Thế giới và chuyện 'tiêm vaccine Covid-19 mũi tăng cường': Những cú đảo chiều!

Câu chuyện nên hay không nên triển khai vaccine ngừa Covid-19 mũi tăng cường (mũi thứ 3) hiện vẫn đang là đề tài gây tranh cãi tại nhiều quốc gia, nhiều tổ chức

 

"Những người bị suy giảm miễn dịch ở mức trung bình và nghiêm trọng nên được tiêm một liều bổ sung” - khuyến cáo mới nhất, vừa được nhóm cố vấn về vaccine Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra ngày 11/10 có thể xem là cú đảo chiều trong làn sóng tranh cãi bấy lâu xung quanh câu chuyện có nên triển khai mũi vaccine ngừa Covid-19 tăng cường (mũi thứ 3).

Từ bước đi tiên phong của Israel

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Israel có thể được coi là quốc gia của những điều tiên phong. Khi thế giới còn tranh cãi xung quanh câu chuyện: có nên tiêm vaccine ngừa Covid-19, ngần ngại trước những phản ứng phụ có thể có của nó thì từ tháng 12/2020, Israel đã khởi động thành công chiến dịch tiêm chủng quốc gia và tới nay đã được mệnh danh là “quốc gia siêu tiêm chủng” với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 thuộc hàng cao nhất thế giới. Tính đến đầu tháng 10/2021, đã có hơn 60% dân số Israel đã tiêm hai mũi vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech. Israel cũng là một trong những quốc gia đầu tiên tuyên bố tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiêm vaccine liều tăng cường. (Ảnh: AP)Và tới nay, trong khi rất nhiều quốc gia trên thế giới còn phân vân, lo ngại trước những tác dụng phụ có thể có từ việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 liều tăng cường thì từ 1/8/2021, Israel đã triển khai tiêm mũi thứ 3, bắt đầu với những người trên 60 tuổi và cho đến đầu tháng 10 này, đã có gần 3,5 triệu - tương đương khoảng 30% dân số  Israel đã được tiêm liều tăng cường.

Theo quan điểm của Bộ Y tế Israel thì 2 liều vaccine Pfizer giờ đây chỉ có hiệu quả 64% trong ngăn ngừa ca nhiễm có triệu chứng, giảm mạnh so với mức khoảng 95% trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng năm 2020. Bộ Y tế Israel cũng lên tiếng khuyến cáo người dân cần tiêm thêm 1 liều vaccine 1 năm/1 lần hoặc 5 hay 6 tháng/1 lần và “mũi tiêm tăng cường là cách tốt nhất để giúp kiểm soát sự lây lan của Covid-19”. Để khuyến khích người dân thực hiện tiêm mũi tăng cường, Israel cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa việc tiêm mũi vaccine thứ 3 thành tiêu chí cấp chứng nhận thẻ xanh Covid-19. Những người mới chỉ tiêm 2 mũi hoặc người đã khỏi bệnh Covid-19 chỉ được cấp thẻ có giá trị 6 tháng sau ngày chủng ngừa hoặc ngày khỏi bệnh chứ không được cấp thẻ xanh di chuyển.

Thậm chí, Giáo sư Salman Zarka, trưởng nhóm đặc trách phòng chống Covid-19 còn đang lên tiếng kêu gọi nước này bắt đầu chuẩn bị cho việc tiêm liều vaccine ngừa Covid-19… thứ 4. "Với việc virus đang hiện diện và sẽ tiếp tục tồn tại, chúng ta cũng cần chuẩn bị cho mũi tiêm thứ 4" - Giáo sư Salman Zarka khuyến cáo.

Một số nước đã và đang có kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vaccine ngừa Covid-19. (Ảnh: Reuters)Tới sự lựa chọn của nhiều quốc gia

Campuchia đã là một trong những quốc gia mới nhất triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi thứ 3 khi ngày 11/10, nước này đã khởi động chiến dịch tiêm mũi tăng cường vaccine phòng Covid-19 trên phạm vi cả nước. Trước đó, theo thống kê của Campuchia, 99,24% người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) tại nước này đã được tiêm phòng ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid-19 và hơn 95% trong số đó đã tiêm đầy đủ 2 mũi.

Cùng với Campuchia, danh sách quốc gia quyết định triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi thứ 3 không ngừng tăng lên. Ngày 2/10, Bộ trưởng Y tế Peru Hernando Cevallos xác nhận nước này sẽ triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi 3 cho nhân viên y tế tuyến đầu, người già trên 65 tuổi và các bệnh nhận có bệnh lý nền. Trong phiên chất vấn tại Thượng viện ngày 12/10, Thủ tướng Kishida Fumio cho biết Chính phủ nước này đang thúc đẩy các bước để có thể sớm triển khai mũi tiêm tăng cường vaccine phòng dịch Covid-19 kể từ tháng 12/2021. Hội đồng vaccine và tiêm chủng dự phòng thuộc Bộ Y tế, Lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản (MHLW) nhấn mạnh sự cần thiết của mũi tiêm bổ sung do khả năng miễn dịch của người tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Những mũi tiêm tăng cường đầu tiên sẽ được Nhật Bản triển khai cho các đối tượng là những nhân viên y tế - những người được tiêm mũi 1 từ tháng 2/2021 và sẽ bắt đầu tổ chức tiêm cho những người cao tuổi từ đầu năm 2022. Chính phủ Anh cũng được cho là đã lên kế hoạch thực hiện chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường cho 32 triệu dân, bắt đầu từ những người dễ bị tổn thương nhất. Tại nước Mỹ, quốc gia được xem là đau đầu nhất với chủ nghĩa “bài vaccine” và vẫn còn khoảng 23% dân số trưởng thành chưa tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 nào, việc ngày 27/9 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden công khai hình ảnh tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi tăng cường tại Nhà Trắng được xem là động thái “quảng bá” cho chiến lược tiêm chủng tăng cường này.

“Chúng ta biết rằng, để đẩy lùi đại dịch, cứu sống mạng người, người dân cần phải tiêm vaccine. Vì vậy, xin hãy làm điều đúng đắn đó. Xin các bạn hãy tiêm chủng. Nó có thể cứu sống các bạn, cứu sống những người quanh bạn. Mũi tăng cường quan trọng, nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta có càng nhiều người tiêm chủng càng tốt" - Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh. Trước đó từ giữa tháng 9, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ) chấp thuận mũi tiêm Pfizer thứ 3 cho công dân Mỹ từ 65 tuổi trở lên, người trưởng thành có bệnh nền, và người làm việc hoặc sống trong môi trường có rủi ro cao.

Israel là một trong những quốc gia đi tiên phong trong việc mũi thứ 3 vaccine ngừa Covid-19. (Ảnh: KT)

"Những người bị suy giảm miễn dịch ở mức trung bình và nghiêm trọng nên được tiêm một liều bổ sung, vì họ cũng có nguy cơ cao trở thành ca bệnh nặng Covid-19. Đối với hai loại vaccine Sinovac và Sinopharm, người trên 60 tuổi nên được tiêm liều bổ sung (liều thứ 3) cùng loại", khuyến cáo mà nhóm Cố vấn Chiến lược về Tiêm chủng của WHO vừa đưa ra hôm 11/10 được xem là cú đảo chiều về câu chuyện triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi tăng cường.

Khuyến cáo bất ngờ của WHO và những tranh cãi còn lại

"Những người bị suy giảm miễn dịch ở mức trung bình và nghiêm trọng nên được tiêm một liều bổ sung, vì họ cũng có nguy cơ cao trở thành ca bệnh nặng Covid-19. Đối với hai loại vaccine Sinovac và Sinopharm, người trên 60 tuổi nên được tiêm liều bổ sung (liều thứ 3) cùng loại", khuyến cáo mà nhóm Cố vấn Chiến lược về Tiêm chủng của WHO vừa đưa ra hôm 11/10 được xem là cú đảo chiều khá bất ngờ về câu chuyện triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi tăng cường. Còn nhớ, cách đó chưa đầy hai tháng, trưởng khoa học gia Soumya Swaminathan của (WHO) trong cuộc họp báo ngày 18/8 tại Geneva (Thụy Sĩ), đã cho biết những dữ liệu hiện tại không cho thấy các mũi tiêm vaccine tăng cường ngừa Covid-19 là cần thiết.

WHO khuyến cáo người bị suy giảm miễn dịch nên được tiêm thêm một liều vaccine Covid-19 tăng cường. (Ảnh: New York Times)Câu chuyện nên hay không nên triển khai vaccine ngừa Covid-19 mũi tăng cường hiện vẫn đang là đề tài gây tranh cãi tại nhiều quốc gia, nhiều tổ chức. Cơ quan an toàn dược phẩm và thực phẩm (FDA) của Mỹ hiện được cho là vẫn chưa đưa ra quan điểm cuối cùng về đơn xin cấp phép của Moderna đối với mũi vaccine tăng cường do hãng này bào chế. Thậm chí, các nhà khoa học thuộc FDA của Mỹ cho biết vaccine ngừa Covid-19 của hãng Moderna chưa đáp ứng được tất cả tiêu chí của cơ quan này để được cấp phép dùng cho tiêm mũi tăng cường. Trước đó, FDA mới chỉ cấp phép sử dụng vaccine phòng Covid-19 của hãng Pfizer để tiêm mũi tăng cường cho người trên 65 tuổi, người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng và người có nguy cơ cao nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, lý do cốt yếu nhất khiến câu chuyện tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi tăng cường gây tranh cãi là trong khi nhiều nước đang chuẩn bị tiêm liều tăng cường và mở cửa trở lại nền kinh tế, thì những quốc gia nghèo hơn đã tụt lại phía sau trong cuộc đua tiêm chủng. Ít ai có thể tin rằng trong khi nhiều nước đã tiêm mũi thứ 3 thì trên thế giới vẫn còn 3 quốc gia chưa khởi động được chiến dịch tiêm chủng Covid-19. Các quốc gia có thu nhập cao (theo cách xác định của Ngân hàng Thế giới) tiêm trung bình 124 liều/100 dân, so với chỉ 4 liều/100 dân ở các quốc gia có thu nhập thấp.

Trong khi hiệu lực của mũi thứ 3 cần có thời gian để chứng minh thì có một thực tế hiện hữu rằng rất nhiều quốc gia vẫn chưa đạt được độ bao phủ tối thiểu vaccine ngừa Covid-19. Và nếu, “với biến chủng Delta, phong tỏa không phải là cách chiến thắng trong cuộc chiến mà là tiêm chủng", như lời Mary-Louise McLaws, Giáo sư dịch tễ học tại Đại học New South Wales, nhiều quốc gia trên toàn cầu sẽ rất khó để thoát ra khỏi “vũng bùn” đại dịch./.

Hà Anh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận