"Tôi tin rằng việc trao giải Nobel Hòa bình cho hai nhà báo can đảm và xuất chúng này giúp định nghĩa như thế nào là nhà báo đích thực" - bà Berrit Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy nhìn nhận về giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay. Nhưng với một trong hai chủ nhân giải thưởng, nữ nhà báo Maria Ressa, điều quan trọng nhất lại là việc “Ủy ban Nobel đã nhận ra rằng một thế giới “không có sự thật” là một thế giới không có niềm tin”.
Đam mê và không ngại “thử lửa”
Tại Philippines, không đợi tới khi được tôn vinh tại giải thưởng Nobel danh giá, Maria Angelita Ressa - tên đầy đủ của Maria Ressa từ lâu đã là một nhân vật không hề xa lạ, nếu không muốn nói đã là một trong những gương mặt nhà báo được nể vì bậc nhất tại quốc gia này.
Nhưng để có được vinh quang và vị thế riêng biệt tại quốc đảo này, bà Maria Ressa đã trải qua một hành trình làm báo dài, từng “thử lửa” tại hàng loạt vị trí khác nhau tại nhiều cơ quan báo chí khác nhau với không ít những trở ngại phải vượt qua.
Sinh ngày 2/10/1963 ở thủ đô Manila, Philippines, nhưng với bà Maria Angelita Ressa, nước Mỹ mới là nơi bà lớn lên và trưởng thành. "Tôi đáp xuống New Jersey, nơi tôi hầu như không thể nói tiếng Anh và tôi phải tìm hiểu xem một đứa trẻ da nâu lùn tịt sẽ làm gì trong thế giới da trắng rộng lớn này", Maria Angelita Ressa từng chia sẻ với báo giới về hành trình lập thân, lập nghiệp đầy gian nan của mình nhiều thập kỷ trước.
Trưởng thành và lập nghiệp tại “đất khách quê người” chưa bao giờ là sự dễ dàng với bất cứ ai. Maria Ressa cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, cá tính và bản lĩnh đã làm ló rạng “những cái khôn” cho Maria Ressa.
Không biết có phải cá tính, bản lĩnh ấy không mà rất lạ, Maria Ressa lựa chọn nghề báo - một nghề quá ư vất vả, đặc biệt với phái nữ làm nghề lập thân cho mình. Nhưng “đã lựa chọn thì không hối tiếc”, Maria Ressa vẫn bền chí với sự lựa chọn và niềm đam mê của mình. Bà chọn theo học chính trị và báo chí tại Đại học Princeton - một trong những trường đại học hàng đầu nước Mỹ.
Cho tới nay, Maria Ressa từng có đến hơn 3 thập kỷ tác nghiệp trong lĩnh vực báo chí điều tra - mảng đề tài nguy hiểm nhất với báo chí. Bà từng là trưởng văn phòng đại diện của CNN tại thủ đô Manila (1987 - 1995), trưởng chi nhánh của CNN tại Jakarta, Indonessia (1995 - 2005) rồi lại về làm trưởng ban tin tức của kênh truyền hình thời sự lớn nhất Philippines ABS-CBN; từng có mặt tại nhiều vùng chiến sự, thực hiện rất nhiều điều tra, báo cáo về chủ nghĩa khủng bố ở châu Á, các vụ giết người bằng ma túy ở Philippines… Bà cũng chính là tác giả của cuốn sách gây tiếng vang “Hạt giống của khủng bố: Sự tường thuật của nhân chứng về Trung tâm điều hành mới nhất của al-Qaeda ở Đông Nam Á”. Maria Ressa thậm chí còn từng tham gia giảng dạy về báo chí phát thanh - truyền hình tại một số trường đại học…
Với Maria Ressa, vạn sự nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng sẽ chẳng là gì khi trong bà ngọn lửa đam mê với nghề luôn luôn hừng hực cháy.
“"Khi chúng ta sống ở thế giới mà người ta còn tranh cãi về các sự thật, khi các kênh phân phối tin tức lớn nhất thế giới ưu tiên lan truyền chương trình truyền hình trực tiếp nhuốm màu giận dữ và thù ghét, và lan truyền nó nhanh hơn và xa hơn các sự thật, thì lúc đó báo chí (không còn trở thành báo chí nữa) mà trở thành một phong trào xã hội. Facebook "có thành kiến với sự thật và báo chí", các thuật toán của nền tảng này ưu tiên lan truyền những lời dối trá đi kèm với sự tức giận và hận thù, hơn là sự thật".
Nữ nhà báo Maria Ressa
|
“Tạo sóng” với Rappler
Tuy nhiên, bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của Maria Angelita Ressa là việc năm 2012, sau khi tốt nghiệp Đại học Princeton, bà trở về “đất mẹ” Philippines cùng ba nữ nhà báo khác quyết định thành lập nên nền tảng tin tức trực tuyến Rappler, trên tư cách là giám đốc điều hành của tờ Rappler. Ít ai biết được ý nghĩa thú vị đằng sau việc người phụ nữ đam mê báo chí điều tra này chọn cái tên Rappler cho “dự án khởi nghiệp” ở tuổi trung niên mà bà đầy kỳ vọng. Rappler được cho là sự kết hợp của từ “rap” - nói chuyện, thảo luận và “ripple” - tạo ra sóng. Rappler - tạo sóng dư luận từ những dự án báo chí điều tra, phanh phui sự thật có lẽ là cái đích mà bà Maria Ressa cùng các đồng sự nhắm tới.
Không biết do tài năng của ba vị đồng sáng lập, trí tuệ của 12 phóng viên và kỹ sư phát triển phần mềm tham gia hay tính mới mẻ của một nền tảng tin tức trực tuyến… mà rất nhanh sau đó, Rappler nhanh chóng định vị thương hiệu, trở thành nền tảng tin tức lớn thứ tư Philippines với hơn 100 nhà báo.
Tuy nhiên, điều khiến Rappler ngày càng nổi như cồn đó là việc trang tin tức này không ngừng phơi bày những mặt xấu của mạng xã hội, phơi bày cả cách mà nhiều chính trị gia đã viện tới để chiến thắng trong các cuộc đua chính trị. Rappler sau này còn thu hút nhiều sự chú ý khi không e ngại lên tiếng chỉ trích Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và chiến dịch trấn áp ma túy cứng rắn của ông. Cũng bởi chính những bài điều tra phơi bày không e ngại này, Maria Ressa và nhiều đồng nghiệp của bà tại Rappler đã không ít lần phải ra hầu tòa hoặc đụng tới những rắc rối về mặt pháp lý. Tổng thống Duterte và những người ủng hộ ông từng nhiều lần cáo buộc bà tung tin giả thông qua trang tin Rappler… Thậm chí từng cáo buộc Rappler là công cụ của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Gần đây nhất, Maria Ressa bị tòa án Manila kết tội "phỉ báng trên không gian mạng" và đối mặt với mức án 6 năm tù, nhưng chưa bị bắt giam. Thậm chí đã có thời điểm tòa soạn Rappler đã phải đóng cửa.
Dĩ nhiên, về phần mình, Maria Ressa phủ nhận mọi cáo buộc. Trong khi chính quyền không ngừng kết tội bà và Rappler thì bà và đồng nghiệp cùng trang tin này đã trở thành biểu tượng của cuộc đấu tranh cho tự do báo chí.
Maria Ressa cùng Rappler được công chúng báo chí đánh giá là những con người đã làm việc không mệt mỏi để đấu tranh trước tình trạng tham nhũng và lạm quyền ở Philippines. Bà được tạp chí Time bình chọn vinh danh là Nhân vật của năm 2018, được Tổ chức Nhà báo không biên giới bình chọn là một trong 25 nhân vật báo chí có sức ảnh hưởng hàng đầu… Tháng 4/2021, bà được UNESCO trao tặng giải thưởng Tự do báo chí thế giới… Và mới đây nhất, danh giá hơn cả là Giải Nobel Hòa bình 2021 - giải thưởng mà bà Maria Ressa chia sẻ rất thật là “quá đỗi ngạc nhiên đến mức sốc và choáng váng.
Nhưng với Maria Ressa, điều đáng giá nhất mà bà nhận được Giải Nobel Hòa bình 2021 không đơn giản từ tầm vóc, sự danh giá của giải thưởng mà là việc Ủy ban giải Nobel công nhận, tôn vinh bà cũng đồng nghĩa với việc Ủy ban Nobel nhận ra chân giá trị, ý nghĩa của lý tưởng mà bà cùng các đồng sự tại Rappler đang đeo đuổi, đó là đấu tranh cho sự thật.
“Chúng tôi đã cùng nhau tuyên bố từ năm 2016 rằng chúng tôi sẽ chiến đấu cho sự thật. Khi chúng ta sống trong thế giới mà sự thật bị hoài nghi, khi những bên cung cấp thông tin lớn nhất thế giới ưu tiên đưa những điều đầy giận dữ và thù hận với tốc độ nhanh hơn, xa hơn sự thật, báo chí sẽ phải hành động " - Maria Ressa thẳng thắn chia sẻ.
“Ủy ban Nobel nhận ra rằng một thế giới thiếu đi sự thật là một thế giới không có niềm tin và lẽ phải… Ủy ban Nobel thấy được rằng, Rappler đã phơi bày cách thức mà các phương tiện truyền thông xã hội đang được sử dụng để lan truyền tin giả, quấy rối những phe phái đối lập và thao túng dư luận” - đó thực sự, như chính Maria Ressa chia sẻ, đó là: “A triumph of truth over lies” - “Chiến thắng của sự thật trước những lời dối trá”.
“Chiến thắng của sự thật” đó cũng là phần thưởng lớn nhất cũng như là đích đến cuối cùng của hành trình báo chí đầy hiểm nguy rình rập mà Maria Ressa và đồng nghiệp đang đeo đuổi. Nhưng đó là sự hiểm nguy mà bà đã nguyện lựa chọn, vì “một tấm lòng trung trinh với sự thật”./.
Hà Anh