn mạnh thông qua chủ đề: “Phối hợp trong APEC nhằm đẩy mạnh phục hồi kinh tế hậu Covid-19; Các cơ hội và thách thức chủ yếu trong thế giới hậu Covid-19 và làm thế nào để đảm bảo các thành quả được chia sẻ đồng đều tới toàn bộ người dân trong hiện tại và tương lai”.
Lộ trình nào cho sự phục hồi?
"Cuộc họp lần này tập trung vào việc vạch ra lộ trình phục hồi sau cuộc khủng hoảng trăm năm có một này” - Thủ tướng New Zealand nhấn mạnh về mục tiêu của Tuần lễ APEC 2021, đặc biệt là Hội nghị cấp cao APEC 2021. Tuy nhiên, đó là một lộ trình như thế nào, các nước APEC sẽ đi trên lộ trình đó ra sao lại là bài toán không đơn giản để các nhà lãnh đạo APEC thảo luận trên bàn Hội nghị lần này.
Trước đó, tại các cuộc họp hồi tháng 6, 7 và tháng 9, giới chức cấp cao APEC đã bàn tới một số giải pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng trước mắt và giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế trên toàn khu vực như: cam kết cùng hợp tác mở rộng chia sẻ và sản xuất vaccine Covid-19 để chống dịch toàn cầu, ủng hộ chuyển giao tự nguyện công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 trên thỏa thuận nhất trí giữa các bên.
Theo báo cáo được Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC) công bố trước thềm APEC 2021, bất bình đẳng vaccine là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sự phục hồi kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Báo cáo khẳng định, những nền kinh tế với tỷ lệ tiêm phòng trên 30% dự kiến phục hồi nhanh hơn với mức tăng trưởng 6,3% trong năm 2021 - cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng chung của cả khối. Cũng theo PECC, cuộc chiến chống Covid-19 còn lâu mới kết thúc, vì thế, khả năng tiếp cận vaccine bình đẳng tiếp tục là vấn đề đáng quan tâm bậc nhất và rằng, sự ổn định và tăng trưởng của kinh tế APEC phụ thuộc vào khả năng giải quyết tiến độ tiêm chủng và công tác phân phối vaccine trên toàn khu vực.
Đặc biệt, APEC đã thành lập một quỹ về ứng phó với đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế (CCER). Theo Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC Rebecca Sta Maria, quỹ CCER sẽ hỗ trợ các sáng kiến tập trung vào mục tiêu hỗ trợ trong APEC, đảm bảo APEC tiếp tục là khu vực kinh tế năng động và kết nối hàng đầu thế giới. CCER được dùng để hỗ trợ các dự án và sáng kiến giúp các nền kinh tế thành viên nhận biết và ứng phó với tác động của đại dịch, củng cố hệ thống y tế công, thúc đẩy phục hồi kinh tế và củng cố khả năng chống đỡ với các sự cố gián đoạn kinh tế trên diện rộng trong tương lai. Quỹ này cũng nhằm tạo điều kiện cho các nền kinh tế APEC thích ứng tốt hơn với những công cụ kỹ thuật số sáng tạo sẵn có như giáo dục trực tuyến, làm việc trực tuyến, khám bệnh trực tuyến để thúc đẩy kinh tế phục hồi và phát triển. CCER được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các nước thành viên ứng phó với đại dịch Covid-19 và các đại dịch khác trong tương lai, bảo vệ người dân, thúc đẩy phục hồi kinh tế và mở ra những cơ hội kinh tế kỹ thuật số mới. Các nước thành viên APEC có thể đăng ký sử dụng CCER cho các hoạt động nhằm hỗ trợ xây dựng năng lực của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa - được xem như là “những mao mạch của nền kinh tế APEC” và các nhóm dễ tổn thương để phục hồi và chống đỡ những gián đoạn do Covid-19 gây ra.
Bên cạnh đó, tại nhiều cuộc họp nằm trong khuôn khổ năm APEC 2021, cũng với mục tiêu “cùng gỡ khó trong đại dịch”, các nền kinh tế APEC đã xác định tiếp tục làm việc cùng nhau để đảm bảo môi trường thương mại và đầu tư tự do, mở, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch và có thể dự đoán được để mang lại lợi ích cho tất cả người dân. “Tiến độ trong chương trình nghị sự đầy tham vọng của APEC năm nay cho thấy quyết tâm của tập thể chúng ta có thể vượt qua những thách thức trong đại dịch như thế nào. Và đà này không được dừng lại" - Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng Xuất khẩu New Zealand Damien O'Connor nhấn mạnh.
Tại hội nghị cấp cao APEC 28 lần này, các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC dự kiến thảo luận về hai nội dung chính là triển vọng kinh tế toàn cầu và hợp tác phục hồi sau đại dịch; thông qua Tuyên bố của Hội nghị và Kế hoạch triển khai Tầm nhìn APEC trong hai thập niên tới. Dư luận trong khối và thế giới đang tràn trề hy vọng, Hội nghị tiếp tục cho ra đời hàng loạt công cụ chính sách hiệu quả để có thể “cùng phục hồi bền vững và bao trùm”, vì một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường. hòa bình, và thịnh vượng như Tầm nhìn APEC đến năm 2040 đã nhấn mạnh.
Dịch bệnh Covid-19 là “cơn khủng hoảng trăm năm” nhưng cũng là “vàng thử lửa”, là lúc để APEC chứng minh tinh thần đoàn kết, chung sức để cùng đối diện với những thách thức lớn chưa từng có của toàn bộ 21 nền kinh tế thành viên./.
"APEC đang ở trong gian đoạn quan trọng, khi các nền kinh tế thành viên phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế kéo dài. Giữa những bất ổn này, các bên cần phối hợp cùng nhau, dựa trên niềm tin chung rằng việc hợp tác thương mại nhiều hơn và cởi mở hơn, cùng với cải cách cơ cấu và tăng cường hợp tác là cách ứng phó hiệu quả nhất đối với đại dịch".
Bà Vangelis Vitalis, quan chức cấp cao New Zealand
|
Hà Anh