Người muốn hòa bình chứ không phải là giải thưởng Nobel

"Lê Đức Thọ là nhà ngoại giao khổng lồ' - nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyên Dy Niên đã từng trầm trồ thán phục.

 

"Lê Đức Thọ là nhà ngoại giao khổng lồ” - nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyên Dy Niên đã từng trầm trồ thán phục. Nhưng đó chỉ mới là một lát cắt trong rất nhiều lát cắt ấn tượng về "một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại" như nhìn nhận của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong bài viết cách đây 5 năm, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Ðức Thọ.

Tuổi đôi mươi đã dạn dày trên con đường cách mạng

Nhà cách mạng tài năng của Đảng sinh ngày 10/10/1911 tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc (nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định). Đất thành Nam xưa nay vẫn nổi tiếng trong lịch sử là nơi phát tích của Vương triều Trần với hào khí Đông A đầy tự hào.

Tinh thần yêu nước của vùng đất quê hương đã ngấm vào huyết quản chàng trai Phan Đình Khải - tên thật của nhà cách mạng Lê Đức Thọ và chàng trai Thành Nam ấy đã tham gia cách mạng từ rất sớm. Năm 1925, khi mới 14 tuổi Phan Đình Khải đã tích cực hoạt động trong phong trào học sinh yêu nước. Năm 1926, tham gia các hoạt động bãi khóa, dự lễ truy điệu nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh. Năm 1928, 17 tuổi, Phan Đình Khải được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và chỉ một năm sau, năm 1929, tròn 18 tuổi, đồng chí được vinh dự kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng, làm Bí thư Chi bộ học sinh và phụ trách công tác thanh niên học sinh, thuộc lớp những đảng viên đầu tiên của Đảng ta.

Đồng chí Lê Đức Thọ tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam năm 1968. (Ảnh: TL)

Tháng 11 năm 1930, Phan Đình Khải - lúc này là nhà cách mạng Lê Đức Thọ bị thực dân Pháp bắt và kết án 10 năm khổ sai và bị đầy đi nhà tù Côn Đảo, làm Bí thư chi bộ và Thường vụ Chi ủy nhà tù. Năm 1936, trước sức đấu tranh mạnh mẽ của dân ta và phong trào Bình dân ở Pháp, thực dân Pháp ở Đông Dương phải trả tự do cho một số tù chính trị, trong đó có đồng chí Lê Đức Thọ. Ra tù, trở về quê hương, trong những năm 1936-1939, đồng chí tiếp tục xây dựng cơ sở bí mật của Đảng và phụ trách công tác báo chí công khai của Đảng bộ. Từ năm 1939-1944 bị địch bắt và bị kết án 5 năm tại các nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La và Hòa Bình. Tháng 9/1944, ra tù được Trung ương Đảng giao phụ trách công tác khu an toàn của Trung ương, công tác tổ chức và huấn luyện cán bộ. Tháng 10/1944, Đồng chí được chỉ định là ủy viên Trung ương Đảng và trực tiếp phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ.

Gắn bó mật thiết cùng cách mạng miền Nam

Là người con đất Bắc nhưng phần lớn thời gian trong cuộc hành trình hơn 6 thập kỷ làm cách mạng, đồng chí Lê Đức Thọ đã có sự gắn bó mật thiết với nhân dân miền Nam, với cách mạng miền Nam.

Ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến, theo sự phân công của Ðảng, đồng chí đã đi bộ, băng rừng, lội suối vượt Trường Sơn, từ Việt Bắc vào đến Đồng Tháp Mười công tác. Chuyến đi mà sau này theo hồi ức của nhà cách mạng Lê Đức Thọ là “một chuyến đi đầy khó khăn, gian khổ” trong sự truy đuổi của kẻ địch, “một số đồng chí hy sinh và bản thân cũng suýt chết”, để thực hiện sự phân công của Đảng. Kể từ thời điểm đó, đồng chí Lê Đức Thọ đã gắn bó với nhân dân miền Nam trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Cũng cần nhớ rằng, tình hình cách mạng Nam bộ thời kỳ đó không ít khó khăn. Sau Nam kỳ khởi nghĩa, Đảng bộ Nam bộ bị tổn thất nặng nề. Nhiều cán bộ ưu tú của Đảng bị địch bắn giết, tù đày... Tất cả đều được xây dựng từ đầu, từ cơ sở tổ chức Đảng đến các đoàn thể quần chúng, chính quyền, lực lượng vũ trang cách mạng... Nhân dân Nam bộ vừa đánh giặc vừa xây dựng lực lượng cách mạng. Xứ ủy Nam Bộ thời kỳ đó đã hoàn thành nhiệm vụ được Trung ương Đảng ủy thác là tham gia tổ chức việc chuyển quân tập kết ra Bắc theo Hiệp định Geneve (1954) và bố trí đội ngũ cán bộ, xây dựng hệ thống bộ máy tổ chức Đảng ở miền Nam làm cơ sở cho cuộc chiến đấu lâu dài.

Trong bộn bề gian khó ngày ấy, đồng chí Lê Đức Thọ cùng với đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy, là những nhà lãnh đạo đứng mũi chịu sào trong cuộc kháng chiến ở Nam bộ. Trung ương Cục miền Nam mà đồng chí Lê Đức Thọ làm Phó Bí thư, đảm đương nhiệm vụ chính là thực hiện mọi đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng tại Nam bộ và Cao Miên, phát triển sâu rộng thực lực cách mạng, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng.

Trong chiến tranh ác liệt chống đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Lê Đức Thọ lại vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam với vai trò Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam.

Sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, đồng chí được Bộ Chính trị phân công làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Đến tháng 5/1968, được Bộ Chính trị gọi ra miền Bắc, giao nhiệm vụ phụ trách công tác đấu tranh ngoại giao, làm cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris bàn về lập lại hòa bình ở Việt Nam và trực tiếp đàm phán với đại diện của Chính phủ Mỹ trong các cuộc nói chuyện riêng giải quyết hòa bình về vấn đề Việt Nam.

Đại diện phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Lê Đức Thọ (trái) và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger chúc mừng nhau sau lễ ký kết. (Ảnh: ard.de)

Sau Hiệp định Paris về Việt Nam (1973), đồng chí Lê Đức Thọ một lần nữa được cử vào Nam công tác, làm Trưởng ban miền Nam của Trung ương. Cuối tháng 3/1975, đồng chí Lê Đức Thọ vào chiến trường trực tiếp cùng Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam lãnh đạo, chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh giành toàn thắng.

Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất (30/4/1975), đồng chí được phân công làm Phó ban đại diện của Đảng và Chính phủ ở miền Nam.

“Nhà ngoại giao khổng lồ” từng từ chối giải Nobel Hòa bình

Khi điểm lại những “sự cố” đáng nhớ nhất trong lịch sử giải thưởng Nobel Hòa bình, báo chí thế giới thường nhắc tới Nobel Hòa bình năm 1973. Đại diện phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Lê Đức Thọ cùng Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger được trao giải để ghi nhận những nỗ lực của họ trong việc đàm phán ký kết Hiệp định Paris năm 1973, theo đó Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Ông Lê Đức Thọ từ chối nhận giải với lý do hòa bình vẫn chưa lập lại tại Việt Nam. Còn những người phản đối chiến tranh Mỹ gây ra ở Việt Nam phản đối việc trao giải cho ông Kissinger, hai thành viên của Ủy ban Nobel Na Uy đã từ chức để phản đối việc trao giải này.

Nhưng với nhiều người Việt Nam, điều đáng quan tâm hơn cả lại là những “kỳ tích” mà nhà cách mạng, nhà ngoại giao Lê Đức Thọ đã làm được tại Hội nghị Paris. “Lê Đức Thọ là nhà ngoại giao khổng lồ. Ông ý khổng lồ ở chỗ đối phương đối thoại với Lê Đức Thọ là Kissinger, một học giả rất lớn của Mỹ thời đó. Làm thế nào để thống nhất được với Mỹ về vấn đề Mỹ phải rút quân. Mỹ muốn nếu Mỹ rút quân thì miền Bắc cũng phải rút quân khỏi miền Nam, đánh đồng như thế không thể được. Cuối cùng đồng chí Lê Đức Thọ đưa ra một công thức đó là vấn đề quân đội Việt Nam ở lãnh thổ Việt Nam do các bên Việt Nam giải quyết với nhau. Còn việc Mỹ rút quân là chuyện Mỹ phải rút. Tôi nghĩ trí tuệ của ông ý ở chỗ tìm một giải pháp đúng với lợi ích của mình" - chỉ từng ấy lời “tường thuật” của nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cũng đủ phần nào cho thấy tầm vóc của nhà ngoại giao Lê Đức Thọ.

Một chi tiết thú vị là đầu tháng 2/1973, khi Kissinger đến Hà Nội, Lê Đức Thọ đón và đưa ông ta tới thăm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Ông dẫn Kissinger tới chỗ văn bia của Lý Thường Kiệt và nói bài “Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư” chính là lời tuyên bố về chủ quyền của Việt Nam cũng giống như bài “Bình Ngô Đại cáo” của Nguyễn Trãi vậy. Ai không tôn trọng chủ quyền của Việt Nam thì đều bị Việt Nam chống lại và đánh cho thất bại.

Cái khéo léo tài tình, tầm vóc của nhà ngoại giao - nhà cách mạng Lê Đức Thọ là ở chỗ đó./.

Hà Anh

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận