Trần Nhân Tông và tinh thần hòa giải

Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Nhân Tông thể hiện tư tưởng và kết quả hòa giải trên nhiều mặt đời sống xã hội qua ảnh hưởng trực tiếp của Ngài.

 

Trần Nhân Tông - Hoàng đế thứ ba của Triều Trần, là con trai trưởng của Hoàng đế Trần Thánh TôngThiên Cảm hoàng hậu Trần Thiều, sinh 11/11(âm lịch) tức 7/12/1258. Năm 20 tuổi, Ngài lên ngôi Hoàng đế, ở ngôi 15 năm (1278-1293), làm Thái Thượng hoàng 6 năm (1293-1299), xuất gia 9 năm (1299-1308), qua đời ngày 01/11(AL) tức 16/12/1308, thọ 51 tuổi [1].

Ngài là vị Hoàng đế nổi tiếng anh minh trong lịch sử Việt Nam, giữ vai trò lãnh đạo quan trọng trong chiến tranh chống giặc Nguyên Mông xâm lược Đại Việt lần 2lần 3 (Đại Việt ba lần chiến thắng Nguyên Mông vào các năm: 1258 - 1285 - 1288 ). Người sáng lập thiền phái Trúc lâm riêng có của Việt Nam nên được Phật giáo Việt Nam tôn vinh là Phật Hoàng. Trần Nhân Tông còn được thế giới đánh giá là một đại diện tiêu biểu nhất về tinh thần hòa giải. Vào đầu năm 2012, trường Đại học Harvard ở thành phố Boston, bang Massachusetts, Hoa Kỳ - một trường đại học danh tiếng trên thế giới - đã lập Giải thưởng Trần Nhân Tông về hòa giải (The Tran Nhan Tong Reconciliation Prize). Đây là giải thưởng quốc tế do Viện Nghiên cứu Trần Nhân Tông của Đại học Harvard trao tặng hàng năm dựa trên trên cơ sở thẩm định của Ủy ban Giải thưởng của Viện [2]. 


Ông Bùi Hữu Dược - Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ

Hòa giải là sự thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột hoặc đồng ý giải quyết những vấn đề bất đồng [3]. Hòa giải là hành động hàn gắn, đưa những đối lập lại với nhau, để hai phía hợp tác và nhượng bộ, khi đó hòa giải đạt kết quả thực sự. Hòa giải là con đường dẫn đến hòa bình lâu dài và hòa hợp ngay trong từng cá nhân giữa người với người,  cá nhân với xã hội hoặc cộng đồng xã hội với cộng đồng xã hội… Hòa giải tuân thủ quy trình từ tư tưởng tới hành động và kết quả. Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Nhân Tông thể hiện tư tưởng và kết quả hòa giải trên nhiều mặt đời sống xã hội qua ảnh hưởng trực tiếp của Ngài.

 Đối với nhân dân, Ngài lấy triết lý đạo Phật làm tư tưởng chủ đạo để cố kết nhân tâm, vun bồi trí đức cùng nhâu xây dựng cuộc sống an lạc, lấy lục hòa của Phật giáo để cùng nhau chung sống: Thân hòa đồng trụ; Khẩu hòa vô tranh; Ý hòa đồng duyệt; Giới hòa đồng tu; Kiến hòa đồng giải; Lợi hòa đồng quân (Thân hòa cùng ở; Lời nói hòa hợp không tranh cãi nhau; Ý thuận hòa cùng vui; Quy định đồng thuận cùng nhau tu tập; Thấy biết giãi bày cho nhau cùng hiểu; Lợi lộc cùng chia đều cho nhau thì không tranh dành). Trần Nhân Tông luôn tôn trọng và đề cao nhân dân trong công cuộc dựng nước và giữ nước. luôn thực hiện tinh thần hòa hợp giữa: vợ-chồng, cha- con, vua-tôi,.. tư tưởng “hòa quang đồng trần” đã thể hiện rất rõ tinh thần ấy.Hòa quang đồng trần” nghĩa là xem tất cả đều sáng, như  cây đèn, đèn lớn thì ánh sáng mạnh, đèn nhỏ tuy ánh sáng yếu nhưng ánh sáng của đèn lớn đèn nhỏ cùng tỏa sáng hòa chung thành một vùng sáng rộng lớn, vốn chẳng có khác, dù muôn ngàn cây đèn cũng cùng một ánh sáng, gọi là hòa quang đồng trần [4].

 Đối với trong nước tư tưởng hòa giải là nền tảng cốt lõi để tạo nên sức mạnh đoàn kết trong chống giặc ngoại xâm và trong xây dựng đất nước. Khi đất nước đứng trước sự xâm lăng của giặc phương Bắc, Trần Nhân Tông đã cho triệu tập các tướng lĩnh cùng bàn kế và khẳng định quyết tâm đánh giặc tại Hội nghị Bình Than và tổ chức Hội nghị Diên Hồng để tỏ rõ khí phách chống giặc của các bô lão toàn quốc. Hai hội nghị ấy thể hiện sự dân chủ, lòng tôn trọng của Vua đối với cấp dưới, đối với nhân dân của mình, là đỉnh cao trong nghệ thuật hòa thuận, chung sức chung lòng để giải quyết việc Quốc gia đại sự. Khi bên ngoài giặc lâm le xâm lược, trong nước phải tập trung cao độ cho chiến tranh, một số tù trưởng vùng phên dậu tỏ ra lạnh nhạt, bất tuân phục triều đình  như Trịnh Giác Mật - vùng Đà Giang, Trần Nhân Tông đã cử những vị Thân vương giỏi nhất, uy tín nhất như Trần Nhật Duật, thấu hiểu phong tục tập quán vùng biên cương, thân tới tận nơi làm gương úy lạo để thu phục nhân tâm, tránh hiểm họa ‘nồi da xáo thịt’. Sau chiến thắng quân Nguyên Mông xâm lược, trong lễ ban thưởng cho những người có công, Vua không cho mở hòm đựng thư của một số quan lại do quân báo thu được trong cuộc chiến (trong đó có chứa mật thư xin hàng vì sợ thế giặc mạnh) mà cho đốt trước Điện rồng. Việc làm ấy đã tránh được cảnh huynh đệ tương tàn, không gây thêm thù oán sau chiến tranh, tạo được lòng tin và sự kính trọng của quân dân đối với một vị Hoàng đế anh minh mà  khoan dung độ lượng, tạo nên ân đức, âm thầm khắc cốt ghi tâm của những người được tha thứ lầm lỗi không bị tai tiếng phản vua hại nước. Vì thế mà tất cả hết lòng phò Vua giúp nước thái bình, thịnh vượng.

Đối với  các nước lân bang, Trần Nhân Tông luôn thể hiện sự tôn trọng hòa bình, lấy hòa hiếu và sự tương trợ nhau để đối xử. Sau khi xuất gia, Ngài đã thân hành đi khắp nơi dạy dân về nếp sống lục hòa, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, thân tới tận nước lân bang Chiêm Thành dùng tư tưởng hòa giải nhằm thắt chặt mối đoàn kết, xe nhân duyên giữa Công chúa Huyền Trân và vua Chiêm Thành - Chế Mân. Trần Nhân Tông mong muốn về sự hòa hiếu bang giao giữa hai nước láng giềng, đồng thời cũng thể hiện tâm nguyện mong muốn một Quốc mẫu nhân từ có thể dùng đức hiếu sinh Phật giáo của người Việt mà chuyển hóa nhân tâm, dần thay đổi tập tính của người Chiêm Thành, tránh đi những cuộc tương tàn giữa hai bên lúc bấy giờ. Tiếc thay mối nhân duyên ấy chỉ được gần một năm Chế Mân đã băng hà.

Đối với kẻ thù xâm lược, khi đánh đuổi giặc xâm lược thì vua tôi “sát thát” một lòng giết giặc. Khi giặc thua thì nhìn thấy thây giặc chết mà thương người vì tham, bạo, vô minh mà tử trận nên lệnh cho người chôn cất tử tế. Đối với quân thua trận đã quy hàng thì tha cho về nước, cho lương ăn, cho người bảo vệ. Lịch sử còn ghi Hưng Trí Vương Trần Quốc Nghiễn vì mải truy sát quân giặc, chưa biết lệnh Vua tha cho quân thua trận, nên vẫn chỉ huy quân đánh vào đoàn quân giặc thua trận chạy về nước, mà phạm tội giết kẻ thù đã quy hàng, không được tính công ban thưởng. Anh minh rạch ròi ấy không chỉ quân thù tâm phục khẩu phục, mà quân dân trong nước cũng ngợi ca về một bậc minh quân anh hùng mà nhân hậu hết mực.

Tư tưởng hòa giải của Trần Nhân Tông là sự kết tinh của tình thương người từ truyền thống Việt Nam với đức và trí của Phật Giáo được thể hiện trong bối cảnh lịch sử hiện tại lúc bấy giờ. Từ nhỏ Trần Nhân Tông đã học Phật trong một xã hội Phật giáo được tôn trọng đề cao, theo truyền thống của Trần tộc lấy Phật giáo làm mực thước ứng xử. Trần Nhân Tông từ nhỏ đã được học Phật pháp với Tuệ Trung Thượng sĩ - Hưng Ninh Vương Trần Tung, người bác trong hoàng tộc, người uyên thâm về Phật giáo lúc bấy giờ. Vốn mang chủng tử và căn tính thông minh, năm 16 tuổi Trần Nhân Tông đã được Tuệ Trung Thượng sĩ ấn chứng là người liễu đạo (chứng đạo Phật) [5]. Vì thế khác với tất cả các vị vua ở Việt Nam, Trần Nhân Tông là một người liễu đạo (như nhà sư) làm vua nên trong Ông luôn mang tư tưởng từ bi, khoan dung và nhãn quan thấu triệt tính “hòa quang đồng trần” của Phật giáo. Bởi thế Trần Nhân Tông khi giải quyết vấn đề luôn trước hết thể hiện tính khoan hòa trong mọi vấn, mọi lúc, mọi nơi, ứng xử ấy phù hợp với lục hòa của Phật giáo đã thấm đẫm trong người Trần Nhân Tông từ bé. Nhưng khi đã quyết làm thì rành mạch nghiêm minh. Với kẻ thù, với cái sai không khoan nhượng, với người yếu luôn vị tha, luôn khoan dung hướng tới sự cải hóa tốt đẹp. Tấm lòng độ lượng, tư tưởng hòa giải đã thu phục được cả xã hội và các nước lân bang lúc bấy giờ. 15 năm trên ngôi vị Hoàng đế, Đại Việt trở thành quốc gia hùng mạnh về nhiều mặt từ quân sự, văn hóa, kinh tế,… Trên ngai vàng hay trong mọi vị thế Trần Nhân Tông không chỉ giỏi điều binh khiển tướng đánh giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước, Ngài còn là nhà chiến lược tài ba trong kiến thiết đất nước, là nhà văn hóa lớn với nhiều áng thơ văn kiệt tác, nhà tu hành xuất thế luôn gắn đạo với đời trang nghiêm mà giản dị “ Mình ngồi thành thị, nết dụng sơn lâm” [6]. Ở lĩnh vực nào Ngài cũng là đỉnh cao của tài năng và trí tuệ trác việt thể hiện sự hào sảng nhưng đầy chất nhân văn của một bậc minh quân - bậc thiền sư xuất thế trong chốn nhân gian.

Bảy trăm mười năm sau khi Trần Nhân Tông viên tịch, nhưng tư tưởng hòa giải và tấm gương công hạnh của Ngài vẫn còn nguyên tính thời sự để hậu thế chúng ta học tập. Tư tưởng hòa giải của Trần Nhân Tông cần được đề cao, được vận dụng để đoàn kết người Việt Nam trong và ngoài nước cùng chung nhau xây dựng quê hương Việt Nam. Đoàn kết cùng bạn bè quốc tế, đoàn kết các tôn giáo chia sẽ kinh nghiệm, chia sẽ thành tựu để hướng tới xây dựng một xã hội hòa bình, an vui, hạnh phúc./.

Tài liệu tham khảo:

1. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

2. Giác ngộ online.

3.  Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 1997,tr 430.

4. Google .duy lực ngũ lục.

5.  Lê mạnh Thát- Phật giáo triều Trần, 2004.

6.  Cư trần lạc đạo phú.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận