“Việt Nam luôn luôn là đối tác mạnh mẽ của LHQ kể từ khi gia nhập… Với tư cách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ hòa bình bền vững” - đánh giá ấy của Tổng Thư ký LHQ Anttonio Guterres có lẽ đủ để thấy 44 năm qua, Việt Nam đã thành công như thế nào trên hành trình gia nhập “ngôi nhà chung” LHQ.
Tham gia ngày càng sâu, đảm nhận những cương vị ngày càng quan trọng
Ngày 14/1/1946, chỉ chưa đầy nửa năm sau ngày thành lập nước, trong bộn bề công việc của một Nhà nước non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhân danh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nộp đơn xin gia nhập Liên hợp quốc (LHQ). Chỉ chừng đó thôi cũng cho thấy khao khát của vị lãnh tụ tân tộc trong việc để tiếng nói, vị thế Việt Nam được cất lên, được khẳng định trên trường quốc tế.
Mong ước, khao khát ấy của Người hơn 4 thập kỷ sau đã trở thành sự thực. Việt Nam từ vị thế một thành viên còn e dè, đón nhận nhiều cái nhìn nghi ngại của các nước thành viên khác, đến nay vụt tỏa sáng, trở thành một thành viên được đánh giá là ngày càng tích cực, chủ động, tham gia ngày càng sâu, đảm nhận những cương vị quan trọng trong hệ thống LHQ và tích cực hoạt động trên cả ba trụ cột của LHQ. Thậm chí đã là một “thương hiệu Việt Nam”, được tin cậy, tín nhiệm lựa chọn tham gia giải quyết công việc trong nhiều diễn đàn quan trọng của LHQ như Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng kinh tế - xã hội (ECOSOC)...
Đặc biệt, tạo ấn tượng mạnh mẽ, khiến nhiều nước thành viên phải trân trọng, thán phục là việc Việt Nam cho tới nay đã hai lần được bầu là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ. Nhất là lần thứ hai, Việt Nam đã được bầu là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ (nhiệm kỳ 2020 - 2021) với số phiếu cao kỷ lục 192/193, Việt Nam trên cương vị này, đã phát huy được vai trò, chủ động và tích cực tham gia đóng góp vào công việc chung của HĐBA trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng; đóng góp thực chất vào quá trình thương lượng, tìm giải pháp, đáp ứng quan tâm chung của cộng đồng quốc tế; thúc đẩy quan hệ song phương với các nước thành viên HĐBA.
Trong đại dịch, “vàng càng được thử lửa”
Trong khó khăn, thử thách, càng là cơ hội để “vàng được thử lửa”, để thấy được “đâu là vàng mười”. Đó cũng chính là câu chuyện của Việt Nam. Năm 2020, thế giới bắt đầu phải đối mặt với đại dịch Covid-19. LHQ phải đóng cửa, chuyển sang hoạt động trực tuyến từ tháng 3. Tuy nhiên với vai trò Uỷ viên không thường trực của HĐBA, Việt Nam đã cùng các nước đưa ra ý tưởng và giải pháp để giải quyết các công việc chung.
Đặc biệt, ngày 7/12/2020, Đại hội đồng LHQ khóa 75 đã thông qua Nghị quyết do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua, lấy ngày 27/12 hằng năm là "Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh". Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng khi đây là lần đầu tiên Việt Nam chủ trì đề xuất thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công một nghị quyết tại Đại hội đồng LHQ, thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam trong việc tham gia có trách nhiệm vào công việc chung của LHQ và thúc đẩy các vấn đề mà cộng đồng quốc tế quan tâm. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã đóng góp 50.000 USD cho Quỹ ứng phó Covid-19 của WHO, 500.000 USD cho Chương trình COVAX.
Đặc biệt, như nhận định của Đại sứ Marc Pecsteen de Buytswerve, Trưởng phái đoàn thường trực Bỉ tại LHQ: "Việt Nam đã làm rất tốt và đã thực sự tạo được dấu ấn với Phiên thảo luận mở về 75 năm Hiến chương LHQ, nhất là trong bối cảnh tình hình LHQ cũng như thế giới có rất nhiều việc căng thẳng như hiện nay”.
Có thể nói, chỉ trong vòng gần 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19, dù bản thân cũng trải qua liên tiếp những cơn sóng đại dịch gay gắt, Việt Nam đã tiếp tục có những đóng góp tích cực, thực chất tại các cơ quan của LHQ, khẳng định uy tín và vị thế của mình trên trường quốc tế.
Gửi đi thông điệp "đối tác tin cậy"
Đó là mục tiêu chuyến đi của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 76 và thực hiện một số hoạt động song phương tại Hoa Kỳ từ ngày 21 đến 24/9. Tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ lần này, ngoài phiên thảo luận chính tại ĐHĐ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự 3 phiên họp cấp cao bao gồm phiên về hệ thống an ninh lương thực toàn cầu, phiên cấp cao về an ninh khí hậu tại HĐBA và phiên thảo luận cấp cao toàn cầu về ứng phó với đại dịch Covid-19. “Tất cả những hoạt động này đều nhằm 3 mục tiêu trước mắt là ứng phó với đại dịch Covid-19, giải quyết hậu quả của đại dịch và phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch. Đây là những thách thức trực tiếp đối với chúng ta cũng như đối với toàn cầu”, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ cho biết.
44 năm tham dự Liên hợp quốc, Việt Nam không chỉ là một thành viên tích cực, chủ động, mà còn là đối tác, mạnh mẽ tin cậy của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế… |
Tại kỳ họp của LHQ lần này, Chủ tịch nước sẽ có khoảng 60 hoạt động trong 3 ngày, trong đó có các hoạt động thiết thực, hiệu quả trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, đặc biệt là đề xuất các biện pháp hợp tác quốc tế về vaccine ngừa Covid-19. Việt Nam sẽ chia sẻ với thế giới về kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Chủ tịch nước cũng có bài phát biểu quan trọng vào chiều ngày 22/9 giờ New York, trong đó đề xuất những giải pháp mang tính tổng thể, toàn diện, dài hạn với các vấn đề quốc tế cấp bách hiện nay. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng có bài phát biểu quan trọng vào chiều ngày 22/9 giờ New York, trong đó đề xuất những giải pháp mang tính tổng thể, toàn diện, dài hạn với các vấn đề quốc tế cấp bách hiện nay nhằm góp phần gìn giữ hoà bình và an ninh thế giới, thúc đẩy phát triển bền vững và bao trùm trên phạm vi toàn cầu.
Theo nhiều nhà quan sát quốc tế, điều này thể hiện Việt Nam năng động và có trách nhiệm đối với các vấn đề quốc tế hiện nay, thể hiện mong muốn của Việt Nam về hòa bình, ổn định, cùng phát triển của thế giới. Hay như nhìn nhận của đại sứ Đặng Đình Quý, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc Chủ tịch nước tham gia và phát biểu tại tuần lễ cấp cao Đại hội đồng và các hoạt động lớn nhất trong năm của LHQ có một ý nghĩa rất đặc biệt, thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao và cam kết rất mạnh của Việt Nam với cương vị là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ.
Về phần Việt Nam, như chia sẻ của Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang: “Tại diễn đàn LHQ, chúng ta sẽ gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới bạn bè quốc tế về hình ảnh đất nước Việt Nam năng động, đổi mới, khát vọng phát triển, yêu chuộng hòa bình, đóng góp tích cực và trách nhiệm vào công việc chung của LHQ và cộng đồng quốc tế”.
Và vì thế, đất nước hình chữ S sau 44 năm tham dự LHQ không chỉ là một thành viên tích cực, chủ động, mà còn là đối tác mạnh mẽ, tin cậy của LHQ và cộng đồng quốc tế… Thực sự, đó còn hơn cả niềm tự hào, là động lực để chúng ta trụ vững và vượt qua những ngày đại dịch gian khó còn hiển hiện phía trước./.
Hà Anh