COP26 - Bây giờ hoặc không bao giờ!

Thiên tai và thảm họa liên quan tới biến đổi khí hậu được cho là tăng gấp 5 lần so với 50 năm trước, cướp đi mạng sống của hơn 2 triệu người...

 

Chủ tịch COP26, ông Alok Sharma, ngay phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26, diễn ra tại Glasgow, Scotland từ 31/10 - 12/11) đã nhấn mạnh “đây là cơ hội cuối cùng” để cứu lấy Trái Đất, khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức không quá 1,5°C, trước khi mọi sự không thể cứu vãn. Thủ tướng Anh Boris Johnson - lãnh đạo nước chủ trì COP26 cũng phải thốt lên - “nếu Glasgow thất bại, tất cả sẽ thất bại”.

“Cái đinh đóng vào quan tài”

Đó là cách ví von, có lẽ là hơi “sốc óc” của Norma Loeb - nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ về cách mà con người đang ứng xử với Trái Đất mà mình đang sống. Nói một cách khác, đó chính là việc con người đang hủy diệt sự sống của chính mình.

Theo báo cáo mới nhất được Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) công bố ngày 9/8/2021, biến đổi khí hậu đang diễn ra phổ biến, ngày càng gia tăng và mạnh mẽ, ảnh hưởng đến nhiều hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan ở tất cả các khu vực trên thế giới. Báo cáo cũng chỉ ra rằng ảnh hưởng của con người đã làm khí hậu nóng lên với tốc độ chưa từng có trong ít nhất 2.000 năm qua. Đơn cử, nhiệt độ của thập kỷ gần đây nhất (2011 - 2020) vượt quá nhiệt độ của thời kỳ ấm áp gần đây nhất, khoảng 6.500 năm trước. Mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng nhanh hơn kể từ năm 1900 so với bất kỳ thế kỷ nào trước đó, trong ít nhất 3.000 năm. Đặc biệt, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do các hoạt động của con người là nguyên nhân gây ra hiện tượng ấm lên khoảng 1,1°C trong khoảng thời gian từ năm 1850 - 1900. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trung bình trong 20 năm tới, nhiệt độ toàn cầu sẽ đạt hoặc vượt quá 1,5°C.

Chủ tịch COP26, ông Alok Sharma phát biểu khai mạc Hội nghị hôm 31/10 tại Glasgow, Anh. (Ảnh: Reuters)

Và những cái gọi là “nắng nóng kỷ lục”, “lạnh kỷ lục”, “cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử”… liên tục xuất hiện năm này qua năm khác, với các nhà quan sát, đơn giản, đó là sự nổi giận của mẹ thiên nhiên trước cách xử sự vô cảm, vô trách nhiệm của con người. Thiên tai và thảm họa liên quan tới biến đổi khí hậu được cho là tăng gấp 5 lần so với 50 năm trước, cướp đi mạng sống của hơn 2 triệu người và gây thiệt hại tới hơn 3.640 tỷ USD.

Những lời kêu gọi “rơi vào thinh không”

Thực ra, con người không phải không hành động và không có giải pháp. Vô vàn những hội thảo hội nghị về biến đổi khí hậu, cả ở tầm địa phương, quốc gia và toàn cầu đã được tổ chức trong nhiều năm qua, nhiều thập kỷ qua. Trong đó, được chú ý nhiều nhất, với sự tham gia bàn thảo của các nguyên thủ là Hội nghị thượng đỉnh biến đổi khí hậu được LHQ tổ chức thường niên từ năm 1995, quy tụ đại diện của hầu hết các quốc gia trên thế giới thảo luận về những mục tiêu khí hậu cũng như tiến trình giảm phát thải. Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) đã ra đời từ năm 1992. Năm 1997, Nghị định thư Kyoto được thông qua, được xem là thỏa thuận đầu tiên trên thế giới với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, cách đây 6 năm, tháng 12/2005, Hiệp định Khí hậu Paris được ký kết và được ngợi ca là “thành tựu đáng kinh ngạc”.

Tuy nhiên, 6 năm sau “thành tựu đáng kinh ngạc” ấy, Tổ chức Khí tượng Thế giới và Cơ quan Met của Anh cho hay 6 năm qua cũng là 6 năm nóng nhất từng ghi nhận trong lịch sử thế giới.

Cách đây một năm, kỷ niệm 5 năm ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các nước ban bố tình trạng "khẩn cấp về khí hậu", nếu không sẽ phải đối mặt với những hậu quả "thảm khốc".

Giáo hoàng Francis, trong một tuyên bố hồi tháng 9/2021 đã kêu gọi “mọi người không quan trọng tín ngưỡng hay thế giới quan, hãy cố lắng nghe tiếng khóc của Trái Đất, chấp nhận những hy sinh ý nghĩa để bảo vệ Trái Đất đã được Chúa ban cho”.

Thế nên mới nói rằng, mọi lời kêu gọi, mọi giải pháp được đưa ra để bảo vệ sự nóng lên của Trái Đất dường như đã không mấy tác dụng, nếu không muốn nói như “rơi vào thinh không”.

Băng tan ở phía Đông Nam Cực. (Ảnh: Reuters/Pauline Askin)

Cơ hội cuối cùng liệu có được nắm bắt?

Chủ tịch COP26, ông Alok Sharma, ngay phiên khai mạc COP26 đã nhấn mạnh “đây là cơ hội cuối cùng và tốt nhất” để cứu lấy Trái Đất.

Tuy nhiên, nhìn lại hành trình “rơi vào thinh không” ấy, mới thấy việc nhân loại có đồng lòng và quyết liệt để nắm bắt và tận dụng cho bằng được cơ hội cuối cùng này hay không thì vẫn là câu hỏi còn để ngỏ. Có 4 vấn đề chính tại COP26 được giới quan sát, các nhà đàm phán và công chúng đặc biệt quan tâm gồm: Hỗ trợ tài chính khí hậu, thị trường mua bán phát thải carbon, than đá và khí methane. Trong đó, trừ câu chuyện cắt giảm khí methane, ba vấn đề còn lại đều hết sức gai góc.

Đơn cử như câu chuyện than đá. Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi các nền kinh tế phát triển chấm dứt sử dụng than đá trước năm 2030 và toàn thế giới chia tay với nguồn nhiên liệu này trước năm 2040 và cho rằng việc ngưng sử dụng than đá phải là chủ điểm đàm phán cắt giảm khí thải toàn cầu.

Tuy nhiên, đó là quan điểm của nước Anh, không phải của phần đa các quốc gia khi than đá đã là nguồn nhiên liệu chính yếu đồng hành nền kinh tế nhân loại từ xưa đến nay. Đặc biệt, điều này càng trở nên bất khả thi tại châu Á - nơi chiếm 60% dân số thế giới và khoảng một nửa hoạt động chế tạo của toàn cầu, than đá đang được sử dụng như một hình thức nhiên liệu chính yếu. Theo báo cáo "Đánh giá thống kê năng lượng thế giới" của Tập đoàn BP, chỉ tính riêng tại Trung Quốc - các nhà máy than đá ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ thải ra tổng cộng 170 tỷ tấn carbon trong vòng đời của mình, cao hơn cả tổng lượng khí thải CO2 trên toàn cầu từ năm 2016 - 2020. Cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn tiến hiện nay càng cho thấy ý tưởng “ly hôn than đá” càng trở nên phi thực tế.

Ngoài câu chuyện cắt giảm khí thải methane có vẻ dễ đạt được đồng thuận hơn cả thì chuyện hỗ trợ tài chính khí hậu và việc mua bán phát thải carbon cũng là những vấn đề gây tranh cãi không kém. Con số 100 tỷ USD mà các quốc gia giàu có đã cam kết giúp các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu trở nên “như muối bỏ biển” trong bối cảnh hiện nay và nếu không có hỗ trợ tài chính hoặc hỗ trợ tài chính không đủ lớn, nhiều quốc gia nghèo hơn cho rằng họ không thể hành động tích cực hơn để cắt giảm lượng khí thải làm trái đất nóng lên. Thống nhất được quy định mua bán phát thải carbon không hề là chuyện đơn giản khi mỗi quốc gia sở hữu một nền kinh tế mang những nét đặc trưng riêng cũng như đeo đuổi một mục tiêu riêng.

“Không phải năm sau. Không phải tháng sau mà là ngay bây giờ" - đó là điều được nhấn mạnh trong bức thư ngỏ của một số nhà hoạt động trẻ về khí hậu, bao gồm nhà hoạt động Thụy Điển Greta Thunberg gửi tới Hội nghị. Nhưng rõ ràng, để hy sinh lợi ích riêng của mỗi quốc gia vì lợi ích chung lâu dài của cả cộng đồng toàn cầu, chưa bao giờ là chuyện đơn giản./.

Những cái gọi là “nắng nóng kỷ lục”, “lạnh kỷ lục”, “cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử”… liên tục xuất hiện năm này qua năm khác, với các nhà quan sát, đơn giản, đó là sự nổi giận của mẹ thiên nhiên trước cách xử sự vô cảm, vô trách nhiệm của con người. Thiên tai và thảm họa liên quan tới biến đổi khí hậu được cho là tăng gấp 5 lần so với 50 năm trước, cướp đi mạng sống của hơn 2 triệu người và gây thiệt hại tới hơn 3.640 tỷ USD.

Hà Anh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận