Nỗi tiếc nuối của nước Mỹ

Sự là nỗi tiếc nuối lớn nhất của nước Mỹ khi trở thành một trong những quốc gia bị đe dọa nhiều nhất bởi biến thể Delta với số ca nhiễm tăng vọt trở lại...

 

Từng là một trong những quốc gia về đầu trong đường đua tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 với tỷ lệ đạt 70% dân số nhưng nước Mỹ lại trở thành một trong những quốc gia bị đe dọa nhiều nhất bởi biến thể Delta với số ca nhiễm vọt tăng cao trở lại một cách không thể ngờ tới. Đó thực sự là nỗi tiếc nuối lớn nhất của xứ sở cờ hoa.

Đợt tái bùng phát kinh hoàng

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 11/8 (theo giờ VN), nước Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới với 88.934 ca nhiễm Covid-19 mới. Số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 36.872.488 người, trong đó có 634.543 ca tử vong. Theo dữ liệu từ Đại học John Hopkins, tính đến ngày 6/8 vừa qua, số ca mắc mới trung bình ở Hoa Kỳ đã vượt quá 107.000 ca trong vòng 7 ngày, đạt mức cao mới trong 6 tháng qua. Theo số liệu của Bộ Y tế Hoa Kỳ và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), tính đến tối ngày 7/8, hơn 66.000 người tại Hoa Kỳ đã phải nhập viện vì Covid-19. Các bang Louisiana, Florida và Arkansas ghi nhận số ca mắc mới nhiều nhất. Trong khi đó, tỷ lệ nhập viện tăng 40% và tỷ lệ tử vong tăng 18%, trong đó bang Ankarsas có số ca tử vong cao nhất.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiêm liều vaccine ngừa Covid-19 thứ hai hồi tháng 1/2021. (Ảnh: Reuters)

Điều đáng nói, Mỹ dù vẫn được coi là quốc gia có hạ tầng y tế tốt nhất thế giới nhưng với tốc độ lây nhiễm như vũ bão, với các ca nhiễm Covid lên tới hàng trăm ngàn mỗi ngày thì sự quá tải vẫn xảy đến như một lẽ đương nhiên. Tại bang Georgia, ít nhất 25 trung tâm y tế đã buộc phải từ chối người nhập viện vì không đủ chỗ do số ca Covid nhập viện đã tăng lên 2.600 ca trên toàn bang. Tại bang Florida, nơi có gần 2.500 ca trong số trên 12.000 ca Covid nhập viện đang nằm tại các bộ phận chăm sóc đặc biệt, nhiều cuộc phẫu thuật buộc phải tạm hoãn, các giường bệnh được đặt tại các phòng họp, nhà ăn do không đủ chỗ.

CDC Mỹ vừa đưa ra dự báo, trong những tuần tới, số ca mắc mới có thể tăng gấp đôi lên 200.000 ca mỗi ngày giống như tình hình đã xảy đến tồi tệ vào đầu tháng 1/2021 do biến thể Delta rất dễ lây lan. Chưa hết, ngày 10/8, CDC Mỹ cảnh báo, biến thể Lambda có nguy cơ gây nên làn sóng mới tại Mỹ, sau khi nước này ghi nhận hơn 1.300 ca nhiễm biến thể Lambda lan rộng khắp 44 bang trên cả nước.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại trung tâm y tế ở Apple Valley, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cái giá của “hai nước Mỹ trong tiêm chủng

“Chúng ta có các công cụ ngăn chặn làn sóng mới dịch bệnh Covid-19 này, từ việc đóng cửa các cơ sở kinh doanh, trường học và toàn xã hội như chúng ta đã chứng kiến hồi năm ngoái. Nhưng, chúng ta vẫn chưa thoát khỏi nguy hiểm hoàn toàn bởi những gì đang xảy ra ở Mỹ là một đại dịch, một đại dịch của việc chưa tiêm phòng”. Có thể thấy rõ nỗi tiếc nuối khó giấu trong nhận định ấy của người đứng đầu nước Mỹ, người mà cách đây không lâu còn tuyên bố đầy hùng hồn, tự tin rằng nước Mỹ đã “sẵn sàng đối phó với tình trạng gia tăng số ca Covid-19 chưa từng có”.

Thực ra người đứng đầu Nhà Trắng có cơ sở rất vững chắc cho sự tự tin ấy. Ngay từ tháng 5/2021, thời điểm rất nhiều quốc gia trên thế giới còn đang mò mẫm, thậm chí tuyệt vọng trong việc tìm kiếm nguồn cung vaccine ngừa Covid-19 thì nước Mỹ đã tuyên bố 44% dân số Mỹ đã tiêm ít nhất một liều vaccine và 31% được tiêm phòng đầy đủ. Và ngay đến đầu tháng 8 vừa qua, CDC Mỹ ra thông báo cho biết đã có hơn 180,7 triệu người trưởng thành Mỹ (tương đương 70% dân số trưởng thành) đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, còn nếu tính toàn bộ dân số Mỹ, đã có 164,9 triệu người (tương đương 49,7% dân số) đã tiêm đủ liều. Đó thực sự là những con số mơ ước với nhiều quốc gia khác. Cột mốc 70% được giới chức y tế liên bang Mỹ xem như một bước quyết định hướng tới đạt ngưỡng "miễn dịch cộng đồng".

Cũng chính bởi cái mốc 50%, 70% đầy hứng khởi này, nhiều bang, nhiều thành phố của nước Mỹ, đơn cử như New York đã mơ về ngày “tái sinh” với những phố xá chật như nêm, những quán bar lại ken đặc người…

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Miami, bang Florida, miền Nam nước Mỹ ngày 30/7/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhưng thời điểm đó, trong “men say chiến thắng”, dường như những lời cảnh báo của các chuyên gia y tế, rằng tỷ lệ phần trăm tiêm chủng ấy chỉ nên coi đây là "mức sàn" chứ không phải "mức trần" của chiến dịch tiêm chủng, nhất là khi biến thể Delta đang lây lan nhanh, đã không được lắng nghe một cách đúng mức. Những cảnh báo từ rất lâu, rất nhiều lần từ Tổ chức Y tế thế giới: “Không ai chắc chắn an toàn cho đến khi tất cả mọi người an toàn” đã không được nhiều người Mỹ để tâm.

Và thực tế cho thấy, trong một đại dịch với quá nhiều biến thể nguy hiểm, lây lan nhanh và quá ư khó lường như dịch Covid-19, không ai chắc chắn an toàn cho đến khi tất cả mọi người an toàn” là một thực tế. Cơn bão dịch tái bùng phát tại nước Mỹ những ngày qua cho thấy rõ điều đó. Dữ liệu của Quỹ Kaiser Family (Mỹ) cho thấy hơn 90% số ca nhiễm và hơn 95% số ca nhập viện, tử vong tại một nửa số bang của Mỹ gần đây chưa tiêm vaccine Covid-19.“Những trường hợp tử vong này hoàn toàn có thể ngăn ngừa được với một mũi tiêm an toàn và đơn giản”, Giám đốc CDC Mỹ, bà Rochelle Walensky đau đớn. Bà Mary Mayhew, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Florida (FHA) thì đúc kết một cách đầy chua xót: "Việc virus nhắm tới hầu hết người cao tuổi và người có bệnh nền, điều mà bạn thường nghe trong mùa xuân vừa qua, giờ không còn đúng nữa. Virus đang có mục tiêu mới: những người trẻ và chưa tiêm vaccine".

Còn giới chức y tế và Chính phủ Mỹ thì chua chát cảnh báo về cái mà họ gọi là "đại dịch của những người chưa tiêm vaccine". Hay nói như bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dịch bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ, nước Mỹ phải trả giá vì thực tế “hai nước Mỹ trong tiêm chủng” - một của nhóm người đã tiêm chủng và một của nhóm chưa tiêm chủng.

Nhiều người dân Mỹ vẫn hoài nghi về vaccine Covid-19. (Ảnh: Reuters)

Dư luận Mỹ, thuộc nhóm “những người đã tiêm chủng đầy đủ” thì không giấu nổi sự phẫn nộ. Geraldo River, một nhà báo Mỹ nói rằng, những người không đi tiêm là “ngạo mạn” và “ích kỷ”. "Tôi làm những gì cần làm nhưng những người chưa tiêm vaccine, với quyết định ích kỷ của họ đã làm người khác phải chịu hậu quả. Quyền tự do không tiêm vaccine ảnh hưởng trực tiếp đến tự do của những người đã tiêm", một công dân Mỹ bức xúc.

Nước Mỹ phải hành động và người Mỹ phải lựa chọn

Nhưng việc số ca nhiễm, ca tử vong không ngừng tái bùng phát, tốc độ lây lan như vũ bão của biến thể Delta và sự lăm le đe dọa những những biến thể mới như Lambda không cho phép người Mỹ ngồi đó để chua xót hay phân tích đúng sai. Những động thái mới nhất từ chính quyền và cả nhiều công ty Mỹ cho thấy, đã đến lúc nước Mỹ phải hành động cứng rắn với những người còn ngần ngại tiêm chủng cũng như nhiều người Mỹ đã đến lúc phải lựa chọn hoặc vaccine hoặc việc làm, hoặc thậm chí là sinh mạng của mình.

"Chúng ta sẽ không lâm vào tình cảnh này khi biến thể Delta hoành hành nếu tiêm phòng vaccine Covid-19 hiệu quả cho tất cả mọi người. Bây giờ, chúng ta đang phải trả một cái giá khủng khiếp".

Francais Collins, Giám đốc Học viện Y tế Quốc gia Mỹ

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính quyền Mỹ giờ đây, một mặt một lần nữa chỉ rõ cho nhiều người dân Mỹ vẫn hoài nghi lo ngại về một số tác dụng phụ hiếm gặp có thể xảy ra rằng lợi ích tổng thể của việc tiêm chủng vẫn lớn hơn nhiều so với rủi ro mà vaccine có thể gây ra, một mặt bước đầu có những động thái “rắn”. Ngày 29/7, Tổng thống Joe Biden thông báo hàng triệu nhân viên liên bang sẽ phải tiêm vaccine hoặc trình xét nghiệm âm tính và phải đeo khẩu trang. TP New York được xem là địa phương đầu tiên của Mỹ áp đặt biện pháp mạnh tay với nhóm người chưa tiêm khi ngày 3/8 ra thông báo yêu cầu những người đến nhà hàng, phòng gym và nhiều loại hình khác phải chứng minh đã được tiêm vaccine nếu không muốn bị từ chối phục vụ, không chấp nhận trưng kết quả xét nghiệm âm tính thay cho giấy chứng nhận đã tiêm.

Hãng hàng không United Airlines Scott Kirby đã yêu cầu 67.000 nhân viên ở Mỹ của mình phải tiêm vaccine ngừa Covid-19 trước ngày 1/10. Kênh truyền hình CNN ngày 5/8 mới đây đã thẳng thừng chấm dứt hợp đồng lao động với 3 nhân viên đến văn phòng mà chưa tiêm vaccine. "CNN không khoan nhượng với các trường hợp đến văn phòng làm việc nhưng không tiêm vaccine. Hơn thế, mọi người cần tiêm để đi làm việc ngoài hiện trường, để làm việc với những người khác ngay cả khi không bước chân vào văn phòng" - chủ tịch Đài CNN, ông Jeff Zucker tuyên bố.

Nước Mỹ đã hành động và nước Mỹ đang tràn đầy hy vọng, những người Mỹ đang hoài nghi về vaccine ngừa Covid-19 sẽ thay đổi, để nước Mỹ tránh được thực tế như Giám đốc Học viện Y tế Quốc gia Mỹ Francais Collins từng chỉ rõ: "Chúng ta sẽ không lâm vào tình cảnh này khi biến thể Delta hoành hành nếu tiêm phòng vaccine Covid-19 hiệu quả cho tất cả mọi người. Bây giờ, chúng ta đang phải trả một cái giá khủng khiếp"./.

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận