“Chúng ta khẳng định không bao giờ bỏ cuộc, vì đây là vấn đề sự thật và lẽ phải, đánh động đến lương tri mọi người ở nhiều quốc gia, nhiều tầng lớp người. Đây không chỉ là chuyện quá khứ, chuyện chiến tranh, mà là chuyện của cuộc sống ngày hôm nay”.
Nhìn nhận trên của TS Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, một nhà nghiên cứu lịch sử về vụ kiện da cam do người phụ nữ Pháp gốc Việt có tên gọi Trần Tố Nga đứng nguyên đơn hẳn cũng là nhìn nhận của nhiều người khi nhìn lại thảm họa da cam đã xảy đến trên đất nước hình chữ S cách đây tròn 6 thập kỷ.
Thực sự, nếu cảm nhận và thấm được, dù chỉ là phần nào nỗi đau mà thảm họa chất độc hóa học được xem là chưa từng có trong lịch sử loài người để lại và di chứng đến ngày hôm nay, thấy rõ đây không chỉ là câu chuyện nhân đạo, mà là câu chuyện của lương tri và công lý. Dù tất cả các bên đều đang nỗ lực “gác lại quá khứ để hướng tới tương lai” nhưng có những điều quả thật không thể bị lãng quên, thậm chí còn đang tiếp diễn tại Việt Nam sau gần nửa thế kỷ chiến tranh kết thúc.
Nỗi đau lớn để lại…
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam dẫn nhiều tài liệu thực tế chứng minh, cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366kg dioxin xuống các cánh rừng, các thôn ấp, các khu đất trồng trọt với tổng diện tích 3,06 triệu ha, gần bằng 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam, vượt gấp 17 lần mật độ cho phép sử dụng trong nông nghiệp Mỹ; trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần.
Với một lượng khổng lồ chất độc hóa học phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn; chức năng giữ nước chống lụt của rừng bị suy giảm; đa dạng sinh học bị suy thoái và trở nên nghèo nàn; một số loài động vật thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng; các loài gậm nhấm và cỏ dại phát triển. Tại các sân bay quân sự của Mỹ trước đây dùng để lưu giữ, pha trộn, tiêu hủy chất độc hóa học, nồng độ dioxin vẫn còn cao hoặc rất cao, đặc biệt tại các sân bay: Đà Nẵng, Biên Hòa và Phù Cát. Năm 2011, nồng độ dioxin trong khu ô nhiễm tại sân bay Biên Hòa cao nhất là 963.000 tpp - TEQ; trong máu của một người dân kinh doanh và thu hoạch hải sản bị nhiễm dioxin tại đây là 2.020 tpp - TEQ (trong khi nồng độ cho phép trong máu ở một số nước công nghiệp phát triển là từ 0,4 đến 0,7 tpp - TEQ).
Chất độc da cam (CĐDC) đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới cho thấy, chất độc da cam/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể, gây ung thư da, tổn thương da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường; làm tổn thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh; có vai trò quan trọng gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Các bệnh phổ biến ở con, cháu người nhiễm CĐDC là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3; qua khảo sát tại một số địa phương, hậu quả CĐDC đã di nhiễm sang thế hệ thứ 4. Không chỉ người Việt Nam mà nhiều lính Mỹ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand… từng tham chiến ở Việt Nam trước đây cũng mắc nhiều bệnh tật do phơi nhiễm CĐDC. Theo Đô đốc Elmo Zumwalt - nguyên Tư lệnh các lực lượng Hải quân Mỹ ở Việt Nam (1968 - 1970), có ít nhất 2.100 binh sĩ Mỹ bị phơi nhiễm CĐDC.
"Trong ngoại giao, bình thường hóa các quan hệ, Việt Nam đã rất biết điều, kiềm chế và khôn ngoan nữa. Nhưng trong những vấn đề hậu chiến, nỗi đau và lẽ phải không bao giờ được phép lãng quên. Kiện để lấy lại công bằng - công lý cho nạn nhân CĐDC là điều đương nhiên và phải kiên trì kiện. Điều này sẽ không hề ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước, và chúng ta còn có được sự ủng hộ lớn từ lương tri của các công dân Mỹ" .
Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh
|
…Hành trình can trường của người phụ nữ Pháp gốc Việt
“Người phụ nữ can trường” - là nhìn nhận của báo chí trong nước và thế giới về bà Trần Tố Nga, người phụ nữ Pháp gốc Việt. Ở tuổi 80, bệnh tật và không hề dư dả về tiền bạc, bà đã “một mình một vụ kiện da cam” đối đầu với 19 công ty hóa chất Mỹ hơn 6 năm qua để đòi công lý cho gần 5 triệu nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam. Sự thán phục càng lớn hơn khi đây có thể xem là vụ kiện hy hữu trong lịch sử tư pháp của nước Pháp nói riêng và quốc tế nói chung bởi người kiện là một cá nhân chống lại các tập đoàn đa quốc gia đã bằng sản phẩm của mình tham gia phá hoại thiên nhiên và đầu độc con người. Chưa hết, trước vụ kiện của bà Trần Tố Nga, các nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam 3 lần kiện thì cả 3 lần đều bị các tòa án Mỹ bác bỏ. Ngay cả Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA) trước năm 2009 cũng đã bị Tòa án tối cao của Mỹ bác đơn kiện. “Một mình một vụ kiện da cam” - vì thế gian nan và khó khăn đầy ắp.
Nhưng với bà Trần Tố Nga, khó khăn, gian nan ấy chẳng là gì so với niềm hy vọng đòi được công lý suốt bao nhiêu năm qua của hơn 4 triệu nạn nhân CĐDC Việt Nam. Hơn thế nữa, đó còn là “món nợ” mà bà quyết phải trả được cho chính bà, một phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Giải Phóng, từng sống và làm việc trong những cánh rừng là trọng tâm của chiến dịch rải chất độc hóa học khai quang những năm 1966 - 1970, và cho rất nhiều bạn bè đồng chí, con gái, cháu ngoại của bà đã mắc phải trọng bệnh bởi những năm tháng chiến tranh phải hứng chịu những “cơn mưa da cam”. Thêm vào đó, như bà Trần Tố Nga chia sẻ, dù đang mang trọng bệnh ung thư, dù tuổi cao, dù đang trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, nhưng bà thấy mình không hề đơn độc và yếu ớt bởi “Người Việt ở Việt Nam, người Việt và Pháp ở Pháp, người Việt và người Mỹ ở Mỹ, những cựu chiến binh quân đội Việt Nam, Pháp, Mỹ đều chấm nước mắt khi nghe tôi nhắc về cuộc chiến tranh Việt Nam, về những hậu quả thảm khốc của CĐDC. Họ thu thập chữ ký, quyên góp tài chính, mua sách, tổ chức mittinh, biểu tình để ủng hộ vụ kiện...”.
10 năm đằng đẵng bà dày công chuẩn bị bị các giấy tờ, tài liệu chứng minh mình thực sự là một nạn nhân da cam để có thể khởi kiện theo luật pháp ở Pháp. Trong khoảng 6 năm gần đây, bà cùng luật sư và những người ủng hộ đã trải qua 19 phiên chuẩn bị tại tòa án mới có thể đi tới phiên xét xử chính thức ngày 25/1/2021. Dù ngày 10/5/2021, Tòa đại hình Evry (ngoại ô Paris) đã bác bỏ vụ kiện... nhưng người phụ nữ can trường cho biết bà sẽ không bao giờ nản lòng, sẽ tiếp tục kháng cáo và rằng dù sao hành trình đến nay vẫn là một thắng lợi. "Tôi ấm lòng và được tiếp thêm sức mạnh. Tôi đã chuẩn bị cho chặng đường rất dài tiếp theo, cho dù phán quyết có như thế nào - bởi dù có thế nào thì vẫn sẽ có một bên kháng cáo. Khó khăn vẫn chồng chất đó, năm tháng vẫn dài rộng đó, mà sức tôi có hạn. Nhưng tôi đã rất yên tâm, vì nếu cuối đường không còn tôi thì vẫn còn các bạn" - bà Trần Tố Nga chia sẻ trong buổi tọa đàm “vụ kiện da cam và hành trình đòi công lý”.
Còn bạn bè, những người đồng hành cùng bà, như chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, thì vững một niềm tin rằng: “Chị Nga và cả chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc vì chúng ta có sự thật và lẽ phải"./.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3; qua khảo sát tại một số địa phương, hậu quả CĐDC đã di nhiễm sang thế hệ thứ 4. |
Hà Anh