Việc tân Phó Tổng thống Mỹ, người phụ nữ quyền lực có vị trí thứ hai trong chính phủ Mỹ hiện nay, chỉ sau Tổng thống Joe Biden, “nữ chiến binh” luôn tâm niệm đấu tranh cho những điều đáng phải thay đổi, phá vỡ những rào cản và xây dựng những dấu mốc đầu tiên, lựa chọn Việt Nam là một trong những điểm công du nước ngoài đầu tiên, giữa bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn tiến hết sức nguy hiểm, đủ cho thấy đất nước hình chữ S giờ đây đóng vai trò quan trọng như thế nào trong chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ.
“Việt Nam đang nổi lên nhanh chóng như một đối tác kinh tế và an ninh lớn của Mỹ”
Cách đây hơn 2 tháng, khi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin - quan chức cấp cao của chính quyền mới Joe Biden có chuyến thăm chính thức Việt Nam 2 ngày, TS Satoru Nagao (nghiên cứu viên khách mời Viện Hudson, Mỹ) đã lên tiếng cho rằng đây là chuyến thăm không bất ngờ, bởi xét tới các diễn biến tương tự những năm qua, khi chỉ trong vài năm nay các quan chức cấp cao của Mỹ đã thường xuyên tới thăm Việt Nam, trong đó có thể kể tới Ngoại trưởng Mike Pompeo năm 2020, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper năm 2019, và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis năm 2018. Tất cả những điều đó chứng minh một điều rằng Việt Nam ngày càng quan trọng đối với Mỹ.
Còn giờ đây, ngay trước chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris, Lucio Blanco Pitlo III, chuyên gia tại Tổ chức Con đường Tiến bộ châu Á - Thái Bình Dương tại Philippines, nhìn nhận: chuyến thăm này cho thấy Việt Nam đang nổi lên nhanh chóng như một đối tác kinh tế và an ninh lớn của Mỹ
Tất cả những nhận định đó đều có cơ sở vững chắc của nó. 26 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Mỹ đã xây dựng được lòng tin, trở thành bạn bè và đối tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2016, Mỹ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam. Tháng 3/2018, tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đến Đà Nẵng, đánh dấu lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam trong hơn 40 năm. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng vọt từ mức 450 triệu USD năm 1994 lên đạt 90,8 tỷ USD năm 2020. Đặc biệt, chỉ trong vòng 2 năm qua, quan hệ Việt - Mỹ đã có những bước chuyển tích cực cả về chất và lượng. Năm 2020, xuất khẩu sang nhiều thị trường chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19, nhưng kim ngạch thương mại Việt - Mỹ vẫn đạt 90,8 tỷ USD, tăng 19,8% so với năm 2019. Trong đó, Việt Nam xuất sang Mỹ 77,1 tỷ USD, nhập khẩu từ Mỹ khoảng 13,7 tỷ USD. 7 tháng của năm 2021, dịch bệnh từ cả hai nước đều diễn biến hết sức phức tạp nhưng thương mại song phương tiếp tục được duy trì. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,7 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước. 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập từ Mỹ 8,97 tỷ USD, tăng 10,6%. Bên cạnh kinh tế, quan hệ Việt-Mỹ được mở rộng sang nhiều lĩnh vực. Mỹ gần đây tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực an ninh hàng hải, trước mắt là việc Mỹ đã cung cấp nhiều phương tiện, tàu bè cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Ngoài hai tàu tuần tra lớp Hamilton, Mỹ đã bàn giao cho Việt Nam nhiều xuồng tuần tra Metal Shark.
Đặc biệt mới mẻ và ấn tượng là hợp tác Việt-Mỹ trong ứng phó Covid-19. Theo số liệu vaccine phân bổ toàn cầu do Mỹ viện trợ tính đến ngày 3/8, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia mà Mỹ chia sẻ nhiều vaccine Covid-19 nhất, với 5 triệu liều. Việt Nam cũng thuộc 7 quốc gia được nhận nhiều vaccine nhất trong chương trình chia sẻ hàng trăm triệu liều do Mỹ tiến hành. Riêng Việt Nam, Mỹ cũng đã viện trợ hơn 11 triệu USD, gồm hỗ trợ máy thở và nâng cao năng lực hệ thống y tế trong phòng chống Covid-19. Chính phủ Mỹ hôm 4/8 thông báo sẽ tiếp tục viện trợ Việt Nam 4,5 triệu USD nhằm hỗ trợ thực hiện tiêm chủng và nâng cao năng lực hệ thống y tế. Dự kiến đầu tháng 9, 77 tủ cấp đông âm sâu (-75 độ C) để bảo quản vaccine do Mỹ viện trợ sẽ về Việt Nam. Trong bối cảnh khan hiếm vaccine toàn cầu và khan hiếm nguồn lực y tế như hiện nay, sự ưu ái đặc biệt ấy cho thấy Mỹ đặc biệt quan trọng tới mối quan hệ với Việt Nam như thế nào.
Nâng cấp, tăng cường quan hệ chiến lược Việt- Mỹ
Vì sao Bộ trưởng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Việt Nam? Vì sao Phó tống thống Mỹ thăm Việt Nam?... đó là những câu hỏi cũng đồng thời là những dòng tít đậm chạy dài trên nhiều tờ báo lớn quốc tế hai tháng qua.
Đáp án cho những câu hỏi đó, như khẳng định của Tiến sĩ Donald K. Emmerson, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương Shorenstein thuộc Đại học Stanford, Mỹ, chỉ có thể là: mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ Việt - Mỹ, thể hiện rõ hơn về quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Việc “Việt Nam và Singapore là hai trong ba quốc gia ở Đông Nam Á, cùng với Philippines cởi mở nhất với các sáng kiến của Mỹ trong khu vực" - như nhìn nhận của Gregory Poling, chuyên gia về Đông Nam Á, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) - đang là tiền đề quan trọng cho sự xúc tiến ấy. Bản thân bà Harris, ngay trong bài phát biểu tại Singapore đã khẳng định rất rõ: "Chúng tôi sẽ đầu tư thời gian và công sức để củng cố các quan hệ đối tác chủ chốt, trong đó có Singapore và Việt Nam. Quan hệ đối tác đó sẽ dựa trên sự thẳng thắn, cởi mở, bao trùm, chung lợi ích và cùng có lợi”.
Và với chuyến thăm của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, quan hệ đối tác chiến lược được cho là sẽ nâng tầm trên 3 “cột trụ”: an ninh khu vực, đối phó với dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu. Việc Văn phòng Khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) - nơi sẽ củng cố khả năng của CDC trong bảo vệ sức khỏe của công dân Mỹ và người dân khu vực, thông qua phản ứng nhanh chóng với các mối đe dọa y tế và xây dựng quan hệ then chốt để giải quyết những ưu tiên về sức khỏe - được khai trương ngay trong chuyến thăm của Phó tổng thống Harris lần này - tại Hà Nội, hay việc hai bên Việt-Mỹ được cho là sẽ bàn sâu về việc hỗ trợ các dự án chuyển giao công nghệ vaccine giữa doanh nghiệp 2 nước; giúp nhân lên và kết nối với chuỗi khu vực sản xuất vaccine tại Việt Nam, xuất phát từ chuyển giao công nghệ hay do Việt Nam nghiên cứu; vừa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước mà còn có thể trở thành mắt xích quan trọng về vaccine cho khu vực… Tất cả cho thấy sự tiếp nối đáng chú ý trong quan hệ hợp tác Việt-Mỹ trong ứng phó Covid-19 cũng như bước phát triển mới rất ấn tượng trong quan hệ Việt- Mỹ trong bối cảnh mới hiện nay.
“Nếu chúng ta nhìn vào mọi khía cạnh song phương, rồi quan hệ ở tầm khu vực và toàn cầu có thể thấy mọi vấn đề đã trải dài ở cả chính trị, ngoại giao, kinh tế, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng... Câu trả lời là, quan hệ Việt - Mỹ đã ở tầm chiến lược và nói rộng ra, mối quan hệ này mang cả tính toàn diện và tính chiến lược” - Nhận định đó của Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, người đảm nhận cương vị Đại sứ Việt Nam tại Mỹ từ tháng 11/2014 - 6/2018, hẳn khá chân xác về mối quan hệ hợp tác giữa đất nước hình chữ S và xứ sở cờ hoa thời điểm này./.
Theo số liệu vaccine phân bổ toàn cầu do Mỹ viện trợ tính đến ngày 3/8, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia mà Mỹ chia sẻ nhiều vaccine Covid-19 nhất, với 5 triệu liều. Việt Nam cũng thuộc 7 quốc gia được nhận nhiều vaccine nhất trong chương trình chia sẻ hàng trăm triệu liều do Mỹ tiến hành. Riêng Việt Nam, Mỹ cũng đã viện trợ hơn 11 triệu USD, gồm hỗ trợ máy thở và nâng cao năng lực hệ thống y tế trong phòng chống Covid-19. Chính phủ Mỹ hôm 4/8 thông báo sẽ tiếp tục viện trợ Việt Nam 4,5 triệu USD nhằm hỗ trợ thực hiện tiêm chủng và nâng cao năng lực hệ thống y tế. |
Hà Anh